Người Việt Khắp Nơi

Phụ nữ Việt gặp lại vị thuyền trưởng tàu chở hàng từng cứu sống cả ngàn thuyền nhân Việt

Sunday, 17/09/2017 - 11:00:35

Sau bốn thập niên, ông Healey gặp lại cô Ann. Ngày gặp lần đầu Ann chỉ là cô bé 15 tuổi, đứng mếu máo khóc khi nước biển bắt đầu dâng lên cao hơn đầu gối.


Bà Ann Bates gốc Việt gặp lại ông Healey Martin trong một viện dưỡng lão tại Bắc Ái Nhĩ Lan sau gần 40 năm. (Hình: Belfast Telegraph)

BELFAST - Một cựu thuyền trưởng ở County Tyrone, Bắc Ái Nhĩ Lan (Ireland) đã hội ngộ với một phụ nữ Việt, là người tị nạn Việt Nam mà ông cứu sống cách nay gần 40 năm. Khi chiếc tàu chở hàng của ông nhìn thấy chiếc tàu chở người tị nạn sắp chìm giữa Biển Đông, cô Ann Bates gốc Việt là một trong số những người đó.

Theo tin của nhật báo Belfast Telegraph, số ra ngày 13 tháng 9, 2017, vào năm 1979, ông Healey Martin, 79 tuổi, là thuyền trưởng một chiếc tàu chở hàng. Dưới sự chỉ huy của ông, tàu đã giải cứu hơn 1,000 thuyền nhân Việt Nam đang tuyệt vọng trên hai chiếc tàu tìm cách thoát chế độ Cộng Sản. May cho các thuyền nhân, và khốn đốn cho ông thuyền trưởng, khi con tàu của ông bất ngờ phát giác hai chiếc tàu đang kêu cứu với chật cứng người ở bên trong.

Sau bốn thập niên, ông Healey gặp lại cô Ann. Ngày gặp lần đầu Ann chỉ là cô bé 15 tuổi, đứng mếu máo khóc khi nước biển bắt đầu dâng lên cao hơn đầu gối.

Cuộc hội ngộ diễn ra thật cảm động sau khi cô Ann tìm ra ông Healey sống ở viện dưỡng lão Nightingale Nursing Home, ở County Tyrone. Cô vội vã thu xếp và cùng chồng cô rời thủ đô London bên Anh để tới thăm vị cựu thuyền trưởng mà cô gọi là "người hùng” của cô.

Ông Healery rất xúc động, nói rằng ông không thể nhớ nổi Ann là ai. Cả ngàn người nhốn nháo trên hai chiếc tàu. Ông biết cuộc hội ngộ này thực sự quan trọng đối với cô, nhưng cũng biết nó mang lại nhiều kỷ niệm đau đớn. Ông nói khi Ann vừa nhìn thấy ông, hầu như cô suýt nhảy lên chiếc ghế ông đang nằm. Cô nói không dứt, nhắc lại những chuyện cũ, và gọi ông là một "người hùng" của thuyền nhân Việt Nam.  

Ông Healey nói, "Khi biết những người mà tôi cứu vớt có một cuộc sống tốt đẹp, có được hạnh phúc và tương lai rộng mở, tôi cảm thấy mình vui lây và hạnh phúc lây."

Ông nhớ lại lúc đó tàu chở hàng của ông đang lướt sóng trong khu vực giữa Biển Đông thì thủy thủ của ông nhìn thấy chiếc tàu chở hơn 600 người tị nạn đang vẫy tay kêu cứu.

Vào thời điểm đó, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã tàn ác như mọi lần. Nhà cầm quyền đã cướp tài sản của dân qua sự việc làm ngơ trước hoạt động của các cán bộ địa phương trong việc thu nhận tiền, và vàng, của nhiều người muốn thoát khỏi Việt Nam, mà trong đó có nhiều người Việt gốc Hoa, nhét họ lên những chiếc tàu đã chật cứng người, đẩy tàu ra khơi và để cho mặc các thuyền nhân chết sống ở đại dương.

Theo luật hàng hải, một chiếc tàu nhận được lời kêu cứu khẩn cấp từ một chiếc tàu gần đó phải cung cấp sự trợ giúp. Thuyền trưởng Healey và 47 thủy thủ đoàn chứng kiến những cảnh đau lòng, trong đó có cảnh một người mẹ trẻ phải thả xác con xuống biển sau khi đứa bé chết trên tàu. Ông nói cảnh đó làm vợ ông Mildred thương xót. Vợ ông đứng ra chăm sóc những đứa trẻ, tắm rửa cho chúng và cho chúng ăn. Sau đó, tàu của ông gặp một chiếc tàu thứ nhì của người tị nạn. Tình cảnh của những người này còn tệ hơn, vì trên tàu không có cả nhà vệ sinh. Phân nửa người tị nạn hấp hối chờ chết.

Ông Healey cho biết nhiều người viết thư cho ông khen ngợi ông làm một việc tốt. Nhưng cũng có nhiều người nói thẳng họ không thích điều ông đã làm. Họ hỏi tại sao ông làm như vậy. Họ còn đề nghị công ty của ông sa thải ông ngay, sau khi ông mang hàng ngàn người tị nạn vào nước họ. Ông xác nhận dân chúng Vương Quốc Anh lúc ấy không thích người tị nạn.

Ông Healey nói lúc đó ông cũng cảm thấy tiến thoái lưỡng nan, vì những người trên chiếc tàu thứ nhì hôi hám quá. Trên người họ chỉ có phân và nước tiểu. Cuối cùng ông cũng giải quyết được chuyện cho họ tắm rửa, nhưng thực phẩm và nước uống cũng là một vấn đề nam giải. Ông chỉ chuẩn bị thực phẩn cho 47 người, mà giờ đây phải nuôi cả ngàn miệng ăn!

Sau đó, tàu chở người tị nạn ghé vào Hồng Kông, nhưng chính quyền Hồng Kông không cho phép người tị nạn lên bờ. Ông Healey buộc phải thả neo tại đó hai tuần, chờ công ty của ông là Bank Line gởi phi cơ tới để chở người tị nạn về Vương Quốc Anh.

Lúc bấy giờ cô Ann đi vượt biên một mình. Cô ổn định cuộc sống ở Anh Quốc, đi học và làm y tá ở một bệnh viện gần thành phố Dover. Cô Ann gặp chồng cô tại đó. Cứ mỗi Giáng Sinh, cô lại gởi thiệp chúc mừng tới ông Healey, vì chiếc tàu của cô được ông Healey cứu vớt cũng vào mùa Giáng Sinh. Cô Ann gọi ngày đó là sinh nhật của cô.

Theo ông Healey, cô Ann có một trí nhớ rất tốt về những gì xảy ra trong ngày hôm đó. Ngoài cô Ann, cũng có vài người tị nạn khác nhớ tới ông và viết thư cho ông. Ông nhắc tới một cô bé khác được đưa tới Colwyn Bay thuộc xứ Wales. Vì cô bé không biết tên mình là gì nên các thủy thủ lấy tên chiếc tàu "Sibonga" đặt tên cho cô bé.

Thuyền trưởng Healey Martin có hai người con là Healey và Judith. Người con lớn sống ở Bleary và người con nhỏ sống ở Moira. Vợ ông qua đời năm 2014. Ông nói ông và cô Ann vẫn giữ liên lạc với nhau.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT