Đời Sống Việt

Phù thủy lúc giữa trưa

Thursday, 01/01/2015 - 07:40:50

Nhiều người mua vé xong mới biết mình đã lầm lẫn không phân biệt rõ hai ban nhạc lừng danh này. Nhưng đối với người ít sành điệu như tôi thì ban nhạc nào cũng tốt, chơi cũng hay, cũng tuyệt vời.

Bài CAO THU CÚC

Những cơn gió lạnh đầu mùa đã đẩy khách giải trí tìm vào căn phòng lộng lẫy ấm áp và rực sáng ánh đèn. Khách đã ngồi kín cả phòng và nôn nao chờ đợi.
London Symphony Orchestra hay London Philharmonic Orchestra?
Nhiều người mua vé xong mới biết mình đã lầm lẫn không phân biệt rõ hai ban nhạc lừng danh này. Nhưng đối với người ít sành điệu như tôi thì ban nhạc nào cũng tốt, chơi cũng hay, cũng tuyệt vời.

Hệ thống âm thanh của nhà hát Davies Symphony Hall (hình: Cao Thu Cúc)



Ban nhạc London Philharmonic Orchestra
Ban nhạc London Philharmonic Orchestra là một trong những dàn nhạc nổi tiếng trên bình diện quốc tế, được thành lập từ năm 1932 và hiện nay do Vladimir Jurowski làm nhạc trưởng. LPO thường xuyên trình diễn ở nước Anh và thường có những chuyến đi diễn ở nước ngoài. Chương trình năm 2014, 2015 sẽ là khắp Châu Âu, kể cả Iceland, nhiều chuyến đến Mỹ, Canada và China. LPO sẽ trình diễn ở Davies Symphony Hall ở San Francisco trong ngày 12/10/2014 với các nhạc phẩm The Noonday Witch của Dvorak, Bản Hòa Tấu Dương Cầm số 3 của Prokofiev và Bản Giao Hưởng số 6 Pathetique của Tchaikovsky. Ngày 13/10/2014 thì trình diễn các tác phẩm của Lindberg, Rachmaninoff và Shostakovich.

Phù Thủy lúc giữa trưa (The Noonday Witch)
Một đứa bé ngồi chơi trong một căn lều nhỏ, người mẹ đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho người chồng đi làm ngoài đồng sắp về. Đứa bé bỗng nhiên khóc thét lên. Người mẹ cố gắng dỗ dành và ném cho đứa con hư của mình nhiều đồ chơi. Đứa bé im lặng chơi được một lúc rồi nó lại khóc. Bực tức người mẹ dọa: “Nín đi, nếu không Mụ Phù Thủy Giữa Trưa sẽ đến bắt con bây giờ.” Vừa nói xong, mụ phù thủy xuất hiện tức thì. Đó là một mụ già lưng còng khăn trùm kín đầu chống gậy bước vào. Vô cùng sợ hãi, người mẹ ôm lấy đứa con và chạy trốn. Mụ già rượt theo và vươn tay chụp đứa bé. Người mẹ vẫn giữ chặt đứa con của mình và kinh hoàng ngã xuống bất tỉnh. Vừa lúc đó vang lên mười hai tiếng chuông điểm giờ, mụ phù thủy lập tức biến mất. Người chồng trở về cứu tỉnh người vợ nhưng đứa con thì đã chết ngạt trong vòng tay che chở của mẹ nó.

Đây là một bài thơ do Karel Jaromir Erben viết lại dựa theo một câu chuyện cổ tích kỳ lạ có kết cục bi thảm trong truyện thần thoại Slav.
Dvorak (1841-1904) nhà sáng tác nhạc người Séc (Czech), đã viết tác phẩm The Noonday Witch theo câu chuyện này. Âm nhạc theo sát diễn biến tâm lý của nhân vật. Mở đầu âm nhạc nhẹ nhàng, có khi thì thầm êm dịu như lời dỗ dành của người mẹ. Tiếng khóc của đứa bé vang lên trong tiếng kèn oboe. Đoạn cuối là phần âm nhạc phức tạp và dữ dội nhất: Nỗi sợ hãi của người mẹ, sự đắc thắng của mụ phù thủy, kết cục là nỗi kinh hoàng của người chồng khi trở về nhà. Kết thúc màn trình diễn là những tiếng thở ra nhẹ nhàng chấm dứt mười bảy phút tập trung căng thẳng cùng những tràng pháo tay vang dội. Một câu chuyện cổ tích có tâm lý phức tạp được diễn tả bằng âm nhạc. Đây là một bản giao hưởng thơ phổ biến nhất trong năm bản giao hưởng được Dvorak sáng tác dựa trên truyện cổ tích và thần thoại Séc của quê hương ông.

Khán giả ngồi kín phòng và đang chờ đợi (hình: Cao Thu Cúc)



Câu chuyện cổ tích về tình mẹ con sao mà lạ quá! Chỉ vì tiếng khóc của đứa bé thôi mà dẫn đến một kết cục bi thảm. Văn học dân gian Việt Nam không thiếu những câu chuyện những câu ca câu hò về tình mẫu tử, những lời ru những câu hò để ru để dỗ dành những đứa trẻ còn nhỏ dại như bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em:

Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi...

Cái ngủ mày ngủ cho ngoan,
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về...

Câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương cũng là một câu chuyện rất cảm động về tình mẹ con. Người mẹ đã bày ra một trò chơi rất thú vị để dỗ dành đứa bé khi cha nó phải đi đánh giặc phương xa.
Trong truyện cổ tích Việt Nam, yếu tố siêu nhiên thường xuất hiện là Tiên hay Phật hiện ra để cứu người hơn là để hại người. Văn hóa hai phương trời xa có những điểm khác nhau đầy ấn tượng.

Prokofiev và Bản Hòa Tấu số 3
Prokofiev sinh ở Nga (1891) và chết cũng ở Nga (1953), cùng ngày chết với Stalin! Sau cuộc cách mạng, ông rời nước Nga đến ở nước Mỹ một thời gian, sau đó ông qua Đức rồi qua Pháp, sinh sống bằng nghề sáng tác nhạc, chơi đàn dương cầm và làm nhạc trưởng. Năm 1936, ông cùng gia đình trở về quê hương và sống ở đó cho đến cuối đời. Khách yêu nhạc cổ điển quen thuộc với hai vở ballet của ông là Romeo- Juliet và Cinderella cùng vô số những tác phẩm khác nổi tiếng của ông.
Bản Hòa Tấu Dương Cầm số 3 được ra mắt lần đầu tiên vào ngày 16/12/1921 tại một buổi hòa nhạc ở nhà hát Chicago Symphony. Trong buổi ra mắt này, Prokofiev đã độc diễn đàn dương cầm. Prokofiev nổi tiếng với điệu nhạc rộn ràng mạnh mẽ, tiếng nhạc có sức cuốn hút mạnh. Một người bạn của ông đã có một nhận xét rất hay về sự linh hoạt của hai yếu tố trái ngược nhau trong tiếng nhạc của ông, đó là vừa vui tươi vừa sâu lắng. Ông nói: “Khi nghe nhạc của Prokofiev, tôi luôn luôn nghĩ đến tính cách của anh ta khi nói chuyện - khôn khéo, thành thật, đôi khi hùng hồn dứt khoát nhưng thông thường rất thanh lịch.”
Những tràng pháo tay không dứt đã khiến nhạc sĩ dương cầm Jean-Eflam Bavouzet trở ra sân khấu và chơi một bản nhạc ngắn tài hoa thì mọi người mới chịu rời chỗ ngồi để nghỉ giải lao mười lăm phút.

Tchaikovsky và Bản Giao Hưởng số 6, Pathetique
Nói đến Tchaikovsky (1840-1893) nhà sáng tác nhạc người Nga, mọi người nghĩ ngay đến những tác phẩm lừng danh quen thuộc của ông như Hồ Thiên Nga, Người Đẹp Ngủ Trong Rừng; vào dịp Noel thì người ta lại náo nức đi xem The Nutcracker, xem đi xem lại mãi mà vẫn không chán.
Bản Giao Hưởng số 6 là một thành công lớn khác vào cuối đời của nhà sáng tác nhạc thiên tài này. Một bản nhạc mà “trong khi chuẩn bị trong trí tưởng, ta đã khóc rất nhiều”. Trong thư gởi cho Vladimir Davydov mà ông thường gọi là Bob, người cháu thân thiết của ông, người mà ông đã đề tặng bản nhạc này, ông viết tiếp: “Ta đã sáng tác nó với sự hân hoan và lòng chân thành... Ta yêu nó hơn tất cả những bản nhạc khác của ta... Ta đã đặt tất cả tâm hồn vào bản nhạc này... Đó là bản nhạc hay nhất mà ta đã viết ra...” Bản giao hưởng này đề cập đến đề tài Số Phận và Cái Chết, những chủ đề đã xuất hiện trong Bản Giao Hưởng số 4, số 5, và cả trong bản giao hưởng cuối cùng mà ông không hoàn tất được.
Bản nhạc được ra mắt lần đầu tiên vào ngày 28/10/1893 ở Saint Petersburg mà chính ông là nhạc trưởng, chín ngày trước khi ông qua đời. Tchaikovsky không kịp dự buổi ra mắt lần thứ hai sau đó hai mươi ngày cũng tại nhà hát trên, được tổ chức một phần cũng là để tưởng niệm nhà soạn nhạc thiên tài đã để lại cho nhân loại một di sản vô cùng phong phú và cao quý.

Ba nhạc sĩ lừng danh đã gặp nhau trong một buổi chiều êm ả và những nhà nghệ sĩ tài hoa của ban nhạc London philharmonic Orchestra đã làm sống dậy ba tiếng nói tâm hồn khác nhau: Prokofiev vui tươi mạnh mẽ, Dvorak bí ẩn và Tchaikovsky vừa trữ tình vừa đầy kịch tính. Ba tiếng nhạc có âm sắc mạnh mẽ đã truyền cho người nghe một sức sống mới, đầy đủ hương vị mà một đời người có thể nếm trải qua.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT