Thế Giới

Putin bất ngờ cách chức 15 tướng lãnh

Tuesday, 28/08/2018 - 08:57:11

Trong danh sách bị giải ngũ có lãnh đạo cơ quan Tình trạng khẩn cấp khu vực Tomsk - ông Mikhail Begun, phụ tá Bộ Trưởng Nội Vụ khu vực Saratov - ông Andrei Boiko, lãnh đạo Cơ quan hành pháp vùng Komi – ông Igor Vaneev, Giám Đốc Nội Vụ khu vực Ulyanovsk - Yuri Varchenko, và phó Giám đốc thứ nhất Ủy Ban Điều Tra Quân Sự phương nam – ông Dmitry Vasiliev.

MOSCOW - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thứ Ba đã ký sắc lệnh cách chức 15 vị tướng thuộc các cơ quan gồm Bộ Nội Vụ, Bộ Tình Trạng Khẩn Cấp, Cơ quan hành pháp và Ủy ban Điều tra liên bang. Trong danh sách bị giải ngũ có lãnh đạo cơ quan Tình trạng khẩn cấp khu vực Tomsk - ông Mikhail Begun, phụ tá Bộ Trưởng Nội Vụ khu vực Saratov - ông Andrei Boiko, lãnh đạo Cơ quan hành pháp vùng Komi – ông Igor Vaneev, Giám Đốc Nội Vụ khu vực Ulyanovsk - Yuri Varchenko, và phó Giám đốc thứ nhất Ủy Ban Điều Tra Quân Sự phương nam – ông Dmitry Vasiliev. Nhà chức trách Nga không cho biết nguyên nhân dẫn đến các quyết định của tổng thống.

Đức Giáo Hoàng không có ý định từ chức
VATICAN - Đức Giáo Hoàng Francis không có ý định từ chức, dù đang phải đối mặt với các thông tin cho rằng Ngài đã bảo vệ một cựu tổng giám mục, người từng bị cáo buộc quấy rối tình dục, theo truyền thông Ý dẫn một số nguồn tin cho biết. Đức Giáo Hoàng vừa vướng vào vụ rắc rối mới, khi Tổng Giám Mục Carlo Vigano, cựu đại sứ Vatican tại Hoa Kỳ, viết thư cáo buộc rằng, Đức Giáo Hoàng Francis và người tiền nhiệm – Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, biết rõ về các vụ quấy rối tình dục gây ra bởi Hồng Y Theodore McCarrick, cựu tổng giám mục tại Washington.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho rằng, Đức Giáo Hoàng Francis, 81 tuổi, không có ý định từ chức. Theo ông Vigano, các vị giáo hoàng Francis và Benedict biết rõ rằng Tổng Giám Mục McCarrick “là một kẻ lạm dụng hàng loạt.” Hồng Y McCarrick đã từ chức vào tháng 7 năm nay, sau khi bị cáo buộc lạm dụng tình dục nhiều người, bao gồm cả trẻ em. Luật Sư Barry Coburn của ông McCarrick gọi các cáo buộc của ông Vigano là “hết sức nghiêm trọng.”

Công dân Nhật bị Bắc Hàn bắt giữ đã về Tokyo
TOKYO - Sau khoảng 3 tuần bị bắt giam, anh Sugimoto được Bắc Hàn trả tự do và đã quay về quê hương. Anh Tomoyuki Sugimoto, công dân Nhật bị Bắc Hàn bắt giữ hồi đầu tháng, đã trở về thủ đô Tokyo vào thứ Ba bằng chuyến bay từ Bắc Kinh, Trung Quốc. Trước đó, người đàn ông 39 tuổi này tới Bắc Kinh trên chuyến bay của hãng hàng không Bắc Hàn Air Koryo, khởi hành từ Bình Nhưỡng. Anh Sugimoto tới Bắc Hàn du lịch, sau đó bị chính quyền nước này bắt giữ để điều tra. Tuy nhiên, thời gian và lý do chính xác khiến anh bị bắt vẫn chưa rõ ràng. Hãng truyền thông Bắc Hàn KCNA thông báo, chính quyền "quyết định tha thứ và trục xuất Sugimoto vì nguyên tắc nhân đạo.”
Nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản tiết lộ, Sugimoto là một nhà quay phim và có khả năng anh này bị nghi ngờ quay lén video tại một căn cứ quân sự ở Nampo, khi du lịch tới thành phố cảng này. Trong buổi họp báo hôm thứ Ba, Ngoại Trưởng Nhật Taro Kono cho biết chính phủ đang dự định thẩm vấn Sugimoto, nhưng sẽ không điều tra sâu hơn. Sự việc diễn ra trong lúc Tokyo được cho là đang nỗ lực tổ chức cuộc họp riêng với Bình Nhưỡng nhằm giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm việc Bắc Hàn bắt cóc công dân Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng nhiều lần khẳng định vấn đề "đã được giải quyết" và tỏ ý không muốn đối thoại với Tokyo về chủ đề này nữa.
Nhật Bản khuyến cáo công dân không nên tới Bắc Hàn du lịch, như là một phần của biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia này, và cũng vì nhiều người Nhật đã từng bị bắt khi tới đây. Vào năm 1999, một phóng viên Nhật bị Bình Nhưỡng bắt giam với cáo buộc gián điệp và được thả sau 2 năm. Tới năm 2003, một thương nhân bị bắt vì nghi ngờ buôn lậu ma túy, sau đó mất tới hơn 5 năm để rời khỏi Bắc Hàn.

Duterte lại bị kiện ra tòa quốc tế
MANILA – Vào thứ Ba, các nhà hoạt động và gia đình của 8 nạn nhân thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy tại Phi Luật Tân đã gởi đơn tới Tòa Hình Sự Quốc Tế ICC, cáo buộc Tổng Thống Rodrigo Duterte phạm tội giết người và gây tội ác chống nhân loại. Hồ sơ kiện dày 50 trang kêu gọi kết tội ông Duterte, về những điều mà hồ sơ này mô tả là hàng ngàn vụ giết người không qua xét xử, bao gồm cả những vụ hành quyết gây ra bởi lực lượng cảnh sát được đặc quyền miễn trừng phạt.
Hồ sơ cũng cho biết, những người chỉ trích chiến dịch chống ma túy của ông Duterte đều bị quấy rối, và đơn kiện của các gia đình nạn nhân đều bị phớt lờ. Hồ sơ kiện được gởi lên ICC theo sau một đơn kiện tương tự được nộp vào tháng 4, 2017, bởi một luật sư Phi Luật Tân. Tòa án ICC đã bắt đầu mở cuộc kiểm tra đầu tiên vào tháng 2 năm nay. Đơn kiện mới nhất được thực hiện bởi một nhóm các nhà hoạt động, các linh mục, và thành viên của một cộng đồng dân cư nghèo, nơi bị đàn áp nặng nề nhất trong cuộc bố ráp của ông Duterte. Đơn kiện còn có lời khai của 6 thân nhân của 8 người bị cảnh sát giết hại.
Ông Neri Colmenares, luật sư đại diện cho nhóm nguyên đơn, khẳng định chính bản thân Tổng Thống Duterte phải chịu trách nhiệm vì đã ra lệnh cho cảnh sát thực hiện các vụ giết người hàng loạt. Trong khi đó, ông Duterte nói rằng ông chỉ cho phép cảnh sát bắn người nếu mạng sống của họ bị đe dọa. Trong bài diễn văn thường niên trước người dân vào tháng trước, Tổng Thống Duterte tuyên bố, cuộc chiến chống ma túy sẽ vẫn “mạnh mẽ và cứng rắn” như đã diễn ra vào 2 năm trước đây.


Người Rohingya đòi công lý sau báo cáo Liên Hiệp Quốc về cuộc đàn áp của Myanmar
BANGLADESH - Cộng đồng người Hồi giáo Rohingya tị nạn tại Coxs Bazar, Bangladesh, vào hôm thứ Ba đã lên tiếng đòi công lý, sau khi Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo cho rằng quân đội Myanmar đã thực hiện các vụ tấn công với “ý đồ diệt chủng.” Báo cáo được công bố vào ngày thứ Hai bởi các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc, nói rằng quân đội Myanmar đã thực hiện các vụ giết người hàng loạt và cưỡng hiếp tập thể nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo Rohingya, và vị tư lệnh và 5 tướng lãnh liên quan đến các vụ tấn công này cần bị xét xử theo luật quốc tế.
Một năm trước, quân đội chính phủ Myanmar đã thực hiện cuộc đàn áp tàn bạo tại bang Rakhine, nhằm trả thù các cuộc tấn công của phiến quân Rohingya vào các đồn cảnh sát và 1 căn cứ quân sự. Khoảng 700,000 người Rohingya đã phải rời bỏ nhà cửa để trốn tránh bạo lực, và nay hiện đang sống trong các trại tị nạn tại nước láng giềng Bangladesh.
Trong khi đó, cũng vào thứ Ba, Trung Quốc nói rằng việc gây áp lực lên chính phủ Myanmar sẽ không giúp ích gì trong việc giải quyết vấn đề người Hồi giáo Rohingya. Trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Xuân Doanh nói, “nền tảng lịch sử, tôn giáo, và chủng tộc, tại bang Rakhine là hết sức phức tạp, và cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ việc đối thoại giữa Myanmar và Bangladesh.” Trung Quốc có quan hệ thân thiết với chính phủ Myanmar, và từng ủng hộ điều mà viên chức Myanmar gọi là chiến dịch chống phiến quân hợp pháp tại bang Rakhine. Bắc Kinh trước đây cùng từng ngăn chận một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về cuộc khủng hoảng Rohingya.


Phi Luật Tân: bom nổ tại hội chợ, 1 người chết
ISULAN – Một trái bom giấu trong một chiếc túi đã phát nổ vào tối thứ Ba, khiến 1 người chết và 35 người bị thương, bao gồm 2 người bị thương nặng, tại một hội chợ địa phương ở miền nam Phi Luật Tân. Kẻ đánh bom bị rượt đuổi, nhưng đã trốn thoát.
Sự việc xảy ra tại thị trấn Isulan ở tỉnh Sultan Kudarat, bất chấp sự hiện diện của lực lượng an ninh và các trạm kiểm soát trên đường phố. Khu vực này trước đó đã bị phiến quân Hồi giáo đe dọa tấn công.
Theo lời người dân, một người đàn ông đã bỏ lại một chiếc túi khả nghi tại một địa điểm đông người. Trái bom phát nổ khi lực lượng an ninh đang đuổi theo nghi can, tuy nhiên, kẻ này đã lẩn vào đám đông và trốn thoát.
Trong khi đó, phát ngôn viên cảnh sát địa phương lại cung cấp thông tin khác, nói rằng trái bom tự chế đã được đặt trên một chiếc xe máy, đậu bên ngoài một cửa hàng gần khu chợ đêm nổi tiếng của thị trấn Isulan, nơi đang ăn mừng dịp kỷ niệm ngày thành lập chợ. Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Lực lượng chính phủ ở miền nam Phi Luật Tân được đặt trong tình trạng báo động trong những tuần gần đây, do có tin tình báo cho biết các phiến quân Hồi giáo đang âm mưu đánh bom các địa điểm công cộng, sau khi thất bại liên tục trong các trận chiến với quân chính phủ.
Vào tháng trước, một xe van cài bom đã phát nổ tại tỉnh Basilan ở miền Philippines, giết chết 11 người, bao gồm cả tài xế. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhanh chóng nhận trách nhiệm sự việc, nói rằng kẻ tấn công là một phiến quân người Morocco.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT