Thế Giới

Putin đến Ấn Độ bán vũ khí

Thursday, 04/10/2018 - 11:23:03

Điện Kremlin trước đó cho biết, kế hoạch quan trọng nhất trong chuyến thăm hai ngày của ông Putin là ký kết thỏa thuận bán hệ thống phòng không S-400 trị giá $5 tỷ Mỹ kim cho Ấn Độ, bất chấp lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các nước mua thiết bị quốc phòng của Nga.

NEW DELHI - Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã đến Ấn Độ vào thứ Năm với mục tiêu đạt được các thỏa thuận bán vũ khí trị giá nhiều tỷ Mỹ kim với Thủ Tướng Narendra Modi, trong sự kiện nhiều khả năng sẽ gây khó chịu cho Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Pakistan.
Điện Kremlin trước đó cho biết, kế hoạch quan trọng nhất trong chuyến thăm hai ngày của ông Putin là ký kết thỏa thuận bán hệ thống phòng không S-400 trị giá $5 tỷ Mỹ kim cho Ấn Độ, bất chấp lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các nước mua thiết bị quốc phòng của Nga.
Ấn Độ sẽ yêu cầu Hoa Kỳ cấp một ngoại lệ đặc biệt cho hợp đồng mua vũ khí này, theo như 2 nước đã thảo luận trong cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao tại New Delhi vào tháng trước. Tuy nhiên, Washington tỏ ý rằng họ chưa chắc sẽ đồng ý với giao dịch này.
Hoa Kỳ đang trong tình thế khá khó khăn, khi nước này cần hợp tác với Ấn Độ để kềm chế Trung Quốc. Vào tháng trước, Washington và New Delhi đã thông báo kế hoạch tập trận chung vào năm 2019, và đồng ý trao đổi các thông tin quân sự nhạy cảm. Tuy nhiên, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ, và các hợp đồng bán thiết bị cho New Delhi sẽ là thành công lớn cho Moscow.
Ngoài ra, Tổng Thống Putin và Thủ Tướng Modi cũng có thể sẽ thảo luận việc mua bán 4 khu trục hạm lớp Krivak giá tổng cộng $2 tỷ Mỹ kim, và 200 trực thăng Ka-226 giá $1 tỷ Mỹ kim. Ấn Độ và Nga trước đây đã ký kết một thỏa thuận liên chính phủ về việc mua bán trực thăng, với 60 chiếc sẽ được chế tạo ở Nga và phần còn lại được sản xuất tại Ấn Độ.

Singapore đưa phòng thủ điện toán vào quốc phòng
SINGAPORE CITY - Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen hôm thứ Năm cho biết, để đối phó nạn tấn công điện toán, chính phủ Singapore đang thực hiện các bước định hình lại kế hoạch Phòng thủ toàn diện, và việc Phòng thủ điện toán có thể sẽ được thêm vào để trở thành lĩnh vực thứ 6 của kế hoạch.
Bộ Trưởng Ng cho biết, đã đến lúc để áp dụng khái niệm Phòng thủ toàn diện cho các nguy cơ trên không gian ảo, và Bộ Quốc Phòng đang hợp tác với các bộ khác để thúc đẩy kế hoạch này. Khái niệm Phòng thủ toàn diện xuất hiện vào năm 1984, cho thấy sự phức tạp và đa chiều của việc phòng thủ cho một quốc gia. Khái niệm này bao gồm 5 lĩnh vực là xã hội, tâm lý, quân đội, dân sự, và kinh tế.
Lên tiếng tại Lễ trao giải thưởng về Phòng thủ toàn diện ở trung tâm hội nghị Raffles City, Bộ Trưởng Ng nói Singapore vẫn chưa chuẩn bị tốt để đối phó với các cuộc tấn công mạng, trong khi ảnh hưởng từ các cuộc tấn công kiểu này có thể gây ra hậu quả nặng nề. Ông Ng đã đưa ra một số dẫn chứng, bao gồm việc Cơ quan an ninh điện toán vào năm ngoái đã phát hiện hơn 2,000 trang web của Singapore bị xâm nhập. Một điều đáng lo ngại khác là nạn tin giả lan tràn trên mạng, gây ra những hậu quả khó lường trong xã hội. Ngoài ra, hacker cũng có thể tấn công các cơ sở mang tính thiết yếu như bệnh viện hay nhà máy điện, gây ảnh hưởng cho cuộc sống thường ngày của người dân và thậm chí có thể gây thương vong. Giải thưởng Phòng thủ toàn diện là phần thưởng cao nhất của chính phủ Singapore, dành cho các công ty, tổ chức, và cá nhân có nhiều cống hiến cho quốc gia.

Bắc Hàn: Không xin Mỹ bỏ lệnh trừng phạt
BÌNH NHƯỠNG – Chính phủ Bắc Hàn hôm thứ Năm chỉ trích các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, cho rằng chúng có thể phá hủy mọi tiến bộ trong nỗ lực đàm phán giải trừ hạt nhân. Báo Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của đảng Lao Động Bắc Hàn, đưa ra chỉ trích nhằm vào Hoa Kỳ trong lúc Ngoại Trưởng Mike Pompeo sắp đến Bình Nhưỡng vào cuối tuần này, nhằm thảo luận về vấn đề giải trừ hạt nhân và kế hoạch tổ chức hội nghị lần hai giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un.
"Hoa Kỳ sẽ không đạt được gì từ các lệnh trừng phạt và không ai khác ngoài họ sẽ rơi vào thế bất lợi,” tờ báo Bắc Hàn viết. "Vẫn như những gì chúng tôi đã làm, chúng tôi không bao giờ cầu xin Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh trừng phạt.” Bài viết thêm rằng việc giải trừ hạt nhân là một loại cây "mọc trên niềm tin" giữa hai quốc gia, và “lệnh trừng phạt là nguyên nhân tạo nên sự nghi kỵ ngày càng tăng của Bắc Hàn với Hoa Kỳ.”
Nói về lời hứa phá hủy một bãi thử động cơ và phóng hỏa tiễn, cũng như việc lãnh đạo Bắc Hàn tỏ ý sẵn sàng "phá bỏ vĩnh viễn" cơ sở hạt nhân Yongbyon trong hội nghị với Tổng Thống Hàn Quốc hồi tháng trước, tờ báo khẳng định những biện pháp này là hành động cho thấy "thiện chí" và tinh thần "hòa giải" của Bình Nhưỡng. Theo bài báo, với cách cư xử "chỉ biết bàn đến lệnh trừng phạt,” Hoa Kỳ có thể "xô đổ mọi nỗ lực xây dựng lòng tin và cải thiện quan hệ, tiềm ẩn nguy cơ đưa tất cả mọi thứ về điểm khởi đầu.”

Hoa Kỳ đưa lính đến đông Syria diệt ISIS
SYRIA – Vào thứ Năm, tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết một máy bay Hoa Kỳ trước đó 1 ngày đã chở các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đến tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria, tham gia cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà Nước Hồi Giáo ISIS. Theo SOHR, nhóm binh sĩ này sẽ hỗ trợ các tay súng của Lực lượng dân chủ Syria (SDF), do dân quân người Kurd chiếm đa số, để tiêu diệt ISIS ở Hajin, một trong những thị trấn cuối cùng do ISIS kiểm soát tại tỉnh Deir Ezzor. Đây được coi là hành động nhằm tăng cường cho chiến dịch quân sự chống ISIS tại bờ đông sông Euphrates của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ về vấn đề Syria, ông James Jeffrey, hồi đầu tháng 9 tuyên bố Ngũ Giác Đài không có kế hoạch rút quân khỏi Syria vào cuối năm, ngược lại sẽ tiếp tục hiện diện lâu dài tại quốc gia này để tiêu diệt tận gốc ISIS và ngăn chặn sử mở rộng ảnh hưởng của Iran. Tuyên bố của ông Jeffrey khiến dư luận bất ngờ bởi Tổng Thống Donald Trump hồi tháng 3 từng khẳng định ông muốn rút quân khỏi Syria và chuyển lực lượng sang các nước khác có vai trò lớn hơn trong việc bảo đảm an ninh khu vực. Các viên chức Hoa Kỳ cho biết sự thay đổi lập trường của ông Trump chủ yếu bắt nguồn từ sự nghi ngờ ngày càng tăng trước vai trò của Nga trong việc loại bỏ sự hiện diện của Iran khỏi Syria.

Nga hoàn tất chuyển hệ thống S-300 cho Syria
MOSCOW – Phụ tá Ngoại Trưởng Nga, ông Sergei Vershinin, vào thứ Năm cho biết, Nga đã hoàn tất việc chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho quân đội chính phủ Syria, và chuẩn bị thực hiện các bước tiếp theo. "Các hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 đã được lắp đặt, đây là một hệ thống phòng không với phẩm chất ở một mức độ mới,” ông Vershinin nói. Viên chức Nga cũng thêm rằng sự hiện diện của S-300 sẽ làm thay đổi tình hình thực địa.
Moscow cũng hy vọng Israel sẽ có những hành động thích hợp sau khi tuyên bố tiếp tục chiến dịch quân sự ở Syria, bất chấp việc Nga cung cấp S-300 cho Syria. Nga cung cấp S-300 cho Syria không lâu sau khi hệ thống phòng không của Syria bắn rơi máy bay do thám Il-20 của Nga ở Địa Trung Hải đêm 17 tháng 9. Động thái này được cho là nhằm khuyến cáo Israel, sau khi Moscow đổ lỗi cho Tel Aviv về vụ máy bay rơi.

Israel đuổi văn phòng LHQ hỗ trợ Palestine
JERUSALEM – Thị trưởng Jerusalem hôm thứ Năm cho biết, ông đang định chuyển một cơ quan Liên Hiệp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine ra khỏi thành phố, vì cho rằng cơ quan này đang hoạt động bất hợp pháp và kích động chống Israel.
Thị Trưởng Nir Barkat nói, các trường học, phòng khám y tế, trung tâm thể thao, và nhiều dịch vụ khác được điều hành bởi cơ quan UNRWA tại đông Jerusalem, sẽ được chuyển cho nhà chức trách Israel. Thành phố không cho biết lịch trình chính xác, nhưng nói rằng các trường học đang phục vụ 1,800 học sinh sẽ bị đóng cửa vào cuối năm học hiện nay.
Ông Barkat, người dự kiến sẽ thất bại trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố vào cuối tháng này, nói rằng việc Hoa Kỳ cắt giảm $300 triệu Mỹ kim viện trợ cho UNRWA là một phần nguyên nhân trong quyết định của thành phố. “Quyết định của Hoa Kỳ đã đem đến cơ hội để thay thế các dịch vụ của UNRWA bằng dịch vụ của Hội đồng thành phố Jerusalem. Chúng tôi sẽ chấm dứt sự dối trá của cơ quan tự nhận là giải quyết vấn đề người tị nạn Palestine này,” ông Barkat nói.
UNRWA được thành lập sau cuộc chiến Trung Đông 1948, thời điểm khi Israel lập quốc và khoảng 700,000 người Palestine đã mất nhà cửa. Do chưa đạt được giải pháp hòa bình, Hội Đồng Bảo An đã liên tục duy trì UNRWA. Cơ quan này cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế, và các dịch vụ xã hội khác cho hơn 5 triệu người tị nạn và con cái của họ. UNRWA phục vụ cho cộng đồng Palestine sống tại Gaza, Bờ Tây, Jordan, Lebanon, và Syria.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT