Bình Luận

Putin gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh

Monday, 07/02/2022 - 09:12:39

Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bắc Kinh năm nay nhiều nước tẩy chay vì chính sách diệt chủng của Cộng Sản Trung Quốc...


Tổng Thống Nga Vladimir Putin đang lép vế trước Chủ Tịch Tập Cận Bình, trong cuộc gặp gỡ nhân dịp Thế Vận Hội Mùa Đông khai mặc tại Bắc Kinh ngày 4 tháng 2, 2022. (Alexei Druzhinin / Sputnik/ AFP via Getty Images)


Bài NGÔ NHÂN DỤNG

Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bắc Kinh năm nay nhiều nước tẩy chay vì chính sách diệt chủng của Cộng Sản Trung Quốc đối với người Uyghur ở Tân Cương và tước đoạt các quyền tự do mà dân Hồng Kông vẫn được hưởng trong thời là thuộc địa của Anh quốc. Ông Vladimir Putin đã tới Bắc Kinh để đáp lễ ông Tập Cận Bình dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông ở Sochi do Nga tổ chức năm 2014.

Khi hai người gặp nhau thì có thể đoán trước họ sẽ chỉ nói chuyện chống Mỹ. Chính phủ Nga đã công bố bản “thông cáo chung” chỉ trích mà không nói rõ tên, “một số nước” ... “đã hành động đơn phương và sử dụng vũ lực can thiệp vào nội bộ của các nước khác …”

Những lời buộc tội trên áp dụng cho nước Nga là đúng nhất. Putin đã đưa hàng trăm ngàn quân với chiến xa, hỏa tiễn đe dọa Ukraine. Nhưng Nga lại tố cáo Mỹ và Tây Âu đang gây nên tình trạng khủng hoảng! Thực ra khối NATO chỉ có 4,000 quân đồn trú ở mấy nước thành viên ở Đông Âu và Mỹ dự tính đưa qua 5,000 binh sĩ! Có lẽ Bắc Kinh biết sự thật nằm ở đâu, cho nên họ không công bố bản thông cáo chung này. Tân Hoa Xã chỉ loan tin, mà cũng không nhắc đến một đòi hỏi của Putin, ghi trong thông cáo chung, “yêu cầu NATO không được mở rộng” sang các nước thuộc Liên Xô cũ. Trung Cộng không muốn va chạm với các nước Âu châu mà họ đang muốn ve vãn.

Cuộc “họp thượng đỉnh” quan trọng đối với Putin hơn với Tập Cận Bình. Nga đang đối diện với viễn ảnh sẽ bị Mỹ và Tây Âu cấm vận nặng nề hơn nếu tấn công vào Ukraine. Nếu chuyện đó xảy ra, Nga sẽ rất cần giao thương với Trung Quốc.

Mở đầu câu chuyện, Putin đã thông báo ông đem tới Bắc Kinh một hợp đồng mới: Nga sẽ cung cấp 10 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc mỗi năm. Ông Putin muốn nhắc nhở các nước Tây Âu về mối hệ lụy phải nhập cảng khí đốt của Nga. Ông cũng báo trước nếu Âu Châu ngưng không mua dầu khí nữa thì Nga vẫn có khách hàng khác!

Tập Cận Bình không nhắc gì đến bản hợp đồng10 tỷ mét khối trên, cho thấy Vladimir Putin đang lép vế. Khác hẳn thời xưa, Stalin vẫn coi Mao Trạch Đông chỉ là đàn em đang cầu xin giúp đỡ. Putin đã lấy lòng Tập Cận Bình, lên tiếng hoàn toàn ủng hộ quyền chiếm lại Đài Loan và chỉ trích thỏa ước hợp tác giữa Úc, Mỹ và Anh quốc về kỹ thuật tàu ngầm nguyên tử. Nhưng Trung Cộng tỏ ra không cần gì đến Nga cả. Khi một tờ báo Mỹ loan tin Tập Cận Bình yêu cầu Putin khoan không đánh Ukraine trước khi Thế Vận Hội bế mạc, Bắc Kinh đã bác bỏ kịch liệt! Cũng như khi nghe ý kiến rằng nếu Nga đánh Ukraine thì Trung Cộng sẽ nhân dịp đó có thể tấn công Đài Loan, Bắc Kinh càng nổi giận! Họ tự coi mình là một đại cường, không cần nhờ cậy vào các hành động của nước khác như vậy!

Trung Cộng và Nga không ký kết một hiệp ước an ninh nào cả. Trong hợp tác kinh tế, hai nước có thể bổ túc cho nhau. Trung Quốc sản xuất hàng tiêu dùng, Nga nhiều quặng mỏ, dầu lửa và khí đốt. Dầu và khí đốt từ Nga được chuyển qua Trung Quốc bằng các đường ống dẫn hoặc đường xe lửa, đi qua các nước chư hầu cũ của Nga, sẽ không lo bị cấm vận ngăn chặn.

Mặc dù phải tỏ ra đoàn kết để chống Mỹ, nhưng Tập và Putin vẫn “đồng sàng dị mộng.” Từ năm 2014 Putin đem quân chiếm Crimea, Bắc Kinh vẫn chưa chính thức công nhận bán đảo này thuộc chủ quyền của Nga. Ngược lại, Trung Cộng gia tăng các trao đổi thương mại với Ukraine. Khi Mỹ và các nước Tây Âu cấm vận các công ty và ngân hàng Nga sau vụ Crimea, Trung Cộng lên tiếng chỉ trích, nhưng các công ty và ngân hàng Trung Quốc vẫn thi hành đúng các điều khoản của lệnh cấm vận. Tất nhiên, bảo vệ mối giao hảo về kinh tế, tài chánh với Tây phương là điều quá quan trọng không thể vì nước Nga mà cắt đứt. Trung Cộng chỉ giúp Nga một điều, là không bắt công ty nhập cảng của Nga phải trả tiền bằng đô la Mỹ, mà cho trả bằng đồng nguyên của Trung Quốc!

Năm 2008, có 80 người lãnh đạo các nước đến khai mạc Thế Vận Hội mùa Hè ở Bắc Kinh trong đó có ông George W. Bush, vị tổng thống Mỹ duy nhất đã dự lễ khai mạc Thế Vận Hội ở nước ngoài. Năm nay trong số các nhân vật quan trọng chỉ thấy ông Putin, ông hoàng xứ Saudi Arabia, và tổng thống Kazakhstan (mới đàn áp đẫm máu dân biểu tình phản đối, phải mời quân Nga đến giúp). Nhưng ông Putin chỉ được xuất hiện rất ngắn trên màn ảnh chính thức. Ông vỗ tay hoan hô đoàn lực sĩ Nga bước vào cuộc diễn hành, nhưng họ không được chính thức mang quốc kỳ và bảng hiệu quốc gia, chỉ mang lá cờ Thế Vận Hội; vì nước Nga vẫn bị cấm sau bản án cho lực sĩ sử dụng chất kích thích.

Năm 2008, ngọn đuốc mang lửa Thế Vận Hội đã được chuyển qua 135 thành phố, sáu lục địa trước khi đến Bắc Kinh. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu tổ chức màn ca vũ với 20,000 diễn viên phô trương nền văn hóa Trung Hoa. Năm nay cuộc rước đuốc chỉ diễn ra bên trong thành phố. Nhưng kinh tế Trung Quốc bây giờ lớn gấp ba lần năm 2008, bán nhiều xe nhất thế giới, tính trên giá tiền. Năm 2008, Trung Quốc nêu mục tiêu sẽ gửi phi thuyền lên mặt trăng. Năm nay có ba phi hành hành gia Trung Hoa đang bay quanh trái đất và ngắm cảnh Thế Vận Hội.

Trung Quốc đã tiến rất xa, trong khi nước Nga dưới chế độ Vladimir Putin ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Địa vị của ông Putin càng xuống thấp trước mặt Tập Cận Bình, vì cuộc phiêu lưu của ông ở Ukraine, nhằm kích thích tự ái chủng tộc của dân Nga nhưng sẽ gây ảnh hưởng kinh tế tai hại.

Nếu Mỹ dùng đòn tài chánh nặng, cấm Nga sử dụng hệ thống thanh lý SWIFT giữa các ngân hàng thương mại quốc tế thì Trung Cộng có thể cứu được không? Trên lý thuyết, hai nước có thể lập ra một hệ thống thanh lý mới, mời các nước đàn em tham dự, không cần tất cả phải chuyển qua mỹ kim nữa.

Nhưng trong thực tế, Trung Cộng sẽ không thể giúp Nga trong vụ này. Kinh tế Nga sống nhờ xuất cảng các nguyên liệu, năng lượng, nếu bị cô lập vẫn có thể tiếp tục sống, dù nghèo hơn. Trung Quốc thì khác. Họ phát triển được trong 30 năm qua là nhờ vào trao đổi với cả thế giới bên ngoài, một hệ thống đã thành hình hàng thế kỷ trước khi Trung Cộng mở cửa. Hàng hóa với nhãn hiệu Made in China có khi gồm toàn những bộ phận được chế tạo từ nước khác mang tới, như điện thoại của Apple hay xe chạy bằng điện của Tesla. Nhiều món hàng được lắp, ráp trong nước Trung Quốc, lại được đưa qua Nam Hàn, Nhật Bản hay Đài Loan ghép thêm vài bộ phận tinh vi hơn, rồi đưa trở lại Trung Quốc lắp ráp thêm, cho đến hoàn tất. Trung Quốc nối kết chặt chẽ với kinh tế thế giới, không thể sống cô lập như nước Nga được.

Nếu nước Nga bị cấm vận thì sẽ lệ thuộc vào việc giao thương với Trung Quốc nhiều hơn. Có ý kiến cho rằng Trung Cộng cũng mong muốn như vậy. Theo tuần báo The Economist, Giáo sư Phùng Ngọc Quân (Feng Yu Jun, 冯玉君) thuộc Viện Nghiên Cứu Về Nga và Trung Á trong Đại Học Phục Đán, Thượng Hải, không đồng ý. Nga đang nhờ vào Trung Quốc để có tiền đầu tư, kỹ thuật mới, thị trường bán nguyên liệu, và cả hỗ trợ về chính trị. Trung Quốc có thể kiếm lợi gì thêm từ một quốc gia đã phụ thuộc vào mình như thế?

Quả thật, Trung Quốc cũng không thể bán thêm hàng tiêu thụ cho dân Nga khi họ bị cấm vận. Mua dầu khí hay quặng mỏ từ đâu cũng được, nhất là khi Trung Cộng đang chủ trương sẽ chỉ dùng xe chạy điện, ngưng dùng xăng, dầu.

Đến Bắc Kinh năm nay, địa vị của ông Putin càng xuống thấp. Nhưng Tập Cận Bình không có thời giờ để nghĩ đến chuyện đó. Đối với Trung Cộng, mối quan tâm chính là làm cách nào tránh không bị Mỹ và đồng minh cấm vận nặng nề hơn nữa. Tập Cận Bình cũng còn phải lo địa vị của chính mình bên trong đảng Cộng Sản. Nếu loài virus corona với biến thái omicron lan truyền nhanh và rộng hơn thì không biết cuối năm nay Tập Cận Bình còn lên ngôi muôn năm trường trị nữa hay không!

(Nguồn VOA Blog)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT