Đời Sống Việt

Quá khứ không chiếm giữ tôi nữa

Anvi Hoàng/Viễn Đông (thực hiện) Wednesday, 15/02/2012 - 07:05:56

Sau đây là vài điều trao đổi của Andrew Lâm về chuyện viết lách và các quan sát về xã hội Mỹ.

Anvi Hoàng/Viễn Đông (thực hiện)

Andrew Lâm là phóng viên, nhà văn, và chủ bút cho Pacific News Service. Anh đồng sáng lập và là chủ biên của New America Media, là một hệ thống thu phát tin trên mạng của hơn hai ngàn nguồn tin từ các nhóm thiểu số khác nhau. Bài của Andrew Lâm đã được đăng trên báo New York Times, LA Times, San Francisco Chronicle, v.v.. Andrew Lâm cũng có mặt trong phóng sự của PBS mang tên My Journey Home (Hành trình về quê) đã được phát sóng năm 2004.
Cuốn sách Perfume Dreams (Giấc mơ mùi hương) của anh, xuất bản 2005, được giải thưởng Pen American “Beyond the Margins” năm 2006. East Eats West (Đông ăn Tây) xuất bản 2010. Tuyển tập văn Birds of Paradise (Hoa Thiên Điểu) sẽ được xuất bản năm 2013. Sau đây là vài điều trao đổi của Andrew Lâm về chuyện viết lách và các quan sát về xã hội Mỹ.


Tác giả Andrew Lâm - ảnh tài liệu

Viễn Đông:
Độc giả cho cuốn sách này của anh là ai?
Andrew Lâm: Tôi muốn mọi người đọc nó. Tuy nhiên, trong số người có ý thức về vấn đề khác biệt văn hóa, tôi muốn họ hiểu hơn nữa là cuộc sống của họ đã thay đổi như thế nào vì người di cư, đặc biệt là từ Đông Á sang.

Viễn Đông: Vậy anh nghĩ ở Mỹ có nhiều người có ý thức về văn hóa à?
Andrew Lâm: Tôi nghĩ nhiều người bị ảnh hưởng một cách vô ý thức. Họ ăn thức ăn châu Á hoặc xem phim đánh võ mà không nghĩ rằng đây là những điều mới mẻ so với những thế hệ trước. Họ không nghĩ đến hoàn cảnh lịch sử hoặc thay đổi văn hóa mà coi như là bình thường. Khi tôi mới đến Mỹ, người ta đâu có ăn sushi ở trung học. Bây giờ thì học sinh trung học cũng ăn cá sống. 30 năm về trước, cảnh tượng người Mỹ ăn cá sống là điều lạ lùng.


Hoa thiên điểu - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông
Viễn Đông: Trong cuốn sách, anh nói rằng San Francisco (SF) là cửa ngỏ vào nước Mỹ. Thế New York (NY) và Los Angeles (LA) thì sao?
Andrew Lâm: SF là cửa ngỏ đầu tiên vào nước Mỹ cho người châu Á vào những năm 1800 khi vàng được phát hiện. Người Việt hồi trước gọi là Cựu Kim Sơn. Vì vậy SF là cửa ngỏ mở ra phía Tây cho người Tàu, và sau đó là người Việt Nam, v.v.. Nó có liên hệ lâu đời gắn liền lịch sử người châu Á ở Mỹ. Phố Tàu ở SF cũng là lâu đời nhất ở miền Tây.

Viễn Đông: Trong thời buổi kinh tế toàn cầu, liệu NY và LA cũng trở thành cửa ngỏ lịch sử như SF trong tương lai?
Andrew Lâm: SF có tầm quan trọng của nó, nhưng tất nhiên không phải là thành phố có văn hóa đa dạng duy nhất ở Mỹ. Nhưng về mặt dân số, người Châu Á chiếm 35% dân số SF. NY và LA thì không như thế. SF cũng vừa có một Thị Trưởng người gốc Tàu đầu tiên. Sự khác biệt của SF là thế: người Châu Á tham gia vào chính trị năng động hơn, và họ ngự trị trong chính trị, cũng như trong văn hóa.

Viễn Đông: Anh cảm thấy thế nào khi phương Đông bắt đầu “ăn” phương Tây?
Andrew Lâm: Tất nhiên tôi cảm thấy rất an ủi khi mà văn hóa của mình trở thành một phần của văn hóa nước khác. Khi người khác hiểu văn hóa của mình, họ hiểu mình hơn. Lúc tôi mới qua, hiểu biết về Việt Nam ở Mỹ rất ít. Bây giờ có nhiều người viết về Việt Nam, thức ăn Việt Nam rất thịnh ở California. Tất cả làm thay đổi cách người ta giao tiếp với mình. Điều này rất tốt. Tuy nhiên trong cuốn sách East Eats West, tôi không chỉ muốn nói phương Đông thay đổi phương Tây. Rõ ràng là phương Tây đã thay đổi phương Đông trong một thời gian dài và tôi có nói đến chuyện này trong sách.

Viễn Đông: Anh đã từ bỏ quá khứ chiến tranh của mình chưa?
Andrew Lâm: Có ai từ bỏ được nó hay không? [cười lớn]. Tôi nghĩ văn học phát sinh từ đau thương và va chạm. Về nhiều mặt, tôi đã từ bỏ quá khứ đau thương đó, những về nhiều mặt khác thì vẫn chưa. Để đi tới, người ta viết về vấn đề quá khứ. Nhưng người ta không bao giờ tách mình khỏi quá khứ hoàn toàn. Khi tôi còn trẻ, những kỷ niệm trong quá khứ chiếm hữu tôi. Nhưng bây giờ thì tôi là nhà văn và tôi viết về chúng, tôi chiếm hữu chúng và chúng không chiếm giữ tôi nữa.

Viễn Đông: Liệu cuộc giằng co này sẽ chấm dứt vào một thời điểm nào trong tương lai?
Andrew Lâm: Không đâu, để vượt qua đau buồn, người ta phải tranh đấu với chúng. Mỗi người có cách riêng, và nhiều người thất bại trong việc này và trở nên giận dữ, hằn học. Tôi may mắn tìm được nguồn giải thoát qua văn chương để giãi bày những ám ảnh. Tôi đã đi tới một điểm mà quá khứ không chiếm giữ tôi nữa. Nhưng quá khứ sẽ luôn là một phần của con người tôi.

Viễn Đông: Trong thời buổi kinh tế toàn cầu, một đứa trẻ Việt Nam 11 tuổi đến Mỹ sẽ có kinh nghiệm khác anh như thế nào?
Andrew Lâm: Chúng sẽ hiểu biết hơn về nước Mỹ trước khi chúng đến đây. Khi tôi tới Mỹ, tôi nhớ người ta còn mang theo cả hạt giống lúa. Họ nghĩ rằng ở Mỹ không có gạo vì vậy họ mang theo để trồng. Đây là chuyện trước thời kinh tế toàn cầu. Một đứa trẻ Việt Nam ngày nay có internet, tivi, skype và bà con họ hàng. Chúng có những người di cư đi trước chúng – Little Sài Gòn, Việt kiều v.v., chúng sẽ không bỡ ngỡ như tôi.

Viễn Đông: Vậy thách thức của họ là gì?
Andrew Lâm: Thách thức thì vẫn vậy: khi người ta đi từ một nền văn hóa này qua một nền văn hóa khác, từ những giá trị này sang những giá trị khác, vấn đề bản sắc văn hóa vẫn nằm đó. Tất cả những vấn đề này đều phải được suy nghĩ cân nhắc, để hòa hợp các giá trị cũ và mới, để tìm một cân bằng hoặc điểm giữa, trong tất cả những đan chen văn hóa này.

Viễn Đông: Ngôn ngữ và tính cách con người liên hệ với nhau ra sao?
Andrew Lâm: Tôi tới Mỹ lúc 11 tuổi, tôi phải trải qua không những thay đổi đột ngột về mặt lịch sử mà cả tâm sinh lý. Đó là một thời khắc kỳ lạ. Khi đến Mỹ, tôi không biết nói tiếng Anh, giọng tôi lại bắt đầu vỡ. Thế là tôi thay đổi cả từ bên trong đến bên ngoài - từ Việt Nam qua một đất nước khác và nói một ngôn ngữ khác hoàn toàn. Ngôn ngữ không những thay đổi cách nhìn cuộc sống của tôi mà cả cách tôi nhìn nhận cơ thể tôi. Vì vậy, tiếng Anh là một ngôn ngữ tuyệt vời và trêu ngươi đối với tôi.
Khi tôi nói tiếng Việt cá tính tôi thay đổi. Tôi trở nên lễ phép hơn và lịch sự hơn, và điệu bộ cũng khác. Khi tôi nói tiếng Pháp tôi ý thức rằng tôi dùng tay nhiều hơn và nét mặt tôi khác đi. Có sự khác biệt như vậy là vì ngôn ngữ đi chung với những ký ức về văn hóa.

Viễn Đông: Tại sao anh nói rằng anh gặp khó khăn khi nói về chuyện tuổi thơ của mình?
Andrew Lâm: Tôi viết về kinh nghiệm trên đất Mỹ của mình nhiều, nhưng lại thấy khó mà quay lại thời điểm trước lúc tôi nói tiếng Anh để kể về chuyện lớn lên ở Sa Đéc hoặc Đà Lạt, hoặc chuyện đi chơi ở chùa – nói chung những chuyện bí ẩn hoặc kỳ lạ xảy ra ở lứa tuổi trước. Trong một thời gian dài, tôi cảm thấy rằng tôi không có khả năng đi về quá khứ tuổi thơ đó để nói về nó. Ví dụ, chỉ riêng chuyện từ vựng không thôi, rất khó mà miêu tả kỷ niệm về ô mai, hoặc cây me mùa hè. Khi viết bằng tiếng Anh, tôi chỉ nghĩ đến độc giả Mỹ. Tôi không cần nghĩ đến ô mai, xí muội, hoặc bò bía. Tôi chỉ nghĩ đến chuyện khi tôi mới tới Mỹ, thầy K. dạy tôi tiếng Anh ra sao. Thật là vui. Chỉ đến bây giờ khi mà tôi bắt đầu viết về chuyện cũ, tôi nhận ra rằng người ta phải thật tường tận một ngôn ngữ để có thể chuyển tải công bằng vấn đề văn hóa bằng ngôn ngữ khác đó. Không phải chỉ là nói ngôn ngữ đó mà là hiểu được đời sống văn hóa của ngôn ngữ đó nữa.

Viễn Đông: Với tư cách là một nhà văn, anh nghĩ một cuốn hồi ký hay phải thế nào?
Andrew Lâm: Nhiều người cứ nghĩ câu chuyện của họ là thú vị nhưng lại không biết viết. Họ viết: chuyện này đã xảy ra cho tôi, chuyện kia đã xảy ra cho tôi, chuyện nọ đã xảy ra cho tôi. Họ không miêu tả ý nghĩa của câu chuyện trong cuộc đời họ mà chỉ nghĩ rằng họ đi chiến đấu, rồi thấy nhiều chuyện khủng khiếp. Về mặt lịch sử xã hội, có thể chúng thú vị, nhưng trong văn chương, người ta phải nghĩ đến giá trị văn chương chứ không chỉ giá trị thông tin. Một hồi ký hay không những kể cho bạn nghe chuyện gì đã xảy ra và tại sao, mà còn nói đến ý nghĩa của câu chuyện đó trong một bối cảnh rộng hơn và kết nối với độc giả với những đau buồn và cả giây phút lịch sử gắn liền với cuộc đời của họ. Tôi nghĩ một cuốn hồi ký hay kết nối người đọc với những chuyện xảy ra trên thế giới.

Viễn Đông: Anh có nghĩ nước Mỹ sẽ vẫn tiếp tục là nơi đất hứa như người di dân mong đợi?
Andrew Lâm: Về nhiều mặt, điều đó vẫn đúng. Một nghiên cứu mới cho thấy rằng hơn 50% các công ty mới được thành lập là do người di dân làm chủ. Đó là con số thống kê tuyệt vời. Nếu nhìn vào dân số người di cư và dân số người sinh ở Mỹ, trong khi người bản xứ chỉ thấy thất nghiệp và bán tháo nhà, người di cư vẫn có thể tìm thấy cơ hội làm tiền, trong khi người bản xứ chỉ thấy cắt giảm ngân sách và tội phạm gia tăng, người di cư thấy “vàng”. Sự lạc quan từ đâu mà đến? Tôi nghĩ về một mặt, di cư là một phần của cơ hội, và mảnh đất hứa chỉ có thể là mảnh đất hứa nếu người di cư vẫn tiếp tục đến và nhìn nước Mỹ bằng con mắt lạc quan như thế.

Bìa sách East Eats West

Viễn Đông: Người Việt Nam hội nhập rất tốt vào xã hội Mỹ hơn 30 năm nay. Trong những lãnh vực nào mà người Việt Nam chưa đụng tới và chưa thành công?
Andrew Lâm: Tôi cho rằng từng người Việt đơn lẻ thì hội nhập tốt nhưng rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là người mới qua sau này, đang phải cực khổ và vất vả. Một nghiên cứu mới về người Việt và người mới di cư cho thấy họ đang nằm ở mức nghèo khổ bất ngờ, nhưng đó là sự thật.
Về mặt tiến bộ, có rất nhiều khía cạnh cộng đồng người Việt cần cải thiện và tiến lên. Một là trong việc thành lập sức mạnh vận động hành lang – như kiểu người Mỹ gốc Cuba đã làm để có ảnh hưởng trực tiếp đến Quốc Hội chứ không phải chỉ biểu tình ngoài đường phố xong rồi đi về nhà.
Về mặt văn học, họ cần phải tích cực hơn trong việc khuyến khích văn chương và nghệ thuật trong cộng đồng của mình. Cộng đồng người Do Thái đã bỏ ra nhiều tiền để lập hội, cho giải thưởng cho những tác phẩm hay đề cập đến lịch sử cộng đồng, tặng thưởng cho những người đem lại hãnh diện cho cộng đồng. Kiểu suy nghĩ như thế rất ít thấy trong cộng đồng người Việt. Họ than thở vì bị hiểu lầm, nhưng không có tổ chức nào chịu trả tiền để dịch các sách quan trọng liên quan đến vấn đề người vượt biên hoặc kinh nghiệm trại cải tạo. Những chuyện này đã có bằng tiếng Việt, nhưng họ nghĩ chỉ cần bán trong các tiệm sách ở Little Sài Gòn thôi là được. Nếu người ta chịu khó lập hội hoặc quỹ để làm các việc dịch thuật trên, đó sẽ là việc rất tốt cho các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về kinh nghiệm người vượt biên.

Viễn Đông: Về văn hóa thì sao?
Andrew Lâm: Có nhiều người Việt Nam làm phim hơn, đó là điều đáng khích lệ, nhưng không may là cốt truyện và đề tài phim họ làm còn yếu. Về mặt hình ảnh thì họ làm tốt, nhưng kịch bản thì kém lắm. Câu chuyện không có sức thu hút chút nào.

Viễn Đông: Các quy trình diễn tiến trong đầu anh ra sao khi đi từ Perfume Dreams đến East Eats West và rồi Birds of Paradise?
Andrew Lâm: Khi tôi viết Perfume Dreams, đó là nỗ lực của trái tim muốn thấu hiểu nỗi đau của những người vượt biên, những người Việt Nam sống sau chiến tranh. Bởi vì tôi phải dằn vặt với câu hỏi tại sao tôi sống sót, trong khi nhiều người khác thì bị kẹt lại, hoặc chết ngoài biển. Có thể nói cuốn sách là một trách nhiệm đạo đức tôi phải làm.
East Eats West thì là sự hân hoan về văn hóa khi tôi nhìn thấy thế giới chuyển từ hoàn toàn Tây sang hỗn hợp Đông-Tây như ngày nay. Đó là một cách lý giải xã hội vui và vì vậy giọng văn mang tính chào mừng.
Birds of Paradise là tổng hợp những cây chuyện về nhiều nhân vật bị kẹt trong quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa đau thương và cá tính mới. Mỗi người trong số họ đều cố gắng lý giải cuộc sống hiện tại của mình trên đời. Đó là vấn đề về tâm linh. Còn hiện tại tôi chưa biết cuốn tiểu thuyết sẽ đi theo hướng nào.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT