Bình Luận

Quan điểm bất đồng

Saturday, 05/05/2018 - 11:49:38

Nhiều nhà bình luận nhận xét là trong nỗ lực -mà tác giả quan niệm như những điều di chúc cuối cùng- McCain tỏ ra rất thẳng thắn, chân thành, và tình cảm.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hai yếu nhân của đảng Cộng Hòa Tổng Thống Trump và Nghị Sĩ John McCain có nhiều quan điểm dị đồng; ông John McCain không còn thời gian để giữ lịch sự với Tổng Thống Trump nữa, ông bị ung thư và đang sống những năm tháng cuối cùng của một cuộc đời tận tụy phục vụ tổ quốc, trong quân ngũ, trong lao tù, và trên chính trường; trong lúc ông Trump cũng đang đếm từng ngày còn ngồi trong Bạch Cung, vì ngày truất phế có thể đến bất cứ lúc nào.

Cả hai người cùng không có nhiều thời giờ để tranh luận nữa, mặc dù họ đã bất đồng ý kiến ngay từ ngày ông Trump chưa đắc cử.'

Ông chỉ trích ông McCain là không đáng mặt anh hùng, vì đã bị Việt Cộng bắt sống.


Cả hai người cùng không có nhiều thời giờ để tranh luận nữa.

Trong quyển Hồi Ký The Restless Wave, (sóng gió triền miên) -vừa ra mắt hôm thứ Hai, 30 tháng Tư, 2018- McCain nặng lời chỉ trích, "Ông Trump đã không nhìn thấy sự khác biệt giữa chính sách dân chủ của chính phủ Mỹ với con đường tội ác của một chế độ độc tài. Ổng coi việc ông đóng tuồng cứng rắn, oai hùng, quan hệ hơn chân giá trị của Hoa Kỳ."

Có thể McCain ngụ ý là Trump đã và đang phóng tay phá nát cái tài sản “quyền lực mềm” (soft power) vô giá của Hoa Kỳ bằng cách bạo ngược với người nghèo, tàn nhẫn với người bệnh, người già, người tị nạn.
Quyển The Restless Wave dự trù phát hành vào ngày 5/22/2018 đã được nhà xuất bản Apple News đưa ra trình diện sớm hơn; cộng tác với McCain trong việc biên tập là Mark Slater -người phụ tá lâu năm của ông, và cũng là một ngòi bút biên khảo tên tuổi.
 

Không còn cách miệng huyệt bao xa, Nghị Sĩ McCain vẫn giữ nguyên vẹn lòng yêu nước sắt son của người lính. Ông cộng tác với người phụ tá của ông -nhà biên khảo Mark Salter- trong việc viết quyển hồi ký “The Restless Wave”.


Mark Salter

Qua tác phẩm The Restless Wave, tác giả than thở tình trạng nước Mỹ bị chia cắt thành từng khu, từng nhóm; mỗi nhóm đều chủ trương tham gia chính trị, chủ trương chống bọn cuồng tín, bạo ngược.
Ông cũng ca tụng những tiến bộ trong guồng máy chính trị Hoa Kỳ -như việc minh bạch hóa phương thức tài trợ ứng cử viên, và hợp lý hóa việc phân ranh bầu cử.

Về bệnh tình và nguyện vọng của mình, McCain viết, "Tôi không biết tôi còn góp mặt với đời được bao lâu nữa. Có thể là 5 năm, cũng có thể mức tiến bộ của y khoa giúp tìm ra loại y dược trị dứt chứng ung thư và giúp tôi sống lâu hơn nữa; nói tóm lại không ai biết thật rõ về căn bệnh của tôi. Tôi lại càng mù tịt, nhưng vẫn sẵn sàng ứng xử với mọi giả thuyết. Và, tôi muốn trình bầy thêm với người Mỹ -đồng bào của tôi- về những điều tôi ưu tư.”

Nhiều nhà bình luận nhận xét là trong nỗ lực -mà tác giả quan niệm như những điều di chúc cuối cùng- McCain tỏ ra rất thẳng thắn, chân thành, và tình cảm.

Ông kể lại nhiều việc ông làm trong những năm phục vụ đất nước với tư cách một nghị sĩ, những tận tụy của ông trong cuộc tranh cử tổng thống chống lại ứng cử viên Dân Chủ Barack Obama, và cuộc đấu tranh cho nhân quyền và Dân Chủ ông thực hiện tại Đông Âu và Trung Đông.

McCain ca tụng tư cách và khả năng của Nghị Sĩ Dân Chủ Edward Kennedy, và kể lại những giai thoại bất đồng qua điểm giữa ông với một vài vị tổng thống Hoa Kỳ.

Đó là phần McCain, một trong hai người không đồng ý với nhau về đường hướng chính trị của vị tổng thống đương nhiệm; người thứ nhì là chính tổng thống Trump. Cũng như McCain, thời gian có mặt của ông trên chính trường, có thể đang bị rút ngắn -ngắn hơn nhiệm kỳ 4 năm ông đã đoạt được.

Công tố viên đặc nhiệm Robert Mueller nói với nhóm luật sư của tổng thống là nếu ông mời tổng thống gặp ông để trả lời những câu hỏi của ông mà tổng thống khước từ, có thể ông sẽ phải gửi trát đòi tổng thống ra trước một đại bồi thẩm đoàn để trả lời họ.

Trong hệ thống tư pháp nhân dân, đại bồi thẩm đoàn là bộ phận truy tố hình sự, nếu bị đòi bằng trát (subpoena), tổng thống không thể phản kháng, vì quy định “không ai trên pháp luật.”

Như vậy, việc Tổng Thống Trump phải đối diện với pháp luật không còn là một giả thuyết nữa, mà đang trở thành một thật tế không thể tránh né; sự lựa chọn cuối cùng của ông chỉ có thể là ông đáp ứng lời mời của công tố viên Mueller, hoặc ông chờ để tuân hành trát đòi ra trước một đại bồi thẩm đoàn.
Tổng thống sẽ phải trả lời những câu hỏi nào? Ông Mueller cũng đã trao cho nhóm luật sư biện hộ tổng thống bản liệt kê những câu hỏi đó; rồi vì một nguồn rò rỉ nào đó, bản liệt kê lọt vào tay nhiều cơ quan truyền thông, và đang được phổ biến rộng rãi cho mọi người cùng biết.
Tờ The New York Times phân chia những câu hỏi đó ra thành ba loại, mỗi loại khai phá một địa hạt đang bị điều tra.

Loại thứ nhất gồm những câu hỏi liên quan đến ông Michael T. Flynn, nguyên cố vấn an ninh của tổng thống. Những câu hỏi này xoay quanh việc tổng thống có cản trở pháp luật (obstructing justice) để che chở cho ông Flynn hay không, và ứng cử viên Trump có chỉ thị cho Flynn gọi Sergey Kislyak -đại sứ Nga tại Hoa Kỳ trong thời điểm tranh cử tổng thống, và có theo dõi những cuộc điện đàm đó không.
Flynn đã nhận tội và đang cộng tác với Mueller trong cuộc điều tra về việc bộ tham mưu tranh cử của ông Trump liên hệ với người Nga; câu hỏi của Mueller nhắm tìm biết vai trò của Trump trong những cú điện thoại -tang chứng của thông đồng.
 

Michael T. Flynn


Và Sergey Kislyak

Loại thứ nhì liên quan đến việc nguyên giám đốc FBI James B. Comey, và những câu hỏi của Mueller sẽ đặt ra vấn đề “lý do nào khiến tổng thống sa thải ông Comey?” Có phải là để che chở ông Flynn hay không?
Tổng thống đã tuyên bố là ông sa thải Comey vì ông này không điều tra nghiêm chỉnh về vụ bà Clinton sử dụng mạng email cá nhân -thiếu bảo mật- để liên lạc công vụ. Lập luận đó không chính xác, vì nếu đúng như vậy thì biện pháp trừng phạt hơi trễ tràng, trong lúc tội lỗi xảy ra từ rất lâu.
Loại thứ ba của những câu chất vấn tổng thống liên quan đến tình trạng của Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, những câu hỏi tổng thống phải trả lời là, ông nghĩ thế nào, và ông đã làm gì về việc ông Sessions tự phế trong trọng trách điều tra cáo buộc cho là bộ tham mưu tranh cử của ông thông đồng với người Nga.


Jeff Sessions

Tổng thống đã từng công khai chỉ trích ông Sessions trong một cuộc họp tại phòng Bầu Dục là Sessions thiếu trung thành; báo chí tường thuật, tổng thống giận dữ nói giữa buổi họp là ông cần một vị bộ trưởng tư pháp có lập trường bảo vệ ông; ông Sessions xin từ chức nhưng tổng thống không chấp thuận.
Trở lại với hai nhân vật không thể nào đồng ý với nhau, người viết quan niệm dù khoa học có tìm ra tiên dược giúp Nghị Sĩ McCain sống thêm vài chục năm nữa, ông cũng không thể nào đồng ý với Tổng Thống Trump, vì hai người ngay trong lúc sinh ra cũng đã được nuôi dưỡng trong hai nền giáo dục trái ngược nhau.
Nhân chi sơ, tính bản thiện -hai cậu bé sơ sinh đều hiền lành trong trắng như nhau; nhưng lớn lên cậu sinh viên McCain tình nguyện gia nhập trường sĩ quan hải quân Annapolis để trở thành một thiếu úy hải quân, vì bố cậu là đô đốc, ông nội cậu cũng là đô đốc, trọn đời phục vụ tổ quốc.
Có bao giờ một người lính ngay thẳng và tự trọng trở thành bạn cùng chí hướng với một vị đại gian thương đâu.
(ndt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT