Thế Giới

Quan điểm nghệ sĩ: Ủng hộ, thông cảm Phong Trào Chiếm Đóng

Vanesssa White/Viễn Đông Monday, 14/11/2011 - 08:50:42

Phần lớn trong tầng lớp ưu tú đều phớt lờ những lời kêu gọi của những người biểu tình đòi quyền bình đẳng được tri nhận. J. Mal nói: “Quý vị giàu có như vậy. Chẳng lẽ quí vị không thể nào san sớt của cải?”

Vanesssa White/Viễn Đông

LONG BEACH, California – Phong Trào Chiếm Đóng đang trở thành nguồn khỏi hứng cho các nghệ sĩ. Một số nhà hoạt động nghệ thuật tìm cách ủng hộ cho những lời phê phán chỉ trích lâu nay chờ đợi sự công nhận.
J. Mal, một ca sĩ của ban nhạc rock, hip-hop MDMF ở Long Beach, nói với nhật báo Viễn Đông rằng ban nhạc của anh đã sáng tác một ca khúc mang tựa đề “Money Spent” (Tiền Được Tiêu), trước khi có Phong Trào Chiếm Đóng, hy vọng làm cho người ta nghĩ về chuyện họ tiêu tiền vào chuyện gì và tại sao chi tiêu tiền bạc như vậy. Nhắc đến Phong Trào Chiếm Đóng, J. Mal nói: “Tôi ủng hộ họ”. Anh nói thêm rằng anh tự coi mình là một thành phần của tầng lớp thấp hơn, chiếm 99 phần trăm.
Phong Trào Chiếm Đóng là một phong trào quốc tế, bắt đầu ở New York City và San Francisco, trong tháng 9 năm 2011. Phong trào này lấy cảm hứng từ “Mùa Xuân Ả Rập”, khi những cuộc biểu tình bắt đầu từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi Châu trước đó trong năm nay, dẫn tới sự cáo chung của những chế độ độc tài kéo dài hàng chục năm ở Tunisia và Ai Cập. Lên tiếng phản đối tình trạng bất công về xã hội và kinh tế, những người biểu tình Chiếm Đóng tự nhận mình là thuộc về 99 phần trăm xã hội bị áp bức bởi 1 phần trăm ưu tú là các công ty giàu có.
Cố gắng tìm hiểu lối suy nghĩ của thành phần ưu tú 1 phần trăm này, anh J. Mal nói: “Nếu tôi ở vào vị trí ấy, thì tôi cũng mù quáng giống như họ thôi. Họ đã quen với chuyện có quá nhiều thứ”.
Có một số người, như ông Russell Simmons, một nhà kinh doanh và một đại gia trong làng nhạc hip-hop, công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với thành phần 99 phần trăm này. Tuy nhiên, phần lớn trong tầng lớp ưu tú đều phớt lờ những lời kêu gọi của những người biểu tình đòi quyền bình đẳng được tri nhận. J. Mal nói: “Quý vị giàu có như vậy. Chẳng lẽ quí vị không thể nào san sớt của cải?”.

Ký giả, thành phần ủng hộ khó tin
Trong những tin tức được đưa ra về chuyện Phong Trào Chiếm Đóng, đặc biệt cuộc cắm trại Chiếm Đóng Wall Street trong khu công viên Zuccotti Park ở New York, những phương tiện truyền thông chính lưu chê những người biểu tình là thiếu một chương trình hành động rõ ràng, theo ông Robert Schiffman – một ký giả, người viết blog và viết sách – viết như vậy trên báo Huffington Post. Ông nói rằng các phóng viên truyền thông chính lưu đã đến thăm những nơi có những người biểu tình dựng lều, nhưng họ đến đó với “những ý nghĩ có tính cách thành kiến” về phong trào này. Thay vì lắng nghe những gì những người chống đối thực sự phát biểu, thì giới truyền thông lại bắt đầu dán nhãn hiệu và gán những điều sáo ngữ rập khuôn cho những người biểu tình. Ông Schiffman viết: “Người ta nghi ngờ rằng điều thực sự làm cho giới truyền thông chê trách như vậy thì không phải là những người Chiếm Đóng thiếu một thông điệp có tính cách nhất quán, mà là nó không hợp với một bite âm thanh dài tám giây. Thậm chí nó cũng không thích hợp với diễn đàn chính trị, vì nó không chỉ liên quan tới chuyện bày tỏ những lập trường và nêu rõ chương trình hành động. Nó còn lớn hơn cả thế nữa”.
Ông Schiffman viết tiếp rằng Phong Trào Chiếm Đóng liên quan tới chuyện những khó khăn về kinh tế mà mỗi người đã cảm thấy từ lâu, cũng như sự sụp đổ tinh thần bên trong nước Mỹ. Một sứ điệp như thế có lẽ sẽ không phát xuất từ các phương tiện truyền thông chính lưu. Ông viết: “Khác với những cuộc biểu tình trước đây, vốn tìm đến báo chí để lên tiếng diễn đạt, những người Chiếm Đóng tùy thuộc nhiều hơn vào những phương tiện truyền thông xã hội và những mạng giao tiếp xã hội của chính họ. Có thể họ là phong trào quần chúng đầu tiên trong lịch sử có thể bỏ qua, không cần đến giới truyền thông, và trình bày sứ điệp của họ bằng những lời lẽ riêng của mình”.
Ngoài ra, bằng cách diễn đạt những lời nhắn nhủ của riêng họ mà không có “một danh sách gồm những lập trường và đề nghị cố định”, thành phần 99 phần trăm này có thể bảo đảm rằng số 1 phần trăm ấy không có được một mục tiêu dễ dàng, theo ông Schiffman viết như vậy. Phong Trào Chiếm Đóng có đầu óc cởi mở hơn.

Một bức tranh vẽ ra một nghìn lời

Một trong những khía cạnh đầu óc cởi mở nhất của Phong Trào Chiếm Đóng là lối nhiếp ảnh chụp được nhiều phối cảnh gắn liền với những hình ảnh. Nhóm Street Art Utopia (Thế Giới Không Tưởng Nghệ Thuật Đường Phố), với châm ngôn là “chúng tôi tuyên bố rằng thế giới là khung vải cho chúng tôi vẽ”, đưa ra một tuyển tập những bức ảnh do những nhóm săn tin khác nhau chụp được, trong khi đó một số tấm hình khác là do một số người khác chụp. Những người này cảm thấy rằng giới truyền thông dòng chính không tường thuật một cách chính xác về tín điệp của Phong Trào Chiếm Đóng.
Nhiều tấm ảnh chụp hình những người biểu tình đang đưa cao những tấm biểu ngữ, viết những câu như “Bạn mất nhà ư? Là do Wall Street đánh cắp từ tay bạn đấy”, và “Chớ gì cuộc chiến chống nghèo đói là một cuộc chiến tranh thực sự, thì chúng ta mới thực sự bỏ tiền vào cuộc chiến ấy”.
Có một bức ảnh, được chụp trong cuộc Chiếm Đóng London, trình bày hình ảnh của một nhân vật trong trò chơi Monopoly (Độc Quyền) ngồi chễm chệ ở trên một bàn cờ Monopoly, chiếc mũ của ông ta được kéo dài ra, như thể ông đang ngả mũ xin tiền. Monopoly là một trò chơi trên bàn cờ, trong đó mục tiêu là để cho một người chiếm được tài sản càng nhiều càng tốt theo sức mình, như thế nắm giữ lấy sự “độc quyền”, tức nắm thế thống trị trên bàn cờ và tuyên bố ai là người thắng cuộc.
Được sáng tạo bởi Banksy, một hoạ sĩ chuyên vẽ tranh phun sơn graffiti và cũng là một nhà hoạt động chính trị, bức ảnh gợi ý rằng giai cấp thống trị, được đại diện bởi các ngân hàng và các công ty, đang tìm kiếm một món bố thí.
Món bố thí này dường như rơi vào tay họ từ sự mất mát của thành phần 99 phần trăm.

Về các nghệ sĩ
Để nghe bài “Money Spent” của nhóm MDMF, xin vào trang mạng http://www.reverbnation.com/mdmf/.
Để xem bộ sưu tập ảnh về Phong Trào Chiếm Đóng của Street Art Utopia, xin vào http://www.streetartutopia.com/?p=4334/.


Một tác phẩm của Banksy, nhà hoạt động và họa sĩ vẽ phun sơn graffiti ở London,
chụp ngày 25-10-2011 trong cuộc biểu tình Chiếm Đóng London - ảnh: Duncan C.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT