Thế Giới

Quan điểm nghệ sĩ về chiến tranh: cống hiến, kiểm soát, phê phán, vỗ về

Monday, 31/10/2011 - 07:44:14

Người Mỹ quen thuộc với khái niệm chiến tranh trong suốt dòng lịch sử đất nước. Từ những cuộc xung đột ngay trong nước, như cuộc Chiến Tranh Cách Mạng và cuộc Nội Chiến, hoặc xung đột với các quốc gia khác...

Vanessa White/Viễn Đông



“Bãi đáp”, tranh của John O. Wehrle (ở Dallax, Texas), CAT I, 1966 -
nguồn ảnh: Bảo Tàng Viện Quốc Gia Quân Đội Hoa Kỳ.

LOS ANGELES, California – Người Mỹ quen thuộc với khái niệm chiến tranh trong suốt dòng lịch sử đất nước. Từ những cuộc xung đột ngay trong nước, như cuộc Chiến Tranh Cách Mạng và cuộc Nội Chiến, hoặc xung đột với các quốc gia khác, cho đến việc Hoa Kỳ đón nhận và cho hội nhập những người di dân đến đây từ những nước bị chiến tranh tàn phá, Hoa Kỳ đã trải qua kinh nghiệm về những nguyên nhân và hậu quả, chi phí và lợi ích của chiến tranh.
Giữa lúc ngân sách quốc phòng chiếm hơn 50 phần trăm trong tổng số chi tiêu dự phòng, hoặc chi tiêu tùy ý từ tiền của những người đóng thuế, chính phủ Hoa Kỳ vẫn tự chuẩn bị cho chiến tranh và huy động các công dân của mình tham gia vào tiến trình này.
Nội việc mua mấy món đồ từ cửa tiệm ở góc đường cũng có thể đóng góp vào chiến tranh rồi. Ít nhất đó chính là điều mà ban nhạc Kounterfeit Change gợi ý trong ca khúc “Chiến Tranh và Tội Ác” của họ. Đây là một ban nhạc ở Los Angeles, gồm năm thành viên, chuyên về thể loại nhạc reggae/funk/heavy rock. Suốt trong cuốn video ca nhạc dành cho bài hát này, ban nhạc đang chơi trên một bãi biển vào lúc mặt trời lặn. Những hình ảnh của các địa điểm thử bom hạt nhân, những cuộc biểu tình, và những vụ đốt cờ, từ khắp nơi trên thế giới, được chiếu thường xuyên giữa lúc các thành viên ban nhạc hát lên những câu như “Hãy mua một viên đạn, để cho bạn có thể giữ nó lại, thắc mắc còn những gì trong cửa tiệm”.
Ban nhạc tiếp tục trình diễn, dường như đang cất tiếng hát từ quan điểm của một người nào đó đã bị thiệt mạng trong cuộc chiến, trong khi những người khác thì có thái độ nước đôi, “rùng mình trên vùng ngoại ô” và mua những vật dụng bằng những đồng tiền nuôi dưỡng chiến tranh. Những trái bom rơi từ trời xuống, song song với những giọt lệ tuôn ra từ mắt, ban nhạc Kounterfeit Change nối kết mọi người lại với nỗi đau thương do chiến tranh gây ra.

* Những nhà nghệ sĩ chiến tranh
Về mặt lịch sử, việc nối kết người ta với những khía cạnh khác nhau của chiến tranh chính là một phần của nghệ thuật chiến tranh. Các nghệ sĩ chiến tranh vẽ tranh, tạc tượng, hoặc tạo ra những phương thế khác để trình bày những hình ảnh mà họ nhìn thấy trong cuộc chiến, và miêu tả về chuyện chiến tranh góp phần như thế nào vào sinh hoạt thường nhật.
Các nhà nghệ sĩ chiến tranh có thể là những chiến binh, những người thường dân chứng kiến cảnh chiến chinh, hoặc các tù binh, miêu tả những phương diện quân sự, chính trị, xã hội và văn hóa của cuộc chiến. Những nghệ sĩ này sử dụng nghệ thuật của mình, để giáo dục người ta về những nguyên nhân, tiến trình và những hậu quả mà chiến sự có trên tất cả những ai bị ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Các nghệ sĩ chiến tranh Mỹ được gọi là “những nhà nghệ sĩ chiến đấu”, và từ trước đến nay được sử dụng để biên chép lại những phương diện khác nhau của chiến tranh. Trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, các nghệ sĩ kiêm chiến sĩ đã tạo ra những chú giải bằng hình tượng cho biên niên lịch sử quân sự. Các nghệ sĩ chiến tranh có thể được các chính phủ giao nhiệm vụ chuyển tải những hình ảnh từ chiến trường, hoặc để tạo ra tuyên truyền trong thời chiến, định hình cho lịch sử sẽ được các thế hệ nhìn thấy.

* Nghệ thuật như là “chiến tranh du kích”
Cố Giáo Sư Howard Zinn (1922-2010), cũng là sử gia, kịch tác gia và tác giả, nói với tạp chí Resonance Magazine trong năm 2004 rằng quyền lực chính trị nằm dưới sự kiểm soát của giới lãnh đạo công ty, và người ta có thể nghĩ về các ngành nghệ thuật như là một cuộc chiến tranh du kích. GS. Zinn nói: “Khi các chế độ độc tài bị đánh đổ, nó bắt đầu trong nền văn hóa, vốn là khu vực duy nhất nơi mà người ta có được một thứ tự do nào đó”. Tạp chí Resonance Magazine trích dẫn lại lời GS. Zinn, tác giả của cuốn sách Artists in Times of War (Các nghệ sĩ trong những thời chiến tranh): “Họ tinh tế và gián tiếp, cho nên chế độ cầm quyền cá cược rằng họ sẽ không dẫn đến một điều gì gây đe dọa, nhưng thường thì [giới cầm quyền] bị thua lần cá cược ấy”. Ông Zinn nói tiếp rằng các nghệ sĩ có một quyền lực đặc biệt làm người ta rung động, một thứ quyền lực vượt lên khỏi chính trị. Họ sử dụng giả tưởng để từ những sự thật của quá khứ và hiện tại tạo ra một tương lai lý tưởng. GS. Zinn nói: “Khi Dalton Trumbo viết cuốn tiểu thuyết Johnny Got His Gun (Johnny có được cây súng của mình), thì đó là một tác phẩm giả tưởng. Theo như chúng ta biết, nhân vật trong cuốn truyện ấy không hiện hữu trong đời sống có thực. Nhân vật ấy là một người lính được tìm thấy ngoài mặt trận trong thời Đệ Nhất Thế Chiến, nhưng không có mắt mũi tay chân, chẳng có gì cả ngoài một phần thân trên, một bộ óc và một trái tim đang đập. Đó không phải là một thực tại, mà là giả tưởng, đó là một lời nói dối. Thế nhưng cuốn tiểu thuyết của ông miêu tả những suy nghĩ của nhân vật ấy theo một cách thức nói ra cho người ta biết sự thật về chiến tranh”.
Mặc dù ông nói rằng những ca sĩ như Bruce Springsteen và nhóm Dixie Chicks lên tiếng chống chiến tranh, GS. Zinn nói thêm rằng các nghệ sĩ trong thời đại này gặp phải khó khăn trong việc phê phán chiến tranh và chính trị nhiều hơn so với những nghệ sĩ trước đây, vì giới truyền thông và chính phủ nắm quyền kiểm soát quá chặt. Giáo Sư Zinn được trích dẫn lại: “Âm nhạc có thể được thể hiện trực tiếp như những ca khúc phản chiến, hoặc có thể là tinh tế hơn. Những bức tranh có thể mang nội dung chính trị trực tiếp, chẳng hạn như những họa phẩm của danh họa Goya trong thời chiến tranh Napoleon, cho thấy sự rùng rợn kinh hoàng của chiến tranh. Có một tuyến lịch sử liên tục đi ngược lên tới thời Hy Lạp cổ đại, nơi xảy ra nhiều cuộc chiến, và các nhà soạn kịch Hy Lạp lên tiếng chống lại chiến tranh thông qua những nhân vật của họ”.
GS. Zinn nói với tạp chí Resonance Magazine rằng các nghệ sĩ trong thời đại này – những người dám phiêu lưu vượt qua khỏi phạm vi giải trí tiêu khiển và đưa ra những lời tuyên bố chính trị, đặc biệt liên quan tới chiến tranh – thường gặp phải những người nghệ sĩ như họ, những nhà phê bình, hoặc công chúng – những người này cảm thấy rằng các nghệ sĩ chỉ nên cung cấp tiêu khiển giải trí mà thôi. Ngoài chuyện chiến tranh, nói về trách nhiệm của nghệ sĩ, GS. Zinn cho rằng: “Khi họ nghe ai đó bảo họ rằng xét về mặt lịch sử thì đó là vai trò lớn của giới nghệ sĩ, điều ấy giúp sức cho họ. Đây chính là cách thức mà các nghệ sĩ gây cảm hứng cho việc thay đổi xã hội”. - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT