Thế Giới

Quân đội Pháp giải cứu các con tin ở Burkina Faso

Friday, 10/05/2019 - 09:17:51

Khu vực Tây Phi đã trở nên bất ổn trong các năm gần đây, vì sự quấy rối của các nhóm phiến quân có liên quan với al-Qaeda và Nhà Nước Hồi Giáo.

PARIS – Quân đội Pháp hôm thứ Sáu cho biết, các đặc nhiệm nước này đã giải cứu 4 con tin nước ngoài, bao gồm cả 2 công dân Pháp, khỏi tay một nhóm phiến quân ở Burkina Faso, Tây Phi. Ngoài ra, 2 lính đặc nhiệm cũng đã thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu diễn ra vào ban đêm. Lực lượng đặc nhiệm Pháp thực hiện chiến dịch giải cứu vào đêm thứ Năm rạng sáng thứ Sáu, được hỗ trợ bởi tin tình báo từ Hoa Kỳ và binh sĩ thuộc chiến dịch Barkhane của Pháp, đang được điều động tại khu vực Sahel để chống lại phiến quân Hồi giáo.
Cả 4 con tin đều được giải cứu an toàn, theo văn phòng Tổng Thống Emmanuel Macron cho biết, và thêm rằng một phụ nữ Hoa Kỳ và một phụ nữ Nam Hàn cũng được cứu trong chiến dịch bí mật. Bốn tay bắt cóc đã bị tiêu diệt và 2 tên khác trốn thoát. Hai binh sĩ thiệt mạng là thành viên của lực lượng tinh nhuệ thuộc Hải quân. Lực lượng Pháp không biết về sự hiện diện của các con tin người Hoa Kỳ và người Nam Hàn vào trước chiến dịch, và hai người này đã bị giam giữ 28 ngày. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng Hoa Kỳ rất biết ơn về vụ giải cứu các con tin, và gởi lời chia buồn tới gia đình các binh sĩ thiệt mạng.
Pháp can thiệp vào Mali vào năm 2013 để chống phiến quân Hồi giáo, sau đó chiếm giữ vùng bắc Mali và tiếp tục duy trì khoảng 4,500 quân tại vùng Sahel cho tới nay. Khu vực Tây Phi đã trở nên bất ổn trong các năm gần đây, vì sự quấy rối của các nhóm phiến quân có liên quan với al-Qaeda và Nhà Nước Hồi Giáo.

Tòa quốc tế điều trần vụ Nga bắt thủy thủ tàu chiến Ukraine
HAMBURG - Tòa quốc tế về luật biển (ITLOS) tại thành phố Hamburg, Đức, hôm thứ Sáu đã mở phiên điều trần đầu tiên về vụ Ukraine kiện Nga bắt 24 thủy thủ và 3 tàu chiến nước này, ngoài khơi bán đảo Crimea hồi tháng 11, 2018. Phiên điều trần được tổ chức sau khi ITLOS nhận được đơn kiện của Ukraine hôm 23 tháng 4. Lên tiếng tại phiên điều trần, phó Ngoại Trưởng Ukraine Olena Zerkal kêu gọi Nga phóng thích ngay lập tức các thủy thủ trên 3 chiến hạm bị bắt. ITLOS cho biết sau phiên điều trần dài 2 ngày, họ sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 25 tháng 5. Nga tuyên bố không công nhận tính hợp pháp của tòa án này.
Phó Ngoại Trưởng Ukraine cho rằng việc Nga không không công nhận quyền xét xử của tòa án cũng như không cử đại diện tới phiên điều trần ở Hamburg là "hành động đáng tiếc.” Trong khi đó, tổng thống sắp mãn nhiệm của Ukraine Petro Poroshenko gọi các thủy thủ là "tù nhân chiến tranh," và hy vọng ITLOS trong vài tuần tới sẽ gây áp lực buộc Nga thả 24 thủy thủ và 3 tàu chiến Ukraine. ITLOS được thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 và có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên.
Cảnh sát biển Nga hồi tháng 11, 2018 đã nổ súng bắt các tàu chiến của Hải quân Ukraine vì cáo buộc xâm phạm lãnh hải tại eo biển Kerch. 24 thủy thủ sau đó bị đưa ra tòa truy tố và bị dẫn về Moscow chờ xét xử. Ukraine phản đối cáo buộc, tuyên bố 3 chiến hạm này hoạt động đúng theo quy định của luật pháp quốc tế, yêu cầu Nga trao trả người và tàu. Hoa Kỳ và Liên Âu cũng yêu cầu Nga thả người, nhưng Moscow bác bỏ, khẳng định sẽ xét xử họ theo đúng pháp luật.

Gần 900 chiến binh trẻ em được phiến quân trả tự do
NIGERIA – Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) hôm thứ Sáu cho biết gần 900 trẻ em đang chiến đấu cho một nhóm phiến quân chống lại tổ chức khủng bố Boko Haram ở Nigeria đã được trả tự do. Trước đó, 894 trẻ em, trong đó có 106 bé gái, đã được Lực lượng đặc nhiệm dân sự (CJTF) chiêu mộ ở Maiduguri, phía đông bắc Nigeria. CJTF là nhóm phiến quân địa phương, được thành lập vào năm 2013 để chống lại Boko Haram, một tổ chức khủng bố cực đoan nổi tiếng tàn bạo trong khu vực.
UNICEF cho biết từ năm 2013 đến 2017, hơn 3,500 trẻ em đã được chiêu mộ để tham gia vào cuộc xung đột diễn ra ở miền Bắc Nigeria. "Chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh vì trẻ em, cho đến khi trẻ em vẫn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi không còn đứa trẻ nào phải chiến đấu cho các nhóm vũ trang ở Nigeria,” theo lời ông Mohamed Fall, đại diện UNICEF tại Nigeria. UNICEF cho biết 1,727 trẻ em đã được trả tự do kể từ khi nhóm CJTF tham gia kế hoạch của Liên Hiệp Quốc vào năm 2017, nhằm chấm dứt việc chiêu mộ trẻ em. Cơ quan Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang làm việc với chính phủ Nigeria và chính quyền địa phương để giúp những trẻ em được thả có thể tái hòa nhập cộng đồng.

Ireland tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu
DUBLIN - Quốc hội Ireland ngày thứ Sáu đã ban hành sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp về môi trường, trở thành cơ quan lập pháp thứ hai sau Quốc hội Anh có quyết định tương tự. Sắc lệnh này kêu gọi Quốc hội tuyên bố trình trạng khẩn cấp về khí hậu và kiểm tra các chính sách của chính phủ Ireland, nhằm giải quyết tình trạng suy giảm đa dạng sinh thái. Quốc hội Ireland đã đồng ý với văn bản này vào ngày thứ Sáu mà không bỏ phiếu phê chuẩn. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở Ireland.
Trước đó vào đầu tháng, Quốc hội Anh cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu, sau khi diễn ra làn sóng biểu tình bảo vệ môi trường của phong trào Extinction Rebellion tại London, kéo dài trong 11 ngày. Những người biểu tình đưa ra các yêu cầu đối với chính phủ Anh gồm: tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sinh thái; ban hành các chính sách có tính ràng buộc pháp lý để giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0% vào năm 2025; thành lập Hội nghị công dân với các đại diện trên khắp nước Anh để giám sát những thay đổi cần thiết để đạt được mục tiêu này.

Nhóm G7 sắp giả lập tình huống bị tấn công điện toán
PARIS - Vào tháng tới, các cường quốc phương Tây sẽ lần đầu tiên cùng nhau tổ chức một tình huống giả định một vụ tấn công điện toán xuyên biên giới nhắm vào ngành tài chính, theo các viên chức Pháp cho biết ngày thứ Sáu. Cuộc diễn tập, được tổ chức bởi Ngân hàng trung ương Pháp, sẽ có kịch bản là một chương trình công nghệ được sử dụng rộng rãi trong ngành tài chính đột ngột bị nhiễm chương trình điện toán độc hại. Các cơ quan tài chính như Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hành Anh quốc đều từng thực hiện các cuộc thử nghiệm kiểu này, nhưng cuộc diễn tập vào tháng 6 sẽ là lần đầu tiên một cuộc thử nghiệm được thực hiện xuyên biên giới trong nhóm các nước G7, theo lời bà Nathalie Aufauvre, tổng giám đốc tài chính của Ngân hàng Pháp.
Bà Aufauvre nói, cuộc diễn tập dài 3 ngày là nhằm chứng minh các ảnh hưởng xuyên biên giới của một vụ tấn công điện toán quy mô lớn. Sự kiện sẽ có sự tham gia của 24 cơ quan tài chính từ 7 nước, bao gồm các ngân hàng trung ương, các cơ quan quản lý thị trường, và các bộ tài chính. Đại diện một số lĩnh vực tư nhân của Pháp, Ý, Đức, và Nhật, cũng tham gia diễn tập. Theo thống kê gần đây của hãng công nghệ IBM, ngành tài chính là mục tiêu được ưa chuộng nhất của các vụ tấn công điện toán, với tỷ lệ 19% trên tổng số các vụ tấn công. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã tập trung củng cố năng lực đối phó tấn công điện toán cho các ngân hàng và các hãng bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hãng tài chính đặt trụ sở ở nước ngoài để tận dụng ưu đãi về thuế, và do đó không được bảo đảm về an ninh mạng.

Trung Quốc truy tố cựu chủ tịch Interpol tội nhận hối lộ
BẮC KINH – Cựu chủ tịch Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ, ngày thứ Sáu đã bị Bắc Kinh cáo buộc nhận những khoản tiền hối lộ lớn và lạm quyền khi còn làm việc tại Bộ Công An Trung Quốc. "Mạnh Hoành Vĩ đã lợi dụng vị trí là lãnh đạo Cơ quan cảnh sát biển và phó Bộ Trưởng Công An để thu về bất hợp pháp số tài sản rất lớn,” Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc thông báo. "Theo quy định của luật pháp, Mạnh phải chịu trách nhiệm hình sự với tội nhận hối lộ.”
Sau khi có kết quả điều tra, các công tố viên thành phố Thiên Tân đã nộp hồ sơ truy tố Mạnh Hoành Vĩ, cựu chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) lên tòa án cùng cấp. Theo giới quan sát, đây là bước đi pháp lý tiếp theo của chính quyền Trung Quốc trước khi đưa ông Mạnh ra tòa xét xử. Ủy Ban Kỷ Luật của đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCDI) hồi cuối tháng 3 thông báo ông Mạnh bị nghi ngờ "nhận hối lộ, gây tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của đảng, lợi ích của nhà nước và cần bị xử phạt nghiêm khắc.” Cựu chủ tịch Interpol cũng bị cáo buộc "chống đối quyết định của đảng, lạm quyền để thu lợi, sử dụng ngân sách bừa bãi, phung phí để thỏa mãn lối sống xa hoa của gia đình.”
Ông Mạnh trở thành người đứng đầu Interpol vào cuối năm 2016, cũng là lãnh đạo người Trung Quốc đầu tiên của Interpol trong lịch sử 95 năm của tổ chức này. Ông Mạnh từ Pháp về Trung Quốc hôm 25 tháng 9, 2018 và 10 ngày sau, vợ ông báo cảnh sát vì mất liên lạc với chồng. Vài ngày sau đó, Interpol thông báo Mạnh Hoành Vĩ đã xin từ chức chủ tịch và Trung Quốc cũng xác nhận đang điều tra ông này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT