Người Việt Khắp Nơi

Quản lý Đại Hàn ở công ty Canada bị phạt vì làm nhục một nữ nhân viên gốc Việt mang thai

Friday, 04/08/2017 - 09:08:26

Một tháng sau, tức là cô Tín mang thai được 8 tháng, bác sĩ sản khoa quyết định rằng sức khỏe của cô không đủ để có thể làm việc cho tới ngày sinh. Vì vậy cô Tín xin nghỉ phép vì bệnh. Tháng Hai năm sau, đứa con đầu lòng của cô chào đời, nhưng cô chỉ nhận được vài lời chúc mừng ở nhà máy.


Bên ngoài công ty CS Wind Canada (Windsor Star)


WINDSOR - Một nhân viên đang mang thai của công ty CS Wind Canada được thông báo cô "sẽ bị sa thải nếu cô làm việc ít hơn 17 tiếng một ngày." Và cô nhân viên đó, người bị gọi là "một phụ nữ Việt Nam ngu ngốc" đó, vừa được Tòa Án Nhân Quyền Ontario cho nhận bồi thường gần $60,000 Gia kim ($47,500 Mỹ kim) trong một vụ kiện, theo tin của nhật báo The Windsor Star ở Windsor, một thành phố nằm bên kia bờ đối điện thành phố Detroit ở Michigan của Hoa Kỳ.

CS Wind là công ty nhận được $10 triệu tiền khích lệ của tỉnh bang Ontario, sau khi những tháp điện bằng sức gió của công ty được một tập đoàn đa quốc gia Nam Hàn mua lại theo hợp đồng với Ontario. Tuy nhiên theo phán quyết của tòa án, công ty CS Wind vi phạm nhiều điều khoản trong Bộ Luật Nhân Quyền của Ontario.

Theo phán quyết của bà Laurie Letheren là phó chánh án của Tòa Án Nhân Quyền Ontario, phát hành vào tháng trước, việc công ty CS Wind đối xử với một nữ nhân viên tên Trịnh Tín bị xem là "phân biệt, xúc phạm và làm nhục." Điều đó "không thể chấp nhận được" vì tạo nên một môi trường bị nhiễm độc. Phán quyết cũng cho rằng trong một thời gian dài, cô Tín phải làm việc trong một môi trường thiếu thân thiện. Cô phải chịu đựng hành vi kỳ thị và những ý kiến độc ác. Cô không có lựa chọn nào ngoài việc phải từ chức để có thể thoát khỏi nơi này.

Công ty CS Wind cũng được lệnh phải xem lại chính sách về nhân quyền, phân phát bản sao chính sách cho nhân viên và đào tạo mọi người về quyền của nhân viên.

Bà Donna Kinsman là giám đốc Nhân Sự của CS Wind, nói với báo Star, "Đương nhiên, chúng tôi không đồng ý với quyết định này."

Nhưng công ty đối xử với cô Tín như vậy đúng hay sai? Bà Donna trả lời, "Tôi cảm thấy không thoải mái khi nói về chuyện đó. Tôi muốn được ghi nhận một cách chính thức rằng tôi không phải là giám đốc Nhân sự trong thời gian cô Tín đệ đơn kiện CS Wind."

Theo giải thích của bà Donna, có một số giám đốc nhân sự lần lượt làm việc tại nhà máy khi cô Tín gởi đơn khiếu nại lên tòa án. Hiện nay những người đó không còn làm việc tại đây nữa. Bà Donna xác nhận công ty cũng cung cấp chương trình đào tạo hàng năm về năng lực giám sát, giải quyết xung đột và nhân quyền cho các nhà quản lý.

Theo hồ sơ tòa án, cô Tín được thuê vào làm việc từ tháng Giêng 2012. Bốn tháng sau, cô được thăng chức quản lý kế hoạch cho một trong hai dây chuyền sản xuất. Nhờ nói tiếng Việt trôi chảy, cô được công ty yêu cầu giúp đỡ nhân viên người Việt Nam. Cô Tín làm việc từ 3 hoặc 4 giờ sáng cho đến sau 8 giờ tối. Cô cũng phải làm việc luân phiên trong cả ngày thứ Bảy lẫn Chủ Nhật.

Tháng Bảy năm đó, cô Tín mang thai và bắt đầu trải qua những biến chứng của thai kỳ. Bác sĩ khuyên cô nên nghỉ 10 ngày. Cô làm theo lời khuyên và điền đơn xin nghỉ 10 ngày. Ông chủ của cô là một ông họ Shin, đã mắng, "Cô không giống những người Việt Nam khác."

Cô Tín đã ra xe và khóc. Một mặt cô sợ sẽ bị sẩy thai, nhưng mặt khác, cô cũng lo lắng rằng mình sẽ không được ông chủ xem là một người Việt Nam "làm việc chăm chỉ."

Trong phiên tòa xét xử kéo dài sáu ngày, công ty bào chữa rằng ông Shin nói như vậy chỉ là bày tỏ sự thất vọng của ông thôi. Nhưng phó chánh án Laurie không chấp nhận lời giải thích đó, bà gọi lời nhận xét của ông Shin là "sỉ nhục" một người Việt Nam.

Trong tháng 11, khi cô Tín mang thai được 7 tháng, cô bị đau khớp toàn thân. Khắp người đau như dần. Đụng tới đâu, đau tới đó. Bác sĩ sản khoa của cô viết một lưu ý rằng cô nên giảm giờ làm việc xuống còn một nửa. Khi cô trình giấy xác nhận của bác sĩ cho ông Shin, ông trả lời với cô rằng, "Cô sẽ bị sa thải nếu chỉ làm phân nửa số giờ của một ngày." Thế là cô Tín không dám xin cắt giờ.

Tại phiên tòa, công ty CS Wind trình bày rằng giấy xác nhận của bác sĩ không nói cơn đau toàn thân là do cô đang mang thai, và họ lý luận cơn đau không làm người ta bị tàn tật. Công ty còn đổ lỗi cho cô Tín rằng tại sao lúc đó cô không trình bày mọi việc cho phòng nhân sự. Tuy nhiên phó chánh án Laurie bác bỏ cáo buộc đó, nói rằng, "Lời đe dọa cho nghỉ việc khiến mọi nhân viên lo sợ, vì vậy không ai dám bước vào phòng nhân sự để xin giảm giờ."

Một tháng sau, tức là cô Tín mang thai được 8 tháng, bác sĩ sản khoa quyết định rằng sức khỏe của cô không đủ để có thể làm việc cho tới ngày sinh. Vì vậy cô Tín xin nghỉ phép vì bệnh. Tháng Hai năm sau, đứa con đầu lòng của cô chào đời, nhưng cô chỉ nhận được vài lời chúc mừng ở nhà máy.

Sau khi hết kỳ phép vì thai sản, cô Tín quay trở lại làm việc, một ông chủ tên B. C. Kim hỏi cô chừng nào cô có thể nộp cho ông ấy một kế hoạch làm việc hoàn hảo. Cô Tín giải thích rằng vừa mới sinh con xong, và vừa mới trở lại làm việc, nhận thấy nhà máy có thêm dây chuyền sản xuất và một hệ thống theo dõi mới, nên cô cần thời gian xem xét.

Ông chủ tên B. C. Kim đe dọa, "Trong vòng một tháng, nếu cô không thể làm xong một kế hoạch hoàn hảo, cô cứ việc ở nhà với con trai cô."

Tại phiên tòa, công ty CS Wind nói rằng cô Tín cần phải hoàn tất công việc được giao, nhưng theo bà Laurie, lẽ ra công ty phải đối xử với cô Tín theo một cách khác vì giờ đây cô còn là một người mẹ. Hai tuần sau, khi nhà máy không đáp ứng chỉ tiêu hàng tuần, ông Kim gọi cô là "một phụ nữ Việt Nam ngu ngốc."

Tại phiên tòa, cô Tín cho biết cô không có tên trong danh sách những người được huấn luyện để làm nhân viên quản lý. Cô không được tăng lương và cũng không được tiền thưởng như những nhân viên khác. Thậm chí khi cô muốn có cơ hội làm việc ở Texas, ông Kim nói với cô rằng, "Cô là một phụ nữ có con nhỏ, cô nên ở lại Canada thì hơn." Tuy nhiên cô Tín không bao giờ nghĩ rằng việc có con sẽ cản trở sự nghiệp của cô.
Tháng 10, 2014, cô Tín xin nghỉ việc. Cô cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn bị mắng nhiếc nữa. Nhưng chuyện tới đó vẫn chưa chấm dứt. Ông Kim hỏi cô rằng công ty có thể làm gì để giữ cô lại. Cô Tín trả lời cô sẵn sàng làm công việc ngày cuối tuần. Ông Kim nói cuối tuần chỉ có công việc của tài xế xe nâng hàng, mà cô "quá đẹp để lái chiếc xe nâng hàng."

Tại phiên tòa, ông Kim cho biết đó chỉ là câu nói đùa của ông thôi. Chứ cô Tín mà đẹp gì.
Cô Tín cho biết từ sau chuyện đó, cô mất lòng tin vào bản thân tới mức mỗi khi được mời tới buổi phỏng vấn việc làm, cô đều tự nhủ, "Mình làm được mà. Mình đâu có ngu ngốc đâu."

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT