Hoa Kỳ

Quảng cáo tranh cử của Trump đăng hình Người Mỹ thực sự mà thật ra là người nước ngoài

Sunday, 14/07/2019 - 11:13:19

Trong quảng cáo cho thấy một ông có râu tên là “Thomas”, người bán cà phê ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, thì hóa ra hình ảnh thực sự được lấy từ một trang web hình ảnh stock với từ khóa, “chủ quán cà phê hipster có hình xăm,” từ kho phim tài liệu GM Stock Films có trụ sở tại Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.


Trang Facebook vận động tái tranh cử của Tổng Thống Trump nói rằng hai người “Mỹ thực sự” này ủng hộ ông. Thật ra đây là hai bức ảnh lấy từ kho hình có sẵn. Bên phải là một anh tại Thổ Nhĩ Kỳ được ghép hình vào một cửa quán ở bên Nhật. Bên trái là hình mẫu của một người dạo biển mùa hè, không phải một người ủng hộ Trump. (Facebook)


HOA THỊNH ĐỐN - Tổng thống Donald Trump đã đưa lập trường chống nhập cư trở thành một trọng tâm lớn của chính quyền của ông cũng như trong cuộc vận động tái tranh cử của ông.

Vào tháng Năm, ông đã nói khoảng 20 phút về hệ thống kiểm soát di dân nhập cư hiện tại, nêu rõ rằng, “Thật không may, các quy tắc nhập cư hiện tại cho phép người lao động nước ngoài thay thế cho người Mỹ tìm kiếm việc làm. Vì vậy, những người lao động nước ngoài đang đến và họ đang dành mất những công việc thường do những công nhân Mỹ đảm nhận.”

Tuyên bố của Tổng thống về việc di dân ăn cắp việc làm của người Mỹ đã không đúng sự thật theo các số liệu dữ kiện. Trên thực tế, hãng thống tấn AP nhận thấy rằng, “dữ liệu việc làm cho thấy dòng người nhập cư giúp tăng việc tuyển dụng chung cho nền kinh tế Hoa Kỳ, thay vì làm xói mòn sự tăng trưởng việc làm. Xu hướng này là rõ ràng trong báo cáo việc làm hàng tháng của chính phủ.”

Cùng lúc phát ngôn chống di dân, Tổng Thống Trump lại gặp chuyện gây khó ăn khó nói khi bị phát giác dùng công nhân ngoại quốc cho cuộc vận động tái tranh cử của ông.

Chẳng hạn, quảng cáo trên Facebook của ông đã dùng hình ảnh phổ biến của một anh thuộc loại “chiến” từ Thổ Nhĩ Kỳ và một quán cà phê Nhật Bản, mà lại nói là đó là Mỹ.

Trong quảng cáo cho thấy một ông có râu tên là “Thomas”, người bán cà phê ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, thì hóa ra hình ảnh thực sự được lấy từ một trang web hình ảnh stock với từ khóa, “chủ quán cà phê hipster có hình xăm,” từ kho phim tài liệu GM Stock Films có trụ sở tại Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, cửa hàng được cho là của anh “Thomas” thực sự là hình ảnh video stock của một cửa hàng sửa chữa đồng hồ ở Tokyo. Theo báo Business Insider cho biết, ban tranh cử của ông Trump đã tìm cách che giấu những chữ Nhật ở đằng sau quán, để người xem tưởng anh Mỹ “Thomas” đứng trong một tiệm Mỹ.
Nhà báo Judd Legum đã điều tra vấn đề này sâu hơn và viết trong Twitter của anh, nêu chi tiết về cuộc vận động của Trump “đã chi tiêu những nguồn lực đáng kể cho một chiến dịch quảng cáo nhằm ý nói ông Trump được mọi thành phần người Mỹ ủng hộ, và hóa ra trường hợp “Thomas từ Hoa Thịnh Đốn” không là duy nhất.

“Một trong những đối tượng mà Trump nhắm đến là phụ nữ trẻ. Một quảng cáo trực tuyến đang được chạy trên Facebook và Google có một phụ nữ trẻ tóc vàng tên là Tracey, một người hâm mộ cuồng nhiệt của Trump, rõ ràng vậy,” Legum viết. “Thế nhưng có một vấn đề, là Tracey thực sự là một người trong ảnh mẫu người dạo biển mùa hè” mà người ta có thể mua để dùng hình, chứ không phải một người hâm mộ ông Trump.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT