Du Lịch

Quảng Nam – Huế - Quảng Bình (kỳ 3)

Wednesday, 23/04/2014 - 10:53:23

Sau khi hoàn tất công tác Từ Thiện ở Huế, đoàn lên đường đi tới xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trên đường đi chúng tôi ghé thăm linh địa La Vang, nơi duy nhất ở Việt Nam được Giáo Hội Công Giáo công nhận là “Linh Địa.” Công trình xây cất Linh Địa và ngôi thánh đường dâng kính

Phượng Vũ
 
Hội Bạn Người Nghèo Nam California thực hiện

Sau khi hoàn tất công tác Từ Thiện ở Huế, đoàn lên đường đi tới xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trên đường đi chúng tôi ghé thăm linh địa La Vang, nơi duy nhất ở Việt Nam được Giáo Hội Công Giáo công nhận là “Linh Địa.” Công trình xây cất Linh Địa và ngôi thánh đường dâng kính Đức Mẹ La Vang đã được khởi công, nhưng chưa biết khi nào mới hoàn thành. Hy vọng giáo dân Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới sẽ hết lòng đóng góp công sức, tiền của vào công trình trọng đại và vinh dự này để có thể tự hào đã cùng góp tay xây dựng “một công trình quy mô tầm cỡ thế giới” để kính dâng Đức Mẹ La Vang! Đoàn đến viếng và cầu xin Đức Mẹ ban ơn bình an cho chuyến đi từ thiện ở Quảng Bình, vì địa điểm lần này ở một vùng quê hẻo lánh rất xa thành phố.

Rời La Vang, khi xe đi ngang qua cầu Hiền Lương, cầu phân chia ranh giới Bắc – Nam trong chiến tranh Cộng Sản – Quốc Gia, nhiều người trong xe khi nghe giới thiệu về cây cầu lịch sử, đều muốn nhoài người ra cửa kiếng để tận mắt nhìn thấy cây cầu “đặc biệt” ấy. Hiện nay họ đã làm một cây cầu mới bắc ngang sông Bến Hải, cây cầu cũ chỉ còn đứng đó như một chứng nhân lịch sử. Nghe nói ngày xưa giữa cầu là lằn ranh biên giới mỗi nửa bên sơn màu khác nhau để dễ phân biệt. Ai bước qua lằn ranh biên giới ấy chắc tính mạng sẽ không an toàn. Khi xe chạy qua khỏi cầu Hiền Lương, một giọng nói thầm thì vang lên trong xe, “Chúng ta bắt đầu đi vào lãnh địa miền Bắc.”

Địa phận đầu tiên của tỉnh Quảng Bình mà chúng tôi nhìn thấy dọc theo Quốc Lộ 1 là huyện Lệ Thủy. Lệ Thủy cũng chính là tên cô con gái đầu lòng của ông bà cố vấn Ngô Đình Nhu. Đây cũng chính là quê hương của gia đình Tổng Thống Ngô Đình Điệm, một chút tiếc thương ngậm ngùi cho người “vị quốc vong thân”!

Xe đi ngang Đồng Hới, thị xã của tỉnh Quảng Bình, trời đã về chiều nhưng xe vẫn còn tiếp tục đi mãi! Chúng tôi cứ ngỡ khởi hành sau trưa thì đoàn sẽ đến nơi khoảng 6 giờ chiều, trước khi trời tối, nhưng xe vẫn cứ miệt mài chạy! Khi xe qua khỏi một ngã ba, thì xe nhỏ (chở HBNN) gọi xe lớn (chở đoàn BS, DS và Hội Nhân Đức) quay trở lại để rẽ vào ngã ba, chúng tôi mừng thầm rẽ vô đường nhỏ chắc sắp đến nơi rồi! Trời tối dần và xe cứ tiếp tục chạy mãi không ngừng, chạy riết trời đã tối mịt..., chúng tôi bắt đầu nghi ngờ, “Có khi nào bị lạc không?”

BS Phong trưởng đoàn trấn an: “Yên tâm! không lạc đâu vì anh Hải đã đi tiền trạm xuống đây trước rồi!”
Nghe vậy mọi người thở phào nhẹ nhõm vì trời đã tối thui, hai bên đường ếch nhái kêu vang, không một ánh đèn. Lỡ có gì làm sao trở tay kịp? Tôi thầm nghĩ hồi nãy mọi người có khấn Đức Mẹ La Vang cho đoàn đi bình an rồi. Vì Đức Mẹ đã hứa , “Ai đến nơi đây cầu xin, ta sẽ nhậm lời” nên chắc không sao. Mọi sự sẽ tốt đẹp thôi! BS Phong cho biết vì đây là vùng sâu, vùng xa, nên gửi công văn khẩn từ Saigon ra đây cũng phải mất 3 ngày mới đến được. Cái gì cũng phải làm giấy tờ xin phép trước đàng hoàng đầy đủ, dù là đi làm từ thiện. Mấy ông chính quyền sở tại nhiều khi hống hách “Phép vua thua lệ làng,” ai biết trước được?

Một lát sau nghe tin anh Hải đã liên lạc điện thoại được với giáo xứ Phù Kinh và họ đã cho người ra dẫn đường rồi! Ôi mừng quá, vậy là yên tâm, cám ơn Đức Mẹ. Xe bắt đầu rẽ vào con hẻm nhỏ, chỉ vừa đủ xe đi, các cửa kiếng phải đóng lại vì hai bên là cây cối um tùm, cọ quẹt vào xe “rào rào.” Mọi người mừng thầm “vào ngỏ nhỏ như ri” chắc là sắp đến nơi rồi và ai cũng bắt đầu thấy đói bụng. Hồi nãy lo quá nên quên mất đói! Nhưng sao xe cứ ngoằn ngoèo chạy mãi, như chui vào một cái hang không có đáy, y như trẻ con đang chơi trò “đi trốn đi tìm” mà đi tìm mãi vẫn không thấy “đối tượng” đâu? Có người nói thì thầm:

“Ngỏ nhỏ như ri, xe chỉ có một đường tiến tới, chứ làm răng có đường lui, nếu có lầm đường...”

Cầu cho mọi sự bình an!

Khi chúng tôi đã quá mệt mỏi, không muốn cứ hy vọng rồi lại thất vọng mãi, nên tạm nhắm mắt lại, thì nghe tiếng reo của một người ngồi phía trước: - Kìa! xa xa đã có ánh đèn, chắc đó là nhà thờ Phù Kinh rồi!

Mọi người bèn bật dậy nhao nhao, “Đâu? Đâu?”

Ôi, bây giờ tôi mới thấm thía câu “ánh sáng cuối đường hầm” có một ý nghĩa quan trọng đến thế nào! Mọi người quên hết mệt mỏi đường dài, ngồi thẳng dậy hớn hở theo dõi ánh đèn xuất hiện phía trước! Lạy Chúa, xin cho những lúc con mệt mỏi nản lòng trên đường đời đầy gian nan, thử thách, hãy cho con nhìn thấy ánh sáng của Chúa dù nhỏ bé, để giúp con vững tin và tiếp tục bước theo con đường Chúa đã muốn con đi!

Khi xe quẹo vào sân nhà thờ, mọi người mừng rỡ xuống xe, vươn vai, xoải chân cho đỡ mỏi! Cuối cùng đoàn cũng đã đến được nơi phải đến. Cha xứ và mấy bà phụ trách nhà bếp đã chu đáo chuẩn bị bữa ăn tối sẵn sàng cho cả đoàn kể cả chỗ ngủ với mền gối đầy đủ. Như vậy là sướng hơn lần đi từ thiện ở Tà Lài rồi! Lần đó cả chục người nữ dồn vào một phòng, rồi ai nấy lo đi kiếm chiếu trải ra để nằm ngủ kiểu “đầu xuôi, đuôi ngược” như cá hộp. Nhưng không sao, đi từ thiện là tập chấp nhận mọi khó khăn gian khổ vì dân nghèo Việt Nam còn khổ hơn gấp trăm lần.

Tôi nhớ tới hình ảnh một bà nửa ngồi, nửa nằm trong xe rác (nhặt ve chai và bao nylon) của mình mà ngủ ngon lành, chắc mệt quá rồi thiếp đi! Hay hình ảnh trên youtube đang làm xôn xao dư luận là việc cô giáo và các học sinh phải chui vào túi nylon cột lại rồi được đẩy qua thác nước cuồn cuộn để đi đến trường...

Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy sớm, ăn sáng xong là lo chuẩn bị cho việc khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho dân nghèo mấy xã quanh đây, không phân biệt tôn giáo. Nhà thờ Phù Kinh chỉ cho mượn địa điểm và phòng ốc để đoàn từ thiện có nơi làm việc. Kinh phí lần này do Hội Bạn Người Nghèo Nam California đài thọ, ngoài những thùng thuốc lớn của Hội Nhân Đức mang theo, chú Phan còn cho bổ sung thêm những lọ Tylenol 500mg (chai 1,000 viên) mang từ Mỹ về, nhưng chỉ một lát là hết vèo, lại yêu cầu chú Phan tiếp tế thêm vì bà con thấy thuốc của Mỹ là mê quá (dù trước đây dân Quảng Bình nổi tiếng đánh Mỹ rất giỏi). Ai cũng muốn xin thêm, nhưng chúng tôi đã hạn chế mỗi người chỉ được 20 viên. Đúng là bà con đang “đói thuốc,” thuốc gì cũng thấy quý, cũng muốn xin thêm.

Lần đầu đi công tác từ thiện với Hội Nhân Đức tôi là “tay mơ” nhưng sau vài tháng đi liên tiếp nhiều chuyến từ thiện, tôi đã tích lũy kinh nghiệm dần dần và bây giờ trở thành “chuyên nghiệp.” Tôi vừa bấm thuốc, vừa kiểm tra thuốc lần cuối xem có đúng theo toa không? Rồi gọi tên bịnh nhân để họ nhận thuốc. Vì giọng nói của tôi và của bịnh nhân ở các địa phương có khi không giống nhau, nên để tránh sự lầm lẫn, tôi thường hỏi tuổi bệnh nhân để đảm bảo sự an toàn và chính xác khi bệnh nhân tới nhận thuốc về uống.

Có một bà cụ nhận tên Nguyễn thị Nụ, tôi hỏi

- Cụ bao nhiêu tuổi?

- 74

Nhìn vào toa, tôi thấy ghi 84 tuổi, nên bảo:

- Trong toa ghi 84 tuổi, vậy không phải của cụ rồi

- Phải mờ, tui tên Nguyễn thị Nụ 84 tuổi, quên nói lộn 74

- Lộn gì tới 10 tuổi lận! Cụ có chắc là đúng của cụ không?

- Chắc mờ!

Tôi bèn cảnh cáo:

-Thuốc không phải đồ ăn, cụ phải uống đúng thuốc BS cho cụ thì mới khỏi bệnh, cụ uống nhầm thuốc người khác rất nguy hiểm có khi chết người. Nếu cụ chắc chắn là đúng, thì con giao thuốc cho cụ.

Bà cụ nghe xong, vội trả lại gói thuốc liền:

- Thôi, tui không lấy gói thuốc ni mô! Lỡ có gì thì chết oan!

Sau đó tôi phải nhờ một nhân viên phía ngoài dẫn bà cụ đi tìm BS khám bệnh cho bà cụ để xác minh có đúng thuốc của cụ không? Hồi nãy thì cụ cương quyết nhận đúng là của mình, bây giờ thì cụ lại chối đây đẩy không phải của tui mô!

Đa số bịnh nhân vùng này đều nghèo khổ, thiếu dinh dưỡng, nên họ thường bị mệt. Một nam bác sĩ vừa đưa ống nghe lên ngực một bà bệnh nhân vừa hỏi thăm:

- Bà bị bệnh gì?

- Tôi bị “nhục” quá, Bác sĩ ơi “nhục” lắm!

BS nghe vậy hết hồn vội rút ống nghe lại:

- Tôi có làm gì bà đâu, mà bà nói bị “nhục” ?

- Thì tôi bị “nhục” thiệt nờ !

May là có một thanh niên giáo xứ phụ việc gần đó, nghe thấy vội giải thích:

- BS ơi, bà nói bị “nhục” là “nhọc mệt” đó, ý bà hay bị mệt cần xin thuốc bổ uống cho khỏe!

- Vậy mà bà làm tôi hoảng hồn, định từ chối khám bệnh cho bà và nhờ người đưa bà ra ngoài!

Từ đó tin nhanh loan truyền trong các BS “Khi nghe bịnh nhân than bị “nhục” thì yên tâm, cứ cho thuốc bổ là trị được bệnh “nhục,” vì đa số bịnh nhân đều than bị “nhục.”
Có bà không nhớ nổi họ tên, chỉ biết người ta gọi tui là “Mệ Hinh.”.., “Mệ Dục.”.. Tôi hỏi “Mệ bao nhiêu tuổi?” thì mệ ngớ ra rồi nói:

- Cô ơi, tui không nhớ rõ mô, chắc 60 nờ...

Rồi quay sang bà bên cạnh hỏi:

- 60 mụ hỉ? Tui với mụ bằng tuổi nhau nờ!

- Ừ đúng rồi, 60 chứ mô nữa!

Tôi chợt nhớ lại và thầm nhủ “Ủa! vậy mấy mệ đây còn trẻ hơn mình sao?” Đa số họ nhìn gầy còm, ốm yếu, già nua cũng chẳng rõ tuổi thật họ bao nhiêu? Vì có bà hỏi 72 tuổi gật đầu, mà 82 tuổi cũng gật đầu luôn. Đúng là theo kiểu nói vui, “Bao nhiêu tuổi cũng được, miễn có tuổi là được.”

Có ông ngồi ngay bên cạnh mà gọi tên 3 lần vẫn không thấy trả lời. Sau có bà hàng xóm chạy tới, vỗ vai ông bảo, “Người ta gọi tên ông nhận thuốc tề!” Thì ra ông bị lãng tai! Về sau để cho công việc phát thuốc được nhanh, tôi nhờ 1 nhân viên giáo xứ, phụ trách gọi tên giùm, vì giọng địa phương với nhau chắc họ nghe ra dễ dàng hơn là giọng “Nam kỳ rặt” của tôi !.

Có nhiều bà mẹ nom còn trẻ, nhưng gầy gò ốm yếu, tay dắt theo một bầy con “lít nhít” lem luốc, chắc lại theo kiểu “Trời cho bao nhiêu, hứng bấy nhiêu.” Hứng riết rồi làm sao nuôi nổi? Rồi mẹ kiệt sức, con suy dinh dưỡng, rồi ốm đau, tiền đâu lo thuốc men? Tôi phải kéo những người mẹ ấy ra góc riêng, gửi một số tiền để về lo cho bầy con đỡ nheo nhóc. Tôi đau lòng khi nhớ lại những bản tin thật buồn, “Một bà mẹ gieo mình xuống đất từ lầu 7 của một bệnh viện vì bất lực nhìn đứa con 7 tháng tuổi nằm chờ chết trên giường bệnh mà không đào đâu ra tiền để trả viện phí cho con” hay một bản tin mới vừa đọc được, “Ở Quảng Nam một cô giáo đã lấy dây cột chặt mình và hai con nhỏ để cùng trầm mình xuống dưới lòng hồ Phú Ninh tự vẫn vì hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn.”

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT