Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Quang Tuyền, người "thổi hồn" cho âm thanh của các buổi diễn âm nhạc

Friday, 04/03/2016 - 07:53:26

Sau đó anh càng nung nấu thêm ý định theo đuổi đam mê âm nhạc của mình. Vì vậy, ban ngày anh đi làm hãng, tối đi học ESL trang bị vốn liếng ngôn ngữ để ghi danh học nhạc.

Bài BĂNG HUYỀN

Kỹ sư âm thanh mà nhiều người trong chúng ta vẫn quen gọi là người phụ trách âm thanh, chỉnh âm thanh, là một công việc sáng tạo khá quan trọng. Thường thì trong một buổi trình diễn âm nhạc, khán giả chỉ chú trọng đến sự thành công của buổi diễn đó vào sự xuất hiện của ngôi sao, hay những giọng hát truyền cảm, ban nhạc hay và những ca khúc có giá trị nghệ thuật. Nhưng phẩm chất âm thanh tốt cũng là chuyện quyết định đêm diễn đó có thành công hay không.

Việc thiết kế, lắp đặt hệ thống âm thanh sao cho thật chuẩn xác, cộng hưởng các hiệu ứng về tần suất, nhịp điệu âm thanh như thế nào để đẩy cảm xúc người nghe trầm bổng theo điệu nhạc là điều rất quan trọng để đem lại phẩm chất âm thanh tốt.

Vì nếu âm thanh của buổi diễn không đạt, tiếng hát nhỏ hơn phần nhạc đệm, hoặc tiếng lúc thì to lúc thì nhỏ, âm thanh bị hú... không chỉ làm ảnh hưởng đến buổi biểu diễn mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của một chương trình nào đó.

Quang Tuyền và dàn âm thanh (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Anh Quang Tuyền, là người phụ trách âm thanh, từng đảm nhiệm vai trò âm thanh từ thập niên 1990 đến nay trong nhiều chương trình giải trí khác nhau trong cộng đồng người Việt tại vùng Little Saigon. Từ những buổi nhạc nhỏ tại tư gia cho đến những chương trình tổ chức ngoài trời bên nhà thờ Công giáo như thánh lễ Lòng Thương Xót Chúa có khoảng 2000- 3000 người dự, hay những chương trình nhạc thính phòng tổ chức tại hội trường nhật báo Người Việt, VNCR, nhật báo Việt Báo, các chương trình nhạc thính phòng gây quỹ của Tăng Thân Xóm Dừa tổ chức, những buổi tiệc văn nghệ gây quỹ tổ chức tại các nhà hàng trong vùng Little Saigon, chương trình họp mặt cuối năm của Liên Trường Trung Học Việt Nam-Nam California, chương trình biểu diễn định kỳ của lớp Thanh Nhạc Lê Hồng Quang...

Gần đây nhất anh là người phụ trách âm thanh cho buổi diễn của nghệ sĩ guitar Phương Thảo tại hội trường nhật báo Người Việt, là một buổi diễn rất thành công, để lại nhiều dư âm đẹp với khán giả về tài hoa của tiếng đàn tuyệt vời của nghệ sĩ Tây Ban Cầm Phương Thảo và các tiếng hát giàu biểu cảm trong chương trình. Để khán giả cảm nhận được một buổi diễn hoàn hảo này về mặt nghệ thuật, có sự đóng góp không nhỏ của anh Quang Tuyền về mặt âm thanh.

Ngày mai, Chủ Nhật, ngày 6-3-2016, chương trình nhạc thính phòng “Tình Quê Hương” sẽ diễn ra vào lúc 3 giờ chiều tại hội trường nhật báo Người Việt, ban tổ chức đã mời anh Quang Tuyền đảm nhận phần âm thanh cho chương trình này.


Quang Tuyền đang điều chỉnh âm thanh trong một chương trình nhạc tại tư gia. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Vì đây là buổi diễn được tập luyện rất công phu từ tiếng hát đơn ca của Thương Linh, Phạm Hà, Bùi Quỳnh Giao, Đan Tâm, cho đến phần hát hợp xướng của Ngàn Khơi, những tiếng hát song ca, tứ ca, hợp ca và nhóm ca Cát Trắng, cùng tiếng đàn guitare của nghệ sĩ Tây Ban cầm Phương Thảo và tiếng dương cầm của nghệ sĩ dương cầm Phương Lan, nên ban tổ chức tin tưởng với kinh nghiệm và tài năng của Quang Tuyền sẽ góp phần thành công cho buổi diễn này.

Kỹ thuật âm thanh cho mỗi loại sân khấu
Anh Quang Tuyền cho biết âm thanh sân khấu ngoài trời khác, trong khán phòng lớn khác, khán phòng nhỏ khác, chương trình nhạc full band khác với one man band hay 1 vài nhạc cụ. Những buổi nhạc thính phòng chỉ có 1 hoặc 2 nhạc cụ thì âm thanh cần chỉnh sao cho vừa đủ nghe, bố trí loa hợp lý, không cần nhiều, không cần to mà cần phải tinh tế. Ngoài loa để khán giả nghe được âm nhạc của buổi diễn, thì việc đặt loa và chỉnh âm thanh sao cho người đàn và người hát ở trên sân khấu nghe nhau thật rõ để trình diễn thành công cũng là một yêu cầu kỹ thuật đối với người phụ trách âm thanh.
Trong buổi diễn, mỗi căn phòng to nhỏ đều có 1 vài tần số riêng dễ cộng hưởng với âm thanh phát ra từ loa, làm cho âm thanh ở một tần số nào đó bị hú và đó là 1 trong những nguyên nhân chính của hiện tượng (ù,hú ). Nếu sử dụng nhiều micro, thì cơ hội bị hú rất dễ xảy ra. Vì vậy để tránh tình trạng này, ngoài việc đặt loa đúng kỹ thuật, lúc setup thì người phụ trách âm thanh phải tìm ra những tần số bằng thiết bị cắt các tần số gây ra tiếng hú, đó là 1 Equalizer thật chuẩn, một thiết bị âm thanh chính chuyên dùng để điều chỉnh âm sắc, nhưng để nghe được các tần số bị dư đòi hỏi người kỹ sư âm thanh phải có đôi tai và kinh nghiệm thì mới giải quyết được hiện tượng hú của micro.

Anh Quang Tuyền cho biết, “Một ca khúc hát đơn ca với phần đệm của guitar hoặc piano, khi trình diễn luôn luôn có cường độ âm thanh không ổn định. Tùy thuộc vào điểm cao trào làm cho tín hiệu âm thanh có biên độ luôn biến đổi, có lúc rất nhỏ và có lúc rất lớn một cách đột ngột. Vì vậy để hỗ trợ cho người phụ trách âm thanh, có compressor (bộ lọc âm thanh) được thiết kế như một phần cứng thông minh có khả năng “nghe” được sự biến đổi của tín hiệu và tự điều chỉnh cho phù hợp. Đây là thiết bị làm dịu bớt những âm thanh lớn và làm nổi bật lên những âm thanh nhỏ. Khi đó tác phẩm trình diễn sẽ trở nên dễ nghe hơn, đồng thời nó giúp cho hệ thống âm thanh tránh phải truyền tải những tín hiệu có cường độ cao có khả năng làm hỏng main power hoặc làm cháy các loa.”

Anh nói, “Vì nhạc cụ hay giọng hát luôn to nhỏ khác nhau, lúc mạnh nhẹ, lúc xa gần cho nên người ta thường dùng compressor để hạn chế tín hiệu khi tới một mức đã định sẵn.

“Âm lớn quá sẽ được nén xuống, nhỏ thì được giữ nguyên hoặc nâng lên. Hiệu ứng này giúp nhiều cho việc cân chỉnh âm thanh. Tuy nhiên nhiều quá sẽ làm mất đi tính “thực” của âm thanh.

“Ngoài compressor, người chỉnh âm thanh còn dùng đến equalizer là thiết bị quan trọng không thể thiếu trong một dàn âm thanh hoàn chỉnh. Điều chỉnh equalizer tốt sẽ giúp người chỉnh âm thanh kiểm soát tín hiệu âm thanh, thay đổi tính chất của âm thanh khi đi qua thiết bị này. Equalizer có 4 chức năng chính: cân bằng tần số âm thanh (tần số thừa cắt bớt, tần số thiếu thêm vào). Điều chỉnh âm thanh phù hợp hơn (giải quyết khi âm thanh bị vang, mất tiếng bass hoặc dư treble). Điều chỉnh âm thanh cho phù hợp với mục đích (chơi nhạc rock cần đổ bass nhiều...), cắt tiếng hú cho micro.

“Tuy nhiên với những ai mới bắt đầu làm việc trong lĩnh vực này thì equalizer là một thiết bị rất khó xài, nó có rất nhiều cần gạt. Vì vậy cách điều chỉnh equalizer sao cho tốt qua đó kiểm soát tín hiệu âm thanh của bộ dàn trong từng sự kiện, chương trình khác nhau cụ thể là kỹ năng cơ bản không thể thiếu với bất kỳ một kỹ sư âm thanh nào. Đòi hỏi người sử dụng phải có khả năng thẩm âm tốt, tai nghe nhạy, tay chỉnh nhanh. Một điều quan trọng là compressor, equalizer chỉ là thiết bị kỹ thuật hỗ trợ, người dùng nó phải giỏi thì mới đạt được hiệu quả cần thiết của thiết bị hỗ trợ này.”

Thiết bị âm thanh giúp tiếng hát đến với người nghe
Để giúp những người không ở trong nghề hiểu rõ hơn, anh Quang Tuyền giải thích, “Giọng hát của mỗi người mỗi khác, người hát to khỏe, người hát ít hơi, người thì có âm bass (âm trầm) hay âm middle (âm trung) (thường với giọng nam), người thì chỉ nghe thấy âm treble (thường là giọng nữ, âm thanh có âm tần cao), cho nên nhiệm vụ của người chỉnh âm thanh là điều chỉnh sao cho giọng của mỗi người đều rõ ràng, đầy đủ dải tần mà không đánh mất chất giọng riêng.”

Anh cho rằng, “Với những người có giọng hát với nhiều âm bass và middle, người chỉnh âm thanh chỉ cần thêm chút treble khi điều chỉnh trên bàn mixer (mixing console) để điều chỉnh giọng hát thêm hấp dẫn. Còn với giọng hát nhiều âm treble thì tạo ra cảm giác nhẹ nhàng, êm ái, tiếng hát trong trẻo. Nhưng khi nghe cả buổi thì sẽ cảm thấy nhàm chán. Vì vậy người chỉnh âm thanh thêm chút middle và bass để tiếng hát đầy hơn.

“Ngoài âm treble của giọng hát ra, âm thanh ở tần số cao hơn thông thường một chút sẽ làm cho giọng hát trong trẻo hơn nữa mà không gây ảnh hưởng tới chất giọng gốc vốn có.

“2 hiệu ứng echo và reverb là 2 effect thường được người chỉnh âm thanh dùng khi cân chỉnh trên bàn mixer (mixing console). Nếu echo tạo tiếng vọng lại như trong hang động, với thời gian dài hơn (1 đến vài giây), thì reverb-delay thể hiện tiếng ngân, là một hiệu ứng tương đối quan trọng để tạo nên giọng hát hay âm thanh nhạc cụ thêm truyền cảm và có độ sâu giúp người hát đỡ tốn sức hơn. Phần lớn những bộ Karaoke thường có hiệu ứng echo, nó không giúp giọng hay hơn nhưng người hát ngắn hơi cảm thấy yên tâm hơn, sẽ hỗ trợ giọng hát, người hát cảm giác đỡ mệt, đỡ tốn hơi. Tuy nhiên nhiều echo quá làm cho âm thanh thiếu rõ ràng vì sự lặp lại và đè lẫn nhau. Vì vậy người chỉnh âm thanh thường tránh dùng echo khi người ca sĩ hát live. Những người có giọng hát tốt thì cần rất ít effect, tiếng hát gần như mộc, chỉ có người hát yếu, giọng non thì mới cần nhiều effect để hỗ trợ, che lấp những khuyết điểm, còn tùy thuộc vào thể loại nhạc mà người chỉnh âm thanh mix effect nhiều hay ít. Với ca sĩ chuyên nghiệp khi hát live hay, người chỉnh âm thanh chỉ sử dụng rất rất ít echo mà luôn có sự kết hợp giữa echo, reverb-delay... để tạo sự hài hòa nhất trong tiếng hát.”

Vài nét về Quang Tuyền
Nhắc lại cơ duyên đưa đẩy anh trở thành người phụ trách âm thanh, anh Quang Tuyền nói anh vốn là người rất mê âm nhạc từ nhỏ. Anh tâm sự, “Lúc còn học tại Việt Nam, tôi học những môn văn hóa dở lắm, nhưng được trời phú cho khả năng ca hát, vì mê hát, mê đàn, thành ra tôi luôn được các bạn bầu làm trưởng ban văn nghệ trong lớp.

“Rất mê đàn guitar, nhưng do gia đình không có nhiều điều kiện cho tôi đi học bài bản với thầy, vì vậy tôi thường dành tiền ăn quà vặt để trả công cho mấy anh hàng xóm bằng việc mua cà phê cho mấy anh để chỉ cách cho tôi chơi đàn guitar một số bài hát. Lúc đó tôi chưa có riêng cây đàn, nên tôi thường mượn đàn của mấy anh đem về nhà tập miệt mài cả buổi tối, hôm sau phải trả lại. Khi đó vì học không bài bản, nên tôi chỉ biết đệm guitar hát, học bài nào thì chỉ biết đánh bài đó thôi, nốt thì chưa giỏi.”

Anh kể tháng 4 năm 1977 anh cùng với ba vượt biên và sau 2 tuần trên biển thì đến được đảo Galang ở Indonesia. Tháng 1 năm 1978 anh đến Mỹ định cư tại Dallas đoàn tụ cùng với mẹ và các anh chị em đã đi trước từ tháng 4 năm 1975. “Lúc bấy giờ người anh cả cưới vợ, có mướn một hội trường tổ chức tiệc. Tôi đảm nhận phần phụ trách âm nhạc tiệc cưới. Tôi đàn guitar, bass và hát, có mời thêm một số bạn biết chơi nhạc vô trong ban nhạc.” anh Quang Tuyền kể.

Sau đó anh càng nung nấu thêm ý định theo đuổi đam mê âm nhạc của mình. Vì vậy, ban ngày anh đi làm hãng, tối đi học ESL trang bị vốn liếng ngôn ngữ để ghi danh học nhạc.

Tháng 1 năm 1980 cả đại gia đình của anh chuyển về sống tại Nam California ngay thành phố Gadern Grove. Ban ngày anh tiếp tục đi làm hãng, buổi tối tiếp tục học ESL. Sau đó học về Music ở các trường Santa Ana College, Orange Coast College, Golden West College. Vì ban ngày đi làm, chỉ học ban đêm, nên việc học của anh kéo dài hơn mười mấy năm với các lớp chuyên về music, nhạc lý, piano, guitare, bass, lớp học về thanh nhạc...

Vào những năm thập niên 1980, anh mời một số người bạn yêu nhạc như mình lập một ban nhạc có tên The Bluelovers do anh làm trưởng nhóm, thường biểu diễn trong các tiệc cưới, sinh nhật, hội đoàn... ở các nhà hàng, tiệc gia đình quanh quận Cam vào cuối tuần. Ban ngày anh vẫn đi làm, ban đêm đi học nhạc và tập nhạc với ban nhạc.

Đến những năm đầu 1990, ban nhạc tan rã, vì mỗi người mỗi nơi do chuyển công việc đi tiểu bang xa.
Anh Quang Tuyền nói, “Khi đó tôi chính thức chuyển sang làm về âm thanh. Thời điểm đó trong cộng đồng người Việt tại quận Cam không có mấy người làm về âm thanh. Ngoài việc học trong trường college, tôi có học riêng với một người thầy. Ông là người gốc Tây Ban Nha, rất giỏi về live sound, ông từng có bằng master về sound, ông bán thiết bị music trong tiệm của Mỹ. Ông dạy cho tôi rất nhiều kinh nghiệm để chỉnh âm thanh.”

Anh cho biết từ hồi mới vào nghề cho đến nay đã hơn 20 năm kinh nghiệm, nhưng có một nguyên tắc anh luôn thực hiện đó là khi nhận làm âm thanh cho bất kỳ một show nhạc nào, dù là buổi diễn nhỏ hay buổi diễn lớn, anh cũng đều đến sớm trước giờ diễn nhiều tiếng đồng hồ để set up các thiết bị máy móc và kiểm tra cẩn thận trước khi chương trình diễn ra. Vì anh luôn muốn phần âm thanh của mình phụ trách phải được hoàn hảo. Ngoài việc phụ trách âm thanh các chương trình nhạc trong nhà và ngoài trời, anh còn nhận sửa và set up hệ thống âm thanh, dàn karoke cho các gia đình, nhà hàng...
Theo anh Quang Tuyền thì để làm tròn được những kỹ thuật trên, đòi hỏi người chỉnh âm thanh không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức, nâng cao khả năng thẩm âm, rèn luyện tai nghe nhạc của chính mình. Đối với anh, một người chỉnh âm thanh giỏi là người làm âm thanh phải lành nghề, phải hiểu về âm nhạc, phải hiểu tính chất, vai trò của mỗi loại nhạc cụ, điểm nhấn của thể loại âm nhạc đó. Vì vậy người chỉnh âm thanh cần phải có đam mê, có khiếu, chịu khó học hỏi, đi làm nhiều để tích lũy kinh nghiệm thực tế để ngày càng nâng cao tay nghề.

Anh Quang Tuyền bày tỏ, “Những phẩm chất mà một người chỉnh âm thanh cần có trước tiên là phải nhanh nhạy và chính xác, cần phải phản ứng nhanh với những yêu cầu trong lúc chương trình diễn ra. Vì vừa làm công việc của kỹ thuật, vừa là nghệ sĩ, nên người chỉnh âm thanh, kỹ sư âm thanh cần tìm những phương pháp mới lạ để đạt được hiệu ứng như mong đợi, do đó người kỹ sư âm thanh phải có trí tưởng tượng phong phú. Các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho công việc luôn được cải tiến nhanh chóng, người kỹ sư âm thanh cần phải nắm bắt thông tin và tự tìm tài liệu để luôn bắt kịp để tránh bị lạc hậu. Một kỹ sư âm thanh, không chỉ là người chỉnh nhạc một cách máy móc, mà còn phải tự nghĩ cho mình những sáng tạo riêng, học hỏi để luyện tay nghề. Vậy nên việc phải chỉnh tới chỉnh lui nhiều lần những thiết bị hỗ trợ cho công việc để thành thạo là chuyện bình thường.”

Anh nói bản thân anh vẫn còn đang tiếp tục học các lớp về âm thanh tại trường Orange Coast College vào buổi tối trong tuần.

Vì với anh việc học này rất bổ ích, đây sẽ là nền tảng vững chắc về kiến thức cộng với kinh nhiệm tích lũy khi đi làm. Anh khẳng định: “Để áp dụng tất cả những gì đã học vào công việc thực tế, bản thân tôi luôn chủ động và sáng tạo. Với kinh nghiệm trong nghề, tôi nhận thấy cách tốt nhất để làm tốt công việc của một người chỉnh âm thanh chính là luôn học hỏi không ngừng và tìm tòi sáng tạo.”
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT