Pháp Luật

Quanh vấn đề té ngã

Thursday, 29/09/2011 - 07:28:20

Hàng năm, té ngã (slip and fall)  là một trong những lý do gây tai nạn nhiều nhất cho nhân viên và khách hàng của những nhà hàng, cửa tiệm, thương xá hay siêu thị.

LS. Trần Khánh Hưng

Hàng năm, té ngã (slip and fall)  là một trong những lý do gây tai nạn nhiều nhất cho nhân viên và khách hàng của những nhà hàng, cửa tiệm, thương xá hay siêu thị. Theo thống kê, tai nạn té ngã thường xảy ra bởi tình trạng không an toàn của tiệm (chẳng hạn sàn nhà trơn hay ướt, hành lang không đủ ánh sáng) hay vì sự bất cẩn của nhân viên (để đồ vật hay giây nhợ vướng lối đi) hoặc cả hai. Trong số này, 50% tai nạn té ngã có thể ngăn ngừa được bởi người quản lý hay chủ nhân.

* Những nguyên nhân nào có thể gây ra tai nạn té ngã?
Nguyên nhân có thể do tình trạng cố định (permanent) hay tạm thời (temporary).
Những tình trạng cố định chẳng hạn như cầu thang bị gẫy hay lỗ hổng trên sàn nhà. Tình trạng tạm thời có thể là lối đi bị trơn ướt do nước hay tuyết gây ra.
Thông thường, chủ nhà hay chủ phố sẽ phải chịu trách nhiệm cho những nguy hiểm gây ra bởi tình trạng cố định, và họ phải có bổn phận phải sửa chữa tình trạng này. Trong trường hợp nguyên nhân xảy ra tai nạn do tình trạng tạm thời (chẳng hạn  sàn nhà bị đổ nước), chủ nhân, quản lý hay nhân viên phải được có thì giờ để điều chỉnh tình trạng này; và họ chỉ chịu trách nhiệm nếu nạn nhân có thể chứng minh được là họ biết về tình trạng có thể gây ra nguy hiểm, và có đủ thời gian để sửa chữa, nhưng đã không làm.

* Tôi cần phải làm gì sau khi bi tai nạn té ngã?
Bạn cần xem xét khu vực bạn bị té ngã để tìm nguyên nhân tại sao gây ra tai nạn. Nếu có người chứng kiến lúc bạn té ngã, bạn nên xin họ tên tuổi, địa chỉ, điện thoại để sau này họ có thể sẽ là nhân chứng giúp cho bạn.  Ngay cả khi nhân chứng không chứng kiến lúc bạn té ngã, nhưng có thể kề lại tình trạng của hiện trường sau khi bạn té, chẳng hạn sàn nhà ướt, thiếu ánh sáng, lối đi mấp mô thiếu an toàn, v.v.. Những điều này sẽ giúp ích cho bạn sau này khi cần chứng minh sự bất cẩn của chủ nhân hay bị cáo.
Nếu tai nạn xẩy ra trong siêu thị, cửa tiệm buôn bán hay hàng quán, bạn nên nói chuyện với người quản lý (manager) cửa tiệm. Bạn nên đòi cửa tiệm lập một bản báo cáo về trường hợp té ngã của bạn (incident report), và lưu giữ một bản sao. Nếu nhân viên cửa tiệm có biết về tình trạng bất cẩn gây ra nguy hiểm cho khánh hàng, bạn nên ghi lại tên tuổi của nhân viên đó, cũng như tên tuổi của những người khác đã cùng nghe lời thú nhận trên.   

1. Tai nạn xảy ra tại những cơ sở thương mại (commercial property)
Theo luật, để quy tránh nhiệm cho chủ nhân của những cơ sở thương mại trong tai nạn té ngã, người chủ nhân, quản lý hay nhân viên phải:
a. Là người gây ra tình trạng không an toàn, chẳng hạn làm đổ nước, thảm rách hay làm vướng lối đi.
b. Đã biết về tình trạng có thể gây ra nguy hiểm, nhưng không làm gì để ngăn ngừa xảy ra tai nạn, hoặc,
c. Chủ nhân có thể biện minh rang họ không hề biết về tình trạng không an toàn, nhưng điều này không hợp lý, bởi vì một người thông thường có  trách nhiệm với cơ sở thương mại sẽ phải thấy và thay đổi hoặc sửa chữa tình trạng này.

2. Tai nạn xảy ra tại tư gia (residential property)
Chủ phố hay chủ nhà có thể phải chịu trách nhiệm trong những tai nạn té ngã xảy ra tại nhà cho mướn, hay tại nhà của mình.  Để quy tránh nhiệm cho chủ phố hay chủ nhà, nạn nhân phải chứng minh rằng:
a. Người chủ nhà có thể ngăn ngừa lý do hay tình trạng có thể gây ra sự nguy hiểm.
b. Sửa chữa tình trạng này không quá khó khăn hay quá tốn kém (unreasonably expensive).
c. Chủ nhà đã không làm những việc trong khả năng của họ để tránh tai nạn.

* Ai là người chịu trách nhiệm nếu tai nạn xảy ra tại những cơ sở thương mại?
Khi tai nạn xảy ra tại những cơ sở thương mại, có một số người có thể sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thí dụ, người chủ phố cho một người khác mướn chỗ để mở tiệm, nếu tai nạn xảy ra, cả người chủ phố lẫn người chủ tiệm có thể bị kiện để đòi bồi thường. Trong trường hợp này, chủ tiệm là người chủ của cơ cở thương mại (possessor of the property), và là người có trách nhiệm phải giữ an toàn cho khách hàng trong phạm vi khả năng của mình. Người chủ cũng có thể là người quản lý hay một cơ quan quản lý (management company) của những cơ sở thương mại này.

* Tôi đến nhà người bạn chơi và bị vấp ngã bởi tấm thảm trong phòng khách, vậy họ có phải bồi thường cho tôi không?
Khi chủ nhân mời khách đến nhà, thì họ có bổn phận phải sửa chữa những nguy hiểm mà họ biết có thể gây ra tai nạn cho những người khách của họ. Nếu đã có người bị té vì tấm thảm của họ, mà họ không sửa chữa tấm thảm hoặc dẹp đi khi có khách, thì họ sẽ chịu trách nhiệm cho tai nạn xảy ra.

* Tôi bị té ở siêu thị vì đế giầy của tôi bị gẫy, vậy tôi có đòi bồi thường được không?
Nếu lý do gây ra tai nạn là do sự bất cẩn của chính bạn, hoặc bạn không thể chứng minh đó là lỗi của chủ nhân thì bạn không được bồi thường.

* Tôi mở buổi tiệc ở nhà và có mời một số bạn bè. Một người khách uống rượu say và bị té trong nhà tôi, vậy tôi có phải bồi thường không?

Nếu người khách của bạn bị say rượu (intoxication), nên té ngã thì bạn không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này, bất kể tình trạng trầm trọng của tai nạn.

* Tôi bị té trong khi làm việc, vậy tôi có đòi hãng tôi bồi thường té ngã (slip and fall) được không?

Phần lớn những thương tích gây ra trong lúc làm việc sẽ được bồi thường qua bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp (worker’s compensation). Tuy nhiên, nếu tai nạn của bạn gây ra bởi người một công ty khác, thí dụ bạn bị té vì sự bất cẩn gây ra bởi nhân viên của hãng nước lọc đang giao hàng cho công ty của bạn, bạn có thể đòi hãng nước lọc bồi thường cho bạn. 
* Tôi bị té ngã khi đi bộ ngoài đường, tôi có thể kiện cơ quan chính phủ được không?
Nếu bạn bị té ngã trên đường phố công cộng vì cơ quan thành phố bất cẩn hay thiếu sót trong việc bảo trì, tu bổ đường xá, thì bạn có thể kiện cơ quan này. Trong những trường hợp này, việc kiện tụng chính quyền địa phương có những giới hạn về thời gian và thủ tục rườm rà hơn, bạn nên tham khảo ý kiến với luật sư của bạn.

* Tôi có thể đòi bồi thường những gì nếu tôi bị tai nạn té ngã?
Bạn có thể đòi bồi thường:
1. Chi phí về y tế, tiền nhà thương, bác sĩ, v.v., gây ra bởi tai nạn.
2. Giá trị hiện thời (fair value market) của những đồ vật bị hư hỏng trong tai nạn.
3. Tiền lương bổng bị mất trong lúc điều trị.
4. Thiệt hại về tinh thần (pain and suffering) gây ra bởi tai nạn.
5. Chi phí về y tế trong tương lai, nếu có.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về những vấn đề liên quan đến việc tai nạn té ngã, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT