Bình Luận

Quay 180 độ

Monday, 23/05/2016 - 11:56:57

Ông chuyển hướng nỗ lực của Hoa Kỳ về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương để giúp các quốc gia vùng Đông Á, và Đông Nam Á đối phó với sức mạnh lấn lướt của Trung Cộng. Ông đến Việt Nam để kiện toàn chiến lược đó, giúp giải tỏa cuộc khủng hoảng Biển Đông.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Khẩu lệnh quân sự “đằng sau, quay” có nghĩa là quay 180 độ, hoàn toàn đổi hướng, đi ngược lại hướng mình đang đi; trong tự điển giao thông của người Mỹ thì “đằng sau, quay” có nghĩa là quanh chữ U, và trong chiến lược toàn cầu, Tổng Thống Barack Obama gọi thế bố trí lực lượng quân sự hiện ông đang thực hiện là PIVOT – “đằng sau, quay.”

Từ những trận chiến tranh chống khủng bố không thể dứt khoát chiến thắng mà cũng không thể dứt khoát chấm dứt, ông chuyển hướng nỗ lực của Hoa Kỳ về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương để giúp các quốc gia vùng Đông Á, và Đông Nam Á đối phó với sức mạnh lấn lướt của Trung Cộng. Ông đến Việt Nam để kiện toàn chiến lược đó, giúp giải tỏa cuộc khủng hoảng Biển Đông.

Air Force One chỉ mới đáp xuống phi trường Nội Bài tối Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016, là ngay sáng hôm sau, ông đã quay 180 độ chiếc ghế của đại tướng Công An Trần Đại Quang -chủ tịch nước Việt Nam Cộng Sản (CSVN)- để từ nay, ông Quang không hướng về thiên triều Trung Cộng chờ lệnh nữa, mà quay về hướng Nam lo chuyện dân sinh cho người Việt Nam.

Obama trình bày góc nhìn của ông trong bài diễn văn PIVOT đọc tại Hà Nội; ông nói, “Dù chúng ta đang nói về quan hệ thương mại và kinh tế, hay nói về nhu cầu tham vấn giữa quân đội với quân đội, hoặc thảo luận những hoạt động nhân đạo, và mọi vấn đề do hậu quả chiến tranh để lại ..., thì trên mọi mặt những gì chúng ta thấy là hợp tác với nhau được, trong mục đích tăng cường lợi ích của nhân dân hai nước, thì đó là việc chúng ta sẽ làm."

Ông Obama cũng tuyên bố Hoa Kỳ dứt khoát chấm dứt toàn bộ cuộc phong tỏa các loại quân cụ sát thương, để cung cấp cho CSVN mọi vũ khí cần thiết cho việc bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Ông không nói đến Trung Cộng, mà cũng không nhắc đến Biển Đông, nhưng mọi cơ quan truyền thông đều diễn dịch ý ông.

Obama nói lên những điều quan trọng này trong bài diễn văn đọc vào lúc 11g40, sau khi viên chức Mỹ và Việt Nam ký kết một số văn bản, trong đó, Bộ Công Thương CSVN ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn General Electric nhằm hợp tác trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, với mục tiêu sản xuất tối thiểu 1,000 MW từ các dự án điện gió, từ nay cho tới năm 2025; tổng giám đốc Boeing - Ray Conner và tổng giám đốc Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing, trị giá hơn $11 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm, từ 2019 đến 2023.

Trước bữa tiệc thết khách, chủ tịch Trần Đại Quang đọc diễn văn nhận xét, "Sau một mùa Đông rét mướt, tiết xuân ấm áp lại trở về với Việt Nam."

Tổng Thống Barack Obama nói “xin chào”, bằng tiếng Việt khi đáp từ, và, “xin cám ơn” lúc kết thúc bài phát biểu; ông còn đùa với thính giả Việt Nam, “Tôi đang mong chờ có cơ hội trò chuyện với người dân Việt Nam. Có thể tôi sẽ thích thú với ly cà phê sữa đá,” ông Obama nói như vậy, trong phần cuối bài phát biểu.

Trong phần hỏi đáp với phóng viên, Obama còn cho biết lẽ ra ông nên thăm Việt Nam sớm hơn, rồi tự an ủi, “Người Mỹ chúng tôi có câu 'Save the best for last' (Để dành điều tốt đẹp nhất cho phút chót). Việt Nam là một quốc gia đặc biệt, tươi đẹp." Ông còn nói ông hy vọng khi về hưu ông có thể cùng gia đình trở lại thăm Việt Nam, tìm hiểu thêm về con người, và thưởng thức ẩm thực.

Có thể ông ao ước như vậy thật cho chuyến du lịch sau này, nhưng ngay trong chuyến đi này, cơ quan bảo vệ yếu nhân đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ ông, như giấu kín giờ chiếc máy bay đưa ông sang Việt Nam cất cánh, kín đến mức chỉ có một đại tá Không Quân hiện diện trong lúc ông đi bằng trực thăng ra phi trường quân sự Andrew, để đổi sang chiếc Air Force One. Giờ tổng thống Obama đáp xuống Hà Nội cũng được đánh rối, tòa đại sứ Mỹ loan báo một thời điểm trễ hơn. Những biện pháp bảo vệ này cần thiết, vì thành phần thân Trung Cộng tại Việt Nam vẫn còn nắm giữ nhiều quyền lực quan trọng.


Chỉ có một đại tá Không Quân hiện diện đưa tiễn tổng thống công du sang Việt Nam

Giới quan sát cho là Trung Cộng sẽ phản ứng mạnh chống việc Hoa Kỳ tăng cường tiềm lực quân sự cho CSVN; ông Murray Hiebert, phụ tá giám đốc cơ quan Southeast Asia program for the Center for Strategic and International Studies (CSIS) trụ sở đặt Washington D.C, nhận định, “Dĩ nhiên Trung Cộng sẽ coi quyết định giải tỏa lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là một hành động chống lại sự bành trướng hải phận của họ; điều chưa ai biết là họ chống bằng cách nào.”

Ông Orville Schell, giám đốc cơ quan Arthur Ross, cho là chỉ riêng biện pháp của Obama tách rời CSVN ra khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Cộng cũng đủ làm Trung Cộng bối rối. Schell nói, “Nếu biết khôn, Trung Cộng nên tìm cách hạ nhiệt, giảm bớt căng thẳng trên Biển Đông để tránh một va chạm quân sự với Việt Nam -va chạm có thể khiến họ phải đối diện với Hạm Đội 7 Hoa Kỳ.”

Tóm lại yếu tố quan trọng nhất trong diễn biến tổng thống Mỹ đến Việt Nam là quyết định giải tỏa lệnh cấm bán vũ khí cho CSVN; để trấn an dư luận cho là Hoa Kỳ đặt vấn đề nhân quyền nhẹ hơn nhu cầu chiến lược ngăn chặn Trung Cộng bành trướng trên Biển Đông, viên chức chính phủ giải thích là việc CSVN được mua vũ khí Mỹ tùy thuộc vào mức độ tôn trọng nhân quyền của họ. Dĩ nhiên điều này có thể chỉ là một lối giải thích, mặc dù Hoa Kỳ có nhiều phương tiện để tạo áp lực với csVN.

Yếu tố quan trọng thứ nhì là TPP (Trans-Pacific Partnership-Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), một thị trường chung mà cả Việt Nam lẫn nhiều quốc gia Á Châu-Thái Bình Dương đều muốn tham dự. Hoa Kỳ dự trù đầu tư vào những quốc gia nhỏ này những số vốn cần thiết để xây dựng nhiều hãng xưởng sản xuất làm ra những món hàng được xuất cảng vào thị trường Mỹ. TPP còn là một đòn kinh tế tạo khó khăn cho Trung Cộng, vì sản phẩm của họ bị cạnh tranh.

Phản ứng của Trung Cộng có phần hơi dè dặt, tờ báo Anh ngữ Global Times của họ bình luận là việc ông Obama chỉ tới thăm Việt Nam một năm sau khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ cho thấy “Việt Nam không phải là nước quan trọng nhất đối với Mỹ.”

Bài báo còn viết, chắc chắn ông Obama sẽ bàn với giới lãnh đạo Việt Nam về Hiệp định đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), về vấn đề căng thẳng ở Biển Đông và vấn đề nhân quyền. “Vấn đề Biển Đông sẽ kéo Hà Nội và Washington lại gần nhau, nhưng TPP sẽ kéo cả hai xa nhau,” bài báo bình luận.

Global Times cho là Mỹ sẽ dùng TPP để “thay đổi Việt Nam”, trong khi Việt Nam rất cảnh giác với “diễn biến hòa bình”. Bài viết còn dùng điều này để nhận định “một diện mạo đầy mâu thuẫn trong quan hệ Việt - Mỹ”, khiến Việt Nam sẽ không bao giờ trở thành “một Philippines thứ hai”.

Yếu tố quan trọng là Hà Nội đã quay 180 độ, và Hoa Thịnh Đốn đã tạo được một căn bản vững chãi để cộng tác với Hà Nội, căn bản này đặt trên hai lãnh vực quân sự và kinh tế. Thành quả tức khắc chuyến công du của Tổng Thống Obama là đem được Việt Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng Trung Cộng.

Dĩ nhiên tình trạng mới này còn nhiều điều chưa ưng ý đối với người Việt Nam, nhưng hiện tình vẫn đẹp hơn tình hình hôm qua rất nhiều. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT