Gỡ Rối Tơ Lòng

Quay đầu về núi

Friday, 29/07/2016 - 10:48:39

Đến khi việc ngoại tình của bố cháu nổ ra, thái độ của ông bà ngoại cháu lại càng chứng tỏ sự coi rẻ bố cháu. Bà ngoại cháu lấy lại nhà thuốc tây - điều này cũng có nghĩa là đuổi việc bố cháu – và bắt mẹ cháu ly hôn. Như vậy mới có chuyện bố cháu đánh mẹ cháu.

                     Có nên tha thứ những lỗi lầm ngày xưa để có thể chung sống ở tuổi già? (Getty Images)

Thưa Bác,

Cháu có chuyện gia đình này muốn đem hỏi bác, nhờ bác chỉ bảo giùm. Đây là chuyện của bố mẹ cháu. Nếu nói rằng người đàn bà Việt Nam nào cũng bị khổ vì chồng con thì cháu thấy cũng không ngoa tí nào. Cháu chỉ cần nhìn vào cuộc đời của mẹ cháu.

Mẹ cháu thuộc gia đình cổ kính, con nhà buôn bán lớn. Tuy nhiên mẹ cháu cũng được học đến hết tú tài, như vậy không thể nào nói là mẹ cháu không có hiểu biết. Bố cháu là dược sĩ, con nhà nghèo. Khi lấy mẹ cháu, ông bà ngoại cháu cho tiền mở nhà thuốc Tây cho nên cuộc sống của bố mẹ cháu rất là thoải mái.

Cháu không biết những năm đầu mẹ cháu có hạnh phúc không? Nhưng từ khi cháu hiểu biết thì cháu thấy bố mẹ cháu cứ như mặt trăng với mặt trời. Mẹ cháu đã được giáo dục theo kiểu tam tòng cho nên bố cháu nói ngang nói dọc gì mẹ cháu cũng không trả lời. Câu mà cháu nghe thường nhất là bố cháu la mẹ cháu là: Bộ câm hay sao mà không nói? Có điếc không mà hỏi không trả lời?

Hồi đó còn quá nhỏ nên cháu không hiểu sự im lặng mẹ cháu là một cách phục tòng hay là một sự phản đối. Rồi có một lần cháu thấy bố cháu quát tháo ầm ĩ và xông vào đánh mẹ cháu. Đó cũng là lần thứ nhất và lần cuối cùng. Cháu không biết lý do của trận đòn ấy. Nhưng ông bà ngoại cháu có phản ứng ngay.

Ông bà cháu lấy lại nhà thuốc và thuê dược sĩ khác trông nom và bắt mẹ cháu làm giấy ly hôn. Lúc đó cháu đi học trường nhà dòng và ở nội trú nên không biết gì về chuyện gia đình. Sau này cháu có hỏi thì mẹ cháu không nói với lý do là không muốn cho cháu có ấn tượng không tốt về đàn ông vì muốn cháu sau này lấy chồng, có gia đình tử tế. Mẹ cháu chỉ nói vì bố mẹ cháu không hạp tính nết nên không ở được với nhau.

Nhưng theo lời bà ngoại cháu thì bố cháu dan díu với cô bán thuốc ở tiệm, có với nhau một đứa con trai cho nên mẹ cháu hận. Từ đó mẹ cháu ở một mình nuôi cháu bằng tiền cho thuê tiệm thuốc tây nên cuộc sống của cháu đầy đủ lắm. Cho đến khi sang Mỹ, mẹ cháu đi học computer và làm việc cho một hãng lớn cho đến khi về hưu.
Từ hồi sang Mỹ cũng chẳng nghe tin tức gì về bố cháu cả. Mới đây mẹ cháu nhận được một lá thư từ một tiểu bang xa, người gửi là bố cháu. Bố cháu xin lỗi mẹ cháu và nói rằng muốn trở về với gia đình và hỏi thăm cháu. Lá thư rất cảm động, cháu đọc xong cứ khóc hoài.

Trong thư bố cháu cho biết đứa con trai của bố cháu và cô kia khi vượt biên, lúc đó nó mới có sáu tuổi nên bị chết trên biển vì đói khát. Còn cô kia thì sau khi sang Mỹ được mấy năm thì bị cancer, ốm lây lất cả chục năm mới chết. Khi sang đây bố cháu cũng lấy lại được bằng dược sĩ và đi làm cho hãng Walgreen cả mấy chục năm, mới về hưu được vài năm nay.

Hiện nay bố cháu sức khỏe vẫn còn tốt nhưng tinh thần thì rất buồn rầu vì những chuyện gia đình và ân hận. Bố cháu đề nghị muốn được trở về để đền lỗi với mẹ cháu và chung sống với con cháu. Mẹ cháu thì vẫn cứ không nói năng gì mà cũng chẳng tỏ ra buồn và cảm động. Bà ngoại cháu thì chép miệng nói: Cáo chết ba năm, quay đầu về núi.

Mẹ cháu thấy cháu khóc thì nói với cháu rằng: Nếu con muốn thì mẹ sẽ bằng lòng cho bố về. Riêng cháu thì cháu không biết phải tính thế nào? Nên cho về hay không. Bà ngoại cháu nói chẳng qua “con kia” nó chết rồi, không có ai hầu hạ nên muốn về để có nơi ăn chốn ở chứ tử tế gì. Khi con kia còn sống sao không thấy ân hận đòi về?

Cháu chả biết nghĩ ra sao nhưng đối với cháu chuyện phản bội vợ hay chồng là một tội khó tha thứ. Nhưng mà theo như thư bố cháu viết thì bố cháu cũng đã đền tội khá đầy đủ cho cái tội phản bội của bố cháu rồi, có phải không bác? Cháu viết thư này để nhờ bác giải quyết. Cháu cám ơn bác.

Bà Ba Phải trả lời:

Bác không biết mẹ cháu và bà cháu có hay đọc mục này trên báo không, vì nếu hai người đó mà đọc câu trả lời của bác hôm nay có lẽ sẽ không vui lắm. Tuy nhiên cháu hỏi bác thì bác phải trả lời mà bác trả lời thì phải nói sự thật chứ không thể nói để cho độc giả vui lòng. Vì thế bác xin lỗi bà ngoại cháu và mẹ cháu trước.

Bác thấy rằng ngày xưa, hồi thời bác - bác nghĩ rằng bà ngoại cháu cũng thuộc cùng thế hệ với bác, hoặc lớn hơn bác một chút - thường có thói quen là kén rể con nhà nghèo nhưng học giỏi. Bố cháu ở trong trường hợp này. Ông bà ngoại cháu cưới rể con nhà nghèo rồi cho tiền bạc để gây dựng tương lai, nhưng đôi khi trong cách đối xử không được tế nhị cho lắm. Mà người nghèo thì luôn có mặc cảm.

Bác e rằng trong cuộc tình đổ vỡ của cha mẹ cháu, gia đình bên ngoại cháu và mẹ cháu cũng có một phần trách nhiệm. Có lẽ ông bà ngoại cháu không tôn trọng gia đình bên nội và có vẻ coi thường bố cháu. Mặt khác cách mẹ cháu đối xử với bố cháu cũng không được lịch sự cho lắm.

Bác thấy cái cách dùng chiến tranh lạnh của mẹ cháu là một sỉ nhục đối với bố cháu. Có thể vì thế mà bố cháu cần phải vuốt ve tự ái của mình bằng cách dan díu với cô bán hàng vì đối với cô này bố cháu vừa là một người đàn ông có học thức lại vừa là ông chủ. Sự việc này làm cho bố cháu quên đi được cái tự ti là một thứ “chó nằm gầm chạn.”

Đến khi việc ngoại tình của bố cháu nổ ra, thái độ của ông bà ngoại cháu lại càng chứng tỏ sự coi rẻ bố cháu. Bà ngoại cháu lấy lại nhà thuốc tây - điều này cũng có nghĩa là đuổi việc bố cháu – và bắt mẹ cháu ly hôn. Như vậy mới có chuyện bố cháu đánh mẹ cháu.

Thật tình, theo bác nghĩ thì bố cháu vẫn còn thương yêu mẹ cháu, nhưng vì phản ứng nóng nẩy nhất thời, thiếu suy nghĩ, làm cho bố cháu vừa mất việc vừa mất vợ con. Bây giờ bố cháu nghĩ đến mẹ con cháu vì những ràng buộc ngoài lề - đứa con và người vợ bé - đã chấm dứt, bố cháu được tự do và hai nữa sang đây, bố cháu lấy lại được bằng cấp và đi làm việc đàng hoàng trong bao nhiêu năm trời, bố cháu đã cởi bỏ được cái mặc cảm nhờ nhà vợ và có thể ngẩng đầu lên nhìn ngang mẹ cháu mà đề nghị việc trở về.

Mẹ cháu vì là con nhà giàu nên tự ái cao, không muốn nói rằng bà cũng cảm thấy việc đổ vỡ ngày xưa là bà cũng có phần lỗi. Chính bà cũng muốn ông trở về nhưng vì kiêu ngạo cho nên không muốn nói ra. Bác nghĩ rằng cháu nên mở cho mẹ cháu một con đường để bố cháu trở về.

Thật ra thì người tây phương thường nói bố mẹ ly hôn không liên quan gì đến tình yêu con cái. Hai vợ chồng có thể ghét nhau nhưng cả hai vẫn có thể yêu thương những đứa con chung. Vì thế cháu chẳng có gì đối nghịch với bố cháu. Bác nói cho cháu hiểu, mà có khi bác không cần nói cháu cũng hiểu, là ở tuổi bố mẹ cháu bây giờ, họ vẫn còn có nhiều thì giờ để làm lại cuộc đời, vẫn có thời gian để có những ngày hạnh phúc bên nhau. Sự xa cách bất đắc dĩ vừa qua chắc chắn phải là những bài học rất quí giá cho bố mẹ cháu về cách đối xử với nhau.

Bác nghĩ rằng lần này khi bố cháu về, mẹ cháu cũng cần phải mềm tính lại và nói lời xin lỗi vì thái độ cứng rắn của mẹ cháu hồi xưa. Thái độ im lặng có thể coi như là một thái độ bình đẳng và bình an, nhưng nhiều khi nó cũng chứng tỏ sự coi thường, khinh bỉ. Không người đàn ông nào có thể chấp nhận được.  Bác chúc gia đình cháu sau cơn mưa trời lại nắng. Cháu nên cám ơn bố cháu đã trở về để cho các con cháu có ông ngoại đề chiều chuộng thương yêu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT