Chuyện Nước Pháp

Quốc gia vinh danh bà Simone Veil, danh nhân gốc Do Thái

Wednesday, 05/07/2017 - 07:35:03

Cả một công trình xây dựng phức tạp theo kiểu cách cổ điển tượng trưng Pháp quốc bởi các kiến trúc sư Libéral Bruand và Jules Hardouin-Mansart còn được chiêm ngưỡng mãi cho đến hiện nay. Du khách đến thăm kinh đô Ánh Sáng không thể bỏ qua công trường Invalides.

Bài NGỌC DIỄM

Bà Simone Veil, cựu chính trị gia nổi tiếng vượt bậc của nước Pháp, vừa qua đời hôm thứ Sáu tuần rồi và được Tổng Thống Emmanuel Macron chủ tọa buổi lễ tưởng niệm tôn vinh sáng hôm nay. Bà hưởng thọ đúng 90 tuổi vào ngày 13 tháng 7 này (báo chí ghi là 89 vì chưa đúng ngày sinh nhật).

Ngày thứ Tư, 5 tháng 7, lúc 10 giờ rưỡi, buổi lễ được cử hành trọng thể với khoảng 700 người được mời cùng lúc với 10 nhân vật quan trọng vừa Pháp vừa ngoại quốc. Nơi chọn lựa tổ chức là sân Danh Dự trong công trường Thương Binh, Place des Invalides, thuộc quận 7 Paris với dinh thự cùng tên có khoảng rộng mênh mông dành cho các buổi lễ trọng thể của chính phủ. Có mấy cỗ đại bác để sẵn sàng nhưng kỳ này không dùng tới.

Công trường được xây cất từ thế kỷ thứ 17 do lịnh vua Louis XIV với dinh thự chính gọi là Hôtel des Invalides để làm chỗ chăm sóc nuôi dưỡng các binh sĩ đánh trận bị thương tích của quân đội. Nơi đây có mồ mã của vua Nã Phá Luân đệ nhất về sau mở rộng thêm cho lính tráng an nghỉ ngàn thu, nhà thờ Saint-Louis, nhiều viện bảo tàng lớn.

Cả một công trình xây dựng phức tạp theo kiểu cách cổ điển tượng trưng Pháp quốc bởi các kiến trúc sư Libéral Bruand và Jules Hardouin-Mansart còn được chiêm ngưỡng mãi cho đến hiện nay. Du khách đến thăm kinh đô Ánh Sáng không thể bỏ qua công trường Invalides.


Chân dung bà Simone Veil lúc khoác áo Hàn Lâm.

Trong số các khách mời, có các vị cựu Tổng Thống François Hollande, Nicolas Sarkozy, Giscard dEstaing, Chirac. Hai vị sau không đến được vì lý do sức khoẻ, ông Chirac nhờ phu nhân đại diện. Về phía quý nhân nước khác có ông Charles Michel, Thủ Tướng nước Bỉ hàng xóm giống như ông Xavier Bettel của Luxembourg và ông Boiko Borissov cầm đầu nước Bảo Gia Lợi. Ngoài ra Thủ Tướng Edouard Philippe và nhiều vị Bộ Trưởng trong nội các mới cũng có mặt.
Sau khi khách mời lần lượt đến theo thứ tự quan trọng từ lúc 9 giờ sáng trở đi, đến 10 giờ rưỡi đoàn xe mô tô dẫn đầu chậm rãi chạy đến sau xe chở Tổng Thống Macron và chiếc xe tùy tùng kiểu xe van lớn hơn. Không hiểu sao, người viết bài bỗng nhớ lại đã từng nhìn thấy đoàn xe hộ tống Tổng Thống Ngô Đình Diệm hàng chục năm trước khi xưa của thời vinh quang Việt Nam Cộng Hoà qua đài truyền hình quốc gia! Thì ra, chúng ta đã bắt chước tất cả những thứ nghi lễ do người Pháp truyền lại, nhưng quả thật đây là điều vô cùng trọng thể dành cho vị nguyên thủ quốc gia đang di chuyển đến đâu đó.


Đoàn mô tô hộ tống Tổng Thống Macron đến nơi chủ tọa buổi lễ.

Xe hơi của tổng thống chạy thẳng xuyên qua cổng nhỏ rồi ngừng lại trong sân. Ông bước ra phía bên tay mặt và được đón chào bởi vị tướng nhà binh trong khi bên trái là bà Bộ Trưởng quân lực cũng bước ra cùng lúc đón chào bởi viên quan lớn khác. Sau cuộc chào hỏi, chỉ còn tổng thống đi một mình diễu qua hàng binh lính dàn chào cùng với vị phụ trách quân đội nói trên.
Ông đứng nghiêm trang nghe nhạc quốc ca trỗi lên bởi dàn nhạc quân đội mặc quân phục thật đẹp và chỉnh tề đang sử dụng nhạc cụ trực tiếp phát âm vô cùng sống động. Xong xuôi, ông quay trở lại chỗ mọi người đứng chờ và bắt tay gia đình người quá cố trước tiên với vài ba trẻ em. Rồi tổng thống tiếp tục thăm hỏi nhiều người khác rất nhanh chóng để chuẩn bị tiếp nhận giây phút trịnh trọng nhất của buổi lễ. Đó là khi 11 người lính trong đoàn Vệ Binh Cộng Hoà khuân vác trên vai chiếc quan tài chở thân xác bà Simone Veil đưa ra sân danh dự. Từ bên trong, họ chậm rãi tiến ra.
Mỗi bên quan tài có 5 người lính trẻ tay trái cầm khoen móc sắt đính vào cỗ gỗ khoác cờ Pháp tam tài xanh-trắng-đỏ tay mặt đưa lên cạnh tay trái. Người thứ 11 đứng trước quan tài tiến tới làm chuẩn. Theo sau có hai người lính cầm khay nhung nhỏ có huy chương dành cho người quá cố.


Vệ Binh Cộng Hoà đưa quan tài phủ cờ quốc gia Pháp ra sân Danh Dự.

Quan tài được đặt nhẹ nhàng xuống mặt đất, những người vệ binh lui ra xa. Từ phía khán giả có 2 người tiến tới bục nhỏ đặt cách đó khá xa để đọc diễn văn. Đó là 2 con trai lớn của bà Veil cùng nghề luật sư. Người con trai thứ 3 đã qua đời năm 2002 lúc 54 tuổi vì bệnh đau tim, ông là bác sĩ. Sau diễn văn nhắc lại những mẩu chuyện nhỏ thân thương trong gia đình đối với song thân của họ, Tổng Thống Macron cũng lên bục đọc tiếp diễn văn. Điều quan trọng nhất mà tổng thống nhắc đi nhắc lại là sự trọng đại trong những việc làm bà đã thực hiện cho đất nước Pháp. Từ việc này sang việc nọ, bà đã kiên quyết hoàn thành chúng tốt đẹp.



Tổng thống đang đọc diễn văn tôn vinh vị nữ ân nhân cho tổ quốc

Sau diễn văn của tổng thống, các Vệ Binh Cộng Hòa chờ ông Macron cúi đầu chào bà lần chót rồi họ thấp người xuống cùng nâng quan tài lên đi trở lui vào bên trong. Dàn hợp xướng nam ca sĩ đã cất tiếng hát trầm hùng đưa tiễn bằng bản nhạc tên là Le Chant des Marais do chính những nạn nhân Do Thái bị đày vào chỗ tử sáng tác năm 1933. Đám đông ra về sau khi tổng thống và đệ nhất phu nhân Macron cùng nhau đi ra trước tiên.


Tổng thống và phu nhân ra về trước tiên khi buổi lễ vừa xong.

Kết quả cuối cùng là sự phê chuẩn của tổng thống đưa hài cốt của ông bà Veil vào chôn cất trong điện Panthéon vì ước nguyện của bà là ở cạnh ông. Trước đó có hơn 300 ngàn chữ ký của dân chúng thỉnh nguyện điều này. Tổng thống đã nghe theo và gia đình bà cũng đồng ý, họ rất biết ơn sự tôn trọng vinh danh thế này. Bà là người phụ nữ thứ năm vào an nghỉ ngàn thu tại đây. Một trong những người phụ nữ lừng danh khác có tro cốt gìn giữ ở Panthéon là khoa học gia Marie Curie với hai giải Nobel danh giá cho nước Pháp. Bà Veil - tên thật bên nhà gái là Jacob - đã từng làm Bộ Trưởng Quốc Gia (vai vế thứ ba sau Tổng Thống và Thủ Tướng) trước khi giữ chức vụ nghị sĩ Châu Âu. Năm 2008 bà trở thành hội viên của Hàn Lâm Viện danh giá nước Pháp.


Ảnh chụp một phần điện Panthéon nơi tổ quốc ghi ân danh nhân.

Bà còn nổi tiếng nhờ bộ luật hình sự chính thức hóa việc cho phép phụ nữ không muốn nuôi con sơ sinh vì nhiều lý do khác nhau. Sự kiện này thật ra đã có từ năm 1955 nhưng các bác sĩ thời đó có quyền từ chối không thực hiện việc phá thai nên gây ra đầy vấn đề gay go. Trong quá khứ, gia đình bà vì gốc gác Do Thái nên bị đày đi Auschwithz năm 1944 cùng với mẹ và chị trong khi người cha và anh bị đưa đi ra xứ Lituanie.
Bà và người chị sống sót trở về trong khi cha mẹ và anh đã gục ngã. Sau này, người chị của bà lại bị tai nạn xe hơi tử vong. Bà Simone Veil từng đau buồn nói rằng bà đã vào đời bằng quãng đường kinh hoàng thời Nazi, bà chấm dứt cuộc sống trong nỗi thất vọng.
Phu quân của bà Simone Veil là ông Antoine Veil đã qua đời trước bà bốn năm và là người tốt nghiệp đại học quốc gia hành chánh ENA. Ông từng làm Thanh tra Tài Chính, cố vấn cho Bộ Trưởng và nhất là cho phu nhân mình. (nd)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT