Bình Luận

Quốc Hội Mỹ bênh vực Hồng Kông

Friday, 08/11/2019 - 07:54:46

Hôm thứ Ba, 15 tháng Mười, 2019 Hạ Viện đã nặng lời khiển trách Bắc Kinh đàn áp người biểu tình tại Hồng Kông, trong lúc người Hồng Kông vẫn liên tục xuống đường đòi hỏi nền tự trị của họ.


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Ba, 15 tháng Mười, 2019 Hạ Viện đã nặng lời khiển trách Bắc Kinh đàn áp người biểu tình tại Hồng Kông, trong lúc người Hồng Kông vẫn liên tục xuống đường đòi hỏi nền tự trị của họ.
Dân biểu Mỹ thông qua dự luật 'Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông' (Hong Kong Human Rights and Democracy Act), dành cho 7 triệu cư dân của thành phố đó. Đạo luật này, được coi là một biện pháp không gây tranh cãi vì sự hỗ trợ rộng rãi của lưỡng đảng,và được thông qua bằng miệng, vì không ai yêu cầu bỏ phiếu.
Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi tuyên bố, “Quý vị dân biểu Dân Chủ và Cộng Hòa đã đồng thuận ủng hộ cư dân Hồng Kông; nếu vì quyền lợi thương mại mà Mỹ không lên tiếng bênh vực nhân quyền tại Hồng Kông, là Mỹ không còn thẩm quyền để bênh vực nhân quyền trên bất cứ nơi nào khác trên thế giới này nữa.
"Hôm nay, Hạ Viện tự hào thông qua dự luật này để thêm một lần nữa tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với những giá trị nhân quyền và dân chủ."

Dự luật vừa thông qua sẽ đòi hỏi việc tái xét hàng năm để xác định xem, liệu quyền tự trị của Hồng Kông đối với chính phủ Trung Quốc đại lục có đủ để biện minh cho việc đối xử đặc biệt mà trung tâm tài chính nhận được theo luật pháp Hoa Kỳ hay không.
Dự luật cũng sẽ đưa ra một quy trình để Tổng Thống áp dụng các biện pháp trừng phạt và hạn chế quyền đi lại của những người bị coi là cố tình đe dọa hoặc thực hiện việc giam giữ, tra tấn, buộc tội bất kỳ cá nhân nào ở Hồng Kông, chống lại nội dung bản Tuyên Bố Chung giữa Trung Quốc và Anh Quốc về quyền tự trị của Hồng Kông, hoặc các hành vi vi phạm nhân quyền được quốc tế công nhận ở Hồng Kông.
Một dự luật tương tự, với đôi chút khác biệt nhỏ, đang chờ được Thượng Viện thông qua, rồi chuyển xuống Hạ Viện để đôi bên đồng thuận.

Hạ Viện, ngay buổi chiều hôm đó, còn thông qua thêm hai biện pháp: một bản nghị quyết ủng hộ người biểu tình và đạo luật bảo vệ Hồng Kông. Đạo luật này sẽ ngưng việc Mỹ xuất cảng sang Hồng Kông những khí cụ chống biểu tình như đầu đạn cao su và lựu đạn cay cho đến ngày cuộc điều tra độc lập hoàn tất và xác định việc cảnh sát Hồng Kông không vi phạm nhân quyền trong một năm.
Mặc dù Tổng Thống Donald Trump giữ thái độ im lặng trong thời gian thương lượng về việc xuất nhập cảng với Trung Quốc, nhưng thành viên quốc hội lưỡng đảng đều tỏ ra ủng hộ cuộc biểu tình của người Hồng Kông chống việc chính phủ Trung Cộng đàn áp họ.
Suốt bốn tháng nay -từ tháng Sáu 2019- người Hồng Kông xuống đường biểu tình, bắt đầu bằng việc chống đạo luật đưa người Hồng Kông phạm pháp sang Tầu để xử theo luật Trung Cộng. Sức mạnh của quần chúng khiến bà thị trưởng Carrie Lam -không do người Hồng Kông bầu lên- phải bỏ dự luật giải giao người Hồng Kông phạm pháp sang Tầu.

Sự nhượng bộ của bà Lam không làm dịu sức phản kháng của quần chúng, vì dân Hồng Kông còn đòi hỏi nhiều cải cách dân chủ và điều tra về việc cảnh sát bắn đạn thật trúng ngực một thanh niên 18 tuổi.
Cảnh sát trưởng Hồng Kông Matthew Cheung nói người biểu tình vượt mức quá đáng và lợi dụng trẻ vị thành niên; trong số 2,300 người bị cảnh sát bắt tuần trước có đến 750 người dưới 18 tuổi.
Dự luật của Hạ Viện còn có mục đòi hỏi Bộ Ngoại Giao Mỹ cứu xét và đánh giá mỗi năm một lần về quy chế chính trị Hồng Kông xem quy chế đó có đủ tự trị để được hưởng những quyền lợi ấn định trong đạo luật 1992 Hong Kong policy Act hay không, vì đạo luật đó dành cho Hồng K ông một quy chế kinh tế và thương mại đặc biệt và khác với quy chế dành cho Trung Quốc.

Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco Rubio tuyên bố, “Việc ủng hộ người Hồng Kông và bảo vệ nền tự trị của Hồng Kông phải được Hoa Kỳ và các nước dân chủ trên thế giới coi như một ưu tiên.”
Chủ tịch khối đa số tại Thượng Viện -Nghị Sĩ Mitch McConnell chưa ấn định thời điểm để Thượng Viện thảo luận về dự luật Hồng Kông; dự luật này phải được hai viện Quốc Hội thanh thỏa rồi mới chuyển qua Bạch Cung để tổng thống ký ban hành, nhưng cũng có thể tổng thống không ký.
Người biểu tình Hồng Kông trông cậy nhiều vào Hoa Kỳ, họ vẫy cờ Mỹ, hóa trang thành Captain America, hoặc sử dụng hình Uncle Sam trên những bích chương tuyển mộ trong những cuộc biểu tình. Họ cũng gửi phái đoàn sang Mỹ để xin giúp đỡ


Người Hồng Kông cầm cờ Mỹ trong những cuộc biểu tình. (Getty Images)

 


Họ cũng gửi phái đoàn sang Mỹ để xin giúp đỡ. (Getty Images)

Đối với họ thì Hoa Kỳ là quốc gia tượng trưng cho dân chủ, nên họ cố gắng níu kéo Hoa Kỳ vào cuộc tranh đấu dành nền tự trị cho họ.
Đối với chính phủ Mỹ, các cuộc biểu tình Hồng Kông phức tạp hơn; nó đang là một vấn đề nan giải nhưng cũng là một cơ hội để trình bày những nét đẹp của nền dân chủ Hoa Kỳ với toàn thế giới.
Ông Ryan Hass, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ nhận định, “Hoa Kỳ nên tiếp tục ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực, và quan sát kỹ lưỡng mọi biến chuyển tại Hồng Kông. Điều đáng lo là người Hồng Kông có thể trông cậy quá nhiều vào khả năng của người Mỹ bảo vệ họ thoát khỏi bàn tay của Bắc Kinh.”
Tuy nhiên, ông nói thêm, “Tôi lo là người biểu tình ở Hồng Kông có nguy cơ hiểu sai sự thông cảm và ủng hộ của người Mỹ, vì họ hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ họ thoát khỏi bàn tay nặng nề của Bắc Kinh.”
Mối lo của ông Hass rất hiện thực, nhưng cũng dễ giải quyết. Điểm khó hơn là thái độ của ông Trump.
Cái vinh dự đáp ứng được sự mong đợi của người Hồng Kông đang bị hiếp đáp, và niềm thỏa mãn chặn đứng được tham vọng vội vã của nhà độc tài Tập cận Bình, đang chờ tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mong là ông nhận ra cơ hội hiếm có đó và có thái độ thích ứng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT