Chuyện Nước Pháp

Quỹ An Toàn Xã Hội, kỷ niệm 70 năm thành lập (1940-2015)

Wednesday, 07/10/2015 - 07:52:37

Được có mặt trong hệ thống bảo hiểm sức khoẻ với xã hội ta đang sinh sống là một quyền căn bản ghi chép rõ ràng trong văn bản quốc tế Nhân Quyền.

“70 năm trước, một ý kiến ra đời. Chính tác giả của quyển sách cổ tích lừng danh thế giới viết riêng cho trẻ em Hoàng Tử Bé (Le Petit Prince) là viên phi công nổi tiếng thời xưa tên họ là Antoine de Saint-Exupéry đã nói: mỗi người chịu trách nhiệm cho tất cả mọi người (chacun est responsable de tous). Trong lời viết giới thiệu ông nói quyển sách này để tặng cho một người bạn thân quý nhất và ông xin lỗi đã tặng cho ông bạn người lớn cư ngụ tại Pháp tên họ là Léon Werth thay vì tặng cho các em nhỏ. Người bạn của ông đã bị đói khát và lạnh run nên cần được an ủi. Hai nhân vật lịch sử nổi tiếng nói trên đều là những người rất tốt và thương người”. Trong buổi lễ kỷ niệm tổ chức tuần lễ vừa qua (4/10/1940 – 4/10/2015) bà Bộ Trưởng bộ Y tế đọc diễn văn nhắc lại giai thoại nói trên đã thành công thức căn bản cho tổ chức chính phủ nhằm bảo vệ dân chúng cả nước mang tên An Toàn Xã Hội (La Sécurité Sociale).  

 

 

Ảnh minh họa nguyên tắc hoạt động của sự Bảo Vệ Xã Hội qua các quỹ tương trợ hữu hiệu

 

Từ những hình thức giúp đỡ còn phôi thai kể từ đầu thế kỷ thứ 19 như các quyền lợi bảo đảm an toàn lao động cho công nhân khi họ bị thương tích, bệnh hoạn thì chủ nhân phải giúp đỡ cưu mang v.v…; đến năm 1945, 1946 nước Pháp đã tổ chức khá hơn theo 2 gương mẫu lúc đó là theo báo cáo của Beveridge (Anh) và Bismarck (Đức). 

Báo cáo của Beveridge (công chức trong Bộ Lao Động Anh) viết năm 1942 khi được giao trọng trách làm “sạch sẽ” những hỗn độn trong hệ thống phân phát tiền và bảo vệ xã hội liên quan mật thiết với nhau. Ông đã không làm thế nhưng lại giới thiệu một phương pháp mới canh tân: có một hệ thống căn bản làm nền tảng chung cho mọi thứ và một sự tập hợp tổng quát giữa tiền đóng góp thu vào với tiền giúp đỡ cho ra. Báo cáo này cũng tới tay Hoa Kỳ và được chú ý ngay lập tức (Social Security) về sau với loại “Welfares State” (Trợ cấp sinh sống) ứng dụng riêng tại xứ khổng lồ gồm 50 tiểu bang. Sau cuộc thế chiến thứ 2, những biện pháp bảo đảm an toàn xã hội được ứng dụng nhiều trong các quốc gia Châu Âu dựa theo kiểu mẫu của ông Beveridge để xây dựng lại nền kinh tế cũ xụp đổ vì chiến tranh đồng thời làm cho cuộc sống dễ thở hơn.

Riêng hệ thống Bismark, tên của vị nguyên thủ quốc gia Đức trong vòng 28 năm vào thế kỷ thứ 19, được dùng ở Pháp theo 2 điều kiện tổ chức chính phủ đưa ra  trong sự đóng góp vào quỹ An Toàn Xã Hội. Đây là một khuôn mẫu của năm 1945: tiền của trong quỹ đến từ

  1. Những người đi làm và các chủ nhân ông, bao gồm những thành phần nhân dân trực tiếp hành nghề không thụ động. Điều này hơi khác với hệ thống Beveridge ở chỗ quỹ dựa vào tiền thuế của tất cả công dân đóng thuế.
  2. Giới thợ thuyền bầu ra các vị đại diện (công đoàn) cùng với giới chủ nhân ông điều hành quỹ này một cách công bình.

Những năm sau đó, càng ngày các quỹ an toàn xã hội càng được mở rộng hay sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh xã hội mới như quỹ dành riêng cho sinh viên còn đi học chưa đi làm (được xem là thụ động như các ông bà nội trợ làm việc nhà không ra ngoài thì không đóng góp vì không có thu nhập). Quỹ An Toàn Xã hội bao gồm nhiều lãnh vực sinh sống thiết yếu chung của dân chúng như

-  trả lại tiền đi bác sĩ, thuốc men, vào bệnh viện… (y tế)

-  phụ cấp gia đình (càng đông con càng được nhiều trợ cấp hàng tháng cho đến khi trẻ em trưởng thành).

- vốn bảo đảm chống thương tích, tai nạn lao động làm mất lợi tức thu nhập, bệnh lý gây ra do nghề nghiệp.

- lương hưu khi dân lao động về già hưởng nhàn.

Từ lúc đầu dành riêng cho dân đi làm và gia đình họ, quỹ An Toàn Xã Hội dần dần phát triển rộng ra bao gồm tất cả mọi người trong nước. Năm 2000, hệ thống giúp đỡ cả những ai không có việc làm hay lương quá thấp với cái tên CMU (Couverture Maladie Universelle, Bảo vệ quốc tế chống bệnh hoạn). Tuy nhiên, cơ sở này bắt đầu bị lâm vào triệu chứng có tình trạng khó khăn ngân quỹ từ những năm 1967 về sau vì sự chi tiêu nhiều mà vốn thu vào thì ít hơn. Đó là vì phát triển kinh tế dần dần yếu kém, nạn thất nghiệp gia tăng đều đều, dân số già đi. Quỹ An Toàn được sự trợ giúp mạnh mẽ của loại quỹ Tương Trợ tư nhân (les Mutuelles) như cánh tay mặt của nó nhưng điều này càng làm tăng thêm sự bất công xã hội. Mặc nhiên, quỹ chính đã giúp cho dân chúng về mặt sức khoẻ (tiêu xài về bệnh hoạn khỏi lo, được trả tiền lại đầy đủ khoảng 70% kèm theo phần Tương Trợ riêng lên đến 100% tùy theo bản hợp đồng ký kết) trong một thời gian lâu dài nhưng hiện nay có nhiều thay đổi xảy ra như đã nói trên (thêm sự khó khăn tìm việc làm cho cả giới trẻ).

Được có mặt trong hệ thống bảo hiểm sức khoẻ với xã hội ta đang sinh sống là một quyền căn bản ghi chép rõ ràng trong văn bản quốc tế Nhân Quyền.

Vì thế, tuy từ nhiều năm nay nước Pháp bị thâm thủng ngân quỹ trầm trọng lên đến hàng tỷ Âu Kim nhưng chính phủ luôn luôn cố gắng tìm đủ mọi biện pháp để duy trì quỹ Bảo Đảm an ninh xã hội và gia đình cùng tất cả các tầng lớp dân chúng. Họ đang cố gắng làm theo những nước Châu Âu có thế mạnh trong sự điều hành Quỹ bảo vệ sức khoẻ toàn dân đưa đến thịnh trị là Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Đặc biệt, tuy có phần thâm thũng ngân quỹ nhưng khuôn mẫu bảo vệ sức khoẻ toàn dân của Pháp được nước Trung Cộng rất chú ý theo dõi về 2 phương diện là tăng mức sống đồng thời chế ngự được sự tiêu tốn y tế.

Năm 2015, ngân quỹ bảo hiểm an ninh xã hội kể cả y tế bị thiếu hụt 12,8 tỷ Âu kim; khá hơn năm 2014 là 400 triệu đồng tiết kiệm. Những nhánh chính (y tế, trợ cấp gia đình, an ninh việc làm, hưu bỗng) vẫn bị mất thăng bằng thu nhập và chi tiêu triền miên. Dự báo của các chuyên gia trong ngành cho biết sẽ có hy vọng tìm lại thế quân bình kể từ năm 2021 trở đi.

Trong ảnh kèm theo, chúng ta nhìn thấy rõ ràng sự hoạt động nhuần nhuyễn của hệ thống “1 người bảo vệ tất cả và tất cả bảo vệ 1 người” khi  tiền bạc thu được đều góp phần nhỏ cá nhân vào Quỹ An Sinh Xã Hội. Tất cả cá nhân góp vào thành ra người khổng lồ hứng lấy những rủi ro trong đời sống thường ngày. Có 4 cây cột trụ chính đỡ lấy nền tảng bảo vệ xã hội là quỹ an toàn, quỹ tương trợ y tế, quỹ góp thuế hưu bỗng và quỹ đóng góp phần trợ cấp thất nghiệp. Phía trên nền tảng là sự đóng góp của quỹ chính phủ, của người đi làm và chủ nhân ông, của phần nhỏ tiền lương phụ trội.

 Nguyễn Thị Ngọc Diễm

 

  

.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT