Người Việt Khắp Nơi

Quý cụ cao niên có Medicare và Medical lưu ý

Thanh Phong/Viễn Đông Tuesday, 02/04/2013 - 10:50:37

“Nói chung, cũng giống như bây giờ thôi, nếu muốn vô y tế điều khoản (vô group) thì vô, muốn ra thì ra. Nó chỉ khác một cái là người ta mời mình vô, nếu mình thích vô thì tự động cái tên mình sẽ vô, nếu không thích thì điền giấy đi ra, muốn ra bất cứ lúc nào thì tùy mình. Đó là tinh thần của chương trình thử

Bài và Hình: Thanh Phong/Viễn Đông

GARDEN GROVE - Trong thời gian gần đây có những thông tin liên quan đến tình trạng các cụ cao niên có Medicare và Medi Cal (thường gọi là Medi-Medi) như sẽ có bảo hiểm mới hay có những thay đổi mới về việc đi bác sĩ hay mua thuốc v.v... Những thông tin này không rõ ràng, gây hoang mang cho các cụ cao niên, Do đó, chiều ngày thứ Hai, 1-4-2013, phóng viên Viễn Đông đã đến trực tiếp hỏi chuyện Dược Sĩ Trần Thu Hằng, Chủ Tịch Hội Dược Khoa Việt - Mỹ. Dược sĩ Thu Hằng là người luôn theo dõi các thay đổi từ phía chính quyền liên bang cũng như tiểu bang về vấn đề bảo hiểm sức khỏe, Medicare, Medi Cal, Cal Optima,... và luôn tranh đấu bênh vực quyền lợi cho bệnh nhân. Mới đây Dược Sĩ Hằng được Nghị Sĩ Tiểu Bang Lou Correa vinh danh là một trong 18 phụ nữ Việt tiêu biểu năm 2013.

Dược Sĩ Trần Thu Hằng được Nghị Sĩ Tiểu Bang Lou Correa vinh danh trong tháng Ba vừa qua.



Sau đây là nguyên văn lời giải thích của Dược Sĩ Trần Thu Hằng:
“Ngày 27 tháng 3 vừa rồi liên bang đồng ý cho tiểu bang California làm chương trình thử nghiệm cho những người có Medicare và MediCal. Người ta sẽ tự động ghi tên những người này vô các “Chương Trình Y Tế Theo Điều Khoản.” hay còn gọi là “vô group”. Thí dụ ở Quận Cam là ghi tên vô chương trình OneCare. Nếu những người có Medicare và MediCal mà không muốn vô chương trình thử nghiệm này thì phải điền vô phần “off out”.
“Chương trình này dự định bắt đầu ngày 1 tháng 10 năm nay; có nghĩa là từ tháng 7-2013, những người có Medicare và MediCal sẽ nhận được lá thư mời tham gia chương trình thử nghiệm, hoàn toàn không bắt buộc. Ai không muốn vô làm thử nghiệm thì ký cái giấy “off out” gửi cho người ta để người ta biết mình không muốn “vô group”. Mình vẫn tiếp tục ở chương trình Medicare Pay For Service (chương trình y tế tự do muốn đi bác sĩ nào cũng được).
“Đợt đầu tiên là vào tháng 7-2013 sắp tới; họ sẽ căn cứ theo ngày sinh nhật của mỗi người, cho nên đợt đầu tiên là những ai có sinh nhật vào tháng 7 sẽ nhận thư mời vô chương trình thử nghiệm này. Nếu tháng 7 người nhận không trả lời, tháng 8 họ gửi một lần nữa, nếu cũng không trả lời, tháng 9 gửi một lần nữa mà cũng không trả lời thì tháng 10 người ta mới tự động để tên người đó vô chương trình thử nghiệm này.
“Nếu người đó đi mua thuốc hay đi bác sĩ, họ check và biết người này ở trong chương trình thử nghiệm One Care, người đó có thể nói, tôi đâu có biết đâu, tôi không có gửi thư trả lời thì người đó có thể ra khỏi chương trình cũng được, chỉ cần điền giấy “off out” để ra ngoài.
“Nói chung, cũng giống như bây giờ thôi, nếu muốn vô y tế điều khoản (vô group) thì vô, muốn ra thì ra. Nó chỉ khác một cái là người ta mời mình vô, nếu mình thích vô thì tự động cái tên mình sẽ vô, nếu không thích thì điền giấy đi ra, muốn ra bất cứ lúc nào thì tùy mình. Đó là tinh thần của chương trình thử nghiệm.”
Dược Sĩ Trần Thu Hằng cũng trả lời một số câu hỏi của Viễn Đông.
Cô cho biết sở dĩ có chương trình thử nghiệm là vì:
-Họ muốn nghiên cứu xem những người có Medicare và MediCal nếu để người ta vô hệ thống y tế điều khoản thì việc cung cấp các dịch vụ y tế này có tốt hơn hay không, nó có thể bớt được tiền cho chính phủ không? Đúng ra thì những người ở ngoài, nếu đi khám lung tung nhiều chỗ quá thì sự thật Medicare tốn quá nhiều tiền. Còn khi vô chương trình y tế điều khoản, vô thử nghiệm này, thì bất cứ đi đâu cũng có người của tổ hợp y tế kiểm soát, mình không được đi lung tung. Không phải ngày hôm nay mình thấy đau bụng, mình đi bác sĩ này khám, khám xong không thích ngày mai lại chạy qua ông bác sĩ khác thì tốn tiền Medicare quá, còn nếu vô tổ hợp, mình muốn đi khám chuyên khoa thì bác sĩ gia đình phải giới thiệu nên họ kiểm soát chặt chẽ hơn, và như thế đỡ tốn tiền hơn. Đó là lý do họ muốn làm cái chương trình thử nghiệm này vì nó tốn kém quá.
Trả lời câu hỏi, vô chương trình này có lợi gì cho những người có Medicare và MediCal, dược Sĩ Thu Hằng nói:
-Tùy theo mỗi người, có những người thích vô chương trình này vì có nhu cầu cần làm răng, khám mắt, làm kính chẳng hạn. Còn nếu vô rồi mà không thích thì điền cái giấy rồi ra thôi, không bắt buộc. Có những người thích vô chương trình y tế điều khoản, vì ở ngoài có một số chương trình y tế lạm dụng quá. Thí dụ như có một số ông bác sĩ vẽ cái này, vẽ cái kia hay mua thuốc gặp trở ngại này, trở ngại kia nên nhiều người muốn vô chương trình này để ông bác sĩ gia đình kiểm soát kỹ hơn, tổ hợp kiểm soát kỹ hơn. Nhưng người nào thích tự do thì không ai muốn vô tổ hợp.
Khi vô chương trình thử nghiệm này thì mỗi Quận chỉ có một vài chương trình y tế điều khoản được làm cái việc tự động ghi tên người ta vô thôi. Thí dụ ở Quận Cam mình chỉ có Cal Optima là chương trình y tế điều khoản duy nhất được tự động ghi tên những người có Medicare và MediCal, tức là chỉ có một Cal Optima gửi thư báo mà thôi. Còn ở trên Los Angeles hay San Diego có hai đến bốn chương trình thử nghiệm. Tất cả có 8 Quận đi tiên phong trong chương trình thử nghiệm.
Chương trình chỉ áp dụng cho người có cả hai Medicare và Medical mà thôi. Do đó, những ai có ngày tháng sinh từ tháng 1 đến tháng 6 cứ yên tâm, chưa có ai đụng tới. Còn những ai sinh vào tháng 7 thì sẽ nhận được thư mời của Cal Optima.
Dược sĩ Trần Thu Hằng nhấn mạnh:
-Đây là chương trình thử nghiệm hoàn toàn không bắt buộc, nên quý cụ cao niên cứ yên tâm, thích thì vô không thì thôi. Đừng hoang mang lo lắng gì cả.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT