Thế Giới

Quỹ dự trữ liên bang tăng lãi suất

Wednesday, 21/03/2018 - 11:26:45

Đồng thời, các hành động và dự báo của Fed cho thấy cơ quan này tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ vẫn ổn định, cho dù đã trải qua 9 năm kể từ khi cuộc đại suy thoái kết thúc.

Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed) đã tăng lãi suất vào hôm thứ Tư, với niềm tin vào nền kinh tế Hoa Kỳ, và tỏ ý rằng cơ quan này có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm nữa trong năm 2018, dưới thời chủ tịch mới Jerome Powell. Fed cho biết sẽ cơ quan này dự kiến tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, và sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019. Thông báo này cho thấy các chuyên gia kinh tế khá lạc quan về tốc độ phát triển kinh tế Hoa Kỳ và tình hình việc làm.
Trong thông báo mới nhất, Fed cho biết sẽ tăng lãi suất ngắn hạn lên 1.75%, và sẽ giảm dự trữ trái phiếu. Các quyết định này có nghĩa là, nhiều người tiêu thụ và các công ty sẽ đối mặt với lãi suất cho vay cao hơn trong thời gian tới. Đồng thời, các hành động và dự báo của Fed cho thấy cơ quan này tin tưởng rằng nền kinh tế sẽ vẫn ổn định, cho dù đã trải qua 9 năm kể từ khi cuộc đại suy thoái kết thúc.

Amazon, công ty giá trị thứ nhì thế giới
Cổ phiếu của hãng thương mại điện tử của ông Jeff Bezos đã tăng 2.7% trong phiên giao dịch thứ Ba, giúp giá trị vốn hóa của công ty đạt $768 tỷ. Nhờ đó, Amazon vượt qua Alphabet – công ty mẹ của Google - để trở thành công ty có giá trị cao thứ nhì thế giới. Trong cùng ngày, cổ phiếu của Alphabet giảm 0.4%, khiến giá trị vốn hóa của hãng công nghệ này còn $762.5 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó, Apple vẫn là công ty có giá trị lớn nhất thế giới, với giá trị vốn hóa gần $889.2 tỷ Mỹ kim.
Cổ phiếu Amazon đã tăng 85% suốt 12 tháng qua, và tăng 35% tính từ đầu năm nay. Theo bảng xếp hạng tỷ phú Forbes công bố hồi tháng 3, ông chủ Amazon - Jeff Bezos - tiếp tục là người giàu nhất hành tinh, với tổng tài sản hơn $131 tỷ Mỹ kim. Các nhà đầu tư đang đổ xô vào Amazon, vì tin rằng hãng này sẽ phát triển tốt. Kỹ thuật điện toán “cloud” lợi nhuận cao cũng sẽ tạo ra lượng tiền cần thiết để Amazon đầu tư phát triển chuỗi cửa hàng truyền thống, xây dựng các trung tâm dữ liệu, kho hàng…
Trong khi đó, hai ngày sau vụ tai tiếng để lộ thông tin người dùng, cổ phiếu Facebook giảm hơn 9% khiến giá trị vốn hóa của hãng này mất hơn $60 tỷ. Hãng cũng đánh mất hạng 6 trong bảng xếp hạng giá trị công ty, trước hãng Berkshire Hathaway của nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett.

Kế hoạch mời khoan dầu không thu hút
Dự án mời thầu khoan dầu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, tại vùng vịnh Mexico, đã thu được $124.76 triệu Mỹ kim từ các hãng thắng thầu vào hôm thứ Tư. Đây là mức giá khá khiêm tốn so với các nỗ lực của chính phủ Trump, trong việc tìm cách tăng đầu tư vào khu vực này.
Bộ Nội Vụ đã đề nghị cho thuê 77 triệu acres biển với ưu đãi giảm giá cho những vùng nước cạn, với mục tiêu làm tăng sản lượng dầu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các công ty chỉ mới đấu thầu cho khoảng 1% trên tổng diện tích này, và các vùng biển được quan tâm chỉ được trả giá khoảng $153 Mỹ kim một acre, thấp hơn 35% so với cuộc đấu giá tương tự vào năm ngoái.
Phòng quản lý năng lượng biển BOEM, thuộc Bộ Nội Vụ, nơi quản lý cuộc đấu giá, cho rằng kết quả này vẫn đáng lạc quan.
Ông Mike Celata, phát ngôn viên BOEM, cho rằng dòng tiền đầu tư vẫn tiếp tục đổ vào vùng vịnh Mexico một cách ổn định, giúp sản lượng dầu và khí gas tự nhiên tại khu vực này sẽ tăng dần trong những năm tới. Ông Celata cho biết, 33 công ty, bao gồm các hãng lớn như Royal Dutch Shell, BP, Chevron, và Total SA, đã đề nghị 159 giá đấu thầu cho 148 lô khai thác.
Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng, kế hoạch mời thầu của chính phủ được đưa ra không đúng thời điểm, do sản lượng dầu thô và khí gas tự nhiên của Hoa Kỳ hiện đã cao kỷ lục, đồng thời Brazil và Mexico cũng đang ra sức cạnh tranh để mời các hãng nhiên liệu đầu tư khoan dầu trong vùng biển của họ. Các kinh tế gia cho rằng, việc cố gắng mời thầu, trong lúc nhu cầu thị trường giảm sút, là một sự lãng phí và là một chính sách không phù hợp.

Hoa Kỳ hứa xem lại TPP
SANTIAGO – Trong chuyến thăm Chile vào thứ Tư, Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin cho biết, Hoa Kỳ sẽ xem xét lại hiệp ước đối tác Thái Bình Dương TPP, sau khi hoàn thành các mục tiêu khác trong thương mại. Hiệp ước TPP vốn có mục tiêu cắt giảm hàng rào quan thế giữa các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. TPP rơi vào thế bế tắc vào đầu năm ngoái, khi Tổng Thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước này, với lý do bảo vệ việc làm nội địa. Các thành viên còn lại của TPP, với 11 nước, đã nỗ lực duy trì hiệp ước, và mới đây đã ký kết một thỏa thuận thay thế là CPTPP.
Trong cuộc họp báo tại thủ đô Santiago, Bộ Trưởng Mnuchin nói, các ưu tiên hiện nay của Hoa Kỳ là tái đàm phán hiệp ước NAFTA và điều chỉnh quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Mnuchin thêm rằng, sau khi hoàn thành các mục tiêu thương mại, Hoa Kỳ sẽ xem xét lại TPP, với Chile sẽ là một đối tác quan trọng. Ông Mnuchin hiện đang thăm Chile, sau khi dự cuộc họp dài 2 ngày tại Argentina, với sự tham gia của các viên chức từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào thứ Hai vừa qua, Tổng Thống Trump đã ký lệnh cấm mọi công ty Hoa Kỳ thực hiện các giao dịch tài chính có liên quan với đồng Petro - đồng tiền điện toán vừa được Venezuela phát hành. Các viên chức Hoa Kỳ khuyến cáo, đồng tiền ảo này là một trò lừa đảo của chính phủ của Tổng Thống Nicolas Maduro, nhằm phá hoại nền dân chủ của các nước trong tổ chức OPEC. Bộ Trưởng Mnuchin nói, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Venezuela không nhắm vào người dân nước này, mà chỉ nhắm vào các cá nhân đang chiếm dụng lợi ích từ người dân Venezuela.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT