Tiêu Thụ

Quyền lợi SSA khi hai vợ chồng cùng về hưu

Friday, 18/03/2011 - 07:24:54

Hỏi: Thưa ông, vợ chồng tôi đều đi làm cả, và sắp đến tuổi về hưu. Chả nói giấu gì ông, tôi hơn ông nhà tôi 2 tuổi rưỡi. Nhờ ...

Eric Trần/Viễn Đông

Đề tài về quyền lợi An Sinh Xã Hội (cũng gọi là SSA) đã làm nhiều độc giả quan tâm và nêu nhiều thắc mắc. Trong số những câu hỏi đặt ra tuần qua, có một câu phù hợp với đề tài hôm nay, nên xin được ghi ra đây để chúng ta cùng thảo luận:


Hỏi: Thưa ông, vợ chồng tôi đều đi làm cả, và sắp đến tuổi về hưu. Chả nói giấu gì ông, tôi hơn ông nhà tôi 2 tuổi rưỡi. Nhờ trời, chúng tôi còn khỏe cả, vẫn còn đi làm. Nên vấn đề lãnh tiền hưu không phải là chuyện cấp bách, cứ tính để đến đâu hay đến đó. Nhưng đọc mấy bài báo của ông trên Viễn Đông về tiền An Sinh Xã Hội, tôi mới hay là có những cách để mình có thể hưởng được quyền lợi cao hơn. Vợ chồng tôi thích lắm, số báo nào cũng cắt ra để dành. Nhưng không biết là trường hợp vợ chồng tôi thì nên tính toán thế nào cho có lợi thưa ông?
Trả lời: Trước tiên, Eric xin nói đến qui tắc chung trong trường hợp cả vợ chồng cùng đi làm và đóng góp cho quỹ An Sinh Xã Hội (SSA). Như mọi cá nhân khác, bạn và người phối ngẫu được quyền lãnh tiền hưu sớm nhất là năm 62 tuổi và trễ nhất là năm 70 tuổi. Đó là 2 con đường bạn phải chọn một. Nhưng là vợ chồng có hôn thú, bạn còn thêm một con đường nữa: Bạn có thể lãnh 50%, tức một nửa số tiền SSA mà người phối ngẫu lãnh. Nhưng xin nhớ cho rằng, dù có nhiều, nhưng bạn chỉ có thể chọn đi trên một con đường, nghĩa là lãnh tiền theo một hồ sơ: Hoặc hồ sơ của chính mình, hoặc hồ sơ của ông xã.
Xin nói chuyện bằng những con số cụ thể: Nếu tiền hưu chính thức của bạn được dự đoán là 1.000 Mỹ kim/tháng vào năm 66 tuổi, và của ông xã là 1.600 Mỹ kim/tháng, nếu lãnh ở tuổi hưu chính thức, thì bạn có có 3 con đường sau đây:
Một là, lãnh hưu non 75% số tiền chính thức từ năm 62 tuổi: 750 Mỹ kim/tháng.
Hai là, chờ đến 66 tuổi để lãnh trọn 1.000 Mỹ kim/tháng.
Ba là, chờ đến năm ông xã lãnh tiền hưu chính thức 1.600 Mỹ kim/tháng thì bạn được quyền lãnh 50% số tiền của ông xã tức 800 Mỹ kim/tháng.
Nhớ rằng, bạn chỉ được chọn 1 trong 3 đường, và nếu bạn chọn giải pháp 3 – lãnh 800 Mỹ kim – thì việc đó không ảnh hưởng gì tới số tiền của ông xã cả. Bởi vì tiền bạn lãnh là từ Quỹ SSA, chứ không phải ông ấy lấy tiền riêng ra chia sớt cho bạn. Sự tương tác xảy ra vì xã hội tôn trọng tình nghĩa vợ chồng, nhưng không muốn đặt một người ở vị thế “ban ơn” cho người kia.
Trong thực tế, không mấy cặp vợ chồng theo con đường “chẵn tròn” trơn tru như vậy cả. Bởi vì, họ có thể tính toán để lấy về phần lợi ích cao nhất cho mình.
Cách tính ngày xưa:
Người chồng nên lãnh hưu non để gia đình có thêm lợi tức. Chẳng hạn như nếu lãnh từ năm 62 tuổi, người chồng sẽ được 1.200 Mỹ kim(75% của số tiền hưu chính thức 1.600 Mỹ kim). Có thêm số tiền “từ trời rơi xuống” như vậy, cuộc sống gia đình của 2 vợ chồng già chắc chắn sẽ khá hẳn lên chứ!
Còn người vợ nên chờ đến hạn chót, tức là năm 70 tuổi, thì quyền lợi của bà sẽ tăng mỗi năm 8%, tính ra con số cụ thể tiền hưu bà sẽ lãnh là 1.320 Mỹ kim/tháng, thay vì 1.000Mỹ kim.
Tại sao lại có cách tính toán này? Như bài trước đã phân tích, nếu lãnh trễ như vậy, thì người phụ nữ phải sống ít nhất tới năm 82 tuổi 6 tháng, thì quyền lợi của bà mới không thiệt so với người lãnh sớm. Và nếu bà càng sống lâu về sau lại càng có lợi hơn. Cái tuổi đó đối với phụ nữ có thể là … chuyện nhỏ! Bởi vì, theo thống kê phụ nữ thường sống thọ hơn nam giới, cái ngưỡng cửa 82 tuổi 6 tháng phụ nữ dư sức vượt qua. Lúc đó có thể người chồng đã qua đời rồi, gia đình mất hẳn 1 income, thì số tiền 1.320 Mỹ kim ấy lại càng có ý nghĩa hơn đối với bà.
Trong khi đó, theo thống kê, mấy ông thường quá vãng sớm (do lao tâm khổ trí nhiều hơn? Hay do nhậu nhẹt, hút thuốc… nên bệnh tật đến viếng sớm hơn?). Con số các ông sống quá 82 tuổi 6 tháng không nhiều bằng các bà. Thế nên, các ông phải lãnh tiền hưu non, để trì hoãn rốt cuộc không có lợi.
Nhưng xin quý bạn xem lại đi: Ngay ở phần đầu, Eric đã nói đó là cách tính ngày xưa. Cách tính bây giờ thì khác, không biết do đàn ông tự xét mình và cải thiện tuổi thọ, hay vì luật SSA có gì thay đổi, chúng ta sẽ nói về đề tài này trong bài lần sau.

Erictran15751@gmail.com

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về những vấn đề liên quan đến SSA, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư của bạn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT