Người Việt Khắp Nơi

Ra mắt "Câu Chuyện Âm Nhạc" của giáo sư Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh

Monday, 24/08/2015 - 10:27:49

Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến danh tánh nhiều người cùng thời với ông và tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng trong giới âm nhạc thế giới cũng như các thể loại nhạc và các nhạc cụ.

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Giáo sư Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh vừa đến thăm nhật báo Viễn Đông và trao tặng chúng tôi tác phẩm “Câu Chuyện Âm Nhạc” do ông viết và sẽ được ra mắt đồng hương vào lúc 10 AM ngày Thứ Bảy 29.8.2015 tại Trung Tâm Công Giáo VN 1538 N. Century Blvd, Santa Ana, CA 92703.
Giáo Sư Vũ Ngọc Ánh sinh năm 1925 tại Phát Diệm, Ninh Bình, Bắc Việt. Ông đậu Cử Nhân Văn Khoa, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm tại Hà Nội năm 1954. Ông từng dạy tại các trường ở Hà Nội, Đà Lạt và Saigon như trường Chu Văn An, Nguyễn Huệ, Bảo Long, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến và Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.

GS, nhà văn Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh (Thanh Phong/Viễn Đông)



Là tác giả nhiều cuốn sách biên khảo và giáo khoa về lịch sử và văn chương Việt Nam. Ông cũng từng là Nghị Sĩ tại Thượng Viện VNCH. Đến nay, dù đã 90 tuổi, giáo sư Vũ Ngọc Ánh vẫn còn minh mẫn về trí tuệ, ông vẫn viết sách, đôi khi vẽ, làm thơ, viết nhạc. Những tác phẩm của ông đã xuất bản gồm có Đường Xưa Lối Cũ, Từ Hà Nội Tới Paris, Câu Chuyện Âm Nhạc, và sẽ ra mắt ngày gần đây với Bốn Điểm Tựa Của Lịch Sử Việt Nam và Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam.
Như tựa đề cuốn sách, Câu Chuyện Âm Nhạc đây không phải là tập sách nghiên cứu, phê bình âm nhạc mà đúng là “Câu Chuyện” về âm nhạc, vì là câu chuyện nên tác giả kể có đầu có đuôi và người đọc đã đọc một vài trang đầu là phải tiếp tục đọc hết cuốn sách vì từ phần dẫn nhập ở những trang đầu có liên quan, lôi kéo người đọc đến phần cuối cuốn sách.
Sinh trưởng trong một gia đình Thiên Chúa Giáo, ở một nơi được coi như cái nôi của đạo Công Giáo khi mới được các vị Thừa Sai người Pháp hay người Tây Ban Nha vào Việt Nam truyền đạo. Phát Diệm, nơi sinh của tác giả vốn được coi là một thành trì đức tin mãnh liệt nhất của người Công Giáo VN, vì thế ngay từ khi còn thơ ấu, ông đã được hấp thụ luân lý và giáo dục Công Giáo qua thân phụ là cụ Chánh Minh, một người đã từng sáng tác một số bài Thánh Ca theo lối nhạc tây phương, trong khi thân mẫu, người đã từng dùng những câu Kiều hay Chinh Phụ Ngâm hoặc Tân Cung Oán để ru ông ngủ khi còn bé thơ. Thân mẫu ông cũng là một giọng ca hay nhất trong ca đoàn hát vãn hoa.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp từ song thân, người giáo dân Phát Diệm hát cả khi đang làm việc ngoài đồng áng, khi hái dâu, khi dệt chiếu, khi thêu thùa cũng như những buổi trăng sáng mùa hè, trai gái rủ nhau ra ngoài xóm chia nhau thành hai bè hát đúm tựa như lối hát Quan Họ, rồi tiếng chuông giáo đường, tiếng hát thánh thót của các nữ tu bên Lưu Phương càng lôi kéo sự đam mê âm nhạc đến với người thanh niên trẻ Vũ Ngọc Ánh thời bấy giờ.

                    Tác phẩm “Câu Chuyện Âm Nhạc” của GS Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh (Thanh Phong/Viễn Đông)


Qua câu chuyện kể, ông cho biết, năm học lớp Bốn, nhờ đọc được tiếng Pháp nên đã biết tên của một số nhạc phẩm như: Au temps des cerisiers, Parlez-moi damour, Jai deux amours v.v. và một số tên ca sĩ nổi danh như : Lucienne Boyer, Mistinguett, Yvette Guilbert, Josephine Baker, trong đó nữ danh ca Lucienner Boyyer là người đầu tiên được giải thưởng “Grand Prix du disque (1930) của Pháp.
Và sau đó, tác giả dẫn người đọc qua năm chương sách. Chương I nói về nguồn gốc nhạc đạo. Chương II kể những chuyện âm nhạc trước đây nửa thế kỷ. Chương III nói về Âm Nhạc và Cuộc Đời. Chương IV kể chuyện ông tập nghe nhạc cổ điển. Chương V nói về các nhà sáng tác, các ca, nhạc sĩ và các ban nhạc cổ điển. Ngoài năm chương sách còn một bài viết có tựa đề “Một Nghi Án hay Cái Chết Của Mozart” và bức thư của nhạc sĩ Phạm Duy gửi giáo sư Vũ Ngọc Ánh cũng như là thư trả lời của tác giả gởi nhạc sĩ Phạm Duy.
Đọc hết tác phẩm “Câu Chuyện Âm Nhạc,” người đọc chắc chắn sẽ phải rất khâm phục về trí nhớ giai của một ông cụ đã 90 tuổi, nhất là những người giáo dân Công Giáo cao niên ở Phát Diệm sẽ tìm lại được hình ảnh và kỷ niệm của mình trong những mẫu chuyện như ở hội kèn tây, hội Phường Trắc, hội ca vãn trong những dịp lễ lớn, trong tháng Dâng Hoa v.v..
Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến danh tánh nhiều người cùng thời với ông và tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng trong giới âm nhạc thế giới cũng như các thể loại nhạc và các nhạc cụ.
Nhà văn Phạm Văn Kỳ Thanh, chuyên nghiên cứu Âm Nhạc Dân Tộc Học (Ethnomusicologist) viết lời giới thiệu tác phẩm, trong đó có đoạn: Câu Chuyện Âm Nhạc của nhà văn Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh là những câu chuyện kể tự nhiên không hào nhoáng từ lũy tre xanh Phát Diệm đến ánh sáng kinh thành Hà Nội xa xưa, rồi hòn ngọc Viễn Đông Saigon, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa… Với một trí nhớ phi thường dù ở tuổi cửu thập, và một năng khiếu thẩm mỹ âm nhạc tinh tế, tác giả đã kể lại biết bao nhiêu câu chuyện âm nhạc với những chi tiết quý giá lồng trong bối cảnh lịch sử thăng trầm của đất nước..”
Xin giới thiệu tác phẩm “Câu Chuyện Âm Nhạc” của giáo sư Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh với quý độc giả, nhất là các đồng hương, thân hữu Phát Diệm, các cựu học sinh của giáo sư Vũ Ngọc Ánh. Tác giả mong muốn được hội ngộ cùng tất cả quý đồng hương và bạn hữu cũng như các cựu học sinh các trường mà ông đã có dịp giảng dạy trong ngày ra mắt tác phẩm.L/l tác giả số (818) 780-4504.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT