Người Việt Khắp Nơi

Ra mắt hồi ký Những Mảnh Đời Sau Song Sắt của blogger Phạm Thanh Nghiên

Sunday, 04/03/2018 - 10:17:00

Ở người con gái này có đủ đức tính của một nhà đấu tranh chính nghĩa, một người yêu nước thiết tha nên Kim Thu có cảm tình ngay với người con gái này và đã đồng hành cùng cô trên con đường đấu tranh đầy nghiệt ngã. Sau đó, Kim Thu kể nhiều chi tiết về Phạm Thanh Nghiên.

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Vào buổi chiều chủ nhật cuối tháng 2, 2018 vừa qua, Thư Viện Việt Nam tại Garden Grove đã tổ chức buổi mừng Xuân Mậu Tuất và cùng với chương trình phát thanh Đáp Lời Sông Núi (ĐLSN) và Tủ Sách Tiếng Quê Hương ra mắt cuốn Hồi Ký “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” của blogger Phạm Thanh Nghiên viết từ quốc nội.


Bìa trước và sau tập hồi ký Những Mảnh Đời Sau Song Sắt. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Đến tham dự , ngoài các thành viên chương trình phát thanh ĐLSN, Ban Quản Trị Thư Viện Việt Nam còn có Luật Sư Đinh Thạch Bích, Ban Tù Ca Xuân Điềm, ông Nguyễn Đăng Trúc, TS Nguyễn Bá Tùng (đại diện Mạng Lưới Nhân Quyền VN), cựu Nghị Sĩ VNCH Trần Tấn Toan (Diễn Đàn Giáo Dân); ông Nguyễn Văn Liêm (Chủ nhiệm nguyệt san DĐGD); nhà văn Trần Phong Vũ (Tủ Sách Tiếng Quê Hương), bà Lê Thị Việt Nam thuộc bút nhóm Gọi Đàn, một số đồng hương và cơ quan truyền thông.

Ban Tù Ca do nhạc sĩ Xuân Điềm điều khiển hát quốc ca VNCH và sau đó phụ trách phần văn nghệ đấu tranh. Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm cũng như giới thiệu thành phần tham dự , ông Đằng Giang Đỗ Như Điện, Quản Nhiệm Đài Phát Thanh Đáp Lời Sông Núi được giới thiệu lên nói về mục đích buổi tổ chức ra mắt cuốn hồi ký “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt.”


Nhà văn Trần Phong Vũ nói về tác phẩm (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Ông Đỗ Như Điện cho biết, “Ban tổ chức buổi ra mắt sách gồm: thứ nhất là Tủ Sách Tiếng Quê Hương mà đại diện chính thức là nhà văn Trần Phong Vũ, thứ hai là Thư Viện VN mà người quản lý là ký giả Du Miên và Radio Đáp Lời Sông Núi.

“Blogger Phạm Thanh Nghiên là một cộng tác viên Radio Đáp Lời Sông Núi ngay từ khi đài bắt đầu phát thanh và thường xuyên cô đã viết bài và tự ghi âm gửi ra. Do đó, thính giả trong nước cũng như hải ngoại nghe giọng nói Phạm Thanh Nghiên rất quen. Cô là người phụ nữ đấu tranh đã bị cầm tù. Mãn hạn tù cô vẫn tiếp tục kiên cường đấu tranh và cô đã ghi lại những gì trong thời gian tù tội qua tập hồi ký Những Mảnh Đời Sau Song Sắt.


Cựu tù nhân Lê Thị Kim Thu nói về tác giả Phạm Thanh Nghiên. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Ban tổ chức giới thiệu tác phẩm này nhằm bốn mục đích: Thứ nhất là vinh danh một người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng đã kiên cường, không nản chí đấu tranh cho lẽ phải và sự bất công, những ai đã đọc cuốn sách của cô thấy rằng, trong quá trình tù tội cô đã không nhượng bộ, không thụt lùi, vẫn kiên cường.
“Mục đích thứ hai là chúng tôi muốn nối tiếp công cuộc đấu tranh của cô trong tù cũng như ngoài đời. Do đó, công cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền cho VN vẫn đang tiếp diễn. Mục đích thứ ba là qua những tác phẩm cô gửi ra và chúng tôi ấn hành, cô không nhận bất cứ một khoản thù lao nào. Tất cả những tiền thu được sẽ yểm trợ cho những người đang đấu tranh trong nước và cho thầy giáo Vũ Hùng. Mục tiêu thứ tư để giới thiệu cuốn sách này là phơi bày sự thật xấu xa của Đảng CSVN đang đè nặng trên đồng bào chúng ta.”

Tiếp theo, cô Lê Thị Kim Thu, người đã ở tù ba lần trong chế độ cộng sản, tổng cộng hơn sáu năm vì đã tham gia phong trào đòi tài sản bị Việt Cộng cướp trắng trợn cũng như tham gia biểu tình chống Trung Cộng, Việt Cộng.

Là người đồng hành với Phạm Thanh Nghiên, cô Lê Thị Kim Thu nói đôi điều về tác giả Phạm Thanh Nghiên. Cô cho biết, năm 2001 cô ra Hà Nội tiếp tục đòi công lý cho một cô gái nhỏ miền Nam. Không bạn bè thân thuộc trên đất Bắc. Bơ vơ với hai hàng nước mắt uất nghẹn, Kim Thu gặp Phạm Thanh Nghiên, một người con gái nhỏ nhắn về hình hài nhưng nghị lực và ý chí vô cùng to lớn, can đảm và cương quyết đấu tranh với bạo quyền cộng sản vây quanh tứ bề.


Ban Tù Ca Xuân Điềm chào cờ và đồng ca nhạc phẩm “Làm Sao Ta Có Được Tự Do” do NS Xuân Điềm sáng tác. (Thanh Phong/ Viễn đông)

Ở người con gái này có đủ đức tính của một nhà đấu tranh chính nghĩa, một người yêu nước thiết tha nên Kim Thu có cảm tình ngay với người con gái này và đã đồng hành cùng cô trên con đường đấu tranh đầy nghiệt ngã. Sau đó, Kim Thu kể nhiều chi tiết về Phạm Thanh Nghiên.

Nhà văn Trần Phong Vũ, một người đã có trên 20 tác phẩm xuất bản được mời lên nói về tác phẩm, ông đã cùng với nhà văn Uyên Thao chủ trương Tủ Sách Tiếng Quê Hương, ông cũng là người viết lời bạt cho tác phẩm “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt.” Nhà văn Trần Phong Vũ nhắc mọi người bìa trước và bìa sau của cuốn sách được trình bày trong tấm banner treo trước mặt để mọi người thấy một Phạm Thanh Nghiên bé nhỏ, mảnh mai nhưng tinh thần thì không nhỏ bé chút nào.

Sau bốn năm ra tù, cô lập gia đình với anh Huỳnh Anh Tú, một người có 14 năm tù. Trong ngày cưới của cô tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Saigon, có nhiều tù nhân lương tâm tham dự, trong đó có Hòa Thượng Thích Thiện Minh 27 năm tù, có bác sĩ Nguyễn Đan Quế và hàng trăm cựu tù nhân khác chưa nói đến các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, nói lên sự đấu tranh kiên trì của người Việt Nam như thế nào.

Nhà văn Trần Phong Vũ nhấn mạnh, qua tựa đề của cuốn sách “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” không phải là hồi ký của một cá nhân nói về cái cá nhân đó mà qua nhân vật có mặt trong bốn năm tù đó giới thiệu cho chúng ta thấy hình bóng của những con người ở trong nhà tù Việt Cộng như thế nào. Qua nhiều lần nói chuyện với tác giả bằng điện thoại, nhà văn Trần Phong Vũ đã lần lượt kể cho mọi người nghe những gì Phạm Thanh Nghiên viết trong cuốn sách mà vì khá dài nên chúng tôi không thể kể hết trong bài báo này.
Sau diễn giả Trần Phong Vũ, ban tổ chức mời một số vị lên phát biểu cảm tưởng, và sau cùng, Thư Viện Việt Nam mời mọi người dùng tiệc mừng Xuân, thưởng thức văn nghệ do Ban Tù Ca Xuân Điềm và một số thân hữu đóng góp.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT