Hôm Nay Ăn Gì

Rau câu thạch dừa

Thursday, 10/09/2020 - 06:54:02

Món rau câu thạch dừa có cái hay ở chỗ có thể hấp dẫn người ta cả bốn mùa...


(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM
Món rau câu thạch dừa có cái hay ở chỗ có thể hấp dẫn người ta cả bốn mùa, nếu như mùa xuân ngồi nhâm nhi một trái dừa thạch rau câu khiến cho mọi thứ trở nên êm dịu và ngọt ngào thì mùa hạ việc ngồi ở đâu đó trốn nắng để nhấm nháp cảm giác mát lạnh vời vợi, và khi mùa thu tới, lá rụng vàng, trẻ em đến trường, người lớn loay hoay với bao chuyện cơm áo, gạo tiền, tình cờ cầm một trái dừa thạch rau câu, ngồi lại múc từng muỗng, nghe hương vị đất trời thấm vào người, như thể vạn vật đang chia sẻ, ân cần với ta… và mùa đông lạnh lẽo, ướt át, những tưởng rau câu thạch dừa khiến cho mọi thứ trở nên lạnh hơn. Nhưng không, hương vị và màu sắc của rau câu thạch dừa lại giúp cho người ta thấy mình ấm áp, vẫn còn một chút dư âm của mùa hạ, mùa thu và nghe gió mùa đông bắc, nghe mưa ngâu đang réo rắc tìm về đâu đó trong xa lắc chân trời…


(Tom/ Viễn Đông)

Có thể nói rằng đây là món ăn lành tính, nhẹ nhàng, có cả trời xanh và biển rộng cho người thưởng vị, và có cả bốn mùa, có cả vui buồn, sướng khổ, có cả tuổi thơ xa xôi, tuổi thanh xuân vời vợi và tuổi hoa râm đang đến gần. Nói như một bác sĩ thích viết văn là nghe cả gió heo may tìm về trong từng thớ dừa và chút dư vị của biển. Nói theo cách của nàng (bà xã tôi) thì trong bất kì món ăn nào, nếu không gắn một chút kỷ niệm tuổi trẻ, ký ức tuổi thơ hay trắc ẩn tuổi trưởng thành, thì mức độ ngon của nó giảm đi chí ít cũng 50% so với. Một món ăn trở nên ngon gấp nhiều lần không phải chỉ dừng ở tay nghề nấu nướng mà bản thân người nấu nướng phải biết kéo dư vị cuộc đời, ký thác tâm hồn vào món ăn như một nghệ sĩ sáng tác hay biểu diễn say với nghề, và cả người thưởng thức phải tìm gặp mình trong khoảnh khắc nào đó của bữa ăn.

Có lẽ, riêng món thạch dừa rau câu nguyên trái là món mà tôi có ký ức hoàn toàn không gắn gì với người thân, trên bước đường giang hồ thời đầu xanh (nói là giang hồ cho oai chứ thật ra là giang hồ văn nghệ, đi lang thang đây đó với mấy anh em văn nghệ, gặp bữa thì ghé nhà anh em ngồi chơi, lai rai, trò chuyện, rồi lại đi tiếp, thời gian này cũng không dài mấy vì chưa được nửa năm thì tôi phải bù đầu vì công việc), tôi nhớ đến đất Long Khánh, phải nói thật là sống trên đất Sài Gòn hơn mười năm, gồm cả giai đoạn đi làm thuê, sau đó quay về quê đi học lại rồi quay trở lại Sài Gòn để học đại học, chuyện quanh quẩn Sài Gòn, Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương, Bình Phước với tôi cứ như trong lòng bàn tay. Thế nhưng Lái Thiêu, Long Khánh thì lại rất xa lạ với tôi cho đến một ngày cuối năm.


(Tom/ Viễn Đông)

Tôi nhớ như in cái ngày cuối năm đó, trong tình trạng thất nghiệp, đắp đổi qua ngày, gần Tết mà không có tiền về quê, chiều 25 tháng Chạp, mọi chuyến xe về quê đã vãng dần, tôi và thằng bạn nhà thơ (bây giờ khá nổi tiếng) ngồi bó gối. Đã vậy, hai thằng ngồi nhìn ra đầu hẻm trọ, cũng có mấy ông xe ôm người miền Trung, đang ế ẩm, ngồi trên xe thiu thiu ngủ, thằng bạn tôi bất giác đọc mấy câu thơ độ bài Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng: “Đôi mắt người phu xe/ Vời trông về quê cũ/ Chiều cuối năm xứ lạ/ Buồn viễn xứ không tiền…”. Chao ôi là buồn! Đùng cái, có ông bạn nhà thơ đồng hương, từ Mỹ về, ghé chỗ tụi tôi chơi, rủ đi cà phê, và trong bữa cà phê, anh ấy hứa khi đổi tiền (dollar sang đồng) xong sẽ tặng tụi tôi chút tiền mua vé xe về quê. Hai đứa như vớ được phao cứu sinh. Thế nhưng xong buổi cà phê, anh ấy lặn mất tiêu, không tài nào liên lạc. Đến 27 tháng Chạp, những chuyến xe cuối cùng về Trung, coi như hết hi vọng thì có một người khác, anh bạn nhà văn, vốn là cựu quân nhân chiến trường K cùng với một nhà nghiên cứu - dịch thuật ghé đến chơi, rủ tụi tôi đi Long Khánh.

Thằng bạn nhà thơ của tôi cáo mệt, tôi biết hắn không mệt nhưng đang buồn, muốn ở một mình, vậy là tôi lên xe, đi với anh em xuống Long Khánh. Xuống tới nơi tôi mới ngạc nhiên vì cuộc sống ở đây yên bình và phồn thịnh quá, mà hình như mười nhà, đã có ít nhất là năm nhà có người đi Mỹ hoặc đi sang một nước nào đó về quê ăn Tết. Chỗ chúng tôi tới thăm là “làng Việt Kiều”. Đón chúng tôi là một gia đình có ba người sống ở Mỹ, trong đó có hai du học sinh và một người là công dân Mỹ, có chồng Mỹ. Cái đặc biệt là gia đình này rất mê âm nhạc, văn chương, đời sống khá phong lưu và nhẹ nhàng. Trong phòng khách chỉ có kệ sách, một cây piano, mấy cây guitar, dàn trống và dàn âm thanh, vài chậu phong lan, vài cái lu xếp đặt, vài bức tượng nghệ sĩ. Không gian ấm áp. Trò chuyện một lúc, gia đình dọn cơm, phải nói là bữa cơm quá thịnh soạn với tất cả những món ngon Nam Bộ. Và cuối bữa là một dĩa trái cây. Đến chương trình văn nghệ, đọc thơ, giao lưu ca hát… Và chương trình văn nghệ diễn ra chừng hai giờ đồng hồ thì có một bữa ăn nhẹ, món rau câu thạch dừa xuất hiện. Chủ nhà giới thiệu rằng đây là món lành tính và thú vị nhất của xứ trái cây này, bởi vừa có ngũ hành âm dương, vừa có vị của bầu trời, vừa có vị của biển… Người nơi đây quan niệm đây là món ăn vũ trụ…


(Tom/ Viễn Đông)

Đương nhiên đây là cách nói của người quá yêu món này, mà hình như, những người ưa món này lại kèm theo tính khí khá là phóng khoáng. Cũng có thể là do điệu sống gần với thiên nhiên mặc dù hiện đại, nhẹ nhàng, mặc dù phố phường tấp nập… Và đặc biệt thói quen chế biến món ăn từ các loại trái cây, từ thiên nhiên cũng phần nào giúp cho tâm hồn con người trở nên khoáng đạt, nhẹ nhàng… Sau bữa tiệc, chủ nhà không quên tặng cho tôi và thằng bạn nhà thơ đang ngồi bó gối ở Sài Gòn một chút tiền để đi xe về quê. Điều này làm tôi đi từ ngạc nhiên sang sửng sốt bởi lần đầu gặp nhau, biết nhau, không hiểu người ta tìm đâu ra thông tin tôi và nó không có tiền xe về quê ăn Tết. Hơn nữa cách đối đãi với tôi và hai người anh kia ban đầu và cho đến phút cuối là tiếp những nhà thơ, nhà văn, cuối cùng lại cho tiền, rất khó nghĩ và ngại ngùng.

Chủ nhà cười vui vẻ, hỏi, “Em ăn thạch dừa của chị nấu có ngon không?”

“Dạ ngon lắm, chị!”

Chị cười, “Tâm tình của gia đình chị cũng như trái thạch dừa vậy, thiên nhiên, trong veo, không có ý gì cả, vì gia đình chị có dư chút tiền ăn Tết, hai đứa em không có, san sẻ với nhau, vui thôi mà. Nhờ em cầm tiền vé về cho bạn giùm chị. Tụi mình là bạn viết lách với nhau, thương nhau, đừng nghĩ chi nhiều!”


(Tom/ Viễn Đông)

Và sau khi cho chúng tôi tiền xe, chủ nhà còn cho thêm công thức nấu món thạch dừa rau câu, tôi xin chép ra đây: Hai lít nước dừa, tương đương với tám trái dừa xiêm, một gói bột rau câu, một ít chocolate hoặc nước cốt dừa. Đun sôi nước dừa tươi lên, cho hỗn hợp rau câu dẻo và khoảng 2 lạng đường vào, nấu cho đường tan hết. Khi phần rau câu nước dừa nấu đủ sôi, múc đổ vào những trái dừa rỗng, để sẵn (giống trong hình), để lại khoảng gần nửa lít hỗn hợp này rồi cho thêm chocolate hoặc nước cốt dừa vào, đun sôi. Đợi hỗn hợp rau câu dừa trong những trái dừa kia hơi nguội một chút, đổ hỗn hợp rau câu dừa chocolate hoặc nước cốt dừa lên bên trên, cũng có người làm ngược lại, đổ phần chocolate bên dưới cho hương vị đậm đà ở phần ăn sau cùng.

Chút kinh nghiệm nho nhỏ là trái dừa nên để nguyên lớp vỏ xơ bên ngoài để làm thạch rau câu, sẽ đảm bảo lâu thiu và thơm hơn trái dừa đã gọt sạch lớp vỏ xơ.
Xin chúc quí vị có một bữa cơm ngon miệng với món tráng miệng rau câu thạch dừa!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT