Phóng Sự

Reaching Out Foundation và những dự án từ thiện tại Mỹ, Việt Nam (kỳ 2)

Sunday, 18/11/2018 - 09:03:16

Nếu những ai muốn làm việc thiện nguyện, không cần làm gì to lớn, chỉ cần dành thời gian đến thăm các cụ trong viện dưỡng lão, hát cho các cụ nghe, đọc sách, báo cho các cụ hay chỉ im lặng ngồi nghe các cụ nói chuyện, tâm sự, an ủi các cụ, bao nhiêu đó thôi cũng đủ rồi!

Bài BĂNG HUYỀN

Trong một lá thư phổ biến vào ngày 11 tháng 2, 2013 của bà Thanh Mỹ (đồng sáng lập và là Hội Trưởng của Hội Từ Thiện Bất Vụ Lợi Reaching Out Foundation ROF suốt 27 năm qua) và ông Phạm Đăng Khải (đồng sáng lập và giữ chức vụ thư Ký kiêm thủ quỹ của Hội ROF) chia sẻ về niềm vui của Ban Nhạc Thiện Nguyện Thanh Mỹ-ROF (do vợ chồng bà Thanh Mỹ- Phạm Đăng Khải lập ra khoảng 18 năm nay) đăng trên trang nhà của Hội ROF (https://reachingoutfoundation.wordpress.com). Cũng trên trang web này, tất cả các sinh hoạt của Hội ROF và các vấn đề tài chánh thu chi đều được thông báo minh bạch đến với mọi người.
 

Các thành viên của Ban Nhạc Thiện Nguyện Thanh Mỹ-ROF mang văn nghệ đến viện dưỡng lão Garden Park Care Center, Garden Grove.  (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Lá thư viết, “Trước khi nói đến ngày hôm nay 10-2-13, ROF muốn mời tất cả quý thành viên ROF và quý ân nhân quay ngược về năm 2005, tại nursing home French Park Care Center, Santa Ana, một bệnh nhân, ông Văn, tên tiếng Mỹ là Vance, một hôm ông đưa tay lên yêu cầu cho ông nói vài lời. Như thường lệ chúng tôi rất tôn trọng và chiều theo ý muốn của bệnh nhân, chúng tôi ngưng văn nghệ và xin mời ông nói. Ông không nói một lời, ông trao cho Thanh Mỹ một cuốn sách nhỏ. ROF mở ra xem, mới biết ông đã vận động các bệnh nhân mỗi người viết một đoạn ngắn, người nào không viết được thì thân nhân họ viết thế. Tất cả đều bày tỏ niềm vui của họ khi thấy ban nhạc Thanh Mỹ-ROF, vì đó là món ăn tinh thần quý nhứt của họ trong nursing home. Chúng tôi ban nhạc, từ nhạc sĩ, đến ca sĩ, đến âm thanh, đến MC đều chảy nước mắt với một niềm vui không ngờ. Cuốn sách nhỏ ấy luôn luôn được trân quý trong tủ sách của ROF.
 

ROF tặng quà cho các cụ tại viện dưỡng lão nhân dịp Giáng sinh.  (ROF)

“Tại nursing home Garden Park Care Center , Garden Grove, ROF được biết một bà cụ, mà ROF thường gọi bà là bác Vượng, tên của chồng bà, thật ra tên của bác là Lê Huyền, bà chỉ thích nghe nhạc bản Không Quân Hành Khúc. Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF thành lập một Nhóm ca đặc biệt để ca tặng bà, mỗi khi gặp bà tại Garden Park Care Center.
 

Văn nghệ tại viện dưỡng lão nhân dịp Tết nguyên đán. (ROF)

“Gần đây, sức khỏe của bà càng ngày càng yếu, càng suy giảm, trước khi được thuyên chuyển vào bệnh viện, bà làm một bài thơ và yêu cầu ban điều hành của nursing home Garden Park Care Center đọc bài thơ của bà tặng cho Ban Nhạc Thiện nguyện Thanh Mỹ-ROF ngày Tết Quý Tỵ.
 

Giúp vui văn nghệ tại viện dưỡng lão nhân dịp Tết. (ROF)

“Hôm nay ngày 10-2-2013, mồng 1 Tết, Quý Tỵ, ông Lâm Nguyễn đại diện bác Vượng và nursing home Garden Park Care Center đọc bài thơ của bà tặng cho ROF. Xin mời đọc:
Đầu năm Quý Tỵ
Chúc quý anh chị
Thuộc Reaching Out
Sức khỏe dồi dào
Làm ăn phát đạt
Má hồng tươi mát
Ca hát thật hay
Đi khắp Đông Tây
Giúp người hoạn nạn
Bốn phương thêm bạn
Chí cả rồng mây
Phước báu đong đầy
Cho đời hạnh phúc
Hạnh phúc và mãi hạnh phúc.
Lê Huyền.”
Việc đem tiếng hát, lời ca của mình đến phục vụ các cụ cao niên trong các viện dưỡng lão vào mỗi sáng Chủ Nhật hằng tuần suốt 18 năm qua là niềm vui của vợ chồng ông bà Thanh Mỹ Phạm Đăng Khải và các thành viên của Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF. Với họ, âm nhạc chính là phương thuốc kỳ diệu giúp các cụ trong các viện dưỡng lão luôn cảm thấy vui vẻ. Là một cách xoa dịu tinh thần rất tốt, để các cụ xem viện dưỡng lão là mái nhà chung nơi người già có thể gặp gỡ và sinh hoạt cùng với những người đồng thế hệ, để giảm đi nỗi cô đơn vào tuổi xế chiều.

Những dịp như lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF lại có chương trình đặc sắc hơn để vui cùng các cụ. Đặc biệt vào dịp Giáng sinh, Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF luôn có quà tặng cho các cụ ra ngồi nghe nhạc. Những phần quà do bà Thanh Mỹ xin các nhà hảo tâm được vợ chồng bà cùng các thành viên Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF gói ghém trang trọng, gửi tặng các cụ. Với ước mong đem đến niềm ấm áp để các cụ không cô đơn, nhất là những cụ không có thân nhân thăm viếng thường xuyên hoặc cô độc một mình. Vì vào những dịp lễ là thời gian để sum họp gia đình, nhưng với những cụ không có thân nhân vào thăm viếng thường xuyên, thời gian này các cụ rất buồn.
 

Văn nghệ tại viện dưỡng lão nhân dịp Tết nguyên đán. (ROF)

Tâm tình của vài thành viên

Ông Nguyễn Văn Khoa, là người chơi keyboard cho các thành viên Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF hát trong những lần đến phục vụ văn nghệ tại viện dưỡng lão, chia sẻ, “Tôi tham gia vào Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF khoảng năm, sáu năm nay rồi. Trước đó tôi cũng chơi nhạc cho một nhóm khác, cũng đi hát phục vụ trong viện dưỡng lão. Vì chơi cho nhóm khác, nên biết được sinh hoạt của Hội ROF và Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF nên gia nhập vào Hội, vì thấy Hội có lý tưởng rất hợp với tôi, nên tôi và vợ gia nhập vào Hội để cùng góp sức. Mỗi chủ nhật hằng tuần đều đặn, dù mưa gió bão bùng các thành viên Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF và vợ chồng tôi đều có mặt tại các viện dưỡng lão để phục vụ văn nghệ cho các cụ. Chỉ trừ khi Chủ Nhật nào viện dưỡng lão có event khác, không muốn nhóm nhạc đến trình diễn ngày hôm đó, thì chúng tôi mới nghỉ, còn nếu không thì chúng tôi đều đặn đến.”

Ông Nguyễn Văn Khoa nói mấy năm trước Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF vào mỗi Chủ Nhật luân phiên đến phục vụ văn nghệ khoảng bốn, năm viện dưỡng lão, về sau phương tiện di chuyển của các thành viên trong nhóm khó khăn, nên cuối cùng chỉ chọn ba viện dưỡng lão Garden Park Care Center (thành phố Garden Grove), Garden Grove convalescent hospital (thành phố Garden Grove) và Mission Palms Healthcare Center (thành phố Westminster), là nơi có đông người gốc Việt ở nhiều nhất.

Ông Khoa nói, “Viện dưỡng lão nào nếu chỉ có các cụ gốc Việt đến nghe nhạc thì chúng tôi hát phần lớn là những bài nhạc Việt, nếu có thêm các cụ sắc dân khác thì hát luôn bài hát tiếng Anh. Tôi chơi keyboard là chính và đôi khi cũng hát. Cá nhân tôi khi tới đàn và hát trong các viện dưỡng lão, cảm thấy rất vui, vì làm cho các bác cười được, giúp các bác trong đây thấy đời vẫn còn nhiều niềm vui, thì mình vui lắm. Và khi mình vui thì mình đối đãi những người trong gia đình cũng dễ thương hơn. Còn nỗi buồn là khi mình đến phục vụ, có ít bác ra ngồi nghe nhạc, có thể vì có nhiều bác bệnh, yếu quá, phải nằm lại trong phòng không ra được, hoặc có bác đã mất rồi.”

Ông Hữu Dzũng, sống ở thành phố Moorpark, gia nhập vào Hội ROF khoảng hơn 20 năm, nhưng không tham gia đi hát tại viện dưỡng lão vào mỗi chủ nhật. Sau này bà Thanh Mỹ khuyến khích ông gia nhập vào Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF, ông đi thử vài lần thấy vui, nên đi đều đặn khoảng ba tháng nay. Mỗi sáng Chủ Nhật ông rời khỏi nhà khoảng 8 giờ sáng, để tới viện dưỡng lão khoảng 9 giờ 15, kịp bắt đầu chương trình nhạc lúc 9 giờ 30.
 

Một buổi văn nghệ của ROF tại viện dưỡng lão Garden Park Care Center.  (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ông Hữu Dzũng nói, “Tôi cảm thấy vui khi mình đem lời ca tiếng hát đến phục vụ cho các cụ già, giúp họ nhớ lại kỷ niệm xưa qua những bài hát xưa. Thấy họ vui vẻ, thì mình cũng vui theo. Tôi tìm học những ca khúc xưa để hát tặng các cụ. Cũng có nỗi buồn là khi mình nhìn thấy có nhiều bác không còn minh mẫn, ngồi nghe nhạc nhưng không thưởng thức được gì, mình cảm thấy buồn, vì đây là chuyện tuổi già, ai cũng phải đi qua đoạn đường đó thôi.”

Ông Nguyễn Quang Vỹ, 75 tuổi, và vợ, 66 tuổi, nhân lần đi dự chương trình của một hội thiện nguyện, gặp vợ chồng ông bà Thanh Mỹ Phạm Đăng Khải, ông Vỹ vốn là bạn học thời thơ ấu của bà Thanh Mỹ nay gặp lại nên bà Thanh Mỹ có mời vợ chồng ông gia nhập vào Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF.

Ông Vỹ kể, “Vợ chồng tôi trước giờ thích hát, nhưng chỉ hát karaoke thôi, chưa bao giờ hát với nhạc live hết vì vậy hồi đầu mới hát, chúng tôi phải dặn người chơi đàn khi nào gật đầu thì chúng tôi mới bắt đầu ca, vì đâu có biết nhạc vô lúc nào mà hát, mình đâu có học nhạc lý gì, nhưng hát dần dần cũng quen. Chúng tôi đã gắn bó với Ban Nhạc Thanh Mỹ-ROF trên một năm rồi. Tôi hy vọng những quý vị khác giống vợ chồng tôi, yêu thích ca hát, có thời gian, thì hãy tham dự với chúng tôi. Mình không cần giỏi nhạc lý, chỉ cần biết hát chút chút và có lòng, thì có thể tham gia.”

Theo ông Nguyễn Quang Vỹ, vợ chồng ông đi hát tại viện dưỡng lão chỉ mong mang đến cho các cụ sống trong viện dưỡng lão có vài giây phút thoải mái. “Nói các cụ cho nó trịnh trọng thôi, chứ có nhiều cụ trong viện dưỡng lão ngang tuổi tôi, có vài cụ hơn tôi 5, 7 tuổi, có nhiều cụ nhỏ hơn tôi vài tuổi. Có những cụ thích những bản nhạc xưa như nhạc tiền chiến, khi nghe các cụ yêu cầu bài nhạc nào đó tôi chưa biết thì về lại nhà cũng ráng học để lần sau đến hát cho các cụ nghe.”

Ông Vỹ bài tỏ, “Khi nhìn các cụ trong viện dưỡng lão, tôi nghĩ đến tương lai của mình. Tôi có xem tin tức báo đài thấy có nhiều cụ than thở khi mình già, các con bỏ vào viện dưỡng lão, để mình cô đơn, buồn bã. Tôi thì không có ý nghĩ đó. Tôi ở Mỹ gần 35 này, biết rằng tương lai có thể mình phải vào chặng đường này. Vì các con dù có hiếu thảo đến mấy đi nữa, tụi nó vẫn còn con cái chăm sóc, công việc làm để bận rộn, kiếm tiền trả bill nhà, xe, phí sinh hoạt... không thể nào chăm sóc mình 24/ 24 như trong viện dưỡng lão. Vì vậy khi tôi vào trong viện dưỡng lão hát cho các cụ nghe, là cách tôi sửa soạn sẵn cho mình hành trang để sau này nếu mình buột phải bước chân vào trường hợp như các cụ sẽ cho mình thoải mái hơn, chứ không nghĩ rằng con mình bỏ rơi mình, nó bất hiếu. Chỉ cần một tuần lễ các con vào thăm mình một hai lần là đủ rồi.”


Ban Nhạc Thiện Nguyện Thanh Mỹ-ROF giúp vui văn nghệ tại viện dưỡng lão Garden Park Care Center.  (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Ông Vỹ cho biết, vợ chồng ông ngoài góp lời ca tiếng hát phục vụ văn nghệ vào Chủ Nhật hằng tuần với Ban Nhạc Thiện Nguyện Thanh Mỹ-ROF, cả hai còn dự hai buổi tiệc gây quỹ trong năm của Hội ROF vào tháng Tám là Gala và Cây Mùa Xuân vào dịp Tết Nguyên Đán đóng góp bằng cách mua vé tham dự và mời bạn bè mình cùng mua vé đến dự để giúp gây quỹ cho Hội. Ngoài ra một vài tháng hay có khi vài tuần, các anh chị em trong Hội lại họp mặt với nhau, mỗi người mang đến món ăn để dự tiệc Potluck góp chung và họp mặt nhau tại nhà của một thành viên nào đó trong Hội. Mọi người cùng nhau ăn uống, ca hát với nhau, nên tình thân thiết giữa các thành viên càng thêm thân như trong gia đình.

Ông Nguyễn Quang Vỹ nói, “Vợ chồng tôi đã về hưu, chỉ muốn tham gia làm những việc thiện nguyện hợp với sức của mình, để giúp đầu óc mình thoải mái, giúp mình vui khi giúp được người khác vui. Chỉ đơn giản vậy thôi.”

Những người lớn tuổi cần nhận được sự chăm sóc đầy đủ thì đời sống mới có thể vui vẻ và hạnh phúc. Đa phần trong tư tưởng của nhiều người gốc Việt, viện dưỡng lão là một biểu tượng cho sự cô đơn, lạc lõng của các bậc cha mẹ nay đã già và không còn ai trong gia đình sẵn lòng chăm sóc. Để cuối cùng các cụ đành phải vào viện dưỡng lão sống nốt cuộc đời còn lại trong cô đơn và buồn tủi. Các cụ già yếu, bệnh tật ở trong viện dưỡng lão có đội ngũ chuyên nghiệp chăm sóc sẽ tốt hơn ở nhà khi các con vì bận rộn mưu sinh, không có kinh nghiệm chăm sóc người già, không thể quan tâm đến nơi đến chốn. Nhưng người già dễ tủi thân, tinh thần rất mỏng manh. Đối với họ, trong viện dưỡng lão vẫn còn thiếu mà cho hoài cũng không nhận đủ. Đó là hơi ấm gia đình!

Nếu những ai muốn làm việc thiện nguyện, không cần làm gì to lớn, chỉ cần dành thời gian đến thăm các cụ trong viện dưỡng lão, hát cho các cụ nghe, đọc sách, báo cho các cụ hay chỉ im lặng ngồi nghe các cụ nói chuyện, tâm sự, an ủi các cụ, bao nhiêu đó thôi cũng đủ rồi!

Bà Thanh Mỹ nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển lời mời của Ban Nhạc Thiện Nguyện Thanh Mỹ-ROF, “Thanh Mỹ mong quý vị anh chị em nào muốn làm từ thiện, muốn đem tiếng hát của mình giúp vui cho các cụ sống trong viện dưỡng lão với Ban Nhạc Thiện Nguyện Thanh Mỹ-ROF vào mỗi sáng Chủ Nhật, từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30, thì xin gọi cho Thanh Mỹ, số điện thoại (818) 288-1843, Thanh Mỹ sẽ cho quý vị biết rõ chi tiết. Còn nếu quý vị nào chỉ muốn đến viện dưỡng lão để thăm hỏi các cụ, trò chuyện với các cụ giúp an ủi các cụ bớt cô đơn, thì cũng xin gọi cho Thanh Mỹ.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT