Chuyện Nước Pháp

Rio 2016: Bức tranh thế vận hội hoàn thành sau 4 năm

Wednesday, 24/08/2016 - 10:34:53

Thật vậy, phải có lý do nào đó khi những lực sĩ thua cuộc để chống đỡ búa rìu dư luận rất nồng hậu khi mang về huy chương vàng nhưng cũng thật khe khắt khi họ thất bại ở những vòng rất gần chung kết.

Buổi lễ bế mạc (trên) và đôi uyên ương Pháp cùng thắng huy chương vàng bộ môn đánh boxe (dưới)

Ngày Chúa nhật rồi cũng đã đến (21 tháng 8), lễ khánh thành qua từ lâu (5 tháng 8) và nhường chỗ cho lễ bế mạc đêm khuya. Thế vận hội mùa hè 2016 đã chấm dứt. Buổi lễ đưa tiễn thật tuyệt diệu mà tôi xin lập lại ý thơ tương tự người xưa đã bảo «Bao giây phút huy hoàng rồi cũng tắt, tiễn người về hẹn đến xứ Phù Tang». Lực sĩ Pháp lãnh hơn 40 huy chương với thành tích tốt đẹp nhưng cũng kèm theo lời tự phê của báo chí gà nhà là họ thuộc loại thua cay cú nói xấu người khác (mauvais perdants). Những câu than phiền ngây thơ cụ được thuật lại sau đây có thể làm chúng ta mỉm cười vô tội vạ. Thật vậy, phải có lý do nào đó khi những lực sĩ thua cuộc để chống đỡ búa rìu dư luận rất nồng hậu khi mang về huy chương vàng nhưng cũng thật khe khắt khi họ thất bại ở những vòng rất gần chung kết.

Chàng Tony Parker, sau khi thua trận ở vòng tứ kết bộ môn bóng rổ chống lại đội Tây Ban Nha đã phát ngôn như sau: “Tại hắn cao quá đi, gì mà tới 2 thước 13 phân, đâu còn chi là trò chơi bóng rổ nữa” (ý nói Paul Gasol, thủ phạm bỏ banh vào rổ dễ như ăn cơm)! Ai lại không biết sự tuyển chọn nhân tài của bộ môn này là thân thể càng cao càng tốt, nhưng nếu anh chàng giò hạc mình đà điểu mà không có khả năng giành giựt trái banh từ xa và nhắm đúng vào rổ mà ném lọt vào thì hắn cũng vô phương rơi vào mắt xanh của đội trưởng tuyển chọn! Đội Hoa Kỳ có nhiều nhân tài thảy bóng từ vòng ngoài sân xa nhất để lãnh 3 điểm ngon ơ trong khi đối phương phải len lỏi tận bên trong sát bên cái giỏ để bỏ trái banh vào thì chỉ có 2 điểm thôi! Cứ thế, mà tụt dần sau đội Mỹ, vì ít khi với tới 3 điểm vàng bạc như đối phương.
Về bơi lội, chàng Vọi người Pháp vạm vỡ sở trường 50 mét và là huy chương vàng kỳ trước đã bị thua một tên nhóc con 17 tuổi với 1 phần trăm giây kém nhanh! Cay thật, Florent Manadou chắc hẳn phải không ưa cái máy đếm thời gian chính xác đến vô lý.

Rồi anh chàng chuyên gia chạy bộ 200 mét bị thua cuộc vì lý do sau tuy đã vào đến vòng bán kết: “Hắn mang đôi giày gì mà màu vàng chói mắt lộng lẫy làm tôi rất khó chịu chạy không được!”. Hắn đây là Bolt, một trong những lực sĩ nước Jamaica cùng chạy lúc đó sau này đã về nhất với huy chương vàng. Không có luật cấm họ mang giày màu gì, miễn là giày thể thao dùng để chạy bộ chứ không phải để đánh quần vợt hay đi bộ. May thay, tài nghệ của Christophe Mayer cũng đem lại điều an ủi cho anh ta là huy chương đồng.

Riêng về cuộc thi đi bộ 50 cây số liên tục trong vòng hơn 3 giờ đồng hồ (25 vòng sân dài 2 cây số rưỡi) người Pháp đã khám phá ra vị anh hùng bản xứ trước giờ vô danh nay ai cũng biết tên tuổi lúc anh đã gục ngã trên đường đi: Johann Diniz, 38 tuổi. Trời ạ, trong vòng nửa đoạn đường chàng ta tà tà dẫn đầu trước 3 nhóm như thường lệ (nhóm nhanh nhất, nhóm thứ nhì ngay sau đó và nhóm ba chậm chạp cả buổi chưa đi đến đâu). Tôi ngồi xem cùng lúc với hàng triệu dân Pháp mà hồi hộp quá vì ký giả truyền hình thể thao không ngớt lời vừa ca tụng vừa lo lắng vì tình trạng sức khỏe của lực sĩ gà nhà không được tốt lắm trước khi hành quân. Số là anh ta bị sưng bao tử (gastrite) có lẽ vì ăn nhầm đồ nhiễm trùng và thân hình gầy nhom ốm tong teo như đa số các nhà quán quân đi bộ dài hạn cần có sự chịu đựng dẻo dai đường trường. Hoàn toàn trái ngược với những bộ môn thể thao vận tốc thần khốc chỉ cần đạt đến mức trong vòng mấy chục giây hay vài phút thì các lực sĩ này có rất nhiều bắp thịt cuồn cuộn hơn. Cách đi rất đặc biệt làm người xem cứ nghĩ rằng họ đang chạy, thật ra họ đặt gót chân xuống trước rồi mới vươn hết bàn chân ra chạm đất trong khi chân kia lơ lửng trên cao. Hai cánh tay đong đưa đều đặn lên xuống cùng với phần thân dưới uốn éo qua lại giúp cho có thế mạnh tiến nhanh lên về phía trước. Vận tốc của lực sĩ đi bộ là 14 cây số giờ, gần gấp 3 người đi bộ bình thường. Cứ mỗi 100 thước lại có trọng tài kiểm soát nếu vận động viên đi quá nhanh hay quá chậm đều bị cảnh cáo bởi 1 thẻ đỏ. Tới 3 thẻ thì họ bị loại khỏi vòng chiến. Đi bộ 50 cây số là khó khăn vô cùng, khó hơn cả chạy marathon về phương diện đều đều và sức chịu đựng rất lớn. Lại phải biết tính toán khi nào nên đi chậm để dưỡng sức nhưng không quá chậm như rùa bò để bị phạt mà cũng không quá nhanh để bị kiệt sức như người hùng J.D. vốn đã là quán quân thế giới về bộ môn này. Cựu số một thế giới đã ngừng lại bên lề trong vòng 1 phút vì bị mệt và anh bắt nhịp lại với đồng nghiệp số 2 vừa trờ tới. Một hình ảnh làm người xem cảm động vì sự thân thiện ủng hộ lẫn nhau rất ý nghĩa. Người Pháp mừng hụt vì Johann bị bỏ rơi tụt lại sau dần dần và cuối cùng điều ghê gớm nhất đã xảy ra: anh quỵ xuống nhẹ nhàng bên lề để nằm dài ra đo đất vì quá mệt. Phát ngôn viên ré lên thất thanh làm người nghe cũng muốn xỉu theo vận động viên đang lâm nạn bởi sự cố sức quá đà của chính mình! Không dè, mấy phút sau khi đã được cứu trợ tận tâm và mau chóng cho uống nước, chàng ta lại đi nữa. Đài truyền hình záp qua mấy cuộc thi khác nhưng ai nấy đều lo sợ cho gà nhà không biết sẽ gục ngã khi nào thêm lần nữa? May thay, chàng đã lò dò về hạng tám sau khi kẻ về nhất tóm thu tấm vải nhỏ băng ngang mức đến. Thật can đảm không hề bỏ cuộc tuy sẽ phải vào bệnh viện săn sóc cẩn thận vì cơ thể mất nước nhiều quá!

Đôi nam nữ đánh boxe độc nhất vô nhị cùng mang về huy chương vàng cho Pháp sẽ làm đám cưới ngay sau đó. Nàng thuộc hạng nhẹ ký, chàng thuộc loại khổng lồ trên 90 ký. Lúc Teddy Riner cao 2 mét 05 đến bắt tay ngợi khen đồng hương, họ đứng xấp xỉ bên nhau. Và chàng trai võ sĩ hạng nặng đã bế phu nhân tương lai lên như ẵm em khi cô nàng đến mừng. Tôi ngồi xem mà cứ thắc mắc mãi sao võ sĩ cứ ôm đầu che mặt hoài, nghĩa là týp cố thủ chứ không tấn công; còn anh chàng kia đấm tơi bời trên dưới? Nào ngờ, đó là trường phái xứ Cuba đã dạy cho học trò Tây. Cứ thế liên tục, hắn ta chịu đòn tới tấp rồi thừa dịp là đấm ngay mặt đối thủ! Cú đấm chính xác này đem lại nhiều điểm hơn là chỉ đập mạnh phía ngực bụng hay phớt qua đầu nên trong vòng 3 tua đấu mỗi lần 3 phút võ sĩ Tây đều hơn điểm đối thủ. Cho đến khi thắng cuộc, hình ảnh võ sĩ áo quần màu đỏ cứ ôm đầu che kín với đôi găng đã hét lên tiếng thét cuối cùng hào hùng lúc được trọng tài giơ tay lên làm người xem giật mình... thán phục khi đã hiểu ra chiến lược thông thái của võ sư Cuba truyền dạy cho học trò qua mặt võ sĩ Ăng Lê!

Bộ môn ngựa đua nhẩy rào cũng mang về nhiều huy chương. Cú nhẩy sào trượt huy chương vàng lên đến gần 6 mét chỉ còn là bạc làm tiếc nuối cho vị đương kim kỳ rồi. Và còn nhiều nữa, những lúc hồi hộp khi bộ môn điền kinh gộp làm 5 tân thời hay làm 10 cùng lúc cũng gây đầy thích thú cho khán giả. Vừa chạy bộ, vừa bắn súng điện tử, vừa nhảy rào, ném đĩa v.và lực sĩ về đầu tiên quả là thần diệu hơn người! Dân Tây chỉ có huy chương bạc mà thôi.

Trong sự tưởng thưởng bằng hiện kim, nước Pháp là nước hào phóng nhất. Một huy chương vàng trị giá 50 ngàn đồng Ấ, huy chương bạc là 20 ngàn và huy chương đồng được 13 ngàn (trong khi Mỹ và Đức cũng chưa bằng với 22 ngàn Mỹ kim và 15 ngàn Âu kim cho huy chương vàng). Tổng số tiền thưởng chi ra vậy là khá nặng cho ngân sách quốc gia với hơn 40 huy chương, chưa kể con số các nam nữ lực sĩ đông đảo trong những môn thể thao đồng đội như túc cầu, thủ cầu, bóng rổ. Đến năm 2020, xứ Phù Tang (Nhật Bản) sẽ đợi họ vẽ thêm bức tranh thể thao khác thật tuyệt mỹ cho nước nhà.
Ntnd

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT