Văn Nghệ

Rộn ràng sắc xuân qua đêm diễn Hương Tết của vũ đoàn Việt Cầm

Friday, 03/02/2017 - 10:43:26

Đây cũng là điểm nhấn ý nghĩa của chương trình “Hương Tết” với phần tặng chữ Thư Pháp của nhà thư pháp Hà Trọng Đức, ông đã có mặt tại nhà hàng Golden Sea từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối để viết Thư Pháp cho khách tham dự đến xin chữ.

Bài BĂNG HUYỀN

Trong không khí vui tươi, đón mừng xuân Đinh Dậu, vào tối Chủ Nhật, ngày 29 tháng 1, 2017 (nhằm mồng 2 Tết Đinh Dậu), tại nhà hàng Golden Sea ở Anaheim vũ đoàn Việt Cầm đã thực hiện chương trình múa dân tộc đầy màu sắc “Hương Tết,” là món quà nghệ thuật thật giá trị như lời chúc mừng năm mới tốt lành của vũ đoàn Việt Cầm và các nghệ sĩ khách mời gửi đến mọi người tham dự. Vũ đoàn này do biên đạo múa, vũ sư Vũ Đình Luân phụ trách.

Vũ sữ- biên đạo múa Vũ Đình Luân cám ơn khán giả và các vị dân cử, các mạnh thường quân đến dự chương trình. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Xin chữ thư pháp và múa lân

Xin chữ đầu năm về treo là một nét đẹp truyền thống của người Việt xưa, là việc trân trọng chữ nghĩa, tri thức và thể hiện ước mong xin may mắn, tài lộc trong năm mới. Xin chữ và cho chữ đầu năm còn là món quà mang ý nghĩa xã hội, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng khi mọi người cùng nhau hướng đến vẻ đẹp Chân - Thiện - Mỹ.


Nhạc cảnh “Nữ Tướng Bùi Thị Xuân” (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Đây cũng là điểm nhấn ý nghĩa của chương trình “Hương Tết” với phần tặng chữ Thư Pháp của nhà thư pháp Hà Trọng Đức, ông đã có mặt tại nhà hàng Golden Sea từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối để viết Thư Pháp cho khách tham dự đến xin chữ. Người khách chỉ cần nói tên của mình, được ông ấn tâm và viết hai câu thơ bao gồm tên của khách và ý nghĩa tâm linh dành cho khách, chủ yếu nhắc nhở đạo làm người, hiếu đạo, tạo phúc đức... để người nhận được chữ sẽ thân tâm an lạc.


Ca sĩ Thúy An (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Mỗi chữ nhà thư pháp Hà Trọng Đức viết ra hội tụ đủ cả Trí - Thần - Lực của người cầm bút, nên ngoài ý nghĩa cầu may, chữ thư pháp của ông tặng cho khách còn là tác phẩm nghệ thuật rất đẹp.

Góp thêm nét xuân cho “Hương Tết” trong phần đầu khi mọi người bắt đầu nhập tiệc trước khi xem chương trình chính, là màn múa Lân đặc sắc của Đoàn Lân Kim Giám Hộ. Theo nhịp điệu tiếng trống giòn giã, rộn ràng, đoàn Lân ba con cùng với sự dẫn dụ của ông địa, vừa đi vừa nhảy múa thật linh hoạt, lắc lư nhịp nhàng từ bên ngoài cổng nhà hàng tiến lên sân khấu.


Nghệ sĩ Vũ Luân (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Sắc màu của ba con Lân theo sau ông địa, kết hợp động tác múa uyển chuyển cùng với âm thanh các nhạc cụ bộ gõ làm nổi bật hình ảnh sống động dễ thương. Nhiều đồng hương, quan khách thi nhau cho Lân, địa “ăn” những phong bao Lì Xì đỏ thắm, đem lại những tràng cười sảng khoái, đem hân hoan đến cho mọi người.

Vẻ đẹp trong các vũ điệu của Việt Cầm

Cũng như các chương trình trước đây do vũ đoàn Việt Cầm thực hiện, phần chính của chương trình “Hương Tết” vẫn là các tiết mục múa biểu diễn đan xen với phần trình diễn của các nghệ sĩ khách mời, tạo nên sự thay đổi tiết tấu cho chương trình khiến người xem như được trải nghiệm nhiều cảm xúc mỗi khi một tiết mục mới xuất hiện trên sân khấu. Mở đầu chương trình, trên nền nhạc rộn ràng, du dương của ca khúc “Ngày Đá Đơm Bông,” các nữ vũ công trong trang phục truyền thống cách điệu thướt tha với động tác mềm mại uyển chuyển, di chuyển nhẹ nhàng như lướt, tạo nên những tạo hình tuyệt đẹp hòa quyện với âm nhạc trong trẻo réo rắt, đã chuyển tải vẻ đẹp giàu biểu cảm của tiết mục, hấp dẫn người xem ngay từ màn mở đầu của tiết mục.


Các vũ công Việt Cầm và Vũ Đình Luân chào khán giả. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Qua mỗi bài múa trên nền nhạc có lời ca được phát ra từ CD, bài “Nắng Có Còn Xuân,” “Múa Gáo Khmer,” “Thị Trấn Mù Sương,” “Chiều Trên Bản Thượng,” “Gái Xuân,” “Gió Sang Mùa,” “Qua Cầu Gió Bay” (do hai ca sĩ Huyền Trang và Khôi hát và múa cùng vũ đoàn Việt Cầm), “Em Đi Xem Hội Trăng Rằm” (với tiếng hát của bé Thảo Vy kết hợp múa cùng các vũ công của vũ đoàn Việt Cầm)… khán giả có thể cảm nhận được không gian đặc trưng vùng miền từng địa phương và nét duyên dáng của chiều sâu văn hóa Việt Nam từ trang phục, đạo cụ, cho đến những tạo hình của động tác múa trên nền nhạc.


Múa hầu đồng “Cô Đôi Thượng Ngàn” (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Các tiết mục múa đã hấp dẫn khán giả bởi sự hòa quyện của nhẹ nhàng bay bổng nhưng cũng thật mạnh mẽ, đầy sức sống bằng ngôn ngữ cơ thể của các nam nữ vũ công Việt Cầm. Ngắm nhìn các điệu múa qua từng tiết mục, người xem như được đứng trong một vườn hoa muôn màu muôn sắc, tôn vinh được nét đẹp trong sự đa dạng phong phú của sự pha trộn nghệ thuật múa dân gian Việt Nam kết hợp với ngôn ngữ múa hiện đại phương Tây tạo nên vẻ đẹp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại.

Thể hiện ở sự tinh tế, nhuần nhuyễn trong động tác múa dân gian Việt Nam qua những động tác múa tay uyển chuyển, khoan thai kết hợp ngôn ngữ múa hiện đại phương Tây với những động tác múa nhanh, mạnh hòa quyện trong những tiết tấu âm thanh nhạc mới, đã tạo được sự lôi cuốn, dấu ấn tươi mới cho những bài múa, nhưng vẫn không mất đi “hồn cốt” dân tộc.


Tiết mục mở màn “Ngày Đá Đơm Bông” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Phần tân nhạc, tân cổ giàu màu sắc

Còn với “Nữ tướng Bùi Thị Xuân” nghệ sĩ tài tử Diễm Xuân hóa thân vào vai Bùi Thị Xuân, nữ danh tướng thời Nguyễn Tây Sơn, là vợ danh tướng Trần Quang Diệu, có nhan sắc và văn võ toàn tài, được phong chức đô đốc, có tên trong danh sách “Tây Sơn ngũ phụng thư” (năm vị anh thư trong đoàn quân Tây Sơn gồm có: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc) cùng phần phụ họa của các vũ công Việt Cầm, đã tạo cho tiết mục này ít nhiều cảm xúc, gợi nhớ về người nữ tướng tài đức vẹn toàn của nước Việt xưa.


Múa hầu đồng “Cô Đôi Thượng Ngàn” (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Làm tăng thêm phong vị đậm đà, nồng nàn đặc trưng của mùa xuân là nhạc cảnh Trẩy Hội Xuân của Nhóm Bắc Ninh, các anh các chị của Nhóm Bắc Ninh trong trang phục Liền Anh Liền Chị mang đậm sắc thái quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc nền nã hồn quê, cùng nhau hát Trẩy Hội Xuân, đã đưa các khán giả về với quê hương của những làn điệu dân ca Quan Họ mượt mà. Tiếng hát của Búp Lê và Phạm Đăng Phương (cả hai đều là thành viên của Nhóm Bắc Ninh) cùng song ca “Tơ Hồng” đã điểm tô thêm vẻ duyên dáng của phần ca nhạc cho chương trình.

Phần trình diễn ca nhạc của nghệ sĩ khách mời còn có tiếng hát trữ tình, sâu lắng của nam ca sĩ trẻ Ngọc Châu với “Mùa Xuân Xa Quê,” “Hoa Trinh Nữ,” vẻ đằm thắm, ngọt ngào tươi sáng như pha lê, mảnh mai và nhẹ nhàng như ban mai của tiếng hát Thúy An qua ca khúc “Hoa Xuân,” “Đón Xuân” và giọng ca tuyệt đẹp của nghệ sĩ cải lương Vũ Luân với cách nhả chữ, hành văn điêu luyện, hát như rút ruột, nhả tơ đã “chạm” tới xúc cảm của người nghe qua bài Tân cổ “Tình Xuân” (Hoàng Song Việt), tân cổ “An Lộc Sơn” và ca khúc “Bà Năm” (Vũ Quốc Việt). Đây là những tiết mục phụ thêm màu sắc cho chương trình “Hương Tết” càng thêm đậm đà hương xuân.


Xin chữ đầu năm với nhà thư pháp Hà Trọng Đức (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Vũ sư, biên đạo múa Vũ Đình Luân đã tiếp tục chọn lại bài múa Hầu Đồng chầu Văn “Cô Đôi Thượng Ngàn” (từng trình diễn trước đây trong chương trình Hương Việt 2) để kết thúc đêm diễn “Hương Tết.” Cô Đôi Thượng Ngàn là một trong 12 tiên cô (thập nhị tiên nàng) theo hầu mẫu. Đây là tiết mục đan quyện cả yếu tố tín ngưỡng lẫn văn hóa dân gian. Trên nền nhạc rộn ràng, nỉ non lời ca tiếng hát, điệu múa hầu đồng của các nữ vũ công Việt Cầm như đưa toàn bộ những khán giả có mặt chìm đắm vào không gian sâu lắng và có chút ma mị.


Bài múa “Mùa Xuân Em Đi Lễ Chùa” (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Nghi lễ hầu đồng độc đáo với sự tinh tế của nghệ thuật âm nhạc, trang phục và diễn xướng sân khấu đi kèm với sự kỳ ảo của tâm linh huyền bí được coi là nghi thức tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. Bản chất của hầu đồng là việc người ta mượn thân xác các ông đồng, bà đồng để thần linh của Đạo Mẫu nhập vào nhằm cầu xin tài lộc, sức khỏe. Về nghệ thuật, hầu đồng là nghệ thuật trình diễn tổng hợp, có âm nhạc, có lời ca, có điệu múa.

Sân khấu của hầu đồng là sân khấu tâm linh vì nó gắn với không gian thiêng, đã được anh Đình Luân dàn dựng theo kiểu nhiều vị về cùng một lúc để múa hát (Thường khi Lên Đồng thì chỉ có một vị về giáng vào Thanh Đồng để dạy bảo, để thưởng thức nhạc Chầu Văn, và múa theo điệu nhạc).

Các nữ vũ công hóa thân thành các Thanh Đồng có phong cách biểu diễn sinh động, tinh tế các điệu múa từ tay chân, thân hình đều tạo cảm giác người hầu là hiện thân của thần linh qua động tác múa tay, bước chân, rung thân, vươn người, động tác múa nhuần nhuyễn, mềm dẻo, uyển chuyển như “lên đồng,” đã nhận được những tràng vỗ tay khen tặng và tiếng reo thích thú của các khán giả. Kết thúc bài múa, các “Thanh đồng” của Việt Cầm còn xuống các hàng ghế khán giả để phát lộc, trao tận tay cho mọi người với sự cung kính, dễ thương vô cùng.

                           Nhạc cảnh Trẩy Hội Xuân của Nhóm Bắc Ninh (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Những ngày tết Đinh Dậu đã kết thúc, nhưng dư âm đẹp của “Hương Tết” chắc chắn vẫn còn vương vấn trong trí nhớ và xúc cảm của các khán giả đến tham dự. Chỉ mong sau ước mong của anh Vũ Đình Luân qua các chương trình do Việt Cầm tổ chức sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các khán giả, như lời bày tỏ của anh ngay sau khi nhận các bằng tưởng lục của các vị dân cử, nghị viên thành phố Gadern Grove Phát Bùi, thị trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí, nghị viên thành phố Westminster Kimberly Hồ, ủy viên giáo dục thành phố Westminster Frances Nguyễn Thế Thủy.

Anh nói, “Cộng đồng bắt đầu ủng hộ Việt Cầm nhiều hơn, mà quý vị cũng biết, ước mơ của chúng ta là có một tụ điểm để du khách ở xa cũng như người Mỹ bản xứ đến Little Saigon, họ được thưởng ngoạn một show văn hóa dân tộc, ước mơ này đã lâu rồi, nhưng Luân phải chờ đến khi nào Little Saigon chúng ta cùng lớn mạnh với nhau để trở thành tụ điểm thu hút du khách, thì lúc đó show của Luân mới có thể biểu diễn được thường xuyên.

“Luân mong mỏi các hội đoàn, các vị dân cử để ý giúp cho Little Saigon của chúng ta có một nơi giống như Hawaii, trình diễn những tiết mục văn hóa dân tộc để các em vừa có tiền đóng tiền học, khỏi phải đi làm việc bán thời gian, các em học được văn hóa dân tộc Việt Nam và chúng ta giữ được văn hóa dân tộc, để nuôi dưỡng niềm tự hào văn hóa Việt nơi xứ người.”

Quý vị muốn tìm hiểu thêm về vũ đoàn Việt Cầm, hãy vào trang web www.vietcamdance.com. Địa chỉ: VietCam Dance Studio, 10131 Westminster Ave. (góc đường Brookhurt St.) bên trong chợ Saigon Market, 2nd floor # 209, Garden Grove, CA 92843. Điện thoại (714) 473-9363. Thư từ xin gửi về 9315 Bolsa Ave. # 901 Westminster, CA 92683.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT