Đời Sống Việt

Rừng tan tác bởi chính người coi rừng

Cỏ May/Viễn Đông Tuesday, 20/03/2012 - 09:39:27

Người dân đất Quảng có bực tức trước tình trạng này nhưng họ biết gõ cửa ai kêu cứu bây giờ? Và rừng vẫn tiếp tục bị băm nát.

Phá rừng miền Trung (kỳ 2)

Cỏ May/Viễn Đông


Những khe suối từ trên núi dẫn ra sông là con đường gỗ lậu - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông

Cách buôn lậu gỗ của người dân miền Trung dữ tợn hơn cả những hung thần “buôn lậu thuốc lá” ở vùng biên giới Tây Nam. Táo bạo, hung hãn và thách thức mọi thế lực. Ngay cả những người đóng vai trò “bảo vệ rừng” cũng phải “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Nhiều lúc, những đại ca khét tiếng buôn lậu gỗ ở xứ Quảng chơi thân với các quan chức nên giới “kiểm lâm” cũng không biết đâu là chống, thôi thì chịu “im miệng”. Nhận một ít tiền hối lộ là cứ nhắm mắt là ngơ cho “yên bề gia thất”. Bằng không chết không toàn thây và lụy cả gia đình dòng họ. Vì thế mà hàng trăm hectare rừng nguyên sinh, rừng trồng và rừng phòng hộ tại Quảng Nam bị băm nát, đến xác xơ.


Con trâu miền Trung giờ không còn phải cày bừa mà chỉ cần kéo gỗ lậu
ảnh: Cỏ May/Viễn Đông

Tỉnh Quảng Nam có gần 426.000 hectare rừng, chiếm khoảng phân nửa diện tích núi đồi thiên nhiên của cả tỉnh. Những năm gần đây, tình trạng phá rừng diễn ra ồ ạt, những cánh rừng của địa phương này ngày càng thưa đi, gây ra bao thảm họa cho cuộc sống của người dân. Các vụ lở núi, đất chuồi và lũ quét thường xảy ra ở mức độ ngày càng tồi tệ. Người dân đất Quảng có bực tức trước tình trạng này nhưng họ biết gõ cửa ai kêu cứu bây giờ? Và rừng vẫn tiếp tục bị băm nát.
Thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được nhiều người dân địa phương gọi là thôn “lâm tặc” vì nhà nào trong thôn cũng có người vào rừng đẵn gỗ. Thôn nằm sát núi, thiếu đất canh tác nên người dân phải vào rừng kiếm kế sinh nhai. Chiều chiều, dạo quanh khắp thôn, chỉ thấy bóng dáng người già và trẻ nhỏ. Hỏi ra chúng tôi mới biết, thanh niên ở đây, số thì đi làm ăn xa, còn lại vào rừng lấy gỗ. Ông N. ở thôn Đại Hưng huyện Đại Lộc cho biết: “Cả cái thôn này nhà nào cũng có người đi núi. Thậm chí có cả gia đình cơm đùm cơm nắm vào rừng khi trời chưa kịp sáng. Trước đây, họ đi về trong ngày, nhưng bây giờ rừng bị thu hẹp, muốn lấy gỗ phải vào tận rừng sâu, mỗi chuyến đi kéo dài dăm bữa, nửa tháng. Có lúc gặp kiểm lâm truy quét, họ ở luôn trong rừng cả tháng trời, chặt cây rồi chờ qua đợt truy quét mới chuyển gỗ ra khỏi cửa rừng. Dù biết vào cái nghề này cực nhọc, nguy hiểm và gây hại cho môi trường thiên nhiên lắm. Nhưng không làm nghề nầy thì lấy chi ra tiền mà lo cho con ăn học. Ruộng nương có tiền đâu để mua phân giống”.


“Còn cá đâu mà câu”, đây là nhân vật ra ám hiệu để gỗ từ rừng có thể xuống núi 
ảnh: Cỏ May/Viễn Đông

Từ thôn “lâm tặc” Thạnh Đại ở huyện Đại Lộc, ngược lên một huyện vùng cao nguyên Nam Giang, chúng tôi tận mắt nhìn thấy hàng trăm hectare rừng nguyên sinh, rừng trồng và rừng phòng hộ bị đốn lấy gỗ, khai khẩn lấy đất, cây cối xác xơ. Có những nơi, rừng còn bị khai thác công khai dưới lớp bọc hợp tác xã. Họ mặc áo quần đồng phục hẳn hoi, nên gỗ được cưa từ trên núi dài xuống chân núi như những dòng thác trắng xóa… Những khu rừng lim, sến, dổi, hương… gần như bị phá trụi, nhiều cây vừa bị chặt xong, vết cưa còn mới, nhựa cây ứa ròng ròng. Xung quanh, những bình chứa dầu nhớt để chạy máy nổ còn lăn lóc, vỏ cá hộp, thịt hộp còn bừa bộn...


Hàng ngàn con trâu cộ gỗ ngày đêm ở tỉnh Quảng Nam - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông

Người dân ở xã Tabhing, huyện Nam Giang, cho biết, càng vào sâu trong rừng, chuyện lấy gỗ lậu càng dạn dĩ hơn. Tiếng cưa máy gầm rú suốt ngày đêm, biến những khu rừng gỗ quý hàng trăm hectare thành bãi đất trống trơ trụi. Trước năm 1975, những “cánh rừng vàng” ở huyện Nam Giang rộng cả trăm ngàn hectare, với nhiều loại gỗ quý hiếm là vậy, mà nay chẳng còn lấy một cây nào đáng giá!
Một người sắc tộc thiểu số ở huyện Nam Giang nói: “Dân chúng tôi bực lắm, gỗ quý bị phá hết rồi, chỉ còn lại gỗ tạp. Nhà nước có giấy cho phép khai thác gỗ làm nhà. Nhưng đâu còn gỗ mà làm… Khu bảo tồn giờ chỉ bảo vệ cỏ chứ còn gì đâu”.


Khe suối bóng láng, gỗ lậu tuồn từ núi xuống sông - ảnh: Cỏ May/Viễn Đông

Có lúc cả ngàn con trâu cùng kéo gỗ cho lâm tặc. Để dễ qua mặt giới kiểm soát, lâm tặc thường xẻ gỗ thành những tấm nhỏ, thuê dân địa phương cõng ra cửa rừng rồi tìm cách đưa đi tiêu thụ. Thời gian hoạt động rầm rộ của lâm tặc thường từ nửa đêm về sáng. Bọn họ đi thành từng nhóm chục người, có khi vài ba chục, trong đó cắt cử 4 - 5 người đi vòng ngoài canh chừng. Có động tĩnh gì, họ lập tức báo ngay cho trưởng nhóm, rút vào rừng ẩn náu.
Cứ như vậy mà rừng ngày một biến mất, thiên tai ập xuống, dân lãnh đủ. Còn nhà nước “bó tay”. Đổ lỗi qua lại, cù cưa rồi cũng “huề cả làng”.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT