Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Sắc Màu Họa Sĩ Việt Nam

Tuesday, 01/12/2009 - 02:29:50

LITTLE SAIGON - Trong những ngày vừa qua, tại vùng Little Sài Gòn có ba cuộc triển lãm hội họa, thu hút hàng trăm người thưởng ngoạn. Ngày 21 và 22-11-2009, Nhóm ...

HongNgoc_HoaSi.jpg

Cô Hồng Ngọc đứng bên tác phẩm thư họa “Thuyền Nhân” của họa sĩ  Châu Thụy - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông


Thanh Phong/Viễn Đông


LITTLE SAIGON - Trong những ngày vừa qua, tại vùng Little Sài Gòn có ba cuộc triển lãm hội họa, thu hút hàng trăm người thưởng ngoạn. Ngày 21 và 22-11-2009, Nhóm Họa sĩ Thiện Nguyện tổ chức triển lãm với chủ đề “Thương Về Miền Trung” tại phòng Sinh hoạt Việt Báo (nhật báo Viễn Đông đã có bài tường thuật trong số báo đề ngày 28-11-2009). Sau đó, vào hai ngày Thứ Bảy, Chủ nhật cuối tháng 11-2009, một mình họa sĩ Cao Bá Minh mở triển lãm tại Việt Báo, và nhóm 37 họa sĩ khác tổ chức triển lãm tại hội trường nhật báo Việt Herald mang chủ đề “Sắc Màu Họa Sĩ Việt Nam”.


Với 37 họa sĩ tham dự triển lãm cho thấy đây là một trong những cuộc triển lãm có nhiều họa sĩ tham gia nhất từ trước đến nay. Tuy nhiếp ảnh và hội họa đều mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống con người, nhưng họa sĩ không giống như một nhiếp ảnh gia phải lệ thuộc vào máy ảnh để tạo nên tác phẩm, người họa sĩ dùng khối óc, con tim và bàn tay để sáng tạo, vì thế cuộc triển lãm mang tên Sắc Màu Họa Sĩ Việt Nam phần nào đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của chủ đề. Cuộc triển lãm thành công ở số lượng người thưởng ngoạn khá đông, và các họa sĩ có mặt cũng mất khá nhiều thì giờ giải thích tranh của mình cho người xem.


Đứng trước tác phẩm “Đố Kỵ” vẽ một cô mẫu và hình nộm của họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt, toàn bộ tác phẩm rực lên màu đỏ chói chang nhưng lôi cuốn. Phóng viên Viễn Đông hỏi Họa sĩ Vi Vi: “Tại sao Họa sĩ chỉ dùng màu đỏ cho tác phẩm này?” Họa sĩ Vi Vi trả lời: “Đây là sự đố kỵ giữa cô mẫu và người nộm, anh có nhận ra sự đố kỵ ở chỗ nào chưa?”

Thấy tôi chưa trả lời được, ông cắt nghĩa: “Sở dĩ tôi dùng toàn màu đỏù trong tác phẩm là để nói lên cái nóng bỏng của chủ đề. Khi nóng nảy người ta thường hay có hành động sai. Thật ra như thế này, cô mẫu dùng mũi tên đâm người nộm, không biết người nộm có đau không, không thấy chẩy máu nên chắc người nộm không chết đâu, mà nếu làm đẹp cho đời có chết cũng cam đó nghen!”

Rồi họa sĩ cười rất sảng khoái. Họa sĩ Vi Vi trước đây đã từng vẽ rất nhiều Tem Bưu Chính cho hai nền Đệ I và đệ II Việt Nam Cộng Hòa với tên Võ Hùng Kiệt.


ViVi_VoHungKiet_DoKy.jpg


Họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt bên tác phẩm rất nóng “Đố Kỵ” - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông


Một bức họa khá lớn có đóng khung, có lẽ vì quá nặng không treo lên được nên họa sĩ Huy Dũng đặt ngay sát tường phía tay trái từ ngoài cửa đi vào. Bức họa có tên của một nhạc phẩm quen thuộc: “Anh Đến Thăm Em Đêm 30”. Họa sĩ Huy Dũng vẽ tranh mà như ảnh chụp, rất độc đáo. Trong cuộc triển lãm lần này, ngoài tác phẩm vừa nêu, ông còn một  tác phẩm khác là “Quê Tôi”. Hai tác phẩm trưng bày hai nơi khác nhau.


HuyDung_AnhDenThamEm.jpg


Họa sĩ Huy Dũng và “Anh Đến Thăm Em Đêm 30” - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông


Họa sĩ Huy Dũng nói với phóng viên Viễn Đông: “Đã có lần tôi đến thăm em đêm 30, nên khi nghe nhạc phẩm của Vũ Thành An ‘Anh đến thăm em đêm 30 / Còn đêm nào vui bằng đêm 30 / Anh nói với người phu quét đường / Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…’ Tôi nghe bản nhạc với lời thơ Vũ Đình Toàn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc mà lòng bồi hồi, xúc cảm, tạo hứng cho tôi vẽ tác phẩm này”. Tác phẩm diễn tả một khu phố với những tòa nhà nhiều tầng, ánh sáng của những bóng đèn đường và bóng tối pha trộn tạo nên một đêm 30 kỳ thú. Dưới lề đường, một người phu quét rác đang cầm cây chổi đứng chờ người... xin chiếc lá vàng! Chúng tôi hỏi họa sĩ Huy Dũng: “Họa sĩ  đến thăm em đêm 30 cách đây bao lâu?” Ông cười trả lời: “Cách đây cả năm rồi, còn tác phẩm này tôi vẽ trong vòng một tháng”.

Sau đó, họa sĩ dẫn chúng tôi đến vị trí đặt họa phẩm “Quê Tôi”. Một bức họa cũng khá lớn vẽ một con đường làng vắng vẻ, hai bên đường, những bụi tre xanh cao vút, thẳng tắp. Ánh sáng xuyên qua khe lá làm thành những mảng tối, sáng thơ mộng. Càng về phía cuối đường, ánh sáng càng soi rõ hơn tạo cho tác phẩm rất có hồn, và chúng tôi để ý khá nhiều người xem đứng trầm trồ thích thú.

Họa sĩ Huy Dũng tốt nghiệp khóa 2 trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1959, ông đã tham gia 20 lần triển lãm ở nhiều nơi và đoạt Huy chương Vàng năm 1963, Huy chương Đồng 1964, Giải 3 toàn quốc năm 1965. Nhiều nhân vật tiếng tăm trên thế giới có tranh của Huy Dũng như Tổng Thống Ford, Tài tử Bob Hope, Col. Horn Buckle, Chỉ huy trưởng Pacex, v.v..


DangNgocSinh_HoaSi.jpg


Họa sĩ Đặng Ngọc Sinh đứng giữa ba tác phẩm của ông “Tri Kỷ”, “Vô Thường” và “Ý Thơ” - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông


Trong số 37 họa sĩ tham gia, chúng tôi biết họa sĩ Đặng Ngọc Sinh, ông là một nhà giáo lâu năm và nay đang là Phó Chủ Tịch Các Trung Tâm Việt Ngữ  Nam California. Họa sĩ Đặng Ngọc Sinh dẫn chúng tôi đến xem ba tác phẩm của ông: “Tri Kỷ”,“Vô Thường” và “Ý Thơ”. Họa sĩ  chỉ vào tác phẩm mang tên Tri Kỷ và ông giải thích: “Mảng màu này tượng trưng cho cuộc đời sau 1975, nó bầm dập. Khi mất nước vào tay Cộng sản, mọi cái đều bầm dập hết, ngay cả nhiều bà vợ cũng bỏ chồng, cho nên tôi dùng những màu sắc này nói lên cái sự bầm dập, trong đó có người, có cây cỏ và có cả máu và nước mắt nữa, nhưng tôi có một hạnh phúc là có người bạn đường luôn ở bên cạnh để chia xẻ ngọt bùi cho nên người trong tranh chính là ‘bà xã’, là người ‘tri kỷ’ của tôi”. Chúng tôi nhìn vào tác phẩm rất lâu, vẫn chưa tìm ra dung nhan của bà xã họa sĩ Sinh.

Sau đó, họa sĩ  Đặng Ngọc Sinh giải thích tiếp tác phẩm thứ hai trưng bày gần nhau. Họa sĩ nói: “Đây là tác phẩm ‘Vô Thường’. Cuộc đời mình nó biến chuyển  khôn lường, có lúc như mình ở trên núi cao, nhưng khi 1975 ập đến, mình xa xuống đất đen, không phải đất đen mà còn tụt xuống sâu hơn nữa. Nhưng mà sau này, con cái mình ở thế hệ thứ hai chúng sẽ như từ dưới biển vươn lên, cho nên cuộc đời là vô thường, không có gì chắc chắn, vĩnh cửu hết”.

Tác phẩm thứ ba của ông mang tựa đề “Ý Thơ”. Nhà giáo Đặng Ngọc Sinh đem chuyện Bạch Cư Dị để nói về tác phẩm “Ý Thơ” của ông, nghe cũng lý thú lắm. Nhưng thú thật, cả ba tác phẩm, nếu không được họa sĩ giải thích, có lẽ ít người hiểu được ý “thâm hậu” nhà giáo, họa sĩ Đăïïng Ngọc Sinh diễn tả qua những mảng màu pha trộn giữa màu nước, sơn dầu và acrylic để làm thành nét độc đáo riêng cho mình.


Cùng với số đông khán giả đến xem tranh, chúng tôi đi xem tất cả các bức tranh trưng bày và cảm nhận vẻ đẹp của từng tác phẩm. Khi ra gần phía ngoài cửa, nhìn thấy một cô gái mặc áo dài, có lẽ duy nhất mình cô mặc áo dài vào lúc này, cô gái đang chăm chú nhìn tác phẩm đen trắng. Chúng tôi lại đứng phía sau cô xem tranh và thấy hai tác phẩm độc đáo mà cô gái đang thưởng thức. Cô quay lại và chúng tôi có dịp hỏi: “Tôi thấy cô có vẻ đắc ý với hai tác phẩm này, xin cô vui lòng cho một nhận xét theo sự suy nghĩ riêng của cô”.

Cô gái mặc áo dài tên là Hồng Ngọc vui vẻ trả lời: “Thưa chú, khi cháu coi phim ảnh, cháu thấy những đồng bào của mình đi vượt biển hết sức nguy hiểm, họ đi trên những chiếc thuyền mong manh, nhiều người đã chết. Nên khi nhìn những bức tranh này, dù họa sĩ vẽ rất đơn sơ, cháu cũng nhận ra được đây là con thuyền vượt biên nên cháu thích quá”.


Thấy chúng tôi đang phỏng vấn cô gái, một thanh niên mặc áo sơ mi trắng đi tới, hóa ra đây chính là họa sĩ Châu Thụy. Anh niềm nở bắt tay chúng tôi và giải thích: “‘Thư Họa’ đối với người Việt Nam mình còn rất mới mẻ. Sau khi nghiên cứu về ‘Thư Pháp’ của chữ Hán và chữ Nôm, cháu suy nghĩ mình phải làm sao sử dụng mực Tàu và cọ lông để đạt được trình độ sâu sắc trong nghệ thuật. Vì thế, sau một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu, cháu vẽ hai tác phẩm này chỉ bằng mực Tàu và cọ lông”.

Rồi họa sĩ Châu Thụy nói tiếp: “Nhìn vào tác phẩm, chúng ta thấy dù người Việt hay người nào khác cũng nhìn thấy hình dáng của chiếc thuyền, những cái đầu người tạo thành chữ ‘boat people’ (thuyền nhân)”.

Họa sĩ Châu Thụy cũng từng trải qua cảnh đau khổ của một thuyền nhân tỵ nạn, nên anh muốn làm một cái gì đó tiếp tục khơi dậy biến cố, là tại sao hôm nay người Việt mình có mặt trên toàn thế giới.

Tác phẩm thứ hai của người họa sĩ trẻ này cũng rất độc đáo, tác phẩm “Nô lệ” cũng bằng mực tàu, cọ lông. Người họa sĩ muốn diễn tả tệ trạng buôn người vẫn đang xảy ra, để cảnh tỉnh nhân loại, chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 mà vẫn còn cảnh những cô bé Việt Nam, Lào, Campuchia phải bán sang ngoại quốc làm nô lệ tình dục. Đường nét rất đơn sơ nhưng diễn tả được nhiều điều muốn nói. Họa sĩ Châu Thụy cho biết, anh đã phải suy nghĩ rất lâu để thể hiện tâm tình của mình trên hai tác phẩm này để mọi người có dịp thưởng thức.


Trong lúc chúng tôi rời phòng triển lãm, nhiều người còn đang tiếp tục đến xem. Một ông bạn cùng ra về với chúng tôi phát biểu một câu mà chúng tôi dùng làm câu kết luận cho bài phóng sự này, ông nói:
 “Chúng ta thử tưởng tượng trên cõi đời này, nếu không có mấy ông họa sĩ, không có mấy ông nhiếp ảnh gia để họ tô điểm cho cuộc sống, thì chán bỏ mẹ, phải không? Nhưng mà ông Trời thật khéo, ổng chỉ cho đời một số ít nhân tài như mấy ông họa sĩ này thôi, chứ nếu ai cũng biết vẽ giỏi như mấy ông họa sĩ này thì hóa ra mọi sự lại chẳng có gì đẹp nữa, đúng không?”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT