Người Việt Khắp Nơi

Sách giáo khoa tiếng Việt dùng trong đại học

Băng Huyền/Viễn Đông Monday, 12/03/2012 - 12:33:24

... nếu so với các ngoại ngữ đã có lịch sử giảng dạy lâu dài trước đó, thì việc soạn và sử dụng sách giáo khoa dạy tiếng Việt đã gặp không ít trở ngại từ thưở ban đầu...

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 11)

Băng Huyền/Viễn Đông



Sinh viên đại học là một thành phần có nhu cầu học tiếng Việt, nhờ đó thúc đẩy
việc soạn thảo sách giáo khoa dạy ngôn ngữ này - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông.

Trong giáo dục nói chung, dạy và học tiếng Việt nói riêng, sinh viên – giáo sư –học liệu, trong đó sách giáo khoa là một thành tố tất yếu đối với giáo viên và sinh viên, có quan hệ rất mật thiết. Đối với các giáo sư, sách giáo khoa là một công cụ hữu ích, vì đó là một kho tàng kiến thức phong phú được đúc kết hợp lý cho mỗi bài học và cả chương trình học. Sách giáo khoa còn là phương tiện giúp sinh viên phần nào tự đọc và tìm hiểu.
Tại Hoa Kỳ, nếu so với các ngoại ngữ đã có lịch sử giảng dạy lâu dài trước đó, thì việc soạn và sử dụng sách giáo khoa dạy tiếng Việt đã gặp không ít trở ngại từ thưở ban đầu, do sự non trẻ của ngành học này bên ngoài cố quốc. Nói về nỗi khó khăn do thiếu sách giáo khoa tiếng Việt và sách về văn hóa, lịch sử Việt Nam để dạy cho sinh viên từ những ngày đầu, Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Cao Dương (từng dạy tại các trường đại học UC Irvine, UC Los Angeles, CSU Long Beach, Santa Ana College... ở miền Nam California từ những năm đầu của thập niên 1980) cho biết: “Vì sách giáo khoa để giảng dạy không có, tôi phải dùng sách khảo cứu mà các sách khảo cứu thường được viết dưới những nhãn quan khác nhau, đôi khi thiên lệch, không đúng với sự thật. Để có tài liệu cho sinh viên học, tôi phải dùng lối của người Mỹ là soạn một tuyển tập trong đó tôi trích dẫn những bài viết của các tác giả Việt Nam. Mặt khác, để làm sống động hơn tôi cũng dùng lối của người Mỹ là mời khách tới lớp nói cho sinh viên nghe. Tôi đã mời rất nhiều người quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam mà nếu lập danh sách tôi sẽ phải dùng cả trang giấy. Nhiều người đã không ngần ngại đến rất nhiều lần, bất cứ lúc nào”.
Tiến Sĩ Võ Kim Sơn, là một giáo sư đã tham gia ngay từ đầu trong việc hình thành các lớp dạy tiếng Việt tại trường đại học cộng đồng Coastline Community College và đại học CSU Fullerton, cho biết: “Sau khóa dạy tiếng Việt đầu tiên của năm học 1986 tại Coastline Community College, chính từ những góp ý của học viên cho tôi trong lúc giảng dạy, nên thêm gì nên bớt gì trong bài dạy trên lớp… Nên vào năm 1987, tôi đã biên soạn và hoàn thành giáo trình dạy tiếng Việt theo trình độ lớp căn bản 1 và 2. Tôi viết sách tiếng Việt dựa theo mẫu của sách dạy ESL, biên soạn theo từng chủ đề. Sách gồm có phần tập đọc những chữ vần ngược vần xuôi. Tôi lấy những chữ đã dạy để ráp lại thành một câu để đàm thoại, để người học vừa thực hành nói, vừa viết những đoạn ngắn. Phần từ vựng, thì tôi chọn theo từng chủ đề. Ví dụ những từ gì về gia đình, hoặc về động vật…
Tiếp theo là dạy phần văn phạm, và phần cuối là những trò chơi dân gian nho nhỏ như oẳn tù tì để người học có thể thực hành.
“Về sau này, khi dạy trên lớp, tôi còn dùng hệ thống điện toán cho sinh viên học, đọc những chuyện vui cười… nhờ cái này, dạy được văn hóa nhiều hơn.
“Dạy cho lớp trung cấp, thì thường tôi cắt báo để sinh viên tập đọc những tin ngắn, những bài báo dài. Tôi cũng chọn những truyện ngắn của những nhà văn nổi tiếng để dạy”.
TS. Võ Kim Sơn nói thêm: “Hiện nay, nhiều học viên gốc Việt thú thật với tôi, hồi đầu ghi danh học tiếng Việt chỉ tính lấy đủ số unit (tín chỉ) thôi, nhưng không ngờ khi học, họ rất thích thú, họ học để hệ thống hóa lại tiếng Việt của mình, phát triển vốn từ vựng của mình. Tôi không dạy tiếng Việt để dạy chữ để biết đọc và viết, mà tôi còn muốn người học suy nghĩ, tìm hiểu về văn hóa. Khi dạy một bài văn, tôi luôn luôn dạy cho sinh viên về bối cảnh bài văn đó ra đời, để hiểu được văn hóa thời đó, để hiểu rõ hơn bài văn”.
TS. Võ Kim Sơn cho rằng nhờ vậy mà trong các sinh viên lớn tuổi đến học tiếng Việt đã cảm thấy thoải mái vì có thể giúp họ vừa mở mang kiến thức sâu hơn về tiếng Việt và đồng thời giúp họ hiểu rõ hơn về tiếng Anh qua các bài tập dịch Việt sang Anh từ dễ đến khó. Còn các sinh viên trẻ, thì bà dùng tiếng Anh để đối chiếu và quay về với tiếng Việt bằng cách so sánh từ cấp độ ngữ âm, đến từ vựng, sự tương đồng cũng như các dị biệt giữa hai ngôn ngữ.

Sách giáo khoa dạy tiếng Việt ngày nay
Sau những khó khăn từ buổi đầu thiếu sách giáo khoa, hiện nay nhiều bộ sách sách giáo khoa tiếng Việt đã được soạn thảo nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học tiếng Việt mọi trình độ.
Theo TS. Trần Chấn Trí, giáo sư thỉnh giảng khoa Ngôn Ngữ Nhân Văn đại học UC Irvine, cho biết, trước khi có 2 chương trình giảng dạy tiếng Việt dành cho các sinh viên bậc đại học do ông và TS. Trần Minh Tâm viết chung, ông đã sử dụng sách Tiếng Việt Sơ Cấp (Elementary Vietnamese) của TS. Ngô Như Bình. TS. Bình là giáo sư dạy tiếng Việt tại bộ môn Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Á, đại học Harvard; sách của ông do nhà xuất bản Charles E. Tuttle Publishing Inc xuất bản lần đầu tiên năm 1999 và bốn năm sau, được sửa đổi, chỉnh lý và xuất bản lần hai.
Năm 2007, quyển Chào Bạn! An Introduction to Vietnamese (nhà xuất bản University Press of America) do TS. Trần Chấn Trí và TS. Trần Minh Tâm cùng soạn chung, được dùng để dạy lớp sơ cấp tại đại học UCI. Quyển này cũng đang được sử dụng tại trường đại học cộng đồng Golden West College, Long Beach College, đại học University of Oregon.
Năm 2008, quyển Ngôn Ngữ và Văn Hoá - A Course in Intermediate Vietnamese cũng do TS. Trần Chấn Trí và TS. Trần Minh Tâm soạn chung, dùng để dạy cho lớp tiếng Việt trung cấp tại UC Irvine. Sách được nhà xuất bản Tuổi Hoa hợp tác với cơ quan CLMER, viết tắt của Cơ Quan Phát Triển Ngôn Ngữ Của Những Nhóm Ít Người Trên Nước Mỹ, thuộc đại học CSU Long Beach (bấy giờ do TS. Nguyễn Lâm Kim Oanh làm giám đốc), đã tài trợ một phần kinh phí để in quyển sách này. Đại học UC Los Angeles cũng đang sử dụng quyển này dạy cho lớp tiếng Việt trung cấp.
Để tìm hiểu về 2 quyển sách giáo khoa này, phóng viên Viễn Đông đã phỏng vấn TS. Trần Chấn Trí và được ông cho biết: “Nhờ có bằng cử nhân về Ngôn Ngữ Học Tây Ban Nha tại UC Irvine, bằng cao học và bằng tiến sĩ về Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-tinh tại UC Los Angeles, và có hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Việt và ngôn ngữ học các thứ tiếng gốc La-tinh tại một số trường đại học Nam California, nên tôi đã rút tỉa những kinh nghiệm hay của những sách giáo khoa tiếng Pháp và Tây Ban Nha, tránh những cái chưa hay của những quyển sách đó, để mình soạn sách tiếng Việt của mình. Tôi phụ trách phần chính của sách. Còn cô Minh Tâm phụ trách phần bài tập.
“Quyển Chào Bạn! An Introduction to Vietnamese chia thành 2 cuốn gồm sách giáo khoa và sách bài tập, được soạn theo khuôn mẫu chung của những sách ngoại ngữ khác, dùng để dạy lớp vỡ lòng cho trình độ đại học, chứ không phải như lớp vỡ lòng tại các trung tâm Việt ngữ cuối tuần. Quyển này chú trọng cách dạy mới, học ngoại ngữ một cách tự nhiên, phần nhiều về văn nói. Mỗi bài luôn luôn có phần đối thoại mở đầu, rồi đến phần cắt nghĩa từ ngữ, phần dạy văn phạm, phần làm bài tập về những câu nói và phần từ ngữ vừa học trước đó. Sau đó là học về phần văn hóa Việt Nam. Riêng quyển Ngôn Ngữ và Văn Hoá - A Course in Intermediate Vietnamese thì phần sách giáo khoa và bài tập cùng chung một cuốn, để sinh viên đỡ được chi phí mua sách.
“Mỗi chương có một câu tục ngữ tiếng Việt phù hợp, có một bài tập đọc, theo từng chủ đề: trong nhà, nhà trường, áo quần, thức ăn… Ví dụ: chương về nhà trường, thì có câu Không thầy đố mày làm nên. Bài tập đọc đề cập đến vai trò quan trọng của ông thầy trong xã hội Việt Nam. Trong phần giảng nghĩa cách dùng từ mới trong bài giải thích rõ cách dùng từ ngữ chứ không chỉ đơn thuần giải nghĩa từ đó là gì, và cho thấy cách dùng khác nhau của một từ.
“Những từ dạy trong sách là những từ phổ thông cả miền Nam và miền Bắc, miền Trung, nhưng không có những từ mang đậm màu sắc địa phương riêng biệt. Những lời giải thích từ ngữ và văn phạm đều được giải thích bằng tiếng Anh”.
Trong cuốn Chào Bạn! An Introduction to Vietnamese, những bài tập đọc đều do TS. Trần Chấn Trí và TS. Trần Minh Tâm viết. Cuốn Ngôn Ngữ và Văn Hoá - A Course in Intermediate Vietnamese thì ngoài những bài tập đọc do hai tác giả này viết, có thêm những trích dẫn bài tập đọc của các tác giả khác, như GS. Phạm Cao Dương, nhà văn Quyên Di, nhà văn Bùi Vĩnh Phúc, nhà văn Bích Huyền, GS. Trần Huy Bích, hoặc những tác giả thật xưa để tránh vấn đề bản quyền: trích đoạn Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, trích đoạn kịch của nhà văn Vũ Đình Long (1921), Thạch Lam…
TS. Trần Chấn Trí cho biết, do theo cách dạy ngoại ngữ mới, nên trong sách giáo khoa, ông không dịch sang tiếng Anh các bài thơ, đoạn văn, mà chỉ dịch một số chữ khó để sinh viên rõ nghĩa thôi. Vì dịch sẽ làm chậm lại tiến trình học ngôn ngữ, làm người học lệ thuộc vào bản dịch. Do đó phần tiếng Anh trong sách chỉ để giải thích văn phạm và phần chỉ dẫn làm bài tập.
Theo TS. Trần Tấn Trí thì hiện nay cách nhìn và quan điểm về văn phạm tiếng Việt vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đây vừa là điều không hay, vừa là điều hay cho những cuốn sách dạy tiếng Việt, để các tác giả đưa ra nhiều tài liệu khác nhau về văn phạm. Có nhiều sách giáo khoa, các giáo viên sẽ có nhiều lựa chọn để tìm quyển sách phù hợp nhất với chương trình dạy của mình.
TS. Trí cho rằng văn phạm không phải là do người viết sách hay người dạy ngôn ngữ đặt ra. Có loại văn phạm có tính cách ép buộc, có văn phạm mang tính khách quan, diễn tả lại luật lệ của ngôn ngữ. Nó là luật lệ của một thứ tiếng, người học, người dạy cũng như người nghiên cứu rút ra từ cách nói mà tất cả mọi người trong một thứ tiếng cùng công nhận như vậy là đúng. Nếu viết sách về văn phạm mà chủ quan thì người viết đã không làm đúng nhiệm vụ của một người nghiên cứu.
TS. Trần Chấn Trí cho biết ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay có hai nguồn song hành, tiếng Việt tại Việt Nam và tại hải ngoại. Tại Hoa Kỳ, và nhất là trong sách giáo khoa do ông biên soạn, thì những từ tiếng Việt là những chữ được dùng từ lâu. Ông nói: “Tôi không thích dùng chữ là sử dụng những tiếng Việt trước 1975. Nói như vậy, mình nghe như những chữ đó cũ rồi. Nó cũ mà cứ xài hoài đâu có được. Điều quan trọng là chúng ta nên khuyến khích các em dùng từ ngữ nào có tính chất truyền thống và có tính chính xác, nó đừng bị lạm dụng thì đó là những chữ hay. Không phải chữ nào trước đây của chúng ta dùng là cũng đúng, không phải chữ nào tại Việt Nam hiện nay dùng cũng là sai. Có nhiều yếu tố để đánh giá ngôn ngữ, một trong những yếu tố đó, có thêm yếu tố cá nhân của mình nữa, thích hay không thích dùng chữ đó. Nhưng mình phải công bằng, cố gắng dùng những từ nào diễn tả đúng hoàn cảnh, tâm trạng… chứ không nên lạm dụng từ ngữ thành ra từ ấy không còn giá trị nữa. Ví dụ từ hoành tráng là một trong những chữ rất đẹp trong tiếng Việt. Nhưng bây giờ nó trở thành chữ mà khi nói ra, ai cũng cười cả. Đây là một điều đáng tiếc vô cùng. Đó là việc lạm dụng và gần như giết chết ngôn ngữ”.
TS. Trí nói thêm: “Theo tôi, hiện nay có hai loại tiếng Việt phát triển song hành theo hai chiều hướng khác nhau, nhưng cùng phát triển cả. Tiếng Việt tại Việt Nam và tiếng Việt tại hải ngoại. Ở Việt Nam phát triển ngay trên môi trường quê hương. Còn tại hải ngoại, mà cụ thể là tại Hoa Kỳ, tiếng Việt vẫn phát triển chứ không bị nghèo đi. Tính chất đào thải của ngôn ngữ thì không thể nào tránh được dù ở trong nước hay ra hải ngoại. Có những chữ tự nó bị đào thải, và có những chữ mới được đưa vào mà trước đây chưa có. Ví dụ, chúng ta có từ thẻ tín dụng… Đó là một tiến trình vận động không ngừng của ngôn ngữ, ngay cả cách nói cũng khác xưa”.
TS. Trần Chấn Trí khẳng định: “Tôi nghĩ càng có nhiều người soạn sách giáo khoa tiếng Việt tại hải ngoại thì chuyện dạy tiếng Việt sẽ ngày càng phát triển hơn, càng có nhiều đóng góp, thì sẽ có yếu tố cạnh tranh, sẽ làm cho người viết sách càng ngày càng làm cho nó hay hơn, có tác dụng hơn, để càng ngày càng tiến gần đến chỗ hoàn thiện. Tôi nghĩ không ai có thể độc quyền trong soạn sách giáo khoa hết”.
Ông cho biết sách giáo khoa không thể nào hoàn hảo, mỗi năm dạy, giảng viên lại thấy cần bổ túc thêm phần nữa cho nó hay hơn, chính vì muốn hoàn thiện hơn quyển Chào Bạn! An Introduction to Vietnamese và Ngôn Ngữ và Văn Hoá - A Course in Intermediate Vietnamese, nên ông và TS. Trần Minh Tâm đã quyết định viết lại hai cuốn khác. Hiện nay, hai cuốn này chưa in, chỉ mới dùng để dạy thử nghiệm và sẽ sửa đổi thêm để hoàn hảo hơn.
Ông cũng cho biết thêm, hiện tại, sách giáo khoa dạy trên đại học không thiếu, nó khá đa dạng. Theo ông biết, có quyển Vietnamese An Introductory Reader (A Basic Course on Vietnammese Language and Culture) của Kim Dzung Phạm (Viện Việt Học và UC Riverside - SEATRIP xuất bản năm 2008 dạy cho trình độ sơ cấp); quyển Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam của giáo sư Quyên Di (nhà xuất bản Tuổi Hoa hợp tác với cơ quan CLMER xuất bản năm 2008) dành cho trình độ cao cấp. Sách tiếng Việt trình độ sơ cấp và trung cấp do GS. Trần Hoài Bắc (đại học UC Berkeley) soạn. Cô Lê Phạm Thị Kim ở đại học Arizona soạn một cuốn nhập môn. Cô Nguyễn Bích Thuần cũng có soạn cuốn 1 và 2 tiếng Việt. Cô Nguyễn Thụy Minh Hồng cuốn 1 sách tiếng Việt. Thầy Trần Ngọc Dụng cũng có soạn một quyển dạy tiếng Việt…
TS. Trần Chấn Trí chia sẻ: “Dạy tiếng Việt và văn hóa Việt tại hải ngoại là một thử thách rất lớn cho người dạy và người học, vì chúng ta đã bị cắt rời khỏi văn hóa quê hương. Tại hải ngoại, các giáo sư luôn luôn gắng duy trì văn hóa, nhưng không thể nào có môi trường tuyệt đối về văn hóa và ngôn ngữ ngay trên đất nước, đó là một thiệt thòi rõ ràng nhất. Nhưng nhờ vào kỹ thuật hiện đại, sách báo, truyền hình, mạng lưới toàn cầu trong lớp học, nên dù chúng ta ở xa đất nước, vẫn có thể xem được những hình ảnh của đất nước. Trăm nghe không bằng mắt thấy, thành ra không có được thực tế, nhưng vẫn thấy được thực tế qua sự giúp đỡ của kỹ thuật. Nhưng không thể nào bằng ngay tại Việt Nam. Tuy vậy, tại Việt Nam có tất cả, thì hệ thống giáo dục lại quá bê bối. Bên đây, hệ thống giáo dục rất tốt, nhưng mình lại truyền bá ngôn ngữ văn hóa của đất nước mình trên đất nước của người ta”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT