Người Việt Khắp Nơi

Sách giáo khoa tiếng Việt trong trường trung học Quận Cam

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 06/05/2012 - 10:05:41

... để có được một bộ sách giáo khoa phù hợp với các em học sinh trung học là cả một vấn đề đau đầu của học khu và của các thầy cô giáo hiện nay.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 19)

Băng Huyền/Viễn Đông


Ở các trường trung học tại Hoa Kỳ nói chung, tại Quận Cam nói riêng, môn tiếng Anh, hay những ngoại ngữ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp… đã có lịch sử giảng dạy lâu đời, vì vậy sách giáo khoa được biên soạn rất phong phú với nhiều bộ sách của nhiều tác giả phù hợp theo từng trình độ. Sách được in bìa cứng, giấy màu, trình bày đẹp mắt, có kèm CD, hoặc DVD… Tài liệu giảng dạy nhiều và thường xuyên được cập nhật, bổ túc cùng với những phương pháp dạy học mới đem lại hiệu quả cho người dạy, người học. Vì vậy các giáo viên có quyền chọn một bộ sách thích hợp nhất để dạy học sinh của mình. Thông thường, họ chọn cùng bộ sách do học khu đã chọn để học sinh dễ tìm mua sách. Ngoài ra, kèm theo những quyển sách giáo khoa, sách bài tập cũng có nhiều loại để giúp giáo viên dễ dàng lựa chọn phương pháp hay nhất để soạn chương trình giảng dạy theo từng lớp, khiến học trò ham học hơn.
Đặc biệt, đối với các giáo viên mới vào nghề, sách giáo khoa có tác dụng trau dồi, củng cố phương pháp sư phạm cho các giáo viên. Sách giáo khoa còn là phương tiện hỗ trợ tích cực các giáo viên trong việc tổ chức giờ học trong lớp. Còn khi đi vào nội dung, sách giáo khoa có thể cung cấp cho giáo viên những phần chỉ dẫn và cách thức cần thiết. Rõ ràng, sách giáo khoa có vai trò hết sức quan trọng đối với cả việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh.
Nhưng với môn tiếng Việt đang được dạy như một ngoại ngữ tại 4 trường trung học trong Quận Cam hiện nay, vì chỉ mới có trên dưới 10 năm hiện diện trong catalog các lớp học của trường, nên để có được một bộ sách giáo khoa phù hợp với các em học sinh trung học là cả một vấn đề đau đầu của học khu và của các thầy cô giáo hiện nay.


Học sinh chương trình Việt ngữ ở trường trung học Garden Grove High School tham dự diễn hành Tết Nhâm Thìn trên đại lộ Bolsa năm 2012 - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Buổi đầu khó khăn tìm sách giáo khoa để dạy
Thầy Dzũng Bạch, trưởng bộ môn ngoại ngữ trường trung học La Quinta, kiêm giáo viên dạy tiếng Việt tại đây, là người đã gầy dựng thành công chương trình dạy tiếng Việt tại trường. Ban đầu, thầy cho biết, chỉ có 2 lớp tiếng Việt, đến nay số học sinh ghi danh học tiếng Việt mỗi ngày thêm đông, vì vậy hiện nay trường có thêm một giáo viên dạy toàn thời gian như thầy Dzũng Bạch, nghĩa là tổng cộng trường có 10 lớp tiếng Việt. Trung bình mỗi lớp có trên 30 học sinh.
Kể lại những trở ngại từ buổi ban đầu trong việc tìm sách giáo khoa để dạy, thầy Dzũng Bạch cho biết, lúc ông mới về trường, hiệu trưởng của trường La Quinta đã đưa cho ông quyển Temporary Vietnamese của Nguyễn Bích Thuận, do nhà xuất bản đại học Northern Illinois University ấn hành, nhưng ông đã gặp hiệu trưởng để phản đối sử dụng quyển sách này, vì sách toàn viết về Hà Nội và do một người lớn lên, trưởng thành tại Hà Nội soạn ra. Quyển sách mang dấu ấn xã hội chủ nghĩa rất đậm nét và có một ít nói về Hồ Chí Minh, đây là một tài liệu không phù hợp với con em của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại xứ sở tự do này.
Chưa tìm ra sách giáo khoa phù hợp, lúc đó thầy Dzũng Bạch tạm thời phải tự viết giáo án và sử dụng tạm quyển Tiếng Việt Mến Yêu do học khu East Side Union High School District tại San Jose biên soạn để dạy các em. Tuy nhiên, theo thầy Dzũng Bạch cho biết, dù đây là bộ sách viết cho học sinh trung học, nhưng sách biên soạn để dạy cho các em học tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, dành cho các em đã biết tiếng Việt, chứ không phải là sách dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ theo tiêu chuẩn học khu Gadern Grove đã đề ra.
Vào năm 2007, quyển Chào Bạn! An Introduction to Vietnamese của nhà xuất bản University Press of America do TS. Trần Chấn Trí và TS. Trần Minh Tâm cùng soạn chung, được dùng để dạy lớp sơ cấp tại đại học UCI. Và năm 2008 quyển Ngôn Ngữ và Văn Hóa - A Course in Intermediate Vietnamese cũng do TS. Trần Chấn Trí và TS. Trần Minh Tâm soạn chung, dùng để dạy cho lớp tiếng Việt trung cấp tại UC Irvine. Sách được nhà xuất bản Tuổi Hoa hợp tác với cơ quan CLMER, viết tắt của Cơ Quan Phát Triển Ngôn Ngữ Của Những Nhóm Ít Người Trên Nước Mỹ, thuộc đại học CSU Long Beach (bấy giờ do TS. Nguyễn Lâm Kim Oanh làm giám đốc), đã tài trợ một phần kinh phí để in quyển sách này. Đại học UC Los Angeles (UCLA) cũng đang sử dụng quyển này dạy cho lớp tiếng Việt trung cấp, và quyển Ngôn Ngữ và Văn Hóa do giáo sư Quyên Di soạn, nhà xuất bản Tuổi Hoa xuất bản, được sử dụng dạy lớp tiếng Việt cao cấp tại đại học UCLA. Khi đó đại diện của học khu Garden Grove, cùng với thầy Dzũng Bạch và cô giáo Quỳnh Trang, giáo viên toàn thời gian dạy tiếng Việt tại trường trung học Bolsa Grande, và thầy Robert Nguyễn, giáo viên toàn thời gian dạy tiếng Việt tại trường trung học Garden Grove, đã họp lại với nhau và quyết định chọn những quyển sách trên để làm sách giáo khoa dạy theo từng cấp lớp trong trường. Dù rằng sách không đáp ứng được nhu cầu dạy các em trung học như các sách ngoại ngữ tiếng Pháp, Tây Ban Nha… nhưng đây là những quyển sách gần gũi với cộng đồng tị nạn tại Hoa Kỳ, có liên quan đến đời sống hằng ngày bên này.
Thầy Dzũng Bạch cho biết, thời điểm đó quyển Tiếng Việt của Nguyễn Minh Hồng, là sách giáo khoa để dạy lớp nhập môn tiếng Việt trên đại học cũng vừa ra đời, rất hay. Thầy Dzũng Bạch ví sách này giống như người bạn của các em học sinh, các bài tập được soạn rất thích hợp cho các em học mới bắt đầu làm quen với tiếng Việt tại bậc trung học, nên được chọn để dạy lớp Việt 1 trong học khu Garden Grove.
Thầy Dzũng Bạch cho biết thêm: “Những giáo viên các môn học khác có sẵn bài thi trong máy điện toán, chỉ cần bấm nút, máy điện toán sẽ đảo trật tự các câu hỏi, để mỗi đề thi in ra đều không giống nhau, nên dù các em ngồi cạnh nhau vẫn không thể copy bài của nhau. Môn tiếng Việt thì còn mới quá, nên bản thân giáo viên phải tự soạn giáo án cho từng ngày, từng cấp học, phải soạn bài thi cho từng cấp lớp”.
Còn thầy Robert Nguyễn, giáo viên dạy tiếng Việt tại trường Garden Grove, thì cho rằng vì các sách giáo khoa được soạn ra là để dạy cho sinh viên đại học, nên không đủ bài học để dạy cho các em học trung học (học mỗi ngày một tiết học trong một năm học cho một cấp lớp), nên các giáo viên phải tự tìm thêm tài liệu khác để dạy và làm sao cho học sinh yêu thích môn học này để các em tiếp tục gắn bó chứ không bỏ lớp giữa chừng.
Thầy Robert Nguyễn nói: “Vì những sách này viết cho bậc đại học, nên hơi cao so với trình độ các em học trung học. Riêng quyển Tiếng Việt Mến Yêu của San Jose là quyển sách dành cho bậc trung học, có phần dạy về ngữ pháp rất hay, nhưng những bài tập đọc thì ngắn quá. Hiện nay quyển này đang được sử dụng dạy cho các em lớp Việt 4 danh dự (Honor), nó dễ quá với các em, còn quyển Ngôn Ngữ và Văn Hóa do giáo sư Quyên Di soạn, cũng được dùng để dạy lớp Việt 4, thì lại quá khó cho các em. Nhưng sách này là quyển sách biên soạn rất xuất sắc, tôi rất hài lòng khi sử dụng quyển này dạy cho học trò lớp 4 danh dự”.
Trước câu hỏi làm sao khắc phục được những khó khăn khi dùng sách giáo khoa không phù hợp với học sinh trung học, nhưng vẫn gầy dựng được tình yêu cho các em học tiếng Việt mỗi ngày thêm đông tại trường La Quinta, thầy Dzũng Bạch nói: “Giáo sư cấp đại học không vất vả như thầy cô giáo dạy học sinh trung học, vì đây là lứa tuổi nhiều thay đổi, chưa trưởng thành và ổn định như các sinh viên đại học, lại không còn nhỏ như các em tiểu học dễ dàng dạy dỗ, vì vậy khi dạy những em này phải thật tế nhị. Trong một giờ học hằng ngày, giáo viên dạy ngoại ngữ tại trung học cần trải qua những bước như giảng bài trong 15 phút đầu, cho các em làm bài tập theo nhóm, rồi làm bài tập cá nhân, có học đọc, nghe, viết, nói, văn phạm…”.
Thầy Dzũng Bạch nhận xét những sách giáo khoa dạy ngoại ngữ như tiếng Pháp, Tây Ban Nha… đã trở thành khuôn thước rồi. Khi có nhiều người viết sách sau, sẽ trau chuốt thêm để nó càng hay hơn. Không chỉ một người, hai người soạn sách giáo khoa mà còn có cả một nhóm người cùng soạn.
Thầy Dzũng Bạch nói thêm: “Khi soạn giáo án để dạy các em, tôi luôn luôn soạn cho các em lớp 4 danh dự trước, rồi mới gia giảm độ khó, dễ, theo từng cấp lớp còn lại, và cũng so sánh với những ngoại ngữ Tây Ban Nha, Pháp trong trường để soạn giáo án dạy các em, ra đề thi… để có sự tương đương với những ngoại ngữ khác.
“Ví dụ các em học lớp Việt 4, Việt 3 cần dạy những gì mà các em biết rồi, thầy cô chỉ cần bồi đắp thêm kiến thức cho các em, thì các em sẽ thích học hơn. Ví dụ khi tôi dạy cho các em về Tháng Tư Đen, tôi cho các em về hỏi cha mẹ kinh nghiệm về tháng Tư này, hôm sao các em lên lớp sẽ bàn luận những gì các em được cha mẹ nói lại...
“Riêng lớp Việt 1 là những em tuổi từ 13 đến 14, cái tôi của các em lứa tuổi này là quan trọng nhất. Vì vậy, những bài dạy nên xoay quanh cái tôi của các em. Ví dụ chào các bạn, tên tôi là gì, thích làm gì, thích ăn gì…”.
Chia sẻ thêm về những nỗi vất vả của giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh trung học, cô giáo Quỳnh Trang nói cô phải soạn thêm phần lịch sử, văn hóa Việt Nam… để dạy thêm cho các em và chọn sao cho phù hợp từng lứa tuổi của các em. Cô cũng phải sắp lại bài học và soạn lại những bài tập sao cho thật vui, tạo cho các em sự ham thích khi học. Sách dạy tiếng Việt không có CD bài đọc đính kèm như những sách ngoại ngữ khác, vì vậy cô giáo Quỳnh Trang chọn những em đọc hay, giọng chuẩn thâu lại để các bạn khác trong lớp nghe chung, chứ không chỉ nghe giọng của cô giáo.
Cầm quyển sách giáo khoa của các ngoại ngữ khác rất “bắt mắt” in màu, bìa cứng, còn sách dạy tiếng Việt thì in trắng đen, có quyển in màu thì lại bìa mềm. Cô giáo Quỳnh Trang mong ước: “Khi nhìn qua sách giáo khoa các ngoại ngữ khác thuận lợi cho các giáo viên trong việc giảng dạy, không mất nhiều thời gian đi tìm tài liệu, có đủ những bài học về văn hóa, lịch sử… những bài đàm thoại, đối thoại, nhiều dạng bài tập… Quỳnh Trang rất mong có bộ sách giáo khoa dạy tiếng Việt và văn hóa Việt bao gồm nhiều tài liệu hơn cho giáo viên lựa chọn cách dạy hay, tạo hứng thú cho các em”.
Khi người viết đặt câu hỏi này đến Tiến Sĩ Trần Chấn Trí, ông cho rằng: “Lý do khách quan cũng có, chủ quan cũng có. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, phần lớn thầy cô dạy đại học không cần thiết có sách hướng dẫn, vì vậy tôi nghĩ nó không cần, nên không viết ra, còn vì dạy đại học có tính cách tự do hơn dạy trung học. Ngoài ra cá nhân tôi có những hạn chế về ngân quỹ, về thời gian để biên soạn… nên đã không soạn ra quyển hướng dẫn cho giáo viên”.
TS. Trần Chấn Trí cho biết thị trường sách giáo khoa tiếng Việt có khối lượng tiêu thụ rất hạn hẹp, nhiều khi 1 năm, chỉ bán được khoảng 40 - 50 quyển, thì khó mà hấp dẫn các nhà in tại Hoa Kỳ chịu đầu tư như in màu, giấy cứng như những sách ngoại ngữ khác, vốn có thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, hàng ngàn quyển, mang lợi nhuận về cho nhà xuất bản cao hơn. Còn phần CD bài đọc trong sách, TS. Trí cho hay là do ông đọc những bài trong sách và phổ biến trong lớp ông dạy thôi.
Còn GS. Quyên Di thì cho rằng: “Sản phẩm sách giáo khoa sao cho hoàn hảo về nội dung và hình thức là điều mà chúng tôi luôn luôn cố gắng. Tuy nhiên, đây không phải làm một sớm một chiều, mà tôi tin các thầy cô giáo trẻ sẽ làm tốt hơn chúng tôi.
“Nhưng dù trong tương lai chúng tôi có sọan đủ và in ra các tài liệu giảng dạy cho giáo viên, có cả CD ghi âm… thì thầy cô giáo vẫn phải soạn thêm tài liệu như thường. Ngay như tôi dạy sách mình soạn, mà vẫn phải tìm thêm tài liệu bên ngoài để dạy. Sách giáo khoa chỉ là phương tiện căn bản để thầy cô giáo dạy ngôn ngữ, còn bên cạnh đó thầy cô giáo phải cố gắng rất nhiều mới mong đạt được mong muốn truyền tình yêu văn hóa Việt đến các em.
“Tôi mong rằng khi có cơ hội, tôi rất sẵn sàng cộng tác với các thầy cô khác, đặc biệt là những thầy cô giáo trẻ hiện đang rất có tâm huyết với công việc dạy tiếng Việt trong học khu để cùng soạn ra bộ sách”/
Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, cho biết bản thân ông đang tiếp tục vận động trong học khu hình thành ban biên soạn sách giáo khoa tiếng Việt dạy trong các trường trung học. Tuy nhiên, vì ngân sách giáo dục đang bị cắt giảm, nên ông ước mong sẽ có mạnh thường quân đóng góp ngân quỹ cho việc này, như vậy thì ước mơ có một bộ sách dạy tiếng Việt cho các học sinh trung học mới có thể sớm thành hiện thực. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT