Người Việt Khắp Nơi

Saigon Bistro ở Florida bị chú ý vì quy định phạt nhân viên

Tuesday, 10/01/2017 - 08:18:59

Chủ tiệm là bà Huỳnh Kim, 56 tuổi. Theo tin của nhật báo The Ledger, vào ngày 27 tháng 12, 2016, trong một cuộc họp với các nhân viên, bà Kim đã phân phát một bản hợp đồng mà trên đó có ghi số tiền phạt đối với một số công tác mà nhân viên không làm.

Tờ quy định tiền phạt của nhà hàng bị đưa lên mạng Reddit. (Báo The Ledger)
 

LAKELAND – Một nhà hàng do người Việt Nam làm chủ và rất quen thuộc với người địa phương trong nhiều năm qua, đã bị dư luận chiếu cố sau khi có người đưa lên mạng xã hội mẫu hợp đồng mà nhân viên phải ký với nhà hàng này.

Tiệm Saigon Bistro nằm trong khu Lakeside Village, được mạng Yelp xếp hạng bốn sao trong cấp bậc năm sao là cao nhất. Lakeland nằm giữa Tampa Bay và Orlando.

Chủ tiệm là bà Huỳnh Kim, 56 tuổi. Theo tin của nhật báo The Ledger, vào ngày 27 tháng 12, 2016, trong một cuộc họp với các nhân viên, bà Kim đã phân phát một bản hợp đồng mà trên đó có ghi số tiền phạt đối với một số công tác mà nhân viên không làm.

Có người đã chụp hình và đưa bản hợp đồng này lên mạng xã hội Reddit, và chỉ trong vài ngày từ lúc được đưa lên mạng vào ngày 31 tháng 12, bản tin về hợp đồng này đã nhận được hàng chục ngàn lượt xem.

Hình chụp quy định về tiền phạt đã liệt kê những điều mà nhân viên có thể bị phạt nếu không làm hoặc làm. Chẳng hạn nếu nhân viên không chào “Hi” hoặc “Bye” với khách hàng, thì nhân viên sẽ bị phạt $1 Mỹ kim mỗi lần.

                                    Bà Huỳnh Kim trong hình chụp năm 2012. (Báo The Ledger)

Nặng hơn nữa là trong trường hợp nhân viên dùng điện thoại riêng trong giờ làm việc, lần đầu bị phạt $2, lần thứ nhì bị phạt $5, và lần thứ ba $10. Ngoài ra còn một vài quy định khác vừa nhẹ và cũng vừa nặng hơn so với hai quy định nêu trên, chẳng hạn nếu nam thực khách nam (cả đàn ông lẫn con trai?) không hỏi xin ống hút mà tiếp viên lại cho ống hút với ly nước thì lần đầu bị phạt $0.25, lần thứ nhì $0.50, lần thứ $0.75. Một quy định không rõ lắm đối với người ngoài, là nhân viên sẽ bị phạt $5 lần đầu nếu không có đồng nghiệp xem xét lại bên phần làm việc, lần thứ hai phạt $10, và lần thứ ba $20.

Cô Kristina Russell nói rằng cô đã bị đuổi việc vì từ chối ký tên vào hợp đồng chấp nhận các quy định phạt nêu trên. Cô tiếp viên này đã làm việc ở Saigon Bistro hơn một năm.

Trong khi đó, bà Huỳnh Kim và nhiều nhân viên của bà nói rằng cô Kristina không bị đuổi. Cô đã không chịu ký tên và rồi bước ra ngoài tiệm.

Trong số hàng ngàn người đã có dịp đọc tin này và thấy hình chụp bản quy định đều bày tỏ ý kiến. Nhiều người đã không tán thành việc lập quy định phạt tiền như vậy. Đa số đã góp ý về quy định phạt ống hút. Quy định này chỉ nhằm tiết kiệm ống hút.

Bà Huỳnh Kim nói rằng bà soạn quy định chỉ nhằm làm cho các nhân viên phải làm việc siêng năng hơn và nhất là phải tôn trọng các quy luật của tiệm.

Bà Kim đã chia sẻ với nhật báo The Ledger rằng con trai bà đã bị ung thư não, và bệnh của con đã khiến bà phải ngưng làm việc hơn một năm.

Nữ chủ tiệm này nói rằng trong thời gian bà vắng mặt, nhiều nhân viên của bà đã ngưng thi hành các quy định, không chịu tiếp khách với lời chào “hello” hoặc chia tay khách với lời “goodbye.” Ngoài ra, các nhân viên cũng thường nói chuyện điện thoại trong giờ làm việc.

Bà Huỳnh Kim nói rằng nhiều người đã hỏi có phải bà đã sang tiệm. Điều đó khiến bà nhận ra rằng tình trạng làm việc ở Saigon Bistro đã quá bê bối.

Bà đã soạn các quy định nhằm cho thấy bà muốn cho họ thấy rằng bà xem việc tôn trọng những điều luật của tiệm rất nghiêm trọng.

Cô Abigail Seitz, người đã làm việc tại Saigon Bistro từ ngày tiệm khai trương, nói rằng bà Kim chưa bắt một nhân viên nào đóng tiền phạt từ ngày bà đưa ra hợp đồng và bắt họ ký tên. Cô tin rằng bà chỉ tìm cách thúc đẩy cho các nhân viên phải làm việc cho đúng cách.

Không như cô Kristina và hai nhân viên khác đã nghỉ việc, cô Abigail và một số nhân viên khác vẫn còn làm việc ở Saigon Bistro và không thấy có vấn đề gì với biện pháp của bà Kim.

Cô nhân viên Emily Kue đã cười khi nói rằng, “Bà ấy đã cảnh cáo chúng tôi nhiều lần.”
Cô Kristina Russell nói rằng cô không có ý định gây hại cho nhà hàng của bà Kim khi tiết lộ tin này với mọi người. Thế nhưng cô cũng đang tìm một văn phòng luật sư để yêu cầu được bồi thường, vì cô cho rằng mình đã bị đuổi việc.

Bà Kim nói rằng bà không lo lắng vì rất vũng niềm tin về sự thật đã xảy ra. Bà cũng nói rằng, “Tôi rất quan tâm đến họ,” tức là các nhân viên của bà.

Cô Abigail đồng ý với bà Kim, nói rằng bà đã đối xử với cô cũng như các nhân viên khác như người trong gia đình. Abigail cho biết thêm với báo Ledger, “Tôi có đọc những ý kiến (trên mạng xã hội) nhưng rồi tôi phải ngưng vì có nhiều điều mà họ viết đã không đúng sự thật.”

Bà Huỳnh Kim cho biết tiền phạt, nếu có, sẽ được bỏ vào một lọ đựng tiền. Đến một lúc nào đó, tiền trong lọ sẽ được lấy để mua cà phê Starbucks, hay Pizza để mọi người cùng “tận hưởng với nhau.”

Trước đây, vào năm 2012, tờ báo này đã từng có một bài viết giới thiệu tiệm Saigon Bistro. Bài viết đó cho biết trên tường chung quanh bên trong tiệm có treo nhiều hình trắng đen cho thấy gia đình bà Huỳnh Kim. Cửa ra vào có viết mấy chữ tiếng Anh có nghĩa là “Tự Do” và “Bình An.”

Bản tin hơn bốn năm trước cho biết bà Kim phải vượt biển và rời Việt Nam trong đêm tối vào năm 1981, sau khi Cộng Sản chiếm mất miền Nam Việt Nam. Sau hai tuần lênh đênh trên biển mà bà và các thân nhân không biết sẽ sống chết ra sao, cuối cùng thuyền của họ tập vào Mã Lai Á. Sau mấy tháng ở tại tị nạn, nơi bà gặp chồng tương lai của mình, bà và em gái được định cư tại California. Chị em bà đã sống ở Downey, California, làm những việc lặt vặt ở các nhà hàng Mỹ. Vào năm 1984, chồng bà được nhà thờ bảo trợ đến Polk County, Florida, và bà đến Florida, kết hôn với ông Huỳnh Hùng. Gia đình bà làm chủ một số cơ sở thương mại, kể cả cây xăng trước khi mở Saigon Bistro ở Lakeland, và thường đi nhà thờ.

Vợ chồng bà có bốn con trai gồm Huy, Hoàng, Hải, và Huân. Các con của họ đều đã khôn lớn, nhỏ nhất trên 20, và lớn nhất trên 30.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT