Đời Sống Việt

sáng tạo như chí huỳnh: tò mò như trẻ mới sinh

Anvi Hoàng/Viễn Đông Wednesday, 16/01/2013 - 08:48:12

Chí Huỳnh đã chứng minh người ta sai bằng cách làm đúng chuyện đó. Ngày nay, những viên ngọc trai khắc chạm của anh được xem là đã làm thay đổi nhận thức của người yêu thích ngọc trai trong cách họ nhìn nhận vẻ đẹp và giá trị của ngọc trai.

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Nhà thiết kế/sáng tạo Chí Galatea Huỳnh - ảnh do Chí Galatea Huỳnh cung cấp

Người ta hay nói rằng những chuyện hay nhất thường xảy ra vào lúc người ta ít mong đợi nhất. Không ai có thể giải thích câu nói này một cách cụ thể hơn và rõ ràng hơn Chí Huỳnh (hay Chí Galatea Huỳnh). Những sáng tạo nghệ thuật của anh vào thời điểm sau 1997 đều là những bước đột phá trong ngành kim hoàn. Một vài thành quả sáng tạo này được kể sau đây.

Thành quả
Carved Pearl - Ngọc trai điêu khắc: Từ xưa tới nay người ta vẫn cho vẻ đẹp và giá trị của ngọc trai nằm ở lớp vỏ bóng láng bên ngoài. Một vết trầy cũng làm giảm giá trị của nó. Do đó, khắc chạm lên viên ngọc trai chẳng khác nào là phá hủy cái đẹp truyền thống của ngọc trai. Chí Huỳnh đã chứng minh người ta sai bằng cách làm đúng chuyện đó. Ngày nay, những viên ngọc trai khắc chạm của anh được xem là đã làm thay đổi nhận thức của người yêu thích ngọc trai trong cách họ nhìn nhận vẻ đẹp và giá trị của ngọc trai.


 Ngọc trai chạm khắc do Chí Huỳnh sáng tạo - ảnh do Chí Galatea Huỳnh cung cấp

Galatea Pearl - Ngọc trai Galatea: Không những chạm khắc, Chí Huỳnh còn cấy đá quý vào thân con sò để nó tạo ra chất ngọc (nacre) bao bọc quanh viên đá qúy, tạo thành những viên ngọc trai nhân đá quý chưa từng biết đến trên đời. Đây là sáng tạo mang tính đột phá đã làm thay đổi lịch sử của kỹ nghệ ngọc trai nuôi từ khi người Nhật bắt đầu nuôi ngọc trai vào những năm 1920. Mỗi viên ngọc trai Galatea sau đó đều được chạm khắc bằng tay để làm lộ ra màu sắc lộng lẫy của hòn đá quý bên trong. Công việc này được hơn 100 nhân viên ở nhà xưởng Sóc Trăng làm. Vì công phu như thế mà ngay tại thời điểm này, khoảng 1.500 tiệm kim hoàn trên toàn nước Mỹ vẫn đang tiếp tục chờ dài cổ để nhận được những sản phẩm ngọc trai khắc chạm của Chí Huỳnh.

 


Ngọc trai Galatea - ảnh do Chí Galatea Huỳnh cung cấp


 Ngọc trai Galatea - ảnh do Chí Galatea Huỳnh cung cấp

DavinChi Cut – Cách cắt DavinChi: Trước giờ người ta vẫn cắt đá sao cho bề mặt phẳng (nằm bên trên) có nhiều cạnh cắt để phản chiếu ánh sáng (từ bên trong) nhiều nhất. Viên đá với DavinChi Cut ngược lại, bề phẳng nằm dưới về bề nhọn nằm trên, được cắt sao cho nó kéo ánh sáng bên ngoài ngược lại vô trong để phản chiếu những màu sắc thay đổi không ngừng bên ngoài. Đây là cách cắt đá ngược hẳn cách cắt của thợ kim hoàn từ trước tới giờ.

 


 DavinChi cut - ảnh do Chí Galatea Huỳnh cung cấp


DavinChi cut - ảnh do Chí Galatea Huỳnh cung cấp

Năm 2012, Hội Các Nhà Trang Sức Hoa Kỳ đã bình chọn Chí Huỳnh là nhà thiết kế trong năm với tác phẩm vòng đeo cổ gồm 10 viên ngọc trai chạm khắc mang tên “Chung Thủy” (Loyalty). Những viên ngọc trai này được gọi là Levitating Queen Bead - Ngọc trai nổi, bởi vì chúng có lõi nam châm mang một cực bắc để đẩy thôi. Khi gắn vào dây chuyền kim loại thì chúng tự động đẩy nhau tạo ra một khoảng cách nhất định giữa các hột ngọc trai. Đây cũng lại là một sáng tạo độc đáo của Chí Huỳnh chưa từng thấy trên thị trường kim hoàn.


Ngọc trai nổi (Levitating Queen Bead) - ảnh do Chí Galatea Huỳnh cung cấp

Đối với những sáng tạo kể trên, Chí Huỳnh không chủ trương đi tìm, nhưng lại phát hiện ra chúng trên đường đi. Vậy thì anh đã đi con đường nào?

Quá trình sáng tạo
Chí Huỳnh kể: “Tôi mê mặt sau của cái đĩa DVD vì nó chiếu sáng nhiều màu rất đẹp. Rồi tôi bắt đầu đặt câu hỏi làm sao nó chiếu sáng đẹp được như vậy. Tôi nghĩ nếu có thể làm chiếc nhẫn của mình mà mặt nó chiếu sáng đẹp như cái DVD thì rất hay. Thế là tôi tìm sách đọc xem DVD là cái gì, nó có những làn gạch có thể phân tích và phản chiếu ánh sáng ra sao. Sau 6-7 tháng nghiên cứu về ánh sáng, tôi học được là tùy theo đường cắt mà ánh sáng được tạo ra khác nhau trên cục đá. Giống như thiền sư nói, mình muốn làm cái gì giỏi thì mình trở thành nó, thì mình sẽ giỏi. Tôi làm việc với hột đá, hiểu đá là gì, ánh sáng là gì, hiểu được ngôn ngữ của nó, hiểu được ánh sáng phản ứng như thế nào và cách thức phản xạ ra sao, chứ không phải chỉ là người cắt đá. Và tôi tạo ra những hột mà phản chiếu ánh sáng khác hơn hột người ta từng cắt hồi xưa tới giờ. Rõ ràng, lúc đầu tôi đâu có đi tìm cách cắt hột, nhưng quá trình tìm hiểu cái đẹp của DVD mà tôi đã sáng tạo ra DavinChi cut”.
Với ngọc trai nổi cũng vậy, Chí Huỳnh không ngồi xuống chế nó, mà chuyện gì tò mò thì anh làm. Anh tâm sự: “Ai mà muốn đi chế món nữ trang có nam châm làm gì. Chỉ là tò mò. Tôi rất thích cục hít. Từ nhỏ tới giờ lúc nào cũng có cục hít trong nhà. Chơi với nó miết nhưng không biết làm gì với nó. Cách đây mấy năm tôi nghĩ ra một chuyện là cục hít có năng lượng, vậy thì ngày nào đó tôi sẽ chế được cái máy mà tự nhiên nó chạy một mình mãi. Thế là tôi nghiên cứu rất nhiều về nam châm. Trong quá trình này tôi hiểu được cục hít, rồi tôi nghĩ nếu mình làm cọng dây chuyền mà nó nổi thì rất hay”. Thế là nghiên cứu cục hít đã dẫn Chí Huỳnh đến sáng tạo ngọc trai nổi.

Cho Việt Nam
Có thể nói, Chí Huỳnh là người làm nghệ thuật. Vì muốn tìm hiểu cái đẹp mà anh khám phá ra nhiều điều hay. Vậy thì anh có mục tiêu muốn đạt được trong nghề nữ trang hay không? Chí Huỳnh bảo: “Mục tiêu thứ nhất trong việc làm nghệ thuật nữ trang của tôi là thay đổi phong cách nữ trang trên thị trường thế giới. Đến bây giờ kết quả coi như là tốt vì ai cũng biết là mình làm chuyện lạ”.

 


“Gia đình Galatea” ở Sóc Trăng - ảnh do Chí Galatea Huỳnh cung cấp


Trại nuôi ngọc trai ở Bình Định - ảnh do Chí Galatea Huỳnh cung cấp

“Khoảng 70 năm về trước, Ấn Độ là nước nghèo. Người Do Thái mướn họ cắt hột xoàn. Ngày nay, hơn 70% chủ hãng trên thị trường hột xoàn là người Ấn Độ chứ không phải là Do Thái nữa. Nên mục tiêu thứ hai của tôi là ảnh hưởng đến một vùng quê nhỏ của mình ở Việt Nam. Tôi lập xưởng ở nơi không có nhà máy sản xuất. Thuê nông dân không có nghề, truyền nghề lại cho họ. Khu vực đó bây giờ hơn 100 người làm, trở thành giống như Silicon Valley về kim hoàn trong khu vực đó. Ngày nào đó họ làm giỏi rồi thì không làm cho tôi nữa. Coi như là tôi đạt được kết quả của việc truyền lại những điều gì đó trong sáng tạo của mình, để lại cho họ, để họ sống được bằng ngành nghề của mình, rồi ảnh hưởng đến cuộc đời xã hội - bởi vì sau này thế giới sẽ tìm tới Việt Nam vì những người thợ rành nghề này”.
Kể ra, tò mò như Chí Galatea Huỳnh thật đáng bỏ công, đáng suy nghĩ và đáng nể lắm!
Muốn xem tận mắt các tác phẩm của Chí Galatea Huỳnh, mời đến triển lãm “Hành trình Của Viên Ngọc Trai” do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức. Triển lãm kéo dài ba ngày: Tiếp tân khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 7:00 giờ tối ngày Thứ Sáu, 18 tháng Giêng, năm 2013.Cuộc triển lãm sẽ kéo dài cho đến Chủ Nhật, 20 tháng Giêng, tại Việt Báo Gallery, số 14841 đường Moran, thành phố Westminster.Giờ mở cửa phòng triển lãm:Thứ Sáu, 18 tháng Giêng:7:00-9:30 tối; Thứ Bảy và Chủ Nhật 19 và 20 tháng Giêng: 11 giờ sáng -5 giờ chiều.Vào cửa tham dự hoàn toàn miễn phí.
Ngoài ra, xem thêm về thiết kế của Chí Galatea Huỳnh tại: www.galataeusa.com

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT