Thế Giới

Sắp đến Lễ Cựu Chiến Binh, vinh danh cựu chiến binh Mỹ, hay làm gì khác hơn

Vanessa White/Viễn Đông Monday, 07/11/2011 - 08:58:30

... những cựu chiến binh được toàn quốc vinh danh vì công lao của họ phục vụ trong quân ngũ, nhưng cũng có những cựu chiến binh cảm thấy rằng họ đã tham gia phục vụ để rồi không nhận được gì cả...

Vanessa White/Viễn Đông

OAKLAND, California – Chủ đích của ngày Lễ Cựu Chiến Binh sắp tới là để vinh danh các cựu quân nhân Mỹ. Thế nhưng, đối với một số người thì đó là một dịp vô bổ.

Đến ngày 11-11-2011, Hoa Kỳ sẽ chúc mừng và ghi nhớ sự hy sinh của gần 25 triệu cựu chiến binh tham gia vào những cuộc chiến tranh và xung đột của nước Mỹ, trong quá khứ và hiện nay. Có những cuộc mừng lễ được tổ chức sớm, chẳng hạn như dạ tiệc Huân Chương Vàng Quốc Hội (Congressional Gold Medal Gala Dinner) vào ngày 2-11-2011, vinh danh các cựu chiến binh thuộc Tiểu Đoàn 100 Bộ Binh, được tổ chức ở Washington D.C.

Tiểu Đoàn 100 Bộ Binh là một tiểu đoàn mà đa số các chiến sĩ là những người Nhật Bản “Nisei” (Nhị Thế, thế hệ thứ nhì). Đơn vị này đã trải qua những trận đánh ác liệt trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Tiểu Đoàn 100 Bộ Binh kết hợp với Toán Chiến Đấu Trung Đoàn 442, một đơn vị Nisei khác được vinh danh tại buổi dạ tiệc nói trên, với Huy Chương Vàng Quốc Hội, một trong những phần thưởng cao quý nhất mà một thường dân có thể lãnh được.

Hòn đá có sơn dấu hiệu hòa bình màu đỏ tại nghĩa trang Manzanar ở chân núi Sierra Nevada, miền trung California, nơi từng giam giữ hơn 11.000 người Nhật trong thời gian Thế Chiến Thứ Hai - ảnh: Nick Út (gửi riêng cho Viễn Đông).


Trong dịp ăn mừng này, Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh Eric K. Shinseki tuyên bố: “Có những người đàn ông bình thường vươn lên tới những điểm cao phi thường, đem sinh mạng mình ra ngoài tiền tuyến, không một chút phô trương rầm rộ, không tìm kiếm công trạng, để lấy lại cho chúng ta những quyền lợi mà quốc gia cấp cho vì ra đời trên nước Mỹ”. Ông nói thêm rằng những người Mỹ gốc Nhật lúc đầu không được phép chiến đấu cho Hoa Kỳ, trong cuộc chiến tranh chống lại Nhật Bản, vì có sự kỳ thị sau khi quân đội Thiên Hoàng oanh tạc Trân Châu Cảng. Ông nói: “Thành tựu huy hoàng của những việc họ làm là cốt lõi của câu chuyện truyền kỳ”.

Mặc dù những cựu chiến binh Nisei, dù còn sống hay đã khuất, đều nằm trong số những cựu chiến binh được toàn quốc vinh danh vì công lao của họ phục vụ trong quân ngũ, nhưng cũng có những cựu chiến binh cảm thấy rằng họ đã tham gia phục vụ để rồi không nhận được gì cả, vì khi trở về nhà họ vẫn trắng tay.

Một cuộc chiến trong nước
Trong cuộc biểu tình Chiếm Đóng Oakland vào hôm 25-10-2011, cảnh sát Oakland đã bắn một mũi tên trúng ông Scott Olsen. Ông là một cựu chiến binh thủy quân lục chiến, từng phục vụ hai đợt nghĩa vụ tại Iraq, và có tin cho biết ông đang phục hồi từ vết thương trong não bộ, hậu quả của một trường hợp sọ bị nứt. Theo tin tức cho biết, ông Olsen đang đứng yên, không khiêu khích ai cả, thì bị một hung khí bắn trúng vào mặt ông, khiến cho ông gục ngã. Khi những người cùng tham gia biểu tình với ông xúm lại để giúp đỡ ông, cảnh sát liền bắn hơi cay vào họ, khiến cho họ phải giải tán. Thông tấn xã Reuters đưa tin: “Sự kiện người cựu chiến binh này ngã xuống bị thương – không phải trên một bãi chiến trường ở Iraq, mà là ngã gục trong một thành phố Mỹ, do một hành động của cảnh sát gây ra – làm cho nhiều người theo dõi diễn biến của phong trào Chiếm Đóng coi đó là một chuyện trớ trêu”.

Phong trào Chiếm Đóng bắt đầu ở New York City và San Francisco, vào hôm 17-9-2011; ở những nơi ấy, người ta biểu tình phản đối tình trạng bất bình đẳng về xã hội và kinh tế. Chịu ảnh hưởng của “Mùa Xuân Ả Rập”, trong đó những cuộc biểu tình dẫn tới sự cáo chung của các chế độ độc tài kéo dài hàng chục năm, ở những nước như Tunisia và Ai Cập, phong trào Chiếm Đóng đã lan tràn tới các thành phố trên khắp nước Mỹ, cũng như ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng tham gia với các sinh viên học sinh, giáo chức, nghiệp đoàn lao động và các nhà hoạt động tranh đấu, tại các tòa thị chính, ở bên ngoài các ngân hàng và trong các công viên, nhiều người cựu chiến binh đã dấn thân vào phong trào, có lúc mặc đồ trận của mình khi tham gia.

Ông Brian Smith, cựu chiến binh từng tham chiến ở Vùng Vịnh Ba Tư, nói với Democracy Now! trong cuộc biểu tình Chiếm Đóng Louisville: “Đến là thời điểm chúng tôi đứng lên và lên tiếng than phiền, bày tỏ những điều mà tất cả chúng tôi suy nghĩ từ lâu. Guồng máy không hoạt động hữu hiệu cho chúng tôi. Guồng máy chống lại chúng tôi”. Ông Smith nói tiếp rằng ông ghê tởm chuyện những ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ, như Bank of America và Citibank, đã lợi dụng hệ thống tái tài trợ nợ nhà của Bộ Cựu Chiến Binh, tính những khoản ẩn phí cho các món nợ.

Tại cuộc biểu tình Chiếm Đóng San Francisco, ông Aaron Hinde, một cựu chiến binh tham chiến ở Iraq và là bạn thân của ông Olsen, nói với Democracy Now! rằng các quân nhân tuyên thệ bảo vệ đất nước của mình, mang theo trách nhiệm ấy với họ ngay cả khi đã giải ngũ. Cũng chính trách nhiệm này là lý do khiến cho các cựu chiến binh tham gia vào những cuộc biểu tình Chiếm Đóng.

Ông Jose Vasquez, một cựu chiến binh Mỹ hiện đang làm giám đốc điều hành của tổ chức Các Cựu Chiến Binh Iraq Chống Chiến Tranh, nói với Democracy Now! rằng các cựu chiến binh rời khỏi quân ngũ thường có xu hướng rất dễ bị thất nghiệp và sống vô gia cư. Điều này đem thêm lý do để cho họ tham gia vào những cuộc biểu tình. Ông Vasquez nói: “Người ta buộc lòng phải tái nhập ngũ, vì họ đang đối diện với một tình hình kinh tế khó khăn. Nhiều cựu quân nhân gia nhập ngành cảnh sát cũng là vì tình hình kinh tế. Đó là một trong một ít công việc mà các quân nhân có thể kiếm được một cách dễ dàng sau khi họ rời quân đội”. Ông nói thêm rằng các cựu chiến binh chiếm tỉ lệ 99 phần trăm, tức một tỉ lệ đa số trong tổng số những người không giàu có trên toàn thế giới: “Tỷ lệ một phần trăm [giàu có] sử dụng cảnh sát và quân đội để như là gìn giữ những gì họ có. Quân đội và các cựu chiến binh đang nổi giận về cách thức người ta được đối xử”. - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT