Phóng Sự

SAP-VN và những dự án từ thiện (kỳ 1)

Sunday, 02/12/2018 - 09:36:25

Hội SAP- VN còn giúp thêm cho những em học sinh cấp 2, cấp 3 ở tỉnh Đồng Tháp gia đình không đủ điều kiện mua xe cho con, mỗi năm 100 xe đạp. Vì khi các em lên học cấp 2, cấp 3, phải đi học trường xa nhà hơn hồi học tiểu học. Đi bộ đi học xa nhà, các em rất dễ bị bạo hành, bị bắt cóc.



Một bệnh nhân chờ được chữa trị. (SAP-VN)

Bài BĂNG HUYỀN

Hội SAP-VN (Social Assistance Program For Vietnam) là một Hội Từ Thiện bất vụ lợi của người Mỹ gốc Việt. Trong hơn 20 năm qua, từ ban đầu chỉ là 9 ca chỉnh hình trong năm 1993, theo thời gian, con số từ từ tăng lên, đến 44 ca, rồi tăng đến 489 ca năm 1998, 669 ca năm 1999. Có năm lên đến 700-800 ca. Những năm gần đây trung bình mỗi năm, có khoảng 400 đến 600 em khuyết tật ở 16 tỉnh thành, trải dài từ Bắc Trung Nam Việt Nam được lựa chọn để thực hiện phẫu thuật chỉnh hình.
 

Ông Thành Nguyễn- cựu chủ tịch và cựu giám đốc Hội Đồng Quản Trị Hội SAP-VN. (SAP-VN)

Ông Thành Nguyễn là một trong những nhân vật trụ cột từ lúc phôi thai lập ra Hội SAP- VN. Năm 1992 lập ra Hội SAP- VN, ông là thư ký của Hội, đến 1995 thì là chủ tịch Hội SAP-VN và là giám đốc hội đồng quản trị SAP- VN suốt từ đó, đến năm 2017 ông xin từ chức.

Nhắc lại sự ra đời của Hội SAP- VN, ông Thành Nguyễn kể, “Tôi và những thành viên sáng lập nên Hội SAP-VN là những thiện nguyện viên giúp đỡ người Việt Nam ở các trại tị nạn Đông Nam Á, năm 1990 trở đi, các trại tị nạn bắt đầu đóng cửa. Chúng tôi thấy nỗ lực của mình với chương trình giúp người tị nạn không còn thực hiện, trong tinh thần muốn tiếp tục giúp đỡ đồng hương, lúc đó những anh chị em làm việc chung với tôi có mời tôi dự một buổi họp dự định thành lập một tổ chức từ thiện hoạt động giúp bên Việt Nam. Tôi tham gia thảo luận, buổi họp diễn ra nhiều tuần lễ vào mỗi cuối tuần và cuối cùng thành lập hội từ thiện SAP- VN theo đúng quy chế của Mỹ.

“Khi bàn thảo là năm 1991, chính thức thành lập là năm 1992. Lúc bấy giờ để lập ra một hội từ thiện nhân đạo, về giúp người dân tại Việt Nam chưa được đúng thời, đúng lúc lắm. Vì vẫn có những người có những suy nghĩ là chuyện đó là chuyện không nên làm. Thành ra khi chúng tôi làm thì có nhiều phản ứng khác nhau. Có người ủng hộ, có người không ủng hộ. Lúc đầu hơi khó khăn, nhưng dần dần vài năm sau tương đối không còn khó khăn nữa.”

Ông Thành Nguyễn nói sở dĩ Hội SAP- VN chú trọng chương trình từ thiện tại Việt Nam bằng cách giúp giải phẫu chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật là vì, “Chúng tôi luôn nghĩ đến tương lai của các cháu nhiều hơn là cái hiện tại. Hiện tại, các cháu bị khuyết tật, thì mình điều chỉnh lại, để giúp các cháu vượt khỏi cuộc sống mặc cảm tật nguyền. Đa phần vì khiếm khuyết cơ thể, các cháu có tinh thần rất yếu, thường tự ti. Trừ những em nào mạnh lắm về tinh thần, thì mới tự vươn lên khỏi nghịch cảnh.
 

Các em tập đi bộ ở Trà Vinh. (SAP-VN)

“Khi chúng ta giúp các cháu, ta không chỉ thay đổi được thể xác, mà còn thay đổi hoàn toàn cho đứa trẻ cả về tinh thần. Đó là lý do tại sao chúng tôi thực hiện tên gọi Cho em niềm hy vọng (Là chương trình gây quỹ chính của Hội Sap- VN vào tháng 10 hằng năm) là vậy. Cho các cháu niềm hy vọng, nhưng cũng là cho chúng tôi hy vọng nhìn những cháu tật nguyền có thể hội nhập vào cuộc sống bình thường.”
Ông Thành Nguyễn giải thích. “Lý do chúng tôi tập trung giúp các em khuyết tật chân, tay vì khi đó chưa có ai giúp cả. Ngoài ra, chúng tôi nghĩ, dạng bệnh này có thể giúp được. Lý do không ai giúp, vì chữa bệnh này rất mắc tiền. Thành ra với những gia đình nghèo khổ tại Việt Nam muốn đưa con em đi phẫu thuật, cũng không có tiền để đưa đi. Ban đầu, chúng tôi biết có vị bác sĩ chuyên về vấn đề phẫu thuật này tại Việt Nam, bác sĩ Lê Đức Tố. Chúng tôi đã tìm những em bị dạng bệnh này, đưa đến để bác sĩ Tố phẫu thuật”.

Ông Thành Nguyễn cũng cho biết sau khi phẫu thuật, Hội SAP- VN còn yêu cầu những địa phương có trẻ em tham gia chương trình, phải tiếp tục theo dõi, xem có cần thêm những giúp đỡ cụ thể gì để hội cung cấp. Mỗi năm, ông lại trở về Việt Nam một tháng, đi thăm một số em đã được hội giúp đỡ, xem cuộc sống cũng như bệnh tật của các em có những tiến triển gì không.

Những chương trình từ thiện tại VN

Giới thiệu những chương trình từ thiện của SAP- VN tại Việt Nam, ông Thành Nguyễn cho biết, đa phần những cơ quan đối tác với Hội tại Việt Nam là Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em hoặc Bệnh Viện chỉnh hình phục hồi chức năng, là những nơi tiếp xúc bệnh nhân thường xuyên, giới thiệu bệnh nhân cần giúp để Hội SAP- VN giúp. Hoặc những địa phương có danh sách những người cần giúp về chỉnh hình, khuyết tật về vận động.
Chương trình chính của Hội SAP-VN là phẫu thuật, giải phẩu chỉnh hình tay chân cho các cháu gia đình nghèo khổ, những cháu sứt môi, hở hàm ếch không có khả năng tài chánh để phẫu thuật. Nhưng sau này nhu cầu giải phẩu sứt môi, hở hàm ếch không còn nữa thì hội ngưng không giúp chương trình đó, chuyển sang giúp những chương trình khác, ví dụ như phụ giúp mỗi năm giúp mổ tim cho 5, 6 cháu. Vì chi phí mổ tim cao hơn cho phí mổ sứt môi, hàm ếch.

Vài năm gần đây, chương trình từ thiện của hội cố định, ví dụ giải phẩu và chỉnh hình. Một năm giúp khoảng 500 trẻ sống khắp các nơi tại Việt Nam, từ miền Bắc, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long khoảng mười mấy tỉnh thành.

Chương trình thứ hai xuyên suốt là mổ mắt cườm, thay thủy tinh thể cho những người lớn tuổi ở các tỉnh miền Tây đồng bằng sông Cửu Long. Một năm Hội SAP-VN giúp khoảng 1,200 bệnh nhân sống rải rác các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Chương trình này hội tài trợ cho các bác sĩ tại bệnh viện mắt và răng hàm mặt Cần Thơ để mổ mắt cườm. Một năm họ sắp xếp khoảng 20 chuyến, 30 chuyến đi mổ vào ngày cuối tuần, đi thẳng xuống huyện và vào thẳng bệnh viện đa khoa tại huyện để mổ. Mỗi đợt có thể khoảng 30, 40 người. Những ca mổ như vậy hội sẽ thanh toán trực tiếp chi phí tại bệnh viện, các bác sĩ của những đơn vị tham gia thì khi đi với hội để mổ chỉ nhận thù lao tượng trưng.

Chương trình mổ tim bẩm sinh cho trẻ em, Hội Sap- VN chỉ giúp một tỉnh duy nhất là tỉnh An Giang, vì Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em tỉnh An Giang nhờ Hội giúp. Một năm Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em tỉnh An Giang giúp 100 cháu, khi họ quyên tiền, họ quyên không đủ để trả tiền mổ tim cho 100 cháu. Lúc đó họ nhờ Hội SAP- VN giúp khoảng 5, 7 cháu cần mổ, mà ngân sách họ không đủ, nên gửi hồ sơ sang cho hội nhờ giúp. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, chi phí một ca mổ từ $1,000 đến $25,000 Mỹ kim. Tiền này không phải là số tiền hoàn tất cho một ca mổ. Tại Việt Nam, những đứa trẻ từ 6 tuổi trở xuống, được bảo hiểm y tế bên VN chi trả một phần nhỏ, Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em tỉnh An Giang chi 30 phần trăm và Hội SAP- VN giúp thêm 70 phần trăm. Số tiền $1,000 hoặc $25,000 một ca mổ mà Hội giúp chỉ là 70% số tiền của ca mổ.

Chương trình thứ tư là Hội SAP- VN một năm thực hiện một lần, hội tổ chức một nhóm bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ ở bên Mỹ và một số tình nguyện viên về Việt Nam tổ chức đợt khám chữa bệnh, chữa răng, phát thuốc miễn phí phát kính cho người dân những huyện vùng sâu vùng xa ở Việt Nam. Khi thì ở An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, lúc ở Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên, Thanh Hóa. Tùy theo nhu cầu từng địa phương và sự hợp tác của địa phương đó với Hội.

Ngoài ra Hội SAP- VN còn có những chương trình nhỏ trong năm, như giúp 30 cháu khuyết tật câm điếc, bệnh down, chậm phát triển trí tuệ… thuộc gia đình nghèo đang được học bán trú tại trung tâm khuyết tật trẻ em ở Nha Trang Khánh Hòa, Hội SAP- VN giúp đóng tìên học cho những em này (bao gồm tiền học phí và ăn uống nội trú buổi trưa). Vì nếu Hội không giúp những em này, gia đình không có tiền cho các em vào trường đó học, thì các em chỉ ngồi ở nhà thôi. Hệ thống trường giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật ở Việt Nam vẫn chưa phổ thông. Gia đình nào có tiền thì đem con vào trường, không có thì để con ở nhà. Dù những em này học trước, quên sau, nhưng không cho các em đi học gặp người này người kia, để các em ở nhà sẽ bị tách ra khỏi xã hội.

Ông Thành Nguyễn cho biết, “Mục đích chúng tôi không phải giúp các em học trở thành ông này bà kia, mà cho các cháu có cơ hội hòa nhập vào cộng đồng, sau này khi các cháu lớn lên có thể nhận thức sẽ thay đổi khác, có cơ hội bung ra ngoài tiếp xúc với đời, chứ không trốn trong nhà suốt cuộc đời. Ba mươi em hội giúp có những em khi đã trên 16 tuổi ra khỏi chương trình của trường, thì hội tìm giúp cho em khác. Hoặc có em cha mẹ di chuyển qua nơi khác sống, thì hội không tiếp tục giúp nữa sẽ tìm em khác giúp.”

Hội SAP- VN còn giúp thêm cho những em học sinh cấp 2, cấp 3 ở tỉnh Đồng Tháp gia đình không đủ điều kiện mua xe cho con, mỗi năm 100 xe đạp. Vì khi các em lên học cấp 2, cấp 3, phải đi học trường xa nhà hơn hồi học tiểu học. Đi bộ đi học xa nhà, các em rất dễ bị bạo hành, bị bắt cóc.

Ông Thành Nguyễn cho biết, “Cách nay 20 năm thì con số các em bị khuyết tật khèo chân tay tại Việt Nam nhiều lắm, có những năm Hội SAP- VN giúp mổ đến 700 em, dần dần thì có những tổ chức khác vào Việt Nam giúp, đồng thời những dạng khuyết tật như chân khèo thì hiện nay tại Việt Nam ngay từ khi còn sơ sinh đã cho bó bột giữ bàn chân thẳng từ sơ sinh, nên hiện tượng trẻ khèo chân tuổi lớn đã giảm xuống. Bây giờ Hội SAP- VN giúp nhiều nhất là với trẻ bị bại não, thần kinh vận động của trẻ không vận động, các em này đứng không được. Hoặc những trẻ này khi trưởng thành vịn thành bàn để đứng trên đầu ngón chân, đứng kiểu nhón gót, hai đầu gối chụm vào với nhau. Hai chổ đó rất cứng, mình cầm hai đầu gối kéo ra không được. Hoặc có khi hai tay ở hai bên nách kẹp vào rất chặt. Hội SAP- VN giúp tiền phẫu thuật cho những em này, không phải giúp cho các em đi được mà giúp mềm tay chân của các em để sinh hoạt thường nhật dễ dàng hơn. Đặc biệt là những em gái đến tuổi dậy thì giúp sinh hoạt vệ sinh cá nhân của em đó dễ dàng hơn.”

Sau khi mổ xong, các em này sẽ được Hội SAP- VN tặng một cặp nẹp và đôi giày đặc biệt để giữ thăng bằng giúp các em đứng lên. Những em này khi cầm khung tập đi, có thể không bước đi được, nhưng rê chân đi và nếu với sự kiên trì tập luyện, có thể di chuyển chút chút từ nơi này nơi kia khi mang nẹp và cầm khung tập đi thì có thể di chuyển được, có thể tập luyện này trong thời gian 3 tháng, 6 tháng hoặc vài năm. Nhưng ít nhất các em đã có thể đứng dậy được, những em nào hai tay khỏe có thể đứng dậy cầm khung tập đi để tập đi tới đi lui, thay vì chỉ ngồi yên, nằm yên một chỗ.

Ông Thành Nguyễn chia sẻ, “Có những điều mình phải chú ý, những em bị bại não, nước miếng cứ chảy ra từ miệng, có em sao khi phẩu thuật xong, tập cho các em ngồi dậy được thay vì trước đó chỉ nằm không. Có những em trước đó chỉ ngồi nay phẩu thuật xong có thể đứng được, nhờ vậy làm nưới miếng không chảy ra nữa. Những trường hợp mà Hội giúp là cần phải kiên trì, tốn tiền phẫu thuật, giày, nẹp, tiền tập luyện cho các em. Trường hợp thứ hai mà Hội thường gặp là những cháu bị phỏng. Thường xảy ra ở những vùng miền núi, miền Bắc. Đặc biệt là người dân tộc thiểu số sống ở nhà sàn, luôn có bếp lò và âm ỉ lửa. Những đứa trẻ lẩm chẩm đi nhiều khi té vào trong bếp lửa bị phỏng. Hoặc người dân ở miền Bắc, có những bình nước sôi dùng để pha trà, nhiều khi đứa trẻ lẩm chẩm đi vói tay lên làm đổ bình nước sôi bị phỏng.

“Khi bị phỏng do không chữa trị đúng mức do ở nhà quê miền núi xa xôi, không đem đi cấp cứu, chữa theo kiểu dân gian của họ, cuối cùng làm cho da bị dính vào, những ngón tay càng ngày càng co vào không dũi ra được, hoặc ngón chân không dũi ra được. Hội SAP- VN gửi tiền giúp các em này phẩu thuật kéo các ngón tay, ngón chân ra, mổ những trường hợp này mất nhiều thời gian, vì không phải lúc nào cũng lấy da ở chổ khác trên người các em để đắp vào.

“Có nhiều em phải phẩu thuật hai ba lần đến khi các em ổn định, không phát triển về thể lực nữa. Đa phần là các tỉnh mà Hội giúp, hằng năm tại đây có các bác sĩ về để khám lọc, những trẻ đã mổ năm trước thì năm sau đến để kiểm tra, khi khám trở lại, để xem có cần điều chỉnh gì thêm không hoặc gia đình có thắc mắc gì thì bác sĩ sẽ tư vấn để về nhà bố mẹ giúp tập luyện thêm cho các cháu. Trong những chuyến đi khám lọc như vậy, chúng tôi luôn mời các cháu đã được mổ trong năm ngoái hoặc năm trước đó để bác sĩ kiểm tra lại.

“Trước đây Hội SAP- VN chỉ giúp các em từ 16 tuổi trở xuống, nhưng về sau chúng tôi thấy vẫn có những bệnh nhân trên 16 tuổi, nhưng vì sống ở vùng xa, họ không có thông tin về chương trình trợ giúp của Hội, đến khi nghe đến Hội Sap- VN thì họ đã nằm ngoài độ tuổi. Những trường hợp cá biệt như vậy Hội vẫn giúp cho người ta. Hoặc những người bị bẩm sinh cụt chân hay tai nạn bị cưa mất chân, đa phần là người lớn, đến để xin Hội giúp cho họ chân giả, để họ có chân giả tốt hơn là họ dùng những khúc gỗ làm chân giả.”

Trụ sở của Hội SAP-VN: 12881 Knott Street, Suite 116. Garden Grove, CA. 92841. Website: http://sap-vn.org.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT