Người Việt Khắp Nơi

Sau buổi điều trần trước Quốc Hội Canada, mục sư Hùng và cựu tù nhân Tam không sợ khi về VN

Saturday, 30/05/2015 - 09:40:06

“Các dân biểu thuộc Tiểu ban Nhân quyền Quốc Hội Canada tham dự buổi điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày 28/5/2015

Hình trên là quang cảnh buổi điều trần bên trong Đại Sảnh Trung Tâm tại Quốc Hội Canada với ba người Việt Nam ngồi trong ghế quay lưng lại người chụp. Hình dưới là sáu vị Dân Biểu có mặt trong buổi điều trần ngày 28 tháng 5, 2015. (Hình Việt Tân)



Trong số những tù nhân lương tâm đang tuyệt thực trong lao tù Việt Nam hiện nay, ông Trương Minh Tam đặc biệt lưu ý đến trường hợp của ba người là Đặng Xuân Diệu, Tạ Phong Tần, và Trần Huỳnh Duy Thức.

OTTAWA - Vào trưa ngày thứ Năm, 28 tháng Năm, 2015 vừa qua, ba người Việt Nam đã trình bày trước các dân biểu Canada về tình trạng nhân quyền dưới chế độ Cộng Sản tại Việt Nam hiện nay. Ba người gồm một mục sư Tin Lành, 61 tuổi, từng bị sách nhiễu bởi công an, một tù nhân lương tâm, 45 tuổi, từng bị giam trong tù cộng sản, và một nhà hoạt động trẻ, 28 tuổi, thuộc một nhóm tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam.
Sáu Dân Biểu có mặt trong cuộc điều trần này gồm có ông Wayne Marston, ông David Sweet, ông Hoàng Mai, bà Nina Grewal, ông Irwin Cotler, và Tyrone Benskin.
Báo Viễn Đông từng loan tin này trên số báo ra ngày thứ Sáu 29 tháng Năm. Trong ngày thứ Bảy, đảng Việt Tân đã cung cấp báo chí một bản tin chi tiết hơn về buổi điều trần tại thủ đô Ottawa. Sau đây là trích đoạn từ bản tin ấy:
“Tình trạng nhiều nhà hoạt động chính trị và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam bị đàn áp dưới nhiều hình thức, rồi bị ném vào nhà tù qua những phiên tòa đóng kịch, tình trạng các tôn giáo vốn từ trước đến nay vẫn bị trói buộc, nay đang có nguy cơ bị nhà cầm quyền CSVN, lũng đoạn, kiểm soát ngặt nghèo hơn nữa qua dự luật tín ngưỡng tôn giáo sắp được ban hành đã là những thông điệp chính của các nhân chứng trong buổi điều trần tại Quốc Hội Canada vào lúc 13 giờ chiều ngày 28/5 vừa qua.
“Buổi điều trần do Tiểu Ban Quốc Tế Nhân Quyền, thuộc Ủy Ban Thường Trực Về Đối Ngoại và Phát Triển Quốc tế, Quốc Hội Canada tổ chức tại Đại Sảnh Trung Tâm của Tòa nhà Quốc Hội (Centre Block), dưới sự điều hợp của Dân Biểu Wayne Marston, Phó Chủ Tịch Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Hội Canada, cùng sự tham dự của một số dân biểu trong tiểu ban này.



Từ bên trái là Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, cô Nguyễn Quốc Trinh, và ông Trương Minh Tam tại Quốc Hội Canada ngày 28 tháng 5, 2015. (Hình Việt Tân)

“Ba người được mời trình bày trong cuộc điều trần gồm hai nhà hoạt động từ Việt Nam là Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam; ông Trương Minh Tam, cựu tù nhân lương tâm và thành viên của Phong Trào Con Đường Việt Nam; và người thứ ba là cô Nguyễn Quốc Trinh, đại diện Đảng Việt Tân.
“Cô Nguyễn Quốc Trinh đặc biệt nhấn mạnh đến chiến dịch đàn áp được coi là tàn bạo nhất trong nhiều năm qua và được biết đến là “vụ án 14 thanh niên Công Giáo.” Những thanh niên này bị nhà cầm quyền kết án tổng cộng 86 năm tù giam. Ba người bị án nặng nhất là ông Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa (mỗi người 13 năm) và cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn (8 năm). Nhóm Điều Tra của Liên Hiệp Quốc về Giam Giữ Tùy Tiện (UNWGAD) đã phán quyết rằng, việc bắt giữ và kết án này đã vi phạm luật pháp quốc tế, và yêu cầu nhà cầm quyền VN phóng thích vô điều kiện cũng như bồi thường họ cho việc giam giữ tùy tiện.
“Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày về tình hình tổng quát của các tôn giáo tại Việt Nam hiện nay. Qua đó, những hiện tượng bề ngoài về sự phát triển số lượng các cơ sở thờ tự, những lễ hội tôn giáo đình đám, tạo ấn tượng các tôn giáo được tự do đều chỉ là sự giả tạo ngoài mặt.
“Sự khắt khe, trói buộc các tôn giáo nhiều hơn nữa chính là Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mà nhà cầm quyền CSVN dự tính ban hành trong nay mai. Hội đồng Liên tôn đã có một kháng thư về Dự luật này nhắm tố cáo nhà cầm quyền tiêu diệt các quyền tự do tôn giáo đích thực.
“Ông Trương Minh Tam trình bày về tình trạng quyền con người của các tù nhân chính trị trong các nhà tù ở Việt Nam. Những sự kiện này căn cứ trên chính kinh nghiệm bị giam cầm, cùng với những điều tra, thu thập của ông trong tư cách là người hoạt động chuyên nghiệp về quyền con người của Phong Trào Con Đường Việt Nam.
“Ông cho biết về tình trạng giam giữ tồi tệ các tù nhân chính trị trong các chuồng cọp chật hẹp, ngột ngạt, dơ bẩn; bị tù hình sự được cắt cử đến ở tù chung để gây sự để đánh đập tàn nhẫn; khẩu phần ăn uống thiếu thốn, thiu thối, lẫn lộn với rác rưới, sỏi đá,... Để phản kháng sự đối xử tàn độc trong nhà tù, các tù nhân chính trị chỉ còn mỗi vũ khí đấu tranh là tuyệt thực.
“Trong số những tù nhân lương tâm đang tuyệt thực như Đặng Xuân Diệu, Đinh Nguyên Kha, Trần Vũ An Bình, Bùi Minh Hằng, Tạ Phong Tần, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn,...., ông Trương Minh Tam đặc biệt lưu ý đến trường hợp của ba người là: 1/ Đặng Xuân Diệu, 2/ Tạ Phong Tần, và 3/ Trần Huỳnh Duy Thức.
“Các dân biểu thuộc Tiểu ban Nhân quyền Quốc Hội Canada tham dự buổi điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày 28/5/2015
“Trong phần hỏi đáp, các dân biểu trong Tiểu Ban Nhân Quyền Quốc Hội Canada đều nhắc lại sự kiện Việt Nam đang là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà hành xử hoàn toàn trái ngược với tinh thần của hội đồng này đề ra.
“Dân biểu David Sweet đặt câu hỏi về sự đáp ứng của nhà cầm quyền CSVN đối với kháng thư về đạo luật tín ngưỡng tôn giáo của Hội Đồng Liên Tôn.
“Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tương tự như tất cả những kiến nghị của người dân gửi chính quyền từ trước đến nay, nhà cầm quyền không hề hồi đáp kháng thư của Hội Đồng Liên Tôn.
“Các Dân Biểu Tyron Benskin, Irwin Cotler, Hoàng Mai và nữ Dân Biểu Nina Grewal lần lượt nêu các câu hỏi về quyền tự do báo chí, internet; về sự an toàn của Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng và ông Trương Minh Tam khi trở lại Việt Nam; về hiệu quả của áp lực quốc tế đối với CSVN trong lãnh vực nhân quyền. Những sự kiện được các dân biểu nêu ra trong các câu hỏi cho thấy, họ biết khá rõ tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
“Về sự an toàn khi trở lại Việt Nam, ông Trương Minh Tam và Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng đều cho biết, họ chỉ lo ngại không ra được khỏi VN để góp tiếng nói cho công cuộc đấu tranh chung. Về cá nhân, họ không lo sợ gì khi trở lại VN.
“Về câu hỏi liên quan đến tự do báo chí và internet, áp lực của quốc tế, cô Nguyễn Quốc Trinh cho biết, CSVN thực sự đã có những nỗ lực ngăn chặn sự giao tiếp giữa trong và ngoài nước qua phương tiện internet, nhưng họ đã thất bại. Vì vậy, họ dùng chiến thuật theo dõi các blogger. Tuy nhiên, do không đủ khả năng và nguồn lực nên nhà cầm quyền có khuynh hướng dùng bạo lực và nhà tù để răn đe các blogger.
“Về hiệu quả của áp lực quốc tế, cô Trinh cho rằng, nay Việt Nam đang muốn hội nhập với thế giới vì vậy quốc tế có thể khai dụng lợi thế này để buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải phóng thích các tù nhân lương tâm, tôn trọng tự do ngôn luận hơn, thúc đẩy cải cách luật pháp, hiến pháp.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT