Người Việt Khắp Nơi

Triển lãm tượng mẫu Thương Tiếc của Điêu Khắc Gia Nguyễn Thanh Thu

Wednesday, 06/11/2019 - 07:13:36

Sau khi chiếm được thủ đô Saigon và miền Nam Việt Nam, quân xâm lược Cộng sản miền Bắc đã để lộ rõ nét hận thù người lính Việt Nam Cộng Hòa

Tượng mẫu Thương Tiếc do Điêu Khắc Gia Nguyễn Thanh Thu tạc và nay được Dân Biểu Alan Lowenthal triển lãm tại Việt Báo. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Sau khi chiếm được thủ đô Saigon và miền Nam Việt Nam, quân xâm lược Cộng sản miền Bắc đã để lộ rõ nét hận thù người lính Việt Nam Cộng Hòa bằng việc giật sập ngay bức tượng Thương Tiếc đặt trước lối vào Nghĩa Trang Biên Hòa, nơi an nghỉ của hàng chục ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. May mắn thay, bức tượng mẫu nổi tiếng này đã mang được ra nước ngoài, và chiều Chủ Nhật ngày 3 tháng 11, 2019 vừa qua, ông Alan Lowenthal, vị Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ (Dân Chủ, Địa hạt 47) đã tổ chức cuộc triển lãm pho tượng này tại hội trường Việt Báo, đồng thời có ông Nguyễn Đạc Thành, Chủ Tịch Hội VAF đến phổ biến công việc trùng tu nghĩa trang Biên Hòa đã gần như hoàn tất.

Buổi sinh hoạt đặc biệt này được sự tham dự của giáo sư Nguyễn Thanh Giàu (Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn VN Tại Hoa Kỳ), Nghị Viên Thu Hà Nguyễn của TP Garden Grove, và cô Lala Trương đại diện Dân Biểu Liên Bang Lou Correa, Ban Tù Ca Xuân Điềm, đông đồng hương và các cơ quan truyền thông.
Sau nghi thức chào cờ và mặc niệm, ông Lý Vĩnh Phong, phụ tá đắc lực cho Dân Biểu Alan Lowenthal cho mọi người biết qua về vị Dân Biểu này, ông Lowenthal hiện đang nắm giữ nhiều phần hành quan trọng về ngoại giao, đặc trách về Việt Nam và Đông Nam Á. Ông đã đi Việt Nam nhiều lần và đặc biệt tìm đến thăm Nghĩa Trang Biên Hòa, mặc dù nhiều lần bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn cản nhưng ông vẫn tìm cách đến được và đã chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát tại nghĩa trang, nơi hơn 16 ngàn tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa đang an nghỉ, nhiều ngôi mộ bị đào xới, những ngôi mộ không còn tấm bia và không được ai săn sóc nên ông đã yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ phải đặt vấn đề này với nhà cầm quyền CSVN, vì Việt Nam Cộng Hòa là đồng minh của Hoa Kỳ trước đây, và sau nhiều năm kiên trì vận động nay đã thành công.


Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal phát biểu, bên cạnh có phụ tá Lý Vĩnh Phong. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Sau lời phát biểu của Dân Biểu Alan Lowenthal, ông Nguyễn Đạc Thành, Chủ Tịch Hội Vietnamese American Foundation (VAF) đã trình bày chi tiết về việc trùng tu nghĩa trang Biên Hòa. Ông cho biết, trước đây nhiều gia đình tử sĩ nghe tin đồn rằng, Nghĩa Trang Biên Hòa sẽ bị giải tỏa, nếu không cải táng, sau này sẽ không còn tìm thấy phần mộ nữa. Do đó, nhiều người đã cải táng. Nếu tình trạng này kéo dài, nhà cầm quyền CSVN sẽ lấy lý do “đất trống” để họ thu hẹp nghĩa trang lại và dần dần chiếm trọn diện tích nghĩa trang.
Hội VAF có Luật Sư Wesley S.Coddou cố vấn đã yêu cầu các gia đình tử sĩ không cải táng nữa, các mộ trống, Hội sẽ đề nghị bốc hài cốt các người bị tù gọi là “tù cải tạo” từ khắp nơi mang về an táng vào các ngôi mộ trống đó (đây là tin thật vui cho các gia đình có người thân chết trong tù Việt Cộng) nên một tràng pháo tay rất lâu cám ơn thiện chí và việc làm đáng ca ngợi của Hội VAF và Dân Biểu Alan Lowenthal.

Cụ thể, ngoài hàng trăm hình ảnh, Hội còn để trên chiếc bàn dài một số quần áo, đồ vật của các cựu tù lấy lên từ các ngôi mộ nằm rải rác trong những vùng xa xôi hẻo lánh như tại Làng Đá thuộc Yên Bái.
Theo lời ông Nguyễn Đạc Thành, việc trùng tu bắt đầu từ tháng 5, 2004 đến ngày 1 tháng 4, 2019 đã trùng tu đươc 11,629 ngôi mộ tử sĩ, trong tổng số 16,000 ngôi mộ. Ngoài việc xây lại phần mộ chắc chắn, gắn bia tên họ tử sĩ, Hội VAF cũng phải lo lắp đặt hệ thống thoát nước để bảo đảm các ngôi mộ không bị nước mưa làm hư hại. Cô Quyên Trần, một người trẻ đã chia sẻ tâm tình của cô về Nghĩa Trang Biên Hòa.
Sau các lời phát biểu, mọi người được mời xem tận mắt pho tượng mẫu Thương Tiếc do Điêu Khắc Gia Nguyễn Thanh Thu thực hiện vào năm 1966.


Ông Nguyễn Đạc Thành, Hội Trưởng VAF. một trong những người có công tu bổ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, và cô Trần Quyên. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Để một số độc giả chưa biết về lịch sử bức tượng Thương Tiếc, chúng tôi ghi lại câu chuyện khá lý thú giữa TT Nguyễn Văn Thiệu và ĐKG Nguyễn Thanh Thu qua tài liệu mà chúng tôi có được:
Khi đang là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã nghĩ đến việc thành lập Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa cạnh xa lộ Saigon - Biên Hòa, và ông muốn phải có một bức tượng to lớn, tiêu biểu về một điểm gì đó của người lính VNCH để nhắc nhở, giáo dục người dân về sự hy sinh của người lính VNCH đã hy sinh bảo vệ tự do, dân chủ và chủ quyền đất nước, và ông đã cho mời ĐKG Nguyễn Thanh Thu đến tham khảo, vì khi còn là Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn 5 Bộ Binh, TT Thiệu đã biết tài của ĐKG Nguyễn Thanh Thu.

Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, TT Thiệu nói với ĐKG Thu, “Những chiến sĩ VNCH đã vì lý tưởng tự do, hy sinh đời mình thì những người ở hậu phương như chúng ta, chúng ta phải làm một cái gì để nhớ đến sự hy sinh cao cả đó.”
Lời nói trên đã làm ĐKG Nguyễn Thanh Thu trăn trở trong nhiều đêm, mỗi ngày ông đều đến nghĩa trang quân đội ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp để tìm cảm hứng sáng tác, và mỗi ngày như thế, ông chứng kiến những chiếc phi cơ trực thăng chở xác tử sĩ từ khắp các chiến trường về mà lòng quặn đau, nhưng nhiều ngày trôi qua, ông vẫn chưa dứt khoát tìm được một chủ đề rõ ràng.
Rồi một buổi trưa thứ Sáu nóng bức, ông ghé vào quán nước giải khát, trong quán có một người lính Nhảy Dù đang ngồi uống bia một mình, trên bàn đã có vài ba chai không. Người lính Nhảy Dù ngồi một mình nhưng lại có hai cái ly. ĐKG Thanh Thu để ý và ngạc nhiên khi thấy người lính vừa uống vừa nói lẩm bẩm điều gì đó với cái ly không. Khi uống hết ly bia, người lính kêu một chai bia khác và rót vào chiếc ly không rồi lại lẩm bẩm một mình.

ĐKG Nguyễn Thanh Thu rời bàn sang làm quen với người lính Nhảy Dù, người lính tỏ vẻ bực mình, quắc mắt nhìn ĐKG Thu, vì phá vỡ cuộc đối ẩm của anh với người bạn đã chết. Nhưng đột nhiên người lính móc trong túi cái bóp trao cho ĐKG Thu. Ông cầm cái bóp trở về chỗ mình ngồi và mở bóp ra coi, ông cố nhớ nét mặt buồn bã của người lính với căn cước tên là Võ Văn Hai. Ông trả bóp cho người lính và ra về chuẩn bị ngày hôm sau lên gặp TT Nguyễn Văn Thiệu.
ĐKG Nguyễn Thanh Thu thức suốt đêm phác họa ra bảy ảnh mẫu về những hoàn cảnh khác nhau của người lính, và hình ảnh Võ Văn Hai cứ lởn vởn trong đầu óc ông. Tám giờ sáng hôm sau, ông đến gặp TT Thiệu tại Dinh Gia Long. Đại Tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn Phòng Tổng Thống mời ĐKG Nguyễn Thanh Thu chờ ít phút vì TT đang tiếp một vị Tướng. Trong lúc chờ đợi, ông ra phía ngoài đi trên hành lang, vừa đi vừa suy nghĩ tại sao mình không vẽ Võ Văn Hai?
Nghĩ vậy, ông ngồi xuống ghế tưởng tượng nỗi buồn da diết của người lính Nhảy Dù Võ Văn Hai ngồi trong quán giải khát. Ông định xin Đại Tá Cầm tờ giấy để phác họa nhưng ngại không dám xin. Ông nhìn trong sọt rác thấy có vỏ bao thuốc lá, ông lượm lên và ra ngoài phác họa bố cục cho bức vẽ trên mặt trong của bao thuốc lá, và ông thấy thật hài lòng. Khi vào diện kiến TT Thiệu. ĐKG trình cho ông coi 7 bản vẽ. TT Thiệu dịu dàng nói: “Anh Thu à, tôi thấy bức nào cũng đẹp, tôi cũng thích nhưng anh là cha đẻ của nó, anh chọn cho tôi tấm nào hay nhứt.”


Pho tượng Thương Tiếc đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa đã bị giật sập sau khi Việt Cộng chiếm được miền Nam VN. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

ĐKG Nguyễn Thanh Thu nói, “Thưa Tổng Thống, mới khoảng 15 phút trước đây thôi, tôi mới nghĩ ra một đề tài và tôi phác họa trên bao thuốc lá nên không dám vô lễ trình Tổng Thống.”
Ông Thiệu nói, anh cứ đưa tôi xem và ĐKG Thanh Thu đã giải thích cho TT Thiệu nghe về cuộc gặp gỡ giữa ông và người lính Nhảy Dù Võ Văn Hai. Xem xong, TT Thiệu rất ưng ý và hai người đưa ra nhiều cái tên đặt cho pho tượng. Cuối cùng cả Tổng Thống Thiệu và ĐKG Nguyễn Thanh Thu đều đồng ý chọn tên “THƯƠNG TIẾC.”

ĐKG Nguyễn Thanh Thu rời phòng Tổng Thống, ông sang phòng Đại tá Cầm nhờ Đại Tá ngồi trên chiếc ghế đẩu để lấy dáng ngồi tưởng tượng như người lính Nhảy Dù Võ Văn Hai. Sau khi bức họa hoàn tất, ĐKG Nguyễn Thanh Thu trình cho TT Thiệu xem và xin TT ký tên cho bức phác họa. Tổng Thống Thiệu hết lời khen ngợi và ký tên đề ngày 14 tháng 8, 1966. Bức tượng Thương Tiếc đã được làm ngày làm đêm và kịp hoàn tất vào ngày khánh thành Nghĩa Trang Biên Hòa vào lễ Quốc Khánh 1 tháng 11, 1966.
Cũng vì bức tượng này mà ĐKG Nguyễn Thanh Thu đã bị Cộng Sản Bắc Việt đánh đập tàn bạo, dã man, nhốt trong thùng sắt cho đến khi kiệt sức, bất tỉnh mới được đưa vào trạm xá. May mắn ông được phi công Đỗ Cao Đẳng, chú của Trung Tướng Đỗ Cao Trí, được cai tù cho làm Trưởng Trạm Xá cùng với một số học trò cũ của ông từ khi còn học tại trường Trung học Võ Trường Toản Saigon hết lòng cứu giúp, ba ngày sau ĐKG Nguyễn Thanh Thu mới tỉnh lại, và được chúng tha về với Giấy Ra Trại ghi “Có khả năng chết” khi Điêu Khắc Gia tài ba này chỉ còn da bọc xương.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT