Phóng Sự

Sinh hoạt cuối tuần

Monday, 27/09/2021 - 05:40:10

Đi dự đại hội nhiều, chúng tôi thấy sự quyết tâm của mọi người vẫn còn ở đây, ở trong máu của nhiều thế hệ. Người nào cũng yêu quê hương, đất nước của mình.


Bài KIỀU MỸ DUYÊN

 

 HỌP BÁO

CHỦ ĐỀ: DÂN TỘC TỰ QUYẾT

MỤC SƯ NGUYỄN CÔNG CHÍNH

 

 

Ông Nguyễn Tấn Lạc ngồi nghe trong lúc mục sư Nguyễn Công Chính đang thuyết trình.

 

Sinh hoạt cuối tuần trong cộng đồng Việt Nam phong phú lắm và đầy ý nghĩa. Người tham dự dù lớn tuổi, trẻ tuổi, phụ nữ hay nam giới, người nào đến chỗ đông người đều ăn mặc rất đẹp. Niềm vui của họ là hội ngộ, là gặp gỡ người thân và đồng hương.

Thứ sáu ngày 17/9/2021, chúng tôi tham dự cuộc họp ở thư viện Việt Nam đường Westminster, thành phố Garden Grove, do mục sư Nguyễn Công Chính tổ chức. Đề tài rất hấp dẫn: Dân Tộc Tự Quyết. Nghe đề tài này, quý độc giả cũng biết là những người yêu nước cũng biết tâm huyết của người tổ chức là quyết tâm tranh đấu để cho nước Việt Nam người dân làm chủ, người dân quyết định vận mạng của mình, của đất nước mình mà không lệ thuộc vào ngoại bang.

Mục sư Nguyễn Công Chính suốt đời tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền và Tự Do tôn giáo ở Việt Nam. Ông đã từng bị bắt, bị hành hạ, bị ở tù. Ông tranh đấu cho sự bất công với đồng bào Thượng ở cao nguyên Trung Phần. Bà mục sư cũng thế, khi phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Pleiku phỏng vấn bà mục sư, sau đó Cộng Sản vào nhà hỏi cung, chất vấn bà. Bà im lặng không trả lời thì bị đánh, bị đá vào người, gãy cả xương. Con trai ôm mẹ cũng bị đánh đập một cách tàn nhẫn. Sau đó, nhờ sự can thiệp một cách mãnh liệt của đồng bào ở hải ngoại, nhất là giáo hội Tin Lành, ông được đưa từ nhà tù ra phi trường, gia đình ông đã được đưa ra phi trường trước. Từ ngày được định cư ở Mỹ, gia đình ông tiếp tục tranh đấu cho Nhân Quyền ở Việt Nam. Theo mục sư cho biết thì ông đã vận động được đồng hương 17 quốc gia ở Âu Châu, Mỹ, Úc, và Á Châu, mục đích tranh đấu cho Dân Tộc Tự Quyết. 

 

 

Quan khách chào cờ Việt- Mỹ 

Buổi họp báo Dân Tộc Tự Quyết ở thư viện Việt Nam có nhiều quan khách nổi tiếng trong cộng đồng tham dự như ông Nguyễn Tấn Lạc, bà Như Hảo, giám đốc đài Mẹ Việt Nam, ký giả Thanh Phong của nhật báo Viễn Đông, ông Võ Đức Văn người điều khiển chương trình họp báo. Mục sư Chính trình bày mục đích của buổi họp báo hôm nay. Ông trình bày ngắn gọn, ông nghĩ rằng sẽ có biến cố xảy ra trong nước trong những ngày sắp tới. Ông kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước một lòng tranh đấu cho quê hương có được quyền tự quyết cho đất nước của mình, không để ngoại bang xâm lấn.

Lòng yêu nước của mục sư Nguyễn Công Chính được nhiều người tán thành và ủng hộ, trong đó có ông Võ Đức Văn, nói lên nỗi lòng của mình. Ông Võ Đức Văn đã từng tranh đấu ở Thái Lan. Ông Nguyễn Tấn Lạc cũng là một nhà hoạt động chính trị ở hải ngoại nhiều năm và hoạt động không ngưng nghỉ.

Mục sư Nguyễn Công Chính lắng nghe tiếng nói của đồng hương để tổ chức đại hội lần tới vào tháng 3/2022. Đề tài Dân Tộc Tự Quyết sẽ được tổ chức khắp nơi trên thế giới.

 

 

Ông Võ Đức Văn điều hợp chương trình 

Ông Phát Lưu, một nhân sĩ trong cộng đồng Việt Nam ở miền Nam California kêu gọi sự đoàn kết của tất cả mọi người ngồi lại với nhau để cùng tranh đấu cho quê hương có quyền dân tộc tự quyết. Ông rất chú trọng về văn hóa ở hải ngoại. Ông khuyến khích người trẻ phải học tiếng Việt, phải nói tiếng Việt thông thạo. Ông khen một người trẻ đứng bên cạnh ông là Nguyễn Minh Triết nói tiếng Việt thông thạo. Con của ông không nói tiếng Việt thông thạo như người trẻ này. Con của ông là luật sư, lẽ dĩ nhiên giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt. Một ngày nào đó các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư sẽ giỏi tiếng Việt, sinh ra và lớn lên ở đây nhưng các cháu tự hào mình là người Việt Nam.

Trong cuộc họp này trong giới truyền thông tham dự cũng đông, có sự hiện diện của nhạc sĩ Nam Hưng, Đoàn Thế Cường, Phan Bùi Đạt, Kỳ Quỳnh, Trần Trung Dũng, Vũ Hoàng Lân, v.v.  

 *

SINH NHẬT CỦA NHẠC SĨ NAM HƯNG

Thứ Bảy, ngày 18/9/2021 

 

 

Bằng hữu và gia đình dự sinh nhật nhạc sĩ Nam Hưng
(nhạc sĩ trong trang phục vest đen, đứng giữa)

 

Nhạc sĩ Nam Hưng tốt nghiệp quốc gia âm nhạc ở Việt Nam, định cư ở Hoa Kỳ, hiện nay đang dạy nhạc. Những nhạc sĩ phổ thơ của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh là nhạc sĩ Hoàng Văn Quế, nhạc sĩ Võ Tá Hân, nhạc sĩ Thùy Linh, và nhạc sĩ Nam Hưng. Ngày xưa thơ, nhạc về dạo Phật không nhiều, sang định cư ở Hoa Kỳ, nhiều nhạc sĩ phổ thơ thành nhạc ngày càng nhiều hơn. Đó là niềm vui, vì nhạc đi vào lòng người nghe, dễ truyền cảm hơn.

Nhạc sĩ Nam Hưng giúp nhiều chùa ở miền Nam trong những ngày lễ Vu Lan, Phật Đản, đêm giao thừa, v.v..

Đây là sinh nhật thứ 5 của nhạc sĩ Nam Hưng được tổ chức ở Fountain Valley, tại nhà hàng chay. Trong không khí ấm cúng, không quá 15 người gồm gia đình và bằng hữu. Ca sĩ Cao Thu Hương hát bài Tình Mẹ tuyệt vời. Nhìn vào ánh mắt, nghe cô diễn tả về tình mẹ con, mọi người xúc động lắng nghe. Cô kể lúc cô tập bài hát này thì mẹ cô mất. Cô khóc và khóc hoài, không tập luyện được, ngày nào cũng khóc. Cao Thu Hương đi trình diễn khắp nơi lấy nước mắt của khán thính giả qua bài hát Tình Mẹ. Cô diễn xuất rất linh động, tiếng hát từ trái tim của người con thương mẹ. Ai cũng có mẹ, ai cũng thương mẹ của mình cho nên bài Tình Mẹ đến với gia đình Nam Hưng, đến với bằng hữu đúng lúc, trong không khí thân mật, mọi người lắng nghe không một tiếng động.

Kỹ sư Miên Trường với đôi mắt ươn ướt, xúc động nói:

- Trước ngày tôi đi vượt biên, mẹ tôi cho tôi 1 chiếc nhẫn và chúc thượng lộ bình an. Đến bây giờ tôi vẫn còn ân hận sao tôi lại đi, tôi bỏ lại mẹ tôi, tôi rất thương mẹ tôi.

Bằng hữu hiện diện rất thông cảm với thân mẫu của Miên Trường. Người mẹ nào cũng muốn con của mình có tương lai. Nếu bây giờ người trẻ Miên Trường không thoát khỏi chế độ Cộng Sản, vẫn còn ở Việt Nam thì làm sao có kỹ sư Miên Trường thành tài trong xã hội như bây giờ? Con thương mẹ thì ân hận nhưng mẹ thương con thì hãnh diện về con của mình thành tài nơi xứ người. Con luôn nghĩ về cha mẹ, về quê hương, tổ quốc của mình và lúc nào cũng nhớ mình là người Việt Nam.

Khi ca sĩ Cao Thu Hương hát, kỹ sư Miên Trường nói về mẹ của mình, mọi người im lặng vì bài hát và những lời phát biểu chân thành đi vào trái tim của người nghe.

Lời phát biểu của nhạc sĩ Nam Hưng giản dị, là lời cảm ơn nồng nhiệt đến gia đình và bằng hữu. Khi nào Nam Hưng có những sáng tác mới về đạo sẽ mời bằng hữu nghe. Con trai của Nam Hưng, Arnie rất hãnh diện về bố của mình. Mỗi lần Nam Hưng để hai bàn tay vào phiếm đàn thì cháu lắng nghe không nói một lời, chăm chú nhìn bố của cháu. Khi tôi hỏi cảm nhận của cháu về người bố nhạc sĩ tài năng, Arnie cười cười và nói:

- Con thương bố con lắm, cô à!

Nhạc sĩ Nam Hưng sẽ có những sáng tác mới về đạo không phân biệt tôn giáo và sẽ mời đồng hương thưởng thức trong chương trình nhạc của nhạc sĩ Nam Hưng. Nhạc sĩ Nam Hưng phổ nhạc nhiều nhất là thơ của cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh tức là thi sĩ Thanh Trí Cao. Bài Phật Giáo sứ mạng Hòa Bình được rất nhiều người yêu chuộng. Nhạc sĩ Nam Hưng cũng đã phổ nhạc từ thơ của ni sư Thanh Tịnh Liên Thích Nữ Chân Thiền, thiền viện Sùng Nghiêm, phổ nhạc 4 bài, 1 bài của thầy Viên Lý, 1 bài mới sáng tác của thầy Liễu Nguyên, chùa Quan Âm ở Anaheim, và DVD Hoa Ưu Đài Nở của ni sư Giới Hương, chùa Hương Sen ở Perris.

Trong số quan khách có 1 người Mỹ, ông thích ăn thức ăn Việt Nam, thích nghe nhạc Việt Nam. Khi ca sĩ Quan Kiều cất tiếng hát, ông khách người Mỹ này lắng nghe, chia sẻ và nguyện cầu. 

 

 

Kiều Mỹ Duyên chúc mừng sinh nhật nhạc sĩ Nam Hưng 

 

Lúc này dịch cúm Covid-19 còn hiện hữu, và dịch cúm Delta sắp hoành hành, nhiều người e ngại ra đường, nhưng những tổ chức sinh hoạt chính trị, hay họp bạn sinh nhật vẫn có người đến là một điều đáng quý, quý lắm mới đến với nhau. Nếu đã tin vào sống chết có số thì ai đi cứ đi. Con người sinh ra trên cõi đời này đến rồi đi thì hãy sống vui vẻ, hạnh phúc, tin vào tôn giáo để sống vui, sống hạnh phúc.

Đến sinh nhật của nhạc sĩ Nam Hưng, nhà hàng sắp đóng cửa, mọi người ra về còn lưu luyến, đứng ở chỗ đậu xe còn nói chuyện tiếp, hình như tình cảm của người và người không bao giờ hết.

Hy vọng dịch cúm qua đi để mọi người được sống vui vẻ và hạnh phúc với nhau.  

 * 

NHÀ VĂN KHÁNH LAN RA MẮT SÁCH 

 

 

Kiều Mỹ Duyên đến chúc mừng nhà văn Khánh Lan trong buổi ra mắt sách 

 

Nhà văn Khánh Lan trẻ và đẹp là con của Đại Úy Việt Cường, ra mắt 4 quyển sách ở thành phố Westminster, đó là: Vài Nét về 10 Tác Giả Âu Mỹ Cận Đại, Dĩ Vãng Khôn Nguôi, Tuyển Tập Truyện Ngắn: Tình Yêu, Cuộc Đời và Định Mệnh và Thám Tử Lê Minh.

Nhà văn trẻ này sáng tác một cách hăng say. Ông bà mình thường nói hậu sinh khả úy, nghĩa là người trẻ sẽ vượt qua người đi trước, con hơn cha nhà có phước.

Một buổi ra mắt sách vô cùng long trọng với sự hiện diện của nhiều người nổi tiếng trong cộng đồng như thi sĩ Dương Hồng Anh, nhà văn Nguyễn Duy Quang, nhà văn Phạm Gia Đài, ký giả Thanh Phong, giáo sư Dương Ngọc Sum, giáo sư Nguyên Di, Quỳnh Giao.

Những bóng hồng tha thướt trong những chiếc áo dài rực rỡ đón khách từ ngoài cửa vào trong phòng họp, đa số là phụ nữ, có sự hiện diện của 3 thế hệ. 

 

Nhà văn Khánh Lan (áo dài hồng) đang ký tặng sách. 

Nhà văn Khánh Lan là ngôi sao sáng hôm nay trong chiếc áo dài màu hồng lóng lánh kim tuyến, tất bật ký tên vào sách để tặng khách. Những bậc trưởng thượng như giáo sư Dương Ngọc Sum, nhà văn Trần Phong Vũ, thi sĩ Dương Hồng Anh, ký giả Thanh Phong, sách tặng đã ký sẵn. Người nào cũng thích chụp hình chung với tác giả.

Bình, phu quân của tác giả rất đẹp trai nhưng ít người biết vì không ở bên cạnh vợ. Nhiều người có vợ đẹp, đến giữa đám đông thường đứng hoặc ngồi bên cạnh vợ, nhưng Bình lại khác, chạy tới chạy lui lo hậu trường cho vợ.

Ban nhạc và ca sĩ đến rất sớm. Trên sân khấu hết người này đến người khác trình diễn. Âm nhạc rất quyến rũ con người, nơi nào có âm nhạc, có thơ văn thì có người đến đông. Các bài hát tuyệt vời qua các giọng hát truyền cảm của Minh Ngân, Lâm Dung, Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Thụy Lan, Tammy Minh Tâm, Trâm Anh, Mạnh Bổng, Bùi Quỳnh Giao, Đạt Tiêu, Đào Minh Tâm và Nhóm Vũ Tiếng Thời Gian. Ra mắt sách mà không nói về sách, mà hát thì nhiều hơn, có lẽ để đồng hương tự đọc, tự thưởng thức cái hay của sách?

Nữ sĩ Dương Hồng Anh đã gửi tặng hai bài thơ chúc mừng ngày ra sách của Khánh Lan. Nhạc sĩ Hạ Đỏ Bích Phượng hòa âm bài "Ngày vui hộn ngộ." Ca nhạc sĩ Lâm Dung hòa âm và hát trình diễn nhạc phẩm "Xa quê hương của Khánh Lan.  

 

Khán giả ngồi bên dưới đều là thân hữu quen biết nhau từ trước, và nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật & Tiếng Thời Gian

 

Trong số quan khách tham dự ngày ra mắt sách có thân phụ của tác giả, cựu Đại Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông rất hãnh diện về con gái của mình, nhưng ông rất khiêm tốn chỉ cười khi có người khen con gái của ông.

Tác giả không nói nhiều, chỉ nói mình viết việc thật, không hư cấu, viết với trái tim cảm xúc của mình. Những diễn giả nói về sách của Khánh Lan: Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Quyên Di và nhà văn Trần Phong Vũ. Những người đọc sách để phát biểu là những người nhiều công phu nhất. Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư Dương Ngọc Sum, nhà văn Việt Hải, nhà văn Nguyễn Quang, nhà văn Ngọc Cường, nhà văn Vương Trùng Dương, và nhà văn Dương Viết Điền đã viết lời tựa cho sách.

Nhà báo Thanh Phong, Phạm Khanh- đài truyền hình Little Saigon, Minh Trương- Saigon TV đến phỏng và viết phóng sự, các nhiếp ảnh gia Nguyễn Thiều Minh, Lê Hùng và Phú Lê Văn chụp hình lưu niệm.

Ông bà Susan và John Tạ bảo trợ buổi ra mắt sách và các mạnh thường quân anh Ngô Thiện Đức, cô Vi Anh (chủ nhiệm nguyệt san Việt Media), Giáo Sư Quyên Di, nữ sĩ Dương Hồng Anh, nhà văn Kiều Mỹ Duyên, nhà thơ Yên Sơn, nhà văn Dương Viết Điền, Hoàng Giang, Thu Dung, Vee Hương và Thành Nguyễn.

Mọi người xúc động khi thấy nhà văn Việt Hải lên sân khấu với cây gậy trong tay, hay giáo sư Dương Ngọc Sum, bà Nga Nguyễn (phu nhân của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyên) hoặc nữ sĩ Dương Hồng Anh bước từng bước thật chậm, nhưng nụ cười vẫn tươi.

Đến những buổi ra mắt sách như thế này mới thấy tình người rất đậm đà. Thế hệ trước nâng đỡ thế hệ sau trong vấn đề viết sách. Ngày xưa Tự Lực Văn Đoàn của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo đã nâng đỡ nhà văn Nguyễn Thị Vinh thì bây giờ Việt Hải khuyến khích thế hệ thứ hai viết sách, tiếp nối những nhà văn đi trước. Công lao của những người nâng đỡ thế hệ trẻ nhiều lắm và nhiều lắm.

Cuối tuần, chúng tôi chạy hết chỗ này đến chỗ khác, cho nên không ở một chỗ tham dự từ đầu đến cuối. Rất tiếc, rất tiếc, nếu có cơ hội ở tới giờ chót, sau khi quan khách về hết, ở lại sẽ nghe tác giả tâm tình nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn.

Nói tóm lại, buổi ra mắt sách của Khánh Lan rất thành công. Truyền thông đến rất đông, tin tức được phổ biến khắp nơi trên thế giới, bà con ở xa cũng có thể đọc được trên báo, trên mạng, trên YouTube.

Hy vọng những người trẻ tiếp tục viết, trong đó có Khánh Lan, sẽ xuất bản đều đều để cho độc giả khắp nơi thưởng thức những tác phẩm mới, viết về người thật, việc thật bằng cảm xúc thật.

 * 

LỄ KỶ NIỆM NĂM THỨ 75 NGÀY ĐỨC HUỲNH THỦ LÃNH THÀNH LẬP VIỆT NAM DÂN CHỦ XÃ HỘI ĐẢNG

21/9/1946- 21/9/2021 

Lúc 1 giờ trưa tại thư viện Việt Nam, thành phố Garden Grove, anh chị em Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức kỷ niệm 75 năm thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Ông Trần Văn Vui, trưởng ban tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo luôn luôn tranh đấu, trước là chống giặc Pháp, sau 1975 thì chống Cộng Sản, dù bị đàn áp, bị bắt bớ giam cầm, Phật Giáo Hòa Hảo vẫn quyết tâm tranh đấu để có Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, và Tự Do Tôn Giáo ở Việt Nam.

  

Ông Nguyễn Tấn Lạc, phó chủ tịch ngoại vụ phát biểu ý kiến về sự hy sinh của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo

 

Bài phát biểu của trưởng ban tổ chức đầy ý nghĩa nói lên ý chí sắt đá của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Sau đó, ông Nguyễn Tấn Lạc, phó chủ tịch ngoại vụ cũng phát biểu ý kiến về sự hy sinh của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã hy sinh rất nhiều cho đất nước. Ông mong người trong nước và người ngoài nước đoàn kết cùng nhau chiến đấu.

Quan khách tham dự dâng hương trước bàn thờ Tổ Quốc, Đảng viên hành lễ trước bàn Hương Án, và đọc tuyên ngôn Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng rất cảm động. Không có buổi lễ nào thiếu âm nhạc, bài thơ của thi sĩ Việt Châu được trình bày. Buổi lễ đầy ý nghĩa của sự đấu tranh kiên trì của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

 

 

Quan khách dâng hương trước bàn thờ Tổ Quốc.

 

Huỳnh Giáo Chủ đã vắng bóng nhưng sự kiên trì tranh đấu của Phật Giáo Hòa Hảo vẫn còn ở đây. Những tín đồ của Huỳnh Giáo Chủ vẫn kiên trì tranh đấu cho quê hương Việt Nam có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

Một buổi họp mặt không đông người nhưng đầy hào khí của người đấu tranh, quyết tâm đấu tranh cho quê hương, đất nước thân yêu ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Một trong những người tổ chức là ông Huỳnh Long Giang, một người trẻ, đem thơ mời tận nơi tới tay ký giả, và ông cũng trong ban tiếp tân, tiếp đón mọi người rất ân cần, niềm nở. Ngày xưa, mỗi lần Phật Giáo Hòa Hảo có họp mặt bao giờ cũng có nhà báo, cựu dân biểu Vi Anh hiện diện và ông viết bài về Phật Giáo Hòa Hảo rất sâu sắc, nhưng hôm nay ông vắng mặt có lẽ vì lý do sức khỏe. Những quan khách tham dự buổi lễ hôm nay đa số là người trên 70 tuổi, nhưng tấm lòng sắt đá vẫn còn, và các ký giả Thanh Phong của báo Viễn Đông, Thanh Huy của Việt Báo, sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã từng ở tù nhiều năm, hiện diện trong các cuộc họp báo có chủ đề đấu tranh cho quê hương, cho đất nước sớm có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

 

 

Mọi người chụp hình lưu niệm
Hình từ phải qua hàng phía trước: ông Huỳnh Lâm Giang, đồng đạo Trần Cao, soạn giả Trần Văn Hương, sử gia Phạm Trần Anh, ông Trần Văn Vui, ông Lê Văn Tâm.
Giáo sư Trần Quang Chi (ngoài cùng bên trái)

 

Thế hệ thứ nhất từ từ rơi rụng, về với ông bà, nhưng người trẻ tiếp tục đấu tranh. Người Cuba, người Hung Gia Lợi, định cư ở Mỹ đã qua nhiều thế hệ, thế mà mỗi lần có họp hội là khí thế bừng bừng vì lửa. Trong những người yêu nước vẫn còn trong trái tim của những người hùng lưu vong, tha hương không phải cầu thực mà vì lý tưởng Tự Do.

Đi dự đại hội nhiều, chúng tôi thấy sự quyết tâm của mọi người vẫn còn ở đây, ở trong máu của nhiều thế hệ, trong máu của những tín đồ Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Công Giáo, Tin Lành. Người nào cũng yêu quê hương, đất nước của mình.

 

Orange County, 28/9/2021

(kieumyduyen1@yahoo.com)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT