Hoa Kỳ

Sinh viên biểu tình, Mexico chuẩn bị cho tổng thống mới

Bạch Vân/Viễn Đông Saturday, 07/07/2012 - 07:36:47

Giáo Sư Ackerman nói: “Rốt cuộc PRI sẽ trở lại”. Chia sẻ quan điểm của giới sinh viên, ông Ackerman nói thêm: “Đây là một thông điệp mạnh mẽ, nhưng không nhất thiết phải là một thông điệp tốt”.

Bạch Vân/Viễn Đông

MEXICO CITY, Mexico – Hàng ngàn sinh viên từ nhiều hướng khác nhau cùng xuống đường biểu tình, hô vang lên ngoài phố. Ngoài việc cho thấy một lời kêu gọi làm cuộc thay đổi đáng mong ước, cảnh tượng này cũng tượng trưng cho tình đoàn kết, cho một mục tiêu chung vượt lên khỏi mọi căn tính đa dạng của các sinh viên.
Các sinh viên Mexico biểu tình để phản đối ông Enrique Pena Nieto, ứng cử viên của Đảng Cách Mạng Thể Chế (PRI) ra tranh cử và đắc cử trong kỳ tuyển cử ngày 1-7-2012. Lấy cảm hứng từ phong trào biểu tình Chiếm Đóng nổ ra tại Hoa Kỳ, các sinh viên Mexico bày tỏ sự bất mãn với nền chính trị nước họ, đặc biệt nêu ra sự quan ngại về nạn gian lận cử tri và về chuyện các phương tiện truyền thông Mexico đưa tin tức thiên lệch về cuộc bầu cử ấy.
Vào hôm 2-7-2012, trong mục tin tức trên báo điện tử Democracy Now!, Giáo Sư John Ackerman – dạy trường Đại Học Tự Trị Quốc Gia và là nhà bỉnh bút tạp chí ở Mexico – nói rằng “dân chủ hóa” các phương tiện truyền thông Mexico là một việc hết sức quan trọng. Ông nói thêm rằng có một công ty tên là Televisa đang kiểm soát gần 80 phần trăm tổng số khán thính giả tại Mexico. Ông nói tiếp rằng Televisa đã tạo ra hình ảnh của Pena Nieto và chịu trách nhiệm cho chiến thắng của ứng cử viên này.
Mô tả Pena Nieto là “ứng cử viên của các phương tiện truyền thông do đại công ty làm chủ", Giáo Sư Ackerman cho biết rằng sau khi lên nhậm chức, có thể ông Pena Nieto sẽ muốn đền đáp cho Televisa và những công ty truyền thông khác từng đã miêu tả hình ảnh ông một cách tích cực, bằng cách đem lại cho những công ty ấy nhiều quyền lực hơn, so với mức quyền lực họ mà họ vốn đã nắm giữ nhằm hạn chế việc đối thoại công cộng và làm giảm bớt sự tham gia rộng rãi của quần chúng vào trong nền chính trị.
Có thể nối tiếp theo việc các phương tiện truyền thông đưa tin nhiều về Pena Nieto, Giáo Sư Ackerman cho biết có những lời buộc tội ông Nieto, tố cáo rằng ứng cử viên này đã vượt quá giới hạn chi tiêu cho chiến dịch vận động tranh cử của mình, tạo ra một thế cạnh tranh bất bình đẳng giữa các ứng cử viên. Tuy nhiên, ông Nieto đã không giành được tỉ lệ đa số phiếu bầu, theo tin tức cho biết ông chỉ nhận được 38 phần trăm mà thôi, trong khi đó ứng cử viên Andrés Manuel López Obrador của Đảng Cách Mạng Dân Chủ (PRD) đã giành được 32 phần trăm phiếu, và nữ ứng cử viên Josefina Vázquez Mota của Đảng Hành Động Quốc Gia (PAN) đã chiếm được 25 phần trăm.
Các sinh viên biểu tình phần lớn ủng hộ ông López Obrador, chống lại chuyện ông Pena Nieto đại diện cho một đảng phái “áp bức” cầm quyền từng cai trị Mexico trong hơn 71 năm.
Giáo Sư Ackerman nói: “Rốt cuộc PRI sẽ trở lại”. Chia sẻ quan điểm của giới sinh viên, ông Ackerman nói thêm: “Đây là một thông điệp mạnh mẽ, nhưng không nhất thiết phải là một thông điệp tốt”.

Lược sử Mexico
Mexico giáp giới với Hoa Kỳ về phía Bắc, với Thái Bình Dương về phía Tây, với vùng biển Caribbean và Vịnh Mexico về phía Đông, và Guatemala và Belize về hướng Đông Nam. Mexico có dân số hơn 113 triệu người, sử dụng tiếng Tây Ban Nha làm ngôn ngữ quốc gia của mình.
Trước khi thực dân Tây Ban Nha đến đây vào năm 1521, các nền văn minh bản địa bao gồm các sắc dân Olmec, Toltec, Teotihuacan, Zapotec, Maya và Aztec, sinh sống khu vực về sau được gọi là Mexico. Thêm vào tình trạng pha trộn giữa các nền văn hóa Âu Châu và bản xứ, các nô lệ Châu Phi đã được đưa sang khu vực này để thêm vào lực lượng lao động. Đến năm 1821, Mexico giành được độc lập từ Tây Ban Nha, mặc dù những cuộc nội chiến và những vụ tranh chấp biên giới với Hoa Kỳ đã làm cho đất nước suy yếu đi. Texas, vùng đất ngày nay là California, Arizona, New Mexico, Utah, Nevada và những phần của Colorado, Wyoming, Kansas, và Oklahoma, trước đây đều vốn là những phần lãnh thổ của Mexico, nhưng đã được nhượng lại cho Hoa Kỳ vào năm 1848.
Mexico đã trải qua một giai đoạn bị Pháp xâm lăng, từ năm 1861 đến năm 1867, tiếp sau đó là nổ ra nhiều cuộc cách mạng, một cuộc đảo chánh, và một cuộc nội chiến. Đến năm 1929, đảng PRI được thành lập, dẫn đến việc cải cách kinh tế và xã hội trong nước và đợt bùng nổ phát triển kinh tế 1940-1980.
Mặc dù nền kinh tế đang phát triển, thế nhưng theo tin tức cho biết, khoảng cách bất bình đẳng xã hội được mô tả là cao dưới chế độ cầm quyền của đảng PRI, vốn được xem là có tính cách độc tài và áp bức. Ngay cả sau khi nền kinh tế của Mexico bị sút giảm trong năm 1982, những cuộc cải tổ bầu cử và nạn gian lận cử tri vẫn giữ cho PRI nắm quyền cho đến năm 2000.
Trong kỳ tuyển cử năm 2000, PRI mất phiếu vào tay một ứng cử viên bảo thủ của đảng PAN. và trong năm 2006, ứng cử viên Tổng Thống Felipe Calderón của PAN đã thắng cử, đánh bại ứng cử viên cánh tả PRD là ông López Obrador. Sau đó ông López Obrador đã tranh cãi chống lại kết quả bầu cử, giống như ông cũng làm như vậy một lần nữa trong năm 2012.

Mexico trong tương lai?

Dẫu rằng nữ ứng cử viên Vázquez Mota của đảng PAN chỉ đứng vị trí thứ ba trong các cuộc bầu cử, những người chỉ trích như Giáo Sư Ackerman tin rằng việc bà ra tranh cử có thể là một mưu chước nhằm chia phiếu nơi ba ứng cử viên, gây khó khăn không để cho ông López Obrador giành được chiến thắng. Sau khi ông Pena Nieto được nhanh chóng nêu tên như là người thắng cử vào ngày 1-7-2012, bà Vázquez Mota đã đọc một bài phát biểu nói rằng những kết quả ấy không phải là “một chiến bại”, mà đúng ra chính là một cơ hội cho đảng của bà tổ chức lại và bước đi trên một con đường của sự đoàn kết thống nhất. Trong khi ấy, Tổng Thống Calderon, một nhân vật cùng đảng PAN của bà, đã đọc một bài diễn văn công nhận chiến thắng của ông Pena Nieto.
Thêm vào những điều người ta hoài nghi, ông Pena Nieto tuyên bố rằng ông sẽ tiếp tục công việc mà Tổng Thống Calderón đã làm, trong việc hỗ trợ Hoa Kỳ với cuộc chiến chống ma túy. Chính phủ Tổng Thống Mỹ Barack Obama cũng đã loan báo rằng họ đang trông mong tiếp tục những hoạt động với Mexico liên quan đến cuộc chiến bài trừ ma túy, chúc mừng chiến thắng của ông Pena Nieto.
Trong tháng 11 và tháng 12 năm 2011, nhật báo Viễn Đông tường thuật những câu chuyện liên quan đến cuộc chiến tranh ma túy Hoa Kỳ-Mexico, đưa tin tức cụ thể về tình hình bạo động và những cuộc tản cư do cuộc chiến này gây ra từ năm 2006. Trong khi tin tức của các phương tiện truyền thông chính lưu cho biết có 47.000 người đã bị thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy này, nhật báo Viễn Đông đã tìm hiểu nhờ các cuộc phỏng vấn độc quyền với những người đến từ Mexico, và biết được rằng số người chết có thể còn nhiều hơn thế nữa.
Giáo Sư Ackerman nói: “Tôi không biết bao lâu nữa thì [người Mexico] mới có thể thực sự giải quyết và kiên nhẫn chịu đựng nổi cuộc khủng hoảng nhân đạo mà chúng ta đang trải qua”. Ông nói thêm rằng dù các kết quả bầu cử của Mexico có ra sao đi nữa, thì để ngăn chặn cuộc chiến tranh ma túy, công chúng phải có ý thức và tích cực hành động trên cả hai phía của đường biên giới. “Có một tin mừng, đó là các sinh viên vẫn còn ở trên đường phố”. - (BV)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT