Bình Luận

Sóng ngầm

Wednesday, 08/11/2017 - 08:50:44

Ông Phó được mời ở lại -Northam- là đảng viên Dân Chủ, và ông Phó bị loại đi là Guadagno -đảng viên Cộng Hòa.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Sóng ngầm là hiện tượng sóng dưới mặt nước biển, sóng có thể cao tới 150 thước nhưng chỉ quan sát được từ trên vệ tinh; loại sóng này thường diễn ra theo các đợt thủy triều, khi dòng nước chảy ngang qua các mỏm đất ngầm tại eo biển Luzon, Phi Luật Tân.

Bài báo nhỏ này không thảo luận về loại sóng ngầm đó, mà chỉ ghi nhận cơn sóng ngầm chính trị đang diễn ra tại Hoa Kỳ qua hai dữ kiện: một là kết quả cuộc bầu cử tại nhiều địa phương ngày thứ Ba, 7 tháng 11, 2017 vừa rồi; và hai là số Dân Biểu Cộng Hòa tuyên bố không tái ứng cử năm 2018 nữa.

Qua dữ kiện thứ nhất, sóng ngầm chính trị diễn ra dưới dạng cử tri giữ lại phó thống đốc Virginia -ông Ralph Northam- và loại đi ông Kim Guadagno, phó thống đốc New Jersey; hai ông phó ra ứng cử thống đốc, thay chỗ hai vị thống đốc mãn nhiệm của hai tiểu bang.

Ông Phó được mời ở lại -Northam- là đảng viên Dân Chủ, và ông Phó bị loại đi là Guadagno -đảng viên Cộng Hòa.

Tờ The New York Times nhận định, "Qua lá phiếu họ lựa chọn, cử tri nói lên lời chỉ trích cực mạnh đối với Tổng Thống Trump và đảng Cộng Hòa. Nhờ biết khai thác tâm trạng bất bình của cử tri Dân Chủ, nên các ứng cử viên Dân Chủ thắng cử tại hai tiểu bang Virginia, New Jersey và xâm nhập sâu vào các cộng đồng ngoại ô, trước kia ủng hộ Đảng Cộng Hòa."

Thống đốc Virginia đắc cử nguyên là một quân y sĩ trước khi bước vào lãnh vực chính trị; ông thắng Ed Gillespie -ứng cử viên Cộng hòa gần 9 điểm (53.87% trên 44.95%).

Cũng trong cuộc bầu cử ngày thứ Ba vừa qua, cử tri New Jersey tạo một kết quả ngược lại -họ loại cựu phó thống đốc Cộng Hòa Kim Guadagno, để đưa ứng cử viên Dân Chủ Phil Murphy, lên ghế thống đốc.
Virginia giữ lại người cũ, trong lúc New Jersey chọn người mới; hai sự lựa chọn tưởng như trái ngược, nhưng lại tương đồng: cử tri cả hai tiểu bang này cùng chọn đảng Dân Chủ.


Phút vui chiến thắng tân thống đốc Ralph Northam


Phút vui chiến thắng của tân thống đốc Phil Murphy

Có lẽ tổng thống hình dung được là chính sách của ông tạo khó khăn cho ứng cử viên Gillespie nên 10 ngày trước ngày bầu cử, ông viết tweet xác nhận lập trường độc lập của ứng cử viên Cộng Hòa.


Dịch: Ed Gillespie tận tụy làm việc nhưng không theo tôi, cũng không theo chủ trương của tôi. Xin đừng quên là, mới đây đảng Cộng Hòa đã giữ lại được cả bốn ghế trong Hạ Viện, và với những thành công kỷ lục về kinh tế, chúng ta sẽ tiếp tục thắng, thắng lớn hơn nữa.

Tổng thống đã tiên đoán sai, thắng lợi của đảng Cộng Hòa không lớn hơn, mà cũng không tiếp tục nữa; ngày mùng 7 tháng 11, 2017 đang khởi đầu một loạt tuột dốc chính trị của các chính khách Cộng Hòa.
Tại tiểu bang New Jersey, ông Philip D. Murphy, một cán bộ cũ của tổ chức Goldman Sachs thắng cử thống đốc, chấm dứt triều đại nhiêu khê của cựu Thống Đốc Chris Christie; cũng như tại Virginia, cử tri New Jersey không quan tâm đến lập luận tuyên truyền của ứng cử viên Cộng Hòa trình bày những liên hệ giữa người di dân và tội ác họ tạo ra tại Hoa Kỳ, vì tầm quan trọng không quá đáng của vấn đề, bị ứng cử viên Cộng Hòa khuếch đại để khai thác.

Tư cách bất xứng của nguyên thống đốc New Jersey Chris Christie cũng giúp ông Murphy rất nhiều trong việc thắng cử.

Murphy chủ trương một xã hội cởi mở, nâng đỡ công nhân bằng biện pháp tăng lương tối thiểu lên $15/giờ, và chống lại những biện pháp khe khắt của Tổng Thống Trump. Việc Murphy đắc cử, tạo thêm tiểu bang thứ bảy hoàn toàn dân chủ -từ hành pháp đến lập pháp.


Tân thống đốc và phó thống đốc New Jersey

Đa số ứng cử viên Dân Chủ cũng thắng trong 59 cuộc bầu thị trưởng, như ông Frank Gilliam tại Atlantic City, New Jersey; ông Randall Woodfin tại Birmingham, Alabama; ông Marty Walsh tại Boston, Massachusetts; ông Byron Brown tại Buffalo, New York; bà nghị viên Vi Lyles, tại Charlotte, North Carolina;...

Ngoài những cuộc bầu cử vừa diễn ra trong ngày 7 tháng 11, một hiện tượng mới đang lan tràn diễn ra tại Hạ Viện -một năm trước cuộc bầu cử giữa kỳ 2018, đang có bảy dân biểu Dân Chủ và gần 30 dân biểu Cộng Hòa tuyên bố, họ không tái ứng cử nữa. Vị nào cũng nại lý do riêng.

Dân Biểu Lamar Smith, 69 tuổi, đại diện Texas, chủ tịch Ủy Ban Khoa Học, Không Gian, và Kỹ Thuật, vừa tuyên bố hôm thứ Năm tuần trước, 2 tháng 11, là ông không tái ứng cử nữa; tiếp theo là Dân Biểu Jeb Hensarling, cũng khẳng định "nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ chót."

Danh sách được tiếp nối với bà Dân Biểu Lynn Jenkins tiểu bang Kansas; Dân Biểu Jason Chaffetz tiểu bang Utah, bà Dân Biểu Ileana Ros-Lehtinen; bà Dân Biểu Diane Black; Dân Biểu Charlie Dent tiểu bang Pennsylvania...

Sau ngày thảm bại 7 tháng 11, con số này đang được tiếp nối với Dân Biểu Rep. Ted Poe, Texas; ngay tối hôm đó, ông Poe tuyên bố, "Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn nữa tại Texas với 12 đứa cháu nội, cháu ngoại; cả 12 đứa cùng sinh ra trong thời gian tôi phục vụ tại Hạ Viện."

Dĩ nhiên lý do đó cũng chính đáng như những lý do được quý vị dân biểu Cộng Hòa khác từ chức nêu lên.


Dân Biểu Rep. Ted Poe

Cùng ngày thứ Ba, Dân Biểu Frank LoBiondo, Cộng Hòa, New Jersey, cũng nói không có mặt trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra, sang năm.

Trước đó hai vị Nghị Sĩ Bob Corker, Cộng Hòa -Tennessee, và Jeff Flake, Cộng Hòa -Arizona, cũng đã quyết định không tái ứng cử, vì bất đồng quan điểm với tổng thống.

Sau thắng lợi "thứ Ba 7 tháng 11, 2017" lãnh tụ khối thiểu số Dân Chủ tại Hạ Viện -Dân Biểu Nancy Pelosi, nói với phóng viên truyền thông, "tương lai đã mở cửa cho đảng Dân Chủ." Nghị Sĩ trưởng khối thiểu số Dân Chủ Charles E. Schumer, đồng ý; ông nói, "Thế nghiêng ngả đã rất rõ, quý vị đồng viện Cộng Hòa của chúng tôi nên ý thức điều đó."

Sóng ngầm chính trị tại Hoa Kỳ đang mỗi ngày một lớn hơn, một thấy rõ hơn, có thể quan sát và kiểm chứng ngay tại chỗ, không cần hình chụp từ vệ tinh để chứng minh như sóng ngầm Phi Luật Tân.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT