Đạo và Đời

Sống trong đạo pháp

Wednesday, 06/11/2019 - 07:07:24

Cho nên, bạn đi đâu để tìm kiếm hạnh phúc trong thế gian này? Đâu phải mọi người đều nói với bạn những điều dễ nghe suốt cuộc đời của bạn? Có chuyện đó không?


Cảnh mùa thu ở núi Blood Mountain, tiểu bang Georgia. (Getty Images)


kỳ (3)

Bài THIỀN SƯ AJAHN CHAH

Cho nên, bạn đi đâu để tìm kiếm hạnh phúc trong thế gian này? Đâu phải mọi người đều nói với bạn những điều dễ nghe suốt cuộc đời của bạn? Có chuyện đó không? Nếu không, thì bạn đi đâu bây giờ? Thế giới là như vậy. Chúng ta phải hiểu rõ bản chất của thế giới này.
Đức Phật sống trong thế giới này. Ngài đã kinh nghiệm đời sống gia đình, nhưng Ngài nhìn thấy giới hạn của nó và buông bỏ nó. Vậy thì các bạn, những người tại gia, làm sao để tu hành? Nếu bạn muốn tu hành, bạn phải đi theo chánh đạo. Nếu bạn kiên trì tu tập, bạn sẽ nhìn thấy sự giới hạn của thế giới này và sẽ có thể buông bỏ.

Những người nghiện rượu đôi lúc nói, “Tôi không làm sao bỏ rượu được.” Tại sao họ không thể bỏ rượu? Bởi vì họ chưa nhận thấy cái giá trị của nó. Nếu bạn không nhìn thấy cái giá trị của một điều gì đó, bạn không thể nhìn thấy sự lợi ích của việc buông bỏ nó.
Sự tu hành của bạn sẽ không có kết quả, nếu bạn chỉ tu hành cho vui mà thôi. Nhưng nếu bạn thấy rõ hậu quả và lợi ích của một điều gì, bạn sẽ không đợi người khác khuyên bảo bạn.
Hãy nghe câu chuyện sau về một ngư phủ vừa tìm thấy một thứ gì đó trong cái bẫy cá của ông. Ông biết có cái gì ở đó. Ông nghe thấy một thứ gì đang nhảy lạch bạch bên trong. Cho rằng đó là một con cá, ông thò tay vào lưới thì mới biết đó là một con vật khác. Ông chưa nhìn thấy nó, nên ông lưỡng lự. Có thể nó là một con lươn, nhưng biết đâu, nó cũng có thể là một con rắn. Nếu ông ném nó đi, ông có lẽ hối tiếc, bởi nó có thể là một con lươn. Mặt khác, nếu ông nắm lấy nó mà nó là một con rắn, thì ông có thể bị nó cắn. Ông nghi ngờ, nhưng vì quá ham muốn, ông cứ giữ chặt cái bẫy cá. Thế nhưng, khi ông vừa lôi nó ra và nhìn thấy bộ da vằn vện của nó, ông quăng nó ngay lập tức. Ông không cần đợi ai kêu lên, “Con rắn, thả nó đi!” Nhìn thấy con rắn là ông biết phải làm gì ngay mà không cần đợi ai bảo. Tại sao? Bởi vì ông thấy sự nguy hiểm rắn có thể cắn!

Cũng như thế ấy, nếu chúng ta tu hành cho đến khi chúng ta thấy rõ bản chất của sự việc, chúng ta sẽ không dính dáng với những điều có hại.
Nhưng người ta ít khi thực hành điều này. Họ không suy nghĩ về sự già cả, bệnh hoạn, và chết chóc. Cho nên họ không bao giờ cảm thấy muốn tu hành. Họ đi nghe thuyết pháp nhưng họ không thật sự lắng nghe.
Đôi lúc tôi được mời đi thuyết giảng cho những đoàn thể quan trọng, nhưng họ chỉ khiến tôi cảm thấy khó chịu. Khi nhìn những người có mặt tại đó, tôi có thể nhận thấy rằng họ không đến để nghe pháp. Có người còn nồng nặc mùi rượu, có người đang hút thuốc, có người thì chuyện gẫu. Họ không giống những người có niềm tin vào Phật Pháp chút nào. Giảng pháp ở những nơi như thế không có ích lợi nhiều. Những người không chú ý lắng nghe sẽ nghĩ, “Khi nào ông ấy mới ngừng nói đây? Không thể làm điều này, không được làm điều kia, v.v.” và đầu óc họ nghĩ ngợi lung tung.

Có lúc họ còn mời tôi thuyết giảng cho có hình thức, “Xin ngài cho chúng tôi một bài pháp ngắn.”
Họ không muốn tôi nói nhiều sợ sẽ rầy rà cho họ! Khi tôi vừa nghe có ai nói kiểu này, tôi biết họ đang nghĩ gì. Những người này không thích nghe pháp. Giáo pháp quấy rầy họ. Nếu tôi chỉ nói một bài pháp ngắn, họ sẽ chẳng hiểu gì cả. Nếu bạn chỉ ăn một chút, bạn có no được không?
Có lúc tôi đang nói chuyện để khơi mào cho một đề tài nào đó, thì một gã say rượu la lên, “Ê, tránh đường, tránh đường, Đại Đức sắp ra đến rồi!” Hắn muốn đuổi tôi đi! Nếu tôi gặp những loại người này, tôi phải suy ngẫm rất nhiều, và tôi hiểu rõ thêm về bản chất của con người. Nó giống như một người có một bình nước đầy, mà vẫn xin thêm. Đâu còn chỗ để chứa nữa. Châm thêm nước vào bình đó chỉ khiến nước chảy tràn một cách phí phạm. Dạy dỗ những người như vậy chỉ lãng phí thời gian và sức lực, bởi vì đầu óc họ đã đầy ắp rác rưởi. Tôi không thể cố gắng cho khi không ai cố gắng nhận. Nếu bình nước của họ còn có chỗ trống, người cho và người nhận mới được lợi ích.

Vào thời này, việc thuyết pháp thường là như vậy, và ngày càng tệ hại hơn. Người ta không tìm kiếm chân lý. Họ nghiên cứu giáo lý chỉ để tìm thấy những kiến thức cần thiết cho việc sinh nhai, phụng dưỡng gia đình, và chăm sóc cho bản thân họ. Họ không thật sự nghiên cứu Phật Pháp. Tăng sĩ thời nay có nhiều kiến thức hơn những thế hệ trước rất nhiều. Họ có tất cả những thứ họ cần. Họ có đủ thứ tiện nghi. Nhưng họ cũng đau khổ và hoang mang nhiều hơn. Tại sao vậy? Bởi vì họ chỉ tìm tòi những thứ kiến thức mà họ có thể dùng để kiếm sống.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT