Đạo và Đời

Sống trong đạo pháp

Wednesday, 13/11/2019 - 07:36:36

Ngay cả các tăng sĩ cũng làm thế. Đôi lúc tôi nghe họ nói, “Tôi đâu phải xuất gia để tu hành! Tôi ở đây để nghiên cứu Phật Pháp.”


Cây cô độc giữa mùa thu tại Aomori, Nhật Bản. (Jason Arney/ Getty Images)


(kỳ 4 và hết)

Bài THIỀN SƯ AJAHN CHAH

Ngay cả các tăng sĩ cũng làm thế. Đôi lúc tôi nghe họ nói, “Tôi đâu phải xuất gia để tu hành! Tôi ở đây để nghiên cứu Phật Pháp.”
Đây là lời của những người không biết tu hành là gì. Họ đang ở ngõ cụt. Khi những tăng sĩ này giảng dạy, họ chỉ nói từ trí nhớ. Họ có thể giảng dạy, nhưng tâm của họ thì ở những nơi khác. Sự giảng dạy như thế không phải là Chánh Pháp.
Thế giới là như vậy đó.

Nếu bạn muốn sống bình dị, an ổn để tu hành, họ nói bạn là kỳ quặc và lập dị. Họ nói rằng bạn cản trở sự phát triển của xã hội. Họ còn hù dọa, khiến cho bạn sợ hãi. Bạn có thể sẽ tin những gì họ nói và quay lại với lối sống của thế gian, để rồi ngày càng chìm đắm cho đến khi bạn không thể vụt lên nổi. Có người nói, “Tôi không thể thoát ra được. Tôi đã lún quá sâu rồi.” Xã hội thường là như vậy đó. Ít ai hiểu giá trị của Phật Pháp.
Giá trị của Phật Pháp không nằm trong sách vở. Sách vở chỉ là ngoại hình của Phật Pháp. Chúng không phải là sự chứng ngộ Phật Pháp mà một người kinh nghiệm đạt được qua sự tu hành. Nếu bạn chứng ngộ, bạn nhận biết tâm của mình. Bạn nhìn thấy chân lý ở đó. Khi chân lý trở nên rõ ràng, nó phá tan mọi ảo giác.
Giáo lý của Đức Phật là một chân lý bất di bất dịch. Đức Phật chứng ngộ chân lý này 2,500 năm trước, và nó vẫn là chân lý cho đến ngày nay. Giáo lý này không thể thêm hay bớt. Đức Phật nói, “Những gì Như Lai nói ra không được cắt bỏ, và những gì Như Lai không nói thì không được thêm vào.”
Ngài niêm phong giáo lý của ngài. Tại sao Đức Phật làm thế? Bởi vì sự giảng dạy này là lời nói của một người không có phiền não. Dầu cho thế giới thay đổi, sự giảng dạy này sẽ không thay đổi. Nếu điều gì đó là sai, nói rằng nó đúng có làm cho nó ít sai hơn không? Nếu điều gì đó là đúng mà người ta nói rằng nó là không đúng, thì điều đó có thay đổi gì không? Nhiều thế hệ đã đi qua, nhưng sự giảng dạy này vẫn không thay đổi, bởi vì nó là chân lý.

Vậy thì ai là người tạo ra chân lý này? Chính chân lý tự nó tạo ra chân lý! Có phải Đức Phật đã sáng tạo ra nó không? Không, không phải ngài. Đức Phật chỉ khám phá ra chân lý, bản chất của sự việc, và rồi ngài công bố nó. Chân lý luôn luôn đúng, dầu Đức Phật có xuất hiện nơi thế gian hay không. Đức Phật chỉ “thừa nhận” Phật Pháp mà thôi. Phật Pháp luôn có ở đó. Chỉ là trước kia, chưa ai tìm thấy nó. Đức Phật là người đã tìm kiếm và tìm thấy cái chân lý bất tử mà chúng ta gọi là Phật Pháp và rồi truyền đạt nó. Ngài không sáng tạo ra nó.
Tại một thời điểm nào đó, chân lý được giảng giải và sự tu hành theo chánh pháp bắt đầu. Theo thời gian, sự tu hành suy đồi cho đến khi sự giảng dạy này phai mờ hoàn toàn. Sự hỗn loạn lại thống trị thế gian. Sau một thời gian, chánh pháp lại được khám phá ra và hưng thịnh trở lại. Chân lý lại được thiết lập. Và cứ như vậy hưng thịnh rồi suy vong, nhưng chân lý thật sự không đi đâu cả. Khi các vị Phật qua đời, chánh pháp không biến mất theo họ.

Thế gian xoay vần mãi. Nó giống như một cây xoài. Khi cây lớn lên, nó đơm hoa, kết trái, rồi trái chín. Những trái xoài hư thối rơi xuống và hạt xoài trở lại đất để trở thành một cây xoài mới. Thế gian cũng vậy. Nó chẳng đi đâu xa, mà chỉ xoay vần chung quanh những sự việc cũ.
Đời sống của chúng ta cũng vậy. Hôm nay chúng ta cũng chỉ làm những việc mà chúng ta đã từng làm. Người ta suy nghĩ quá nhiều. Có quá nhiều việc lôi cuốn sự chú ý của họ, nhưng không thứ gì đi tới đâu cả. Có những môn khoa học như toán học, vật lý học, tâm lý học, v.v.. Bạn có thể nghiên cứu bất kỳ môn học nào, nhưng bạn chỉ có thể thấu hiểu nó với sự chứng ngộ chân lý mà thôi.
Hãy hình dung một cái xe bò. Khi con bò đi, chiếc xe để lại dấu xe phía sau nó. Bánh xe có thể không lớn lắm, nhưng dấu xe có thể sẽ rất dài. Nhìn chiếc xe bò khi nó đứng yên, bạn thấy nó chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng một khi con bò bắt đầu chuyển động, bạn thấy dấu xe kéo dài phía sau bạn. Chừng nào con bò còn bước đi, bánh xe còn quay, nhưng một ngày nào đó, con bò sẽ mệt mỏi và không thể kéo xe nữa. Khi con bò bỏ chiếc xe, bánh xe sẽ không quay nữa. Sau một thời gian, chiếc xe hư hỏng, các bộ phận của nó trở về tứ đại đất, nước, gió và lửa.

Khi bạn tìm kiếm sự bình an trong thế gian, bánh xe của chiếc xe bò của bạn quay liên tục và dấu xe kéo dài vô tận phía sau bạn. Chừng nào nào bạn còn chạy theo thế gian, chiếc xe sẽ không ngừng nghỉ. Nhưng nếu bạn chỉ việc dừng lại, chiếc xe sẽ dừng lại, bánh xe sẽ không quay nữa. Ác nghiệp phát sinh như thế đó. Chừng nào bạn còn đi theo con đường cũ, nghiệp quả sẽ sinh khởi mãi. Nếu bạn dừng lại, nó sẽ ngừng sinh khởi. Đây là sự tu hành của chúng ta.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT