Thế Giới

Sri Lanka giảm số tử vong chính thức

Thursday, 25/04/2019 - 07:15:29

Sri Lanka vào ngày thứ Năm đã hạ thấp số người chết trong vụ đánh bom vào lễ Phục Sinh xuống còn 253 người. Trong khi đó, nhà chức trách vẫn đang truy tìm thêm ít nhất 5 nghi can, và chuẩn bị cho khả năng rằng có thể một số vụ tấn công

Sri Lanka giảm số tử vong chính thức

COLOMBO – Sri Lanka vào ngày thứ Năm đã hạ thấp số người chết trong vụ đánh bom vào lễ Phục Sinh xuống còn 253 người. Trong khi đó, nhà chức trách vẫn đang truy tìm thêm ít nhất 5 nghi can, và chuẩn bị cho khả năng rằng có thể một số vụ tấn công nữa sẽ xảy ra vào vài ngày tới. Viên chức y tế Sri Lanka nói rằng, việc giảm số người chết từ 359 người xuống còn 253 người là do các vụ nổ đã phá hoại nghiêm trọng một số thi thể, khiến việc nhận dạng hết sức khó khăn.

Nhiều lãnh đạo tôn giáo tại Sri Lanka đã hủy các buổi cầu nguyện chung, vì lo ngại nguy cơ bị tấn công hoặc sợ bị trả thù. Trong một thông báo bất thường, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Sri Lanka nói rằng các địa điểm thờ phượng tại Sri Lanka có thể bị những kẻ cực đoan tấn công vào cuối tuần này. Ít nhất 58 người đã bị bắt vì có liên quan đến các vụ tấn công, bao gồm cả vị thương gia là cha của 2 trong số những kẻ đánh bom tự sát.

Cảnh sát Sri Lanka khuyến cáo nhiều phiến quân có sở hữu chất nổ vẫn đang lẩn trốn trong nước, và chúng có thể xuất hiện để gây ra thêm các vụ tấn công tự sát. Vụ tấn công đang gây lo ngại về nguy cơ xung đột tôn giáo tại Sri Lanka, quốc gia có 23 triệu dân, với 70% Phật giáo và phần còn lại là người Hồi giáo, Hindu, và Thiên Chúa giáo.

Trung Quốc tố chiếm hạm Pháp 'xâm phạm lãnh hải ở eo biển Đài Loan

BẮC KINH – Chính phủ Trung Quốc đã gởi thư kháng nghị cho Pháp, nói rằng tàu Vendemiaire của Pháp đã xâm phạm lãnh hải Trung Quốc khi tàu này di chuyển qua eo biển Đài Loan. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết đã gởi "lời phản đối nghiêm khắc" tới Pháp, sau vụ tàu hộ vệ Vendemiaire đi ngang qua eo biển Đài Loan hồi đầu tháng 4. "Đây là hành động xâm phạm vùng biển của chúng tôi,” phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói. Một viên chức quốc phòng Hoa Kỳ ẩn danh hôm thứ Ba cho biết tàu Vendemiaire thực hiện hành trình đi qua eo biển Đài Loan hôm 6 tháng 4, và Trung Quốc lúc đó đã điều chiến hạm theo dõi. Hiện chưa rõ vì sao Trung Quốc chỉ đưa ra lời phản đối sau khi truyền thông phương Tây công bố thông tin về hành trình của chiến hạm Pháp.

Hải quân Pháp chưa bình luận bì về thông tin này, cũng không nói rõ hoạt động của tàu Vendemiaire có phải là chiến dịch tuần tra tự do hàng hải hay không. Trung Quốc trước đó đã hủy lời mời tàu chiến Pháp tham gia lễ duyệt binh trên biển nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân nước này hôm 23 tháng 4. Hành động của hải quân Pháp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, liên quan đến vấn đề Đài Loan, chiến tranh thương mại, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, cùng vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Việc chiến hạm Pháp đi qua eo biển Đài Loan là dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Hoa Kỳ đang tăng cường thực hiện quyền tự do hàng hải tại những vùng biển quốc tế gần Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng các nước như Nhật, Úc có thể cũng sẽ có hành động tương tự.

Bắc Hàc dọa đáp trả vì Mỹ - Nam Hàn tập trận chung

SEOUL - Ủy ban hợp nhất và hòa bình của Bắc Hàn vào ngày 25 tháng 4 đã chỉ trích Nam Hàn vì tập trận chung với Không quân Hoa Kỳ. “Chính quyền Nam Hàn đi ngược lại với quá trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên và hành động này khiến chúng tôi thất vọng. Gió sẽ khiến sóng nổi lên. Khi chính quyền Nam Hàn và Hoa Kỳ đã công khai trong việc thực hiện các hành động khiêu khích quân sự chống lại Bắc Hàn, quân đội của chúng tôi sẽ có sự đáp trả tương xứng,” thông báo viết.

Cuộc diễn tập của Hoa Kỳ và Nam Hàn bắt đầu từ đầu tuần này và quy mô đã được thu nhỏ đáng kể so với cuộc tập trận Max Thunder mà họ ban đầu định tổ chức. Bình Nhưỡng tin rằng cuộc tập trận này vi phạm hiệp ước quân sự mà 2 bên đạt được trong hội nghị lần 3 giữa Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in và Chủ Tịch Bắc Hàn hồi tháng 9 năm ngoái. Theo đó, hai nước đã đồng ý rằng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ thiết lập một ủy ban quân sự, nhằm xây dựng niềm tin lẫn nhau và thiết lập một khu vực ở Hoàng Hải và Biển Nhật Bản, nơi 2 bên sẽ không tổ chức tập trận quân sự.

Khi bình luận về cuộc diễn tập chung, quyền Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan và người đồng cấp Nam Hàn Jeong Kyeong Doo nói rằng quy mô của cuộc tập trận lần này đã thu hẹp đáng kể, nhằm “giảm căng thẳng và ủng hộ cho nỗ lực ngoại giao nhằm giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.”

Bộ trưởng Philippines hứa sẽ buộc Trung Quốc tôn trọng chủ quyền

MANILA - Bộ Trưởng Thương Mại Philippines Ramon Lopez hôm thứ Năm tuyên bố, dù nước này đã ký các hợp đồng nhiều tỷ Mỹ kim với đối tác thương mại là Trung Quốc, Manila vẫn sẽ không nhượng bộ trong việc yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông Lopez nói Tổng Thống Rodrigo Duteter và người dân Philippines sẽ bảo đảm rằng chủ quyền lãnh thổ được tôn trọng, và Manila cũng sẽ vẫn duy trì tình thân hữu với Bắc Kinh. Ông Lopez cũng tin rằng, mọi bất đồng về lãnh thổ có thể được giải quyết trước khi trở nên trầm trọng thêm, nhưng bất kỳ sự đe dọa nào cũng sẽ ảnh hưởng tới các tiến triển trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Vị bộ trưởng này nói, theo ý kiến riêng của ông, Trung Quốc không phải là một nước hiếu chiến và cũng không phải là một nước xâm lược. Ông Lopez cho biết các lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục đối thoại, và quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đang rất ổn định và vững chắc. Bộ Trưởng Lopez hiện đang tháp tùng Tổng Thống Duterte trong chuyến thăm 4 ngày tại Bắc Kinh. Tại đây, ông Duterte dự kiến sẽ có cuộc họp với Chủ Tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị Vành đai và Con đường. Vào đầu tháng này, Manila đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền khi cho hàng trăm tàu bao vây quanh đảo Thitu mà Philippines đang kiểm soát. Tổng Thống Duterte đã kêu gọi Trung Quốc nên ngừng tay và đe dọa sẽ điều động binh sĩ. Theo giới quan sát, các diễn biến gần đây cho thấy Manila có vẻ đã học được cách đối phó qua lại với Bắc Kinh, thay vì chỉ nhượng bộ trong các tranh chấp để đổi lấy cơ sở hạ tầng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT