Đời Sống Việt

SỬ CŨ THƠ XƯA (2)

Sunday, 16/08/2015 - 04:13:13

Sau nầy nữa, bà Tiên Dong mộng cho ông Ức Trai Nguyễn Trãi nên theo phò chúa là ông Lê Lợi nên ông mới vâng theo, cùng người bà con cô cậu là ông Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn. Ngày nay có 2 đền thờ Chữ Đồng Tử (và Tiên Dong) ở Khoái Châu, Hưng Yên. Một đền nhìn ra bãi Từ Nhiên, một đền ở xã Dạ Trạch.SỬ ĐỒNG TỬ

Với mục Sử Cũ Thơ Xưa, câu chuyện của nước Việt ta được kể lại từ thời vua Hùng Vương đến thời của thi sĩ Vũ Hoàng Chương

1) HÙNG VƯƠNG (tiếp theo)
Đến đầu thế kỷ 20, dân Việt đã bành trướng lãnh thổ về phía Nam đến tận mũi Cà Mau với 25 triệu người và dùng chữ Quốc Ngữ trong thi văn:

ĐỀN HÙNG VƯƠNG
(Xướng)
Phảng phất xuân đưa ngọn khói trầm
Miếu lăng ai vẽ cảnh thương tâm
Thành đô khi trước người rong ruổi
Non nước bây giờ khách viếng thăm
Cám cảnh cháu con hăm mấy triệu
Tưởng công tôn tổ bốn nghìn năm
Chắp tay vái lại mây trời thẳm
Phù hộ muôn dân buổi cát lầm
(Á Nam Trần Tuấn Khải)

(Tự họa)
Thời vận than chi bỗng với trầm
Suối vàng bệ ngọc phỏng yêm tâm
Bốn nghìn năm cũ còn công lớn
Mười tám bia truyền dễ lối thăm
Trăm trứng tiên rồng chung một bọc
Ba kỳ hương khí chúc muôn năm
Anh em Nam Việt ai đâu đấy!
Nhớ tổ vương đây kẻo nữa lầm.
(Á Nam Trần Tuấn Khải) 1895-1983

Đây là hai bài Đường thi Xướng và Tự Họa của cùng một tác giả đầu tiên trong thi sử nước Việt?

Thật ra từ đời nhà Trần với lời thơ của quan đời Trần và những chuyện trong Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên cho tới thời nhà Lê với những thi nhân viết Hồng Đức Quốc Âm thi tập trong Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông đã kể lại những câu chuyện lịch sử của thời vua Hùng Vương: chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, Sử Đồng Tử, Phù Đổng Thiên Vương và Lý Ông Trọng.

Chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh đời vua Hùng Vương đã dẫn đến việc núi Tản Viên và sông Đà Giang như là biểu tượng cho nguồn gốc dân tộc Việt Nam:
Vua Hùng Vương thứ 18 có một người con gái đẹp là Mỵ Nương. Sơn Tinh (Thần Núi) và Thủy Tinh (Thần Sông) đều cầu hôn. Sơn Tinh đem lễ vật đến trước. Theo đúng lời hứa, vua Hùng Vương gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh đem về núi Tản Viên (trong dãy núi Ba Vì, Hà Tây). Thủy Tinh tức giận đánh Sơn Tinh bằng cách dâng nước sông Đà Giang và các phụ lưu nhưng không tới được núi cao. Từ đó 2 Thần đánh nhau mỗi năm một lần với lụt lội, mưa gió và sấm sét. Sơn Tinh là Thần núi Tản Viên rất linh thiêng đến nổi Tiết Độ Sứ nhà Đường là Cao Biền sau nầy không trấn áp nổi phải than rằng: “Linh khí nước Nam còn thịnh vượng lắm, không tài nào mà trừ được”.
Chuyện nầy đã ghi trong lịch sử từ đời nhà Trần qua bài thơ của quan Hàn Lâm nhà Trần là Nguyễn Sĩ Cố (?-1312), từng là thầy của vua Trần Nhân Tông. Khi theo vua đi dẹp giặc Ai Lao qua đây ông có làm bài thơ khấn thần núi Tản Viên (Sơn Tinh):

TỤNG GIÁ TÂY CHINH YẾT TẢN VIÊN TỪ (*)
Sơn tự thiên cao thần nhạc linh
Tâm lương tài khấu dĩ văn thanh
Mỵ Nương diệc cụ uy nghi giả
Thả vị thư sinh bảo thử hành
(Nguyễn Sĩ Cố)

Non ngất thần tiên lẫm liệt thay
Động lòng mà thấu tới cao dày
Mỵ Nương cũng hiện oai linh lắm
Xin giúp thư sinh một chuyến nầy.
(Phan Kế Bính dịch)
(*) Theo vua đi đánh giặc phương tây lễ đền thần núi Tản Viên.

Ông Nguyễn Sĩ Cố là một trong những người đầu tiên làm thơ chữ Hán Nôm như các ông Hàn Thuyên, Hồ Quý Ly và Chu Văn An nhưng những bài thơ đều đã thất truyền. Khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ chiếm nước ta đã hủy diệt hết hay đã đem về Tàu !

Đời nhà Nguyễn cũng có thơ của ông Cao Bá Quát:

VỊNH TẢN VIÊN SƠN
Danh sơn sơn thượng cổ kim truyền
Tứ vọng đoàn đoàn nhược Tản viên
Vân mại trùng tiêu tinh khả trích
Địa dao vạn nhận thủy vô truyền
Yên hà truyền tỏa vô trần cảnh
Tuyền thạch nhàn thê bất lão tiên
Đường ý đảm hàn, Cao thúc thủ
Nguy nhiên nam cực trấn Nam thiên.
(Cao Bá Quát)

VỊNH NÚI TẢN VIÊN
Núi đây nổi tiếng tự ngàn năm
Bốn mặt tròn xoe ngất một vòm (*)
Đỉnh sát từng trời sao dễ với
Đất cao muôn bậc nước không chờm
Đá khe vui thú tiên không tuổi
Mây ráng thường ngăn cảnh khác phàm
Cao chịu bó tay, Đường ý khiếp
Phương nam chất ngất trấn trời Nam.
(Khương Hữu Dụng dịch)

(*) Núi Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xoè ra như cái dù (ô) nên gọi là Tản.

Dù nghi ngờ chuyện vua Hùng Vương, ông Nguyễn Khắc Hiếu cũng lấy bút hiệu Tản Đà, tự hào là quê hương nguồn gốc của mình:

QUÊ NHÀ CHƠI MÁT CẢM HỨNG
Con đường vô hạn khách đông tây
Ta nhớ ai mà mãi tới đây ?
Nước rợn sông Đà con cá nhảy
Mây trùm non Tản cái diều bay
Nặng như quả Đất mà xoay được
Cao đến ông Trời khó với thay
Trời, đất, cá, chim, đều tự đắc
Ở đời ai dễ chẳng vung tay !
(Tản Đà) 1889-1939

Đời vua Hùng Vương thứ ba có chuyện ông Sử Đồng Tử và bà Tiên Dong:
Trong một chuyến du hành, con gái của vua Hùng Vương thứ ba tên là Tiên Dong gặp một người dân nghèo trần truồng không có được một cái khố che thân tên là Sử Đồng Tử ở làng Chữ Xá khi đang tắm ao. Bà Tiên Dong liền kết nghĩa vợ chồng với ông Sử Đồng Tử (còn gọi là Chử Đồng Tử). Hai người sống đời dân giả và làm nghề buôn bán trở nên giàu có. Nhân một cuộc du hành, Sử Đồng Tử gặp ông sư Phật Quang truyền cho đạo (Phật ?) và khi từ giả lại tặng cho một cây gậy và một cái nón. Sử Đồng Tử về truyền đạo cho Tiên Dong. Hai vợ chồng bỏ gia sản đi đến chỗ vắng để tu hành. Đến một chỗ nghỉ, khi chống cây gậy lên và đội nón thì chổ đó biến thành một thành phố với dân cư và đền đài cung điện. Vua Hùng Vương sợ 2 người làm loạn sai quân đến đánh. Nhưng chỉ một đêm quan quân thấy tất cả đều biến mất chỉ còn một bãi đất không ở giữa một cái đầm. Bởi thế bãi ấy gọi là bãi Tự Nhiên (hay Từ Nhiên) và đầm ấy gọi là đầm Nhất Dạ (một đêm). Từ đó dân lập miếu thờ 2 người. Sau nầy Việt Vương Triệu Quang Phục đóng quân ở đầm Nhất Dạ nầy (còn gọi là Dạ Trạch) chống với quân Trần Bá Tiên của nhà Lương bên Tàu thì có khấn thần. Thần Sử Đồng Tử hiện ra trong cơn mộng, cho Triệu Việt Vương một cái vuốt rồng khi cắm lên chóp mũ thì sức mạnh hơn trước, đánh bại quân nhà Lương về Tàu. Sau nầy nữa, bà Tiên Dong mộng cho ông Ức Trai Nguyễn Trãi nên theo phò chúa là ông Lê Lợi nên ông mới vâng theo, cùng người bà con cô cậu là ông Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn. Ngày nay có 2 đền thờ Chữ Đồng Tử (và Tiên Dong) ở Khoái Châu, Hưng Yên. Một đền nhìn ra bãi Từ Nhiên, một đền ở xã Dạ Trạch.

SỬ ĐỒNG TỬ
Hiền thảo dòng nhà thấu bích thiên
Đành hay phúc thiện máy Từ Nhiên (*)
Mấy thu nhem nhuốc rèn gan sắt
Một phút giàu sang kết bạn Tiên
Triệu Việt nạn xong nên nghiệp cả
Ức Trai mộng tỏ phí lời nguyền
Anh linh miếu dõi lừng hương khói
Còn nước còn non tiếng hãy truyền.
(Thi nhân đời Hồng Đức)
(*) Bãi Tự Nhiên.

Phật Thích Ca nhập Niết Bàn năm 486 hay 483 tr CN. Phật Giáo truyền vào Trung Quốc thời Đông Hán (vào đầu thế kỷ 1 sau CN) rồi sau đó mới truyền vào Bắc Việt vào thời Bắc Thuộc. Do đó câu chuyện ông Sử Đồng Tử được truyền đạo Phật và cái “vô thường” của bãi Tự Nhiên trong thời vua Hùng Vương là không đúng với lịch sử?

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT