Đời Sống Việt

SỬ CŨ THƠ XƯA (4)

Saturday, 29/08/2015 - 10:24:52

Triệu Đà, quan Úy của quận Nam Hải (Quảng Đông bây giờ) muốn chiếm nước Âu Lạc nhưng vì có nỏ thần nên đánh không thắng nỗi. Ông lập kế cho con là Trọng Thủy sang Âu Lạc lấy con của An Dương Vương là Mỵ Châu và chịu ở rể.

Với mục Sử Cũ Thơ Xưa, câu chuyện của nước Việt ta được kể lại từ thời vua Hùng Vương đến thời của thi sĩ Vũ Hoàng Chương

2) MỴ CHÂU TRỌNG THỦY

Theo Việt Nam Sử Lược của ông Trần Trọng Kim:
Năm 257 tr CN, An Dương Vương Thục Phán của nước Thục (không rõ ở đâu) đánh bại vua Hùng Vương thứ 18, lập nước Âu Lạc đóng đô ở Phong Khuê (nay thuộc tỉnh Phúc Yên). Nhờ thần Kim Quy, ông xây thành Cổ Loa hình xoáy như trôn ốc (gọi là Loa Thành). Thần Kim Quy còn cho ông một móng chân làm thành một cái nỏ thần, bắn một phát giết hàng vạn người.
Triệu Đà, quan Úy của quận Nam Hải (Quảng Đông bây giờ) muốn chiếm nước Âu Lạc nhưng vì có nỏ thần nên đánh không thắng nỗi. Ông lập kế cho con là Trọng Thủy sang Âu Lạc lấy con của An Dương Vương là Mỵ Châu và chịu ở rể.
Trọng Thủy hỏi dò vợ mình là Mỵ Châu tại sao không ai thắng nỗi nước Âu Lạc. Vì tin chồng, Mỵ Châu kể chuyện cái nỏ thần và lén lấy cho chồng xem. Trọng Thủy lén tráo đem cái nỏ giả thay vào. Sau đó Trọng Thủy xin về nước thăm cha. Khi sắp đi, Trọng Thủy hỏi Mỵ Châu rằng: “Tôi về, mà lỡ có giặc giã đánh thì làm sao tôi tìm được nàng”. Mỵ Châu nói rằng: “Thiếp có cái áo lông ngỗng, hễ khi thiếp có chạy về đâu thì sẽ lấy lông ngỗng rắc dọc đường”.
Trọng Thủy đem nỏ thần về và kể sự thật cho cha là Triệu Đà, ông nầy liền đánh Âu Lạc (năm 207 tr CN). Vì nỏ thần giả nên không hiệu nghiệm nữa, do đó vua An Dương Vương thua trận phải đem Mỵ Châu lên ngựa mà chạy đến núi Mộ Dạ (nay là huyện Đông Thành, Nghệ An). Ông khấn thần Kim Quy thì thần hiện lên và bảo rằng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đấy”. An Dương Vương tức giận mới chém chết Mỵ Châu rồi nhảy xuống giếng tự tử. Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng của vợ rắc đuổi đến núi Mộ Dạ. Thấy xác vợ, Trọng Thủy thương xót đem xác Mỵ Châu về chôn ở thành Cổ Loa rồi nhảy xuống giếng tự tử.

THỤC AN DƯƠNG VƯƠNG
Vận nước hay đâu lúc vắn dài
Giang san nhà Thục trách vì ai ?
Nghe thần những chắc thần còn giúp
Tin rể không ngờ rể lại sai
Thả cọp về rừng đành có một
Nuôi ong tay áo hẳn không hai
Loa thành di tích bao mưa gió
Hương lửa đền công mối cảm hoài.
(Phác Ngọc)
Nay ở làng Cổ Loa trước đền thờ An Dương Vương có cái giếng tục truyền rằng Trọng Thủy chết ở giếng ấy. Tục cũng truyền rằng máu của Mỵ Châu chảy xuống bể, những con trai ăn phải hóa ra ngọc trân châu. Hễ ai lấy được ngọc ấy đem về rửa ở giếng Trọng Thủy ở đền Cổ Loa thì ngọc ấy trong và đẹp ra.
(Việt Nam Sử Lược/ Trần Trọng Kim)
Ông Á Nam Trần Tuấn Khải có bài thơ vịnh:

CỔ LOA HOÀI CẢM
Thành quách còn mang tiếng Cổ Loa
Trải bao gió táp với sương sa
Nỏ thiêng hờ hững dây oan buộc
Giếng ngọc vơi đầy giọt lệ pha
Hoa cỏ vẫn cười ai bạc mệnh
Cung đình chưa sạch bụi phồn hoa
Hưng vong biết chửa người kim cổ
Tiếng quốc năm canh bóng nguyệt tà. (*)
(Á Nam Trần Tuấn Khải)
Tuy nhiên trước ông Á Nam cũng đã có ông Chu Mạnh Trinh làm thơ vịnh Cổ Loa và ý của câu kết cũng giống như câu kết của ông Á Nam:

CỔ LOA HỮU CẢM
Lang quân tình trọng phụ ân thâm
Bất bạch kỳ oan trực đáo câm
Cơ trảo vô linh quy diệc khứ
Minh châu hữu lệ bạng do trầm
Hoàng bi cổ thụ thiên niên quốc
Bích hải dao thiên nhất phiến tâm
Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm
(Chu Mạnh Trinh) 1862-1905

Tình chồng vốn nặng nghĩa cha sâu
Oan tỏ cùng ai hận mãi đau
Móng chẳng còn thiêng, rùa đã tếch
Bia tàn cổ thụ nầy sông núi
Bể biếc trời xanh nọ mối sầu
Ngọc lưu vết lệ, bạng chìm sâu
Ngoài điện An Dương ngôi miếu lạnh
Trăng mờ tiếng cuốc não canh thâu.(*)
(Tiên Đàm dịch)
(*) Tương truyền có ông vua nước Thục (có lẽ vào thời nhà Tần, là tỉnh Tứ Xuyên bây giờ) bỏ nước đi ở ẩn hay bị mất nước về nước Sở (trong thời Chiến Quốc), khi chết hóa thành chim đỗ quyên (tức là chim cuốc), kêu suốt mùa xuân và chỉ kêu một tiếng “quốc” (nước) mà thôi vì nhớ nước mình. Điển tích nầy cũng có ghi trong bài “Qua Đèo Ngang tức cảnh” của Bà Huyện Thanh Quan.
An Dương Vương Thục Phán mang họ Thục nhưng không phải từ nước Thục hay đất Thục bên Tàu như lầm tưởng, kể cả vua nước Thục nầy cũng không phải là họ Thục (Vùng đất Thục nầy của tỉnh Tứ Xuyên bên Tàu lấy từ tên của thổ dân ở đây gọi là người Thục vào thời Xuân Thu). Vua Thục Phán là người địa phương ở nước Văn Lang hay gần bên. Tên nước Âu Lạc của An Dương Vương có liên quan từ bà Âu Cơ và Lạc Long Quân?
Chuyện tình của Mỵ Châu Trọng Thủy là đề tài cho nhiều thơ tình của thế kỷ 20. Chuyện tình nầy còn hay hơn Romeo and Juliet nhiều mà lại có thiệt: nó liên quan đến tình trai gái, vợ chồng, cha con, nhà nước... đủ tất cả.

THƠ TÌNH CỔ LOA
Ấm áp trời xuân mai nở hoa
Nàng thơ đẹp giọng xướng như hòa
Hương chưa phai lạt trầm quên đốt
Sắc vẫn yêu kiều phấn biếng thoa
Nhắc đến tình duyên lời nói nghẹn
Vẽ qua số kiếp lệ tuôn nhòa
Mỵ Châu Trọng Thủy sầu ly biệt
Trổi khúc nhạc lòng hận Cổ Loa.
(Lãng Ba)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT