Đời Sống Việt

Sử Cũ Thơ Xưa

Saturday, 08/08/2015 - 11:41:13

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của ông Ngô Sĩ Liên phát hành năm 1479 đời vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức thứ 10) theo thể biên niên từ Kinh Dương Vương (2879 tr CN) cho đến nhà Hậu Lê bắt đầu (1427) gồm có 15 quyển.

Sử Cũ

Việt Sử dựa vào những sử liệu dưới đây:
(1) Đại Việt Sử Ký của ông Lê Văn Hưu (1230-1322) ghi từ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) đến hết đời vua Lý Chiêu Hoàng viết bằng chữ Hán gồm 30 quyển ban hành năm 1272 đời vua Trần Thái Tông nhưng nay đã thất lạc. Tuy nhiên những lời bình của ông Lê Văn Hưu được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Ông Lê Văn Hưu đậu Bảng Nhãn năm 1247 (17 tuổi) cùng khóa với Trạng Nguyên Nguyễn Hiền (12 tuổi) và Thám Hoa Đặng Ma La (14 tuổi).

(2) Đại Việt Sử Ký Tục Biên của ông Phan Phù Tiên ghi từ vua Trần Thái Tông đến lúc quân Minh bị Bình Định Vương Lê Lợi đánh bại phải rút về nước (1429) ban hành năm 1455 đời vua Lê Nhân Tông viết bằng chữ Hán nhưng nay đã thất lạc. Ông Phan Phù Tiên còn viết Việt Âm Thi Tập (1433) ghi lại thơ của nước Đại Việt. Ông Phan Phù Tiên cũng là vị thầy thuốc qua tác phẩm “Bản Thảo Thực Vật Toát Yếu” ghi lại các biện pháp chữa bệnh, cách ăn uống và ghi 400 thức ăn bổ ích.

(3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của ông Ngô Sĩ Liên phát hành năm 1479 đời vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức thứ 10) theo thể biên niên từ Kinh Dương Vương (2879 tr CN) cho đến nhà Hậu Lê bắt đầu (1427) gồm có 15 quyển.
Đời vua Lê Huyền Tông, theo lệnh của Chúa Trịnh Tạc, ông Phạm Công Trứ sửa chữa lại bản Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của ông Ngô Sĩ Liên và ghi thêm từ đời vua Lê Thái Tổ (1428) cho đến vua Lê Thần Tông (1662) gồm tất cả 23 quyển nhưng chưa phát hành.
Quan Tham Tụng Lê Hy ghi thêm từ đời vua Lê Huyền Tông (1663) tới vua Lê Gia Tông (1675) tổng cộng thành Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gồm 25 quyển ban hành năm 1697 đời vua Lê Hy Tông.
Tổng cộng lại, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 25 quyển nầy bằng chữ Hán Nôm theo lối biên niên được dịch ra chữ Quốc Ngữ vào nửa cuối thế kỷ 20. Toàn bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gồm nhiều tác giả ghi từ Kinh Dương Vương (2879 tr CN) đến hết đời vua Lê Gia Tông (1675) viết từ năm 1479 cho đến 1697 (hơn 200 năm).

(4) Viết tiếp theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đại Việt Sử Ký Tục Biên của các ông Nguyễn Hoàn, Lê Quý Đôn và Vũ Miên gồm 6 quyển viết từ đời vua Lê Hy Tông (1676) đến đời vua Lê Ý Tông (1740) gồm 6 quyển bằng chữ Hán Nôm ban hành năm 1775 dưới thời Chúa Trịnh Sâm (rất thiên vị Chúa Trịnh và Bắc Hà).

(5) Đại Việt Sử Ký Tiền Biên gồm 17 quyển bằng chữ Hán Nôm theo lối biên niên do ông Ngô Thì Sĩ biên soạn và ông Ngô Thì Nhậm hiệu đính, ban hành năm 1800 dưới thời vua Cảnh Thịnh của nhà Nguyễn Tây Sơn. Đại Việt Sử Ký Tiền Biên viết từ đời Hồng Bàng đến khi thuộc nhà Minh.

(6) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là chính sử của Quốc Sử Quán của nhà Nguyễn do ông Phan Thanh Giản làm Tổng Tài (chủ biên) hoàn thành năm 1859 và được chính thức ban hành vào đời vua Kiến Phúc (1884). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục gọi tắt là Cương Mục viết bằng chữ Hán đa số theo lối biên niên gồm có Tiền Biên (từ thời Hồng Bàng đến khi Đinh Bộ Lĩnh gồm thâu 12 Sứ Quân vào năm 968) và Chính Biên (từ thời vua Đinh Bộ Lĩnh đến khi vua Lê Chiêu Thống mất ngôi vào năm 1789). Cương Mục được dịch ra chữ Quốc Ngữ vào năm 1960 ở Hà Nội và ấn hành năm 1998.

(7) Việt Nam Sử Lược của ông Trần Trọng Kim viết bằng chữ Quốc Ngữ hệ thống toàn bộ lịch sử nước Việt từ đời Hồng Bàng cho đến thời Pháp Thuộc (1902) xuất bản lần đầu tiên vào năm 1920.

(8) Sử gia Phạm Văn Sơn (1915-1978) của thời Việt Nam Cộng Hòa có những tác phẩm:
-Việt Sử Toàn Thư ghi từ đời Hồng Bàng cho đến khi mất độc lập về tay Pháp xuất bản năm 1960.
-Việt Sử Tân Biên gồm 7 cuốn từ đời Hồng Bàng cho đến hết chế độ Pháp Thuộc (1945?) xuất bản lần lượt từ cuốn trong khoảng 1956-1972.
-Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa (3 cuốn)
-Cuộc Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968 (viết chung với ông Lê Văn Dương)
Ông Phạm Văn Sơn là Đại Tá trong QLVNCH làm về Quân Sử của Bộ Tổng Tham Mưu. Ông đi tù “cải tạo” sau 75 và qua đời ở trại cải tạo tân lập huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú (Bắc Việt).

Thơ Xưa
Từ thời Bắc Thuộc, thơ Đường Luật đã truyền vào nước Việt. Ngoài các sử gia kể trên, thi nhân từ ngàn xưa cũng dùng thơ bằng chữ Hán, chữ Nôm hay chữ Quốc Ngữ để viết về lịch sử.

Với mục Sử Cũ Thơ Xưa, câu chuyện của nước Việt ta được kể lại từ thời vua Hùng Vương đến thời của thi sĩ Vũ Hoàng Chương

1) Hùng Vương

Nguồn gốc “Con Rồng Cháu Tiên” của người Việt chúng ta bắt đầu từ thời Hồng Bàng.
Tục truyền rằng vua Đế Minh (cháu 3 đời vua Thần Nông) đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc Hồ Nam) lấy một nàng Tiên đẻ ra con thứ là Lộc Tục. Lộc Tục làm vua nước Xích Quỷ ở phương nam xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy Long nữ đẻ ra Lạc Long Quân tên là Sùng Lãm. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng rồi nở ra 100 con trai. Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: “Ta là dòng dõi Rồng còn Nàng là dòng dõi Tiên nên phải chia ra...”. Thế là Lạc Long Quân đem 50 con lên núi và Âu Cơ đem 50 con xuống biển (Nam Hải). Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang cai trị dân tộc Lạc Việt xưng là Hùng Vương họ là Hồng Bàng. Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên thời nhà Nguyễn) truyền được 18 đời. Lãnh thổ có 15 bộ gồm toàn miền bắc nước Việt Nam bây giờ cho đến Quảng Trị.
(Việt Nam Sử Lược/Trần Trọng Kim).
Từ Kinh Dương Vương (2879 tr CN) đến hết đời Hùng Vương thứ 18 (258 tr CN) có 20 đời vua trong vòng 2622 năm? Đến thế kỷ 20 với khoa học tiến bộ, một người dân thường mới làm thơ thắc mắc:

Một Trứng Trăm Giai (*)

Sử sách thủa hồng hoang chưa có
Miệng đồn không đó dám tin nào
Hai mươi nhăm triệu đồng bào
Nguồn xa cội cũ biết bao nhiêu là?
Khen ai khéo bày ra quái gở
Trứng trăm giai sinh nở lạ thường
Cho hay là sự hoang đường
Dòng khôn, khôn nhẽ giống nhường chim muông?
(Tản Đà)
(*) Đúng phải là một bọc trăm trứng đẻ ra trăm giai!

Tuy nhiên từ ngàn xưa lòng tin tưởng và tự hào là “Con Rồng Cháu Tiên” vẫn có sẵn trong tâm hồn người dân Việt. Do đó sau khi dành độc lập từ 1,000 năm Bắc thuộc, người Việt đã khởi công xây đền thờ vua Hùng Vương (gọi là Đền Hùng) ở núi Nghĩa Lĩnh (nay là xã Hy Lương, TP Việt Trì, Phú Thọ) là nơi kinh đô cũ của nước Văn Lang. Đền được xây dựng từ đời vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ thứ 10) cho đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) mới xong.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT