Xe Hơi

Sử dụng kích để nâng xe

Saturday, 29/03/2014 - 01:27:08

Một trong những dụng cụ thông thường mà người chủ xe nên có là bộ kích, được dùng để nâng xe lên cao nhằm có đủ chỗ cho một người chui vào nằm dưới gầm xe. Dĩ nhiên, không ai nằm dưới đó để tận dụng bóng râm, nhưng là để làm những công việc bảo trì thường thức như thay dầu nhớt, kiểm tra thắng

Hao Smith


Đầy đủ thành phần của bộ kích, bao gồm: Jack, 2 Jack Stand, và 1 creeper


 
Một trong những dụng cụ thông thường mà người chủ xe nên có là bộ kích, được dùng để nâng xe lên cao nhằm có đủ chỗ cho một người chui vào nằm dưới gầm xe. Dĩ nhiên, không ai nằm dưới đó để tận dụng bóng râm, nhưng là để làm những công việc bảo trì thường thức như thay dầu nhớt, kiểm tra thắng, hoặc thay một cái lốp xì hơi . Bởi vì, dưới gầm xe có sinh mạng một con người, nên chúng ta không thể khinh suất trong việc sử dụng kích.

An toàn về kích

Sử dụng kích, chúng ta cần phải có đủ 2 thành phần: Kích và đế kích. Kích (Jack) là bộ phận giúp chúng ta đẩy và nâng xe lên cao; Còn đế kích (jack stand) là bộ phận để an tọa cái xe trên vị trí nâng cao ấy, đế kích thường đi cặp đôi (2 cái). Cùng với bộ kích, người ta còn chế thêm cái “creeper”, tức là cái dụng cụ - trông giống như cái mặt bàn thấp, hoặc … cái giường - cho phép chúng ta nằm trên đó để bò vào và làm việc thoải mái hơn dưới gầm xe. Không nhất thiết phải có cái “creeper” này, nhưng những người thích tự làm công tác bảo trì và sửa chữa nhỏ cho cái xe của mình thì rất nên có.

Sau đây là những điều cụ thể cần giữ để bảo đảm sự an toàn trong khi làm việc với kích:

1. Không bao giờ dùng kích để giữ xe ở vị trí nâng cao: Bởi vì đây là công việc của đế kích (jack stand)

Đã có nhiều người bị thiệt mạng do xe sụp xuống đè chết giữa lúc đang làm việc dưới gầm xe, chưa kể những trường hợp thương tích nặng nề. Sự việc xảy ra gần đây nhất là hồi giữa tháng Hai, năm 2014, nạn nhân là một thanh niên 37 tuổi, ở tại thành phố Sidmouth, Anh Quốc. Cuối tháng Giêng, 2014 một thanh niên khác, 29 tuổi, từ giã cuộc sống tươi đẹp bên Úc vì lý do tương tự. Thê thảm hơn nữa là một anh chàng mới có 20 tuổi, thiệt mạng dưới gầm xe trong garage nhà mình ở Portland, Oregon, vào đầu tháng 12, năm 2011.

Tất cả đều phạm phải một lỗi lầm “nhỏ”: Dùng kích đẩy xe lên cao, sau đó cứ để cái kích lại đó giữ xe trong tư thế trên cao. Trong khi đương sự đang làm việc dưới gầm xe thì kích bị sụp, khiến cả cái xe nặng nề rớt xuống, đè trên người của nạn nhân.

Thực ra, đây là một cái lỗi chết người, chứ không phải là lỗi nhỏ. Bởi vì, kích được thiết kế để cung cấp sức đẩy, chứ không đủ vững vàng để giữ xe ổn định trong vị trí nâng cao qua một thời gian lâu dài. Để làm công việc này, chúng ta cần có đế kích (jack stand).

2. Không bao giờ kích xe mà không có vật cản để bánh xe khỏi lăn về phía đối diện: Khi chúng ta nâng xe ở một đầu, đương nhiên xe bị chúi về đầu bên kia, và rất có thể bánh xe sẽ lăn đi về hướng ngược lại. Vì thế, điều cần thiết là phải có vật cản để ngăn xe di chuyển. Vật cản có thể là một viên gạch lớn, một súc gỗ, hoặc một khối kim loại (metal chock). Có thể mua khối kim loại được chế riêng cho mục đích này ở các tiệm auto parts, và giữ luôn ở trong xe để phòng khi bất ngờ cần tới.

Nếu phải thay lốp xe trên đường mà không có vật cản, bạn nên đậu xe sát bên lề, và xoay tay lái vào bên trong lề đường. Làm như vậy, nếu bánh xe có lăn, xe sẽ được lề đường cản lại, chứ không lăn ra ngoài đường, đụng vào xe cộ hoặc khách bộ hành vãng lai.

3. Cần tìm một mặt đường bằng phẳng trước khi kích xe. Nếu bị xẹp lốp khi xe đang đổ dốc, chúng ta không nên liều lĩnh để xe tiếp tục lăn bánh với cái lốp xẹp, bởi vì làm như vậy là “khai tử” vĩnh viễn cho cái lốp xe. Nếu buộc phải dừng lại để thay lốp, bạn nên cho xe sát lề đường, và xoay tay lái cho bánh xe quay vào phía trong lề, rồi tìm vật cản đề ngăn bánh cho xe khỏi lăn theo triền dốc.

Tuy nhiên, đây là trường hợp bất đắc dĩ. Cũng như khi phải dừng lại trên Freeway để thay lốp, rất dễ biến chúng ta thành nạn nhân bị cướp bóc, giựt dọc…. Nếu có membership của các công ty cứu nạn xe cộ như AAA, bạn có thể gọi họ đến giúp đỡ. Đó là dịch vụ “Roadside Services” (giúp đỡ khi khách hàng bị mắc kẹt giữa đường).

Một điều bất ngờ ít ai để ý là có thể bảo hiểm của bạn cũng có Roadside Services miễn phí. Nếu không chắc là mình có được hưởng quyền lợi đó hay không, bạn vẫn nên gọi thử cho hãng bảo hiểm để xin sự giúp đỡ khi bị mắc kẹt trong những trường hợp không an toàn như vậy. Nhiều tiểu bang cũng có dịch vụ Roadside Services để giúp đỡ dân lái xe mắc kẹt trên đường.

haosmith@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT