Mẹo Vặt

Sử dụng phân bón: Tìm hiểu NPK

Tuesday, 12/05/2015 - 07:00:00

Những bao phân ấy, dù là phân hữu cơ hay phân hóa học, cũng gồm có 3 thành phần dưỡng chất chính mà nhà vườn chúng ta cần hiểu rõ để sử dụng hiệu quả.

Bài VŨ HẰNG

Như các bạn đã biết, vàng đen (compost) làm tốt đất, nhưng nó cần thời gian trước khi có thể làm cho tốt cây. Vì thế, nếu trồng cây ngắn ngày, chúng ta nên dùng thêm phân bón (fertilizers) chung với vàng đen để vừa cải thiện đất vừa bồi bổ trực tiếp cho cây. Vàng đen mình có thể “luyện” thành, còn phân bón được bán sẵn ngoài cửa hàng. Những bao phân ấy, dù là phân hữu cơ hay phân hóa học, cũng gồm có 3 thành phần dưỡng chất chính mà nhà vườn chúng ta cần hiểu rõ để sử dụng hiệu quả.

Với số giữa (P) lớn như vậy, bao phân này có ích lợi ở phương diện nào: Trên, dưới, hay dọc ngang?



Trọng lượng NPK

Thành phần căn bản được biểu thị bằng 3 con số, theo thứ tự Nitrogen (N), Phosphorus (P) và Potassium (K), để qua đó chúng ta tính ra trọng lượng từng thành phần. Chẳng hạn, con số 10-10-10 trên bao phân cho biết:
- Ba thành phần NPK có tỷ lệ ngang nhau, mỗi thứ chiếm 10% trọng lượng. Giả sử bao phân cân nặng 50 pounds, thì Nitrogen chiếm 5 pounds (50 nhân 10, chia 100), Phosphorous 5 pounds, và Potassium 5 pounds, tổng cộng 15 pounds.
- Phần lớn trọng lượng còn lại (35 pounds) chỉ là những chất trung gian vô bổ, hiện diện để kết nối các “diễn viên” chính lại với nhau mà thôi.
Trên thực tế, việc tìm ra ý nghĩa những con số hơi khó hơn một chút, nhưng với một cái máy tính rẻ tiền và một vài nút bấm, chúng ta có thể biết được trọng lượng của chúng trong chớp mắt. Chẳng hạn, một bao phân cân nặng 75 pounds ghi số 18-26-4, thì mỗi thành phần là bao nhiêu?
- Với tỷ lệ 18%, Nitrogen chiếm 13.5 pounds: Con số này được suy ra dễ dàng bằng cách lấy trọng lượng bao phân (75 pounds) nhân với 18 (tỷ lệ Nitrogen), rồi chia cho 100.
- Tương tự như vậy: Với tỷ lệ 26, Phosphorous chiếm 19.50 pounds (75 x 26: 100)
- Cũng với cách tính ấy, với tỷ lệ 4, Potassium chiếm 3 pounds (75 x 4: 100)
Tổng cộng, trong bao phân 75 pounds, dưỡng chất chiếm 36 pounds (13.5 + 19.5 + 3), phần còn lại 39 pounds chỉ là chất trung gian, vô bổ. Những con số xem ra bí mật nay đã bị bật mí chỉ với một cái máy tính rẻ tiền có thể dễ dàng mua được với giá 99 cents. Chính nhờ những con số này chúng ta mới biết được giá trị thực sự bên trong, chứ không thể chỉ dựa vào trọng lượng ghi ngoài bao bì. Nói một cách khác, không phải cứ lớn là có giá trị đâu nhé!
Nhưng đến đây chúng ta không khỏi thắc mắc: Tại sao nhà sản xuất phân bón cần thay đổi tỷ lệ dưỡng chất? Là vì, nhu cầu của cây không giống nhau, mặc dầu cả 3 dưỡng chất đều cần thiết, nhưng có cây cần nhiều N, cây khác cần nhiều P, và cây khác nữa cần nhiều K….

Trên, dưới, ngang dọc

Tác dụng của từng loại dưỡng chất có thể được tóm lại trong 4 chữ: Trên, dưới, dọc ngang… áp dụng như sau:
Nitrogen (N): Là dưỡng chất biểu thị qua con số đầu tiên, Nitrogen giúp cây phát triển ở phần TRÊN mặt đất, cụ thể là làm cho cây xanh lá, rộng tàn. Thí dụ, để gây dựng một bồn cỏ xanh tươi, chúng ta phải kiếm một bao phân bón có số N lớn.
Phosphorus (P): Là dưỡng chất biểu thị qua con số đứng giữa, Phosphorus cần thiết để giúp cây phát triển phần ở DƯỚI mặt đất, đó là hệ thống rễ con, rễ cái chằng chịt. Nó cũng là dưỡng chất giúp cây đơm bông, sinh trái…. Vậy nếu có một vườn cỏ mới trồng, bạn cần dưỡng chất gì cho rễ phát triển? Hay đang cần chăm bón cho vườn hoa thêm rạng rỡ, bạn cần loại phân bón nào? Một bao phân với tỷ lệ Phosphorus cao, biểu thị qua số giữa lớn.
Potassium (K): Là dưỡng chất biểu thị qua con số cuối cùng, Potassium được coi là quan trọng đối với sức khỏe toàn diện – DỌC NGANG - của cây. Nó giúp kiến tạo những tế bào khỏe mạnh bên trong thân cây, giúp cây chống lại bệnh tật khi bị sâu rầy tấn công, hoặc lúc trái gió, trở trời. Chẳng hạn, khi trời đất vào đông, vườn cây cần được bón bằng một bao phân có số K cao để thảo mộc thêm khả năng chịu đựng bão tuyết.
Nói tóm lại, phân bón chỉ có giá trị nếu chúng ta biết cách sử dụng theo những mục tiêu được xác định rõ ràng. Nếu muốn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cây, chúng ta có thể chọn bao phân với tỷ lệ ngang bằng (10-10-10). Muốn cây đơm bông kết trái, hãy tìm bao phân với số giữa lớn hơn số đầu. Đổi ngược lại thì mình sẽ có vườn cây xanh lá mà chẳng thấy hoa trái ở đâu. Muốn cho cây cứng cáp, khỏe mạnh để đối phó sâu rầy và thời tiết khắc nghiệt, chúng ta cần một bao phân có số sau cùng và số giữa lớn hơn số đầu. Không hiểu ra như vậy mà cứ rải phân có số N cao thì nếu thảo mộc được lên tiếng, thế nào chúng cũng khiếu nại chủ vườn … dở hơi, vì bắt chúng phải ra lá trong mùa đông!

Thà không đủ còn hơn quá nhiều

Điều sau cùng, và là điều không kém phần quan trọng: Ở trên chúng ta đã biết “không phải cứ lớn là có giá trị,” bây giờ Hằng xin nhắc với các bạn rằng “không phải cứ nhiều là tốt.” Đối với vàng đen (compost), chúng ta chỉ sợ không có đủ mà xài, nhưng đối với phân bón, sử dụng phải chừng mực, dùng quá đáng khiến xót cây và tổn hại đất. Vì thế, các vị sư phụ của em mới có lời rằng “Thà không đủ còn hơn quá nhiều!” Bạn bè của ông Cả Đẫn nhà em đọc được như vậy thì xin có thêm một lời bàn: “Phải rồi, thà ít để còn thòm thèm, còn hơn quá nhiều mà … bại liệt!” Xem ra họ cũng có nhiều kinh nghiệm trồng cây đấy chứ!
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT